Nuôi cá chim ở độ mặn thấp bằng mô hình RAS để đạt kích cỡ thị trường

Nuôi cá chim ở độ mặn thấp bằng mô hình RAS để đạt kích cỡ thị trường

Cá chim Floria (Trachinotus carolinus, tên thông thường là Pompano) phân bố ở các vùng nước ven biển Đại Tây Dương từ Massachusetts, Mỹ, đến Brazil và ở khắp Vịnh Mexico, loài cá này được ngư dân câu cá giải trí ưa thích và có giá trị thương mại nên nó được đánh giá cao. Vì vậy nó được phát triển nuôi tại Hoa Kỳ từ những năm 1960 - 1970.

Loài cá này được nghiên cứu nuôi trong hệ thống các ao, lồng hoặc bể. Kết quả nghiên cứu chung là cá lớn hơn 200 g, tăng trưởng kém, hệ số chuyển hóa thức ăn cao, tỷ lệ sống thấp, dẫn đến không thể sản xuất cá với kích cỡ thị trường lớn hơn 450 g.

 

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu sơ bộ được thực hiện tại Đại học Bang Louisiana do tác giả thực hiện đã sử dụng hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn quy mô nhỏ (RAS), duy trì độ mặn từ 23 đến 28 ppt, đã chứng minh rằng loài cá này có thể được nuôi ở mật độ tương đối thấp. từ trọng lượng ban đầu là 17 gam đến hơn 450 gam trong bốn đến năm tháng và 700 gam trong tám đến chín tháng, tỷ lệ sống là 95%.

 

 

Nghiên cứu tại Florida

 

Nuôi cá với mật độ tương đối cao có tầm quan trọng ý nghĩa đối với các hoạt động nuôi trồng thủy sản thương mại, đặc biệt là các hoạt động nuôi thủy sản sử dụng hệ thống RAS.

 

Các tác giả gần đây đã thực hiện một nghiên cứu để so sánh các đặc điểm sản xuất và thành phần cơ thể của cá chim con được nuôi theo mô hình RAS đến khi đạt kích thước thương mại ở mật độ nuôi vừa phải và mật độ cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng cá chim Floria có thể phát triển ở độ mặn thấp, cá được nuôi ở độ mặn là 5 ppt.

 

Thiết kế thử nghiệm

 

Các nghiên cứu được thực hiện trong bốn hệ thống tuần hoàn, dung tích 45 mét khối tại Cơ sở Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản trong bể tuần hoàn Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

 

Để bắt đầu thử nghiệm nuôi 110 ngày, cá chim con được nuôi từ trứng sản xuất tại chỗ được thả vào từng cặp hai bể trong bốn bể RAS với mật độ ban đầu là 6,5 (mật độ thấp) hoặc 13,0 kg mỗi mét khối (mật độ cao) - tương ứng với 200 hoặc 400 con/bể. Khối lượng trung bình của cá lúc thả là 259,0 ± 3,0 gam.

 

Khi bắt đầu thử nghiệm, 15 con cá được thu thập và bảo quản ở nhiệt độ âm 20 độ C để phân tích thành phần toàn bộ cơ thể. Sau khi thả, cá được cho ăn thức ăn viên nổi 4,7 mm, 50% protein, 14% lipid với tỷ lệ thức ăn hàng ngày là 3% trọng lượng cơ thể. Nhiệt độ nước dao động 27,0 đến 28,5 độ C.

 

Các quy trình tiêu chuẩn được sử dụng để xác định các thành phần của cá và khẩu phần ăn trong quá trình nuôi thử nghiệm. Năng lượng duy trì hệ thống, tỷ lệ hiệu suất protein và giá trị sản xuất protein cũng được xác định.

 

 

Kết quả

 

Sự khác biệt đáng kể về trọng lượng trung bình và tăng trọng thể hiện rõ giữa các nghiệm thức vào ngày 87 và 110. Trọng lượng trung bình cuối cùng là 632,2 gam ở bể cá nuôi ở mật độ thấp lớn hơn so với 570,0 gam đối với cá nuôi ở mật độ cao. Tăng trọng của cá nuôi ở mật độ thấp (371,5 g) lớn hơn so với cá nuôi ở mật độ cao (312,7 g).

 

Không có sự khác biệt đáng kể về tốc độ tăng trưởng cụ thể giữa các nghiệm thức khác nhau về mật độ. Tốc độ tăng trưởng cuối cùng của cá được nuôi ở mật độ thấp và cao lần lượt là 0,81 và 0,74% mỗi ngày. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối cuối cùng của cá được nuôi ở mật độ thấp (3,4 gam/ngày) cao hơn tốc độ (2,8 gam/ngày) đối với cá được nuôi ở mật độ cao.

 

Hiệu suất chuyển đổi thức ăn giảm dần theo thời gian, mặc dù không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức mật độ cho đến ngày 110. Khi đó, cá nuôi ở mật độ thấp cho thấy hiệu quả 29,0% so với 25,5% đối với cá nuôi ở mật độ cao. Sự khác biệt đáng kể về mức tiêu thụ thức ăn của cá nuôi ở mỗi mật độ đã được quan sát thấy ở các ngày 66, 87 và 110.

 

Không có sự khác biệt đáng kể về thành phần toàn bộ cơ thể, khả năng duy trì năng lượng, chỉ số gan và năng suất phi lê được giữa các nghiệm thức. Tuy nhiên, tỷ lệ hiệu quả về protein của cá nuôi ở mật độ thấp (0,61) lớn hơn so với cá nuôi ở mật độ cao (0,54). Ngoài ra, giá trị sản xuất protein của cá nuôi ở mật độ thấp (13,7%) cao hơn so với cá được nuôi ở mật độ cao (11,5%).

 

Các ion quan trọng

 

Trong khi nghiên cứu hạn chế đã được tiến hành để điều tra khả năng nuôi các loài sinh vật biển ở độ mặn thấp, các nghiên cứu được thực hiện cho đến nay đã chỉ ra rằng sản lượng và tỷ lệ sống có thể được tăng cường thông qua việc duy trì các ion quan trọng bao gồm canxi, magiê và kali. Trong nghiên cứu này, nồng độ sunfat, kali và magiê xấp xỉ mức dự kiến ​​trong nước biển tự nhiên pha loãng, trong khi nồng độ canxi được điều chỉnh và duy trì ở mức xấp xỉ với nồng độ dự kiến ​​ở độ mặn 15 ppt.

 

Nghiên cứu thêm

 

Kết quả của nghiên cứu này đã chứng minh rằng cá chim Florida có thể được nuôi theo quy mô thị trường với mật độ cao trong mô hình RAS với độ mặn thấp. Trong khi mật độ tăng lên làm giảm sản lượng tổng thể, các nghiên cứu bổ sung cần được thực hiện để xác định mật độ nuôi tối ưu về mặt kinh tế. Ngoài ra, phải tập trung nghiên cứu xây dựng khẩu phần ăn hoàn thiện cho các giai đoạn cuối của quá trình sản xuất cá chim để tăng hiệu quả chuyển hóa thức ăn. Nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để đánh giá tiềm năng nuôi cá chim bằng RAS ở độ mặn thấp hơn 5 ppt, có thể thông qua việc tăng cường các ion quan trọng trong môi trường và/hoặc chế độ ăn.

 

Theo https://www.globalseafood.org

 

Lược dịch bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận - VPAS JSC