(3) Cua biển - Thiết kết và xây dựng trại sản xuất giống cua
Lựa chọn vị trí
1. Nguồn cung cấp nước biển (Seawater supply) - trại sản xuất giống phải gần các bờ cát và đá bờ biển hoặc bờ biển san hô, nơi mà có thể bơm nước biển sạch vào một cách dễ dàng. Nó phải cách xa các nguồn ô nhiễm và chất lượng nước tốt cần có sẵn trong suốt năm.
2. Nguồn điện sẵn có (Availability of electric power) - điện rất cần thiết để hỗ trợ cuộc sống và các hệ thống, thiết bị khác trong trại giống. Máy phát điện dự phòng (stand- by generator) rất cần thiết trong trường hợp nguồn điện bị gián đoạn.
3. Khả năng tiếp cận (Accessibility) - trại giống phải gần đường giao thông tốt để thuận tiện cho việc vận chuyển thiết bị, vật tư và vật nuôi. Tiếp thị sản phẩm sẽ cũng dễ dàng hơn.
4. Nguồn cung cấp nước ngọt (Freshwater supply)- nước ngọt cần thiết để rửa, vệ sinh các bể cũng như các dụng cụ khác.
5. Môi trường (Environment) - trại giống không được đặt tại các khu vực nhạy cảm với môi trường, chẳng hạn như các khu vực như khu bảo tồn.
Thiết kế và bố trí (Design and lay-out)
Kích thước của trại giống cua biển tùy thuộc vào mục tiêu sản xuất và khả năng tài chính của nhà đầu tư. Hình bên dưới là một sơ đồ bố cục của một trại giống cua có tổng dung tích các bể ương nuôi là 80 tấn. Trại giống này có khả năng sản xuất khoảng 96.000 cua giống (crablet) có kích thước 0,6 - 1,2 cm theo chiều ngang (ký hiệu là CW, xem lại bài 1) cho mỗi lần vận hành. Tỷ lệ bể nuôi với bể thức ăn tự nhiên là 1: 2-2,5.
Chất lượng nước cho cua giống: Nhiệt độ: 27 – 31 độ C, độ mặn: 22 -32 phần ngàn, hàm lượng oxy hòa tan phải lớn hơn 4, pH từ 7.5 – 8.5, amonia nhỏ hơn 1 ppm, nitrit (NO2) nhỏ hơn 0.1 ppm.
Bể ương nuôi
Để nước trong bể ương nuôi lưu thông tốt, các bể trong trại giống nên có dạng hình tròn hoặc hình chữ nhật với các góc bo tròn là tốt nhất. Đáy phải phẳng và dốc về phía cống thoát. Bể có thể được làm bằng bê tông, sợi thủy tinh hoặc gỗ có lót bạt cao su. Bề mặt vách và đáy bể phải nhẵn.
1. Bể cua bố mẹ (Broodstock tank) - bể nên có sức chứa 5 - 10 tấn nước và độ sâu 50 cm được ưu tiên. Đáy bể nên được phủ 4-5 cm cát. Dùng ống nhựa polyetylen vinyl clorua (PVC) cắt ra sao cho chúng có kích thước khoảng: đường kính 20 cm x 30 cm chiều dài để làm nơi trú ẩn cho cua bố mẹ
2. Bể ấp (Hatching tank) - Trứng cua được ấp riêng riêng trong bể 0,5 đến 1 tấn. Độ sâu bể nên vào khoảng 50 cm.
3. Bể ương nuôi ấu trùng (Larval tank)- dung tích bể từ 6 đến 20 tấn, tuy nhiên bể 10 tấn thì tiết kiệm và dễ thao tác hơn. Việc siphone đáy bể sẽ trở nên khó khăn hơn nếu đường kính của bể vượt quá 5 m hoặc độ sâu của bể hơn 1 m. Mỗi bể phải được che phủ bằng bạt hoặc tấm nhựa vào buổi tối. Tốt nhất là nên lợp bể bằng loại vật dụng mờ.
4. Bể thức ăn tự nhiên (Natural food tank) – là các bể dùng để sản xuất vi tảo và luân trùng (rotifer) cho cua giống làm thức ăn. Độ sâu bể phải từ 0,5 đến 1,0 m để đủ cho ánh sáng xuyên xuyên qua. Tấm lợp trong suốt có thể được sử dụng để tránh bị pha loãng bởi mưa.
Số lượng và thể tích bể thức ăn tự nhiên phụ thuộc vào nhu cầu hàng ngày của trại giống. Thể tích bể nuôi luân trùng không được vượt quá thể tích bể nuôi cấy vi tảo.
5. Bể ấp artemia (Artemia hatching tank) – Trứng artemia được ấp trong khoảng 24 giờ. Bể ấp nên được làm bằng vật liệu trong suốt với đáy hình nón hoặc dốc để lưu thông tốt và dễ dàng trong việc thu nauplii.
Có thể dễ dàng tách trứng chưa nở, vỏ rỗng và nauplii đã nở khi các thùng ấp, bể ấp được gắn thêm van thoát nước ở đáy. Dung tích bể có thể từ 50 đến 100 lít.
6 Bể chứa (Reservoir) - Bể chứa rất cần thiết để khử trùng bằng chlorine và/hoặc làm nơi chứa nước đã lọc hoặc đã qua xử lý để sử dụng hàng ngày. Tổng công suất bể chứa phải đạt ít nhất 50% tổng thể tích các bể ấu trùng. Tuy nhiên, bể chứa nên có nhiều hơn nhằm để dự phòng sử dụng luôn phiên khi bể khác cần phải làm vệ sinh. Để tránh tảo tăng trưởng và phát triển trong bể, cần phải có tấm lợp mờ đục hoặc lưới che bằng polyetylen.
Hệ thống sục khí
Sục khí liên tục là rất cần thiết trong hoạt động sản xuất giống để giữ cho các hạt thức ăn và thức ăn tự nhiên ở trạng thái lơ lửng, cũng như nhằm mục đích duy trì tối ưu hàm lượng oxy hòa tan. Máy thổi khí cần được sử dụng để cung cấp sục khí và cũng cần có máy dự phòng để thay thế khi có hỏng hóc xảy ra.
Cấp nước biển - Nước biển có thể được bơm trực tiếp từ biển hoặc thông qua bể hay hầm chứa khác (sump pit). Nước có thể được lọc trước qua cát hoặc bơm trực tiếp vào trại giống. Nước biển sau đó được đưa qua một hệ thống lọc cát và sỏi trên cao để xử lý lọc và chảy về bể chứa theo nguyên tắc trọng lực.
Bộ lọc cát gồm sỏi và cát đã được phân loại để lọc các kích cỡ vật chất khác nhau.
Thiết bị, dụng cụ và vật tư
1. Khúc xạ kế (Refractometer) - để đo độ mặn của nước.
2. Nhiệt kế (Thermometer) - để đo nhiệt độ nước
3. Kính hiển vi (Microscope) - để đếm tế bào tảo và luân trùng, phát hiện các chất ô nhiễm trong bể nuôi cấy và theo dõi tình trạng sức khỏe của ấu trùng cua.
4. Bộ xét nghiệm clo (Chlorine test kit) - dùng xác định lượng thiosulfate cần thiết để trung hòa hoặc khử chlorine dư thừa sau khi sát trùng.
5. Buồng đếm hồng cầu (Hemacytometer) – dùng để xác định số lượng tế bào tảo trong một thể tích nhất định
6. Buồng đếm Sedgewick Rafter (Modified Sedgewick Rafter counting chamber) – dùng để đếm luân trùng
7. Cân (Weighing scale) - để cân hóa chất và thức ăn ….
8. Dụng cụ, vật tư cho việc cấp thoát và ống mềm (Drainers and hoses) - để cấp thoát nước hoặc thay nước. Kích thước mắt lưới của lưới cho phải nhỏ hơn kích thước của ấu trùng.
9. Túi lọc (Filter bag) – kích thước mắt lước là 5 µm, dùng để lọc nước
10. Chậu, thùng (Basins, pails and dippers) - để chuẩn bị thức ăn, cho cua ăn và dùng vào các việc khác
11. Cốc, ống nghiệm, ống nhỏ giọt và ống đong chia độ (Beakers, test tubes, droppers, and graduated cylinders) - dùng để theo dõi, giám sát và cho ăn
12. Túi thu hoạch luân trùng, hộp thu hoạch và lưới xúc (Rotifer harvesting bags, harvesting boxes, and scoop nets)
13. Túi nhựa, bình ôxy đầy, hộp cứng hoặc xốp, dây thun (Plastic bags, filled oxygen tank, cardboard or styrofoam boxes, rubber bands) - để vận chuyển ấu trùng megalopae và cua con.
Nguồn: Emilia T. Quinitio, Fe Dolores Parado - Estepa - Biology and hatchery of Mud Crabs, T7.2008
Dịch bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận - VPAS JSC