Một số loại bệnh trên cá chẽm nuôi
Cá chẽm (Lates calcarifer, Barramundi) là đối tượng nuôi thủy sản quan trọng, đặc biệt ở Úc. Cũng như các loài cá biển khác, việc quản lý sức khỏe cá là một trong những thách thức, quyết định sự thành bại của vụ nuôi.
Bệnh ở giai đoạn nuôi đầu
Bệnh đầu tiên gây hại cho cá chẽm là bệnh hoại tử thần kinh do virus (VNN - viral nervous necrosis), một loại bệnh dịch do nodavirus gây ra. Bệnh thường gặp ở cá bột 10 ngày tuổi, VNN gây chết lên đến 100%.
Từ giai đoạn 25 ngày tuổi, bệnh thường gặp là “bụng to” (big belly), gây ra tình trạng co cụm nghiêm trọng các cơ quan nội tạng, chướng bụng và teo cơ. Bệnh do một loài Vibrio mới được mô tả gây ra, bệnh cũng gây ra tỷ lệ tử vong nghiêm trọng.
Cá chẽm 10 ngày tuổi bị bệnh hoại tử thần kinh do virus gây ra, tỷ lệ tử vong lên đến 100%.
Các bệnh sau đó gồm: nhiễm iridovirus gây ra hội chứng xuất huyết và chết cấp tính ở cá giống nhỏ 1 g (có thể trên 85%). Ngoài ra, Tenacibaculum maritimum, một loại vi khuẩn dạng sợi gram âm, có thể gây ra các tổn thương da nghiêm trọng, với tỷ lệ tử vong bùng phát lên tới 30% ở cá từ 1 đến 100 gam.
Bệnh ở giai đoạn nuôi thương phẩm
Trong tháng đầu tiên nuôi trong lồng, cá chẽm dễ bị nhiễm ký sinh trùng monogenean nhất, đặc biệt là nhiễm ở da và mang với các loài Neobenedenia. Cá chẽm nhiễm bệnh nhanh chóng bị thối da và thối đuôi, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 100% nếu không xử lý kịp thời.
Khi cá đạt 300 gram, cá có xu hướng chống lại ký sinh trùng tốt hơn. T. maritimum cùng với sự xâm nhập của ký sinh trùng trên da, có thể gây ra hậu quả bất lợi. T. maritimum có thể làm tỷ lệ chết tăng lên trong suốt chu kỳ nuôi.
Bệnh do vi khuẩn Streptococcus iniae gây ra là căn bệnh nguy hiểm nhất, đặc trưng bởi tỷ lệ chết hàng loạt cá cỡ lớn đến cỡ thu hoạch. Tỷ lệ chết có thể thay đổi từ 30 đến 80 phần trăm trong khoảng thời gian vài ngày đến vài tuần.
Giảm stress
Để đảm bảo cơ hội thành công, các chiến lược sức khỏe cho hầu hết các hoạt động nuôi cá chẽm phải được thiết kế để giảm tác nhân gây căng thẳng. Ví dụ, ăn thịt lẫn nhau là một vấn đề nghiêm trọng ở cá chẽm. Việc phân loại thường xuyên giúp giảm hiện tượng ăn thịt nhau. Tuy nhiên, phân loại quá nhiều có thể gây nhiễm T. maritimum.
Dinh dưỡng, điều hòa miễn dịch
Dinh dưỡng tối ưu có tầm quan trọng lớn trong việc phòng chống bệnh tật, đặc biệt là đối với các vấn đề liên quan đến stress do thay đổi môi trường như biến động nhiệt độ nước hoặc do thực hành phân loại, tiêm vaccine cho cá và vận chuyển sang ao.
Để duy trì sức khỏe tốt, nên áp dụng chế độ cho ăn chất lượng cao và bổ sung các chất điều hòa miễn dịch. Việc bổ sung chất tăng cường miễn dịch sẽ giúp cá tăng khả năng đề kháng với các mối nguy tiềm tàng.
Quản lý ký sinh trùng
Ký sinh trùng là một phần của hệ sinh thái tự nhiên và việc tiêu diệt hoàn toàn là điều cực kỳ khó thực hiện. Tuy nhiên, có thể thiết kế một kế hoạch phòng chống ký sinh trùng hiệu quả. Nên thử nghiệm các chất diệt ký sinh trùng với liều lượng nhỏ trước.
Cần hiểu rõ về chu kỳ của ký sinh trùng để các biện pháp điều trị đạt hiệu quả. Chẳng hạn sán lá đơn cần đẻ trứng vào lưới để hoàn thành vòng đời của chúng. Do đó, việc xử lý lưới cũng rất quan trọng. Hiện nay, kỹ thuật hiệu quả nhất để quản lý ký sinh trùng là điều trị bằng cách tắm trong bể bạt.
Sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng
Thuốc điều trị bệnh cá điển hình là thuốc kháng sinh. Tuy nhiên việc dùng kháng sinh để điều trị những con cá bệnh có thể ảnh hưởng đến những con khỏe mạnh về mặt lâm sàng.
Việc sử dụng kháng sinh phải được thực hiện một cách có trách nhiệm để tránh sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc và tồn dư kháng sinh trong môi trường. Việc lựa chọn kháng sinh phải dựa trên kết quả thử nghiệm độ nhạy của kháng sinh và tình trạng quản lý.
Điều quan trọng là thời gian ngừng sử dụng kháng sinh phải được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, không nên sử dụng các loại kháng sinh bị cấm. Cuối cùng, điều rất quan trọng là kháng sinh phải được lấy từ những nguồn đáng tin cậy để đảm bảo chất lượng và nồng độ mong muốn của thành phần hoạt tính trong sản phẩm.
Các chương trình tiêm chủng
Vì việc thực hiện an toàn sinh học đầy đủ là rất khó trong hầu hết các trường hợp, các mầm bệnh như virus và vi khuẩn thường là một phần của hệ thống nuôi, và hầu như không thể loại trừ chúng hoàn toàn. Trong khi việc ứng dụng kháng sinh chỉ nên được coi là các giải pháp ngắn hạn hoặc cấp cứu, việc thực hiện chiến lược vaccine có thể giúp đạt được mục tiêu nuôi trồng thủy sản bền vững.
Tiêm chủng vaccine cho cá chẽm giống để chống lại vi khuẩn Streptococcus iniae
Vì S. iniae được xác định là mối đe dọa lớn nhất trong việc nuôi cá chẽm, Intervet/SPAH đã phát triển một loại vaccine bất hoạt để chống lại S. iniae. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng việc tiêm phòng một mũi tiêm trong màng bụng cá chẽm đã cung cấp mức độ bảo vệ tối đa ngay sau một tuần sau khi tiêm phòng và duy trì đến 12 tuần sau đó.
Các thí nghiệm gần đây đã chứng minh khả năng bảo vệ của vaccine ở cá lớn lên khoảng 2 đến 3 kg, khoảng hai năm sau khi tiêm. Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêm một mũi vaccine trên cá chẽm giống có khả năng bảo vệ hoàn toàn đối với bệnh nhiễm trùng S. iniae trong toàn bộ chu kỳ nuôi, và đạt khả năng bảo vệ lên đến 18 tháng sau khi tiêm trong điều kiện trang trại.
Nguồn: https://www.aquaculturealliance.org
Dịch bởi: THANH MAI – VPAS JSC