Bệnh do TiLV trên cá rô phi

Bệnh do TiLV trên cá rô phi

Bệnh TiLV (Tilapia lake virus) là bệnh do vi rút có nhân ARN thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra ở cá Rô phi.

Nguồn gốc

 

Bệnh TiLV (Tilapia lake virus) là bệnh do vi rút có nhân ARN thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra ở cá Rô phi. Bệnh này được công bố lần đầu tiên vào năm 2014 tại Israel, nó đã gây ra tỉ lệ chết lên đến 80% trong vòng 10 ngày ở cá Rô phi [Eyngor và cs. 2014]. Những nghiên cứu gần đây tại Thái Lan cho thấy, tỷ lệ chết sẽ đạt đỉnh 86% (Rô phi vằn) và 66% với Rô phi đỏ trong vòng 4-12 ngày sau khi cảm nhiễm mầm bệnh [Tattiapong và cs., 2017]. Ở Việt Nam Bệnh TiLV được công bố chính thức vào tháng 7 năm 2017, với 60 mẫu cho kết quả dương tính với TiLV trên tổng số 227 mẫu đến từ các tỉnh Bắc Trung Bộ và Miền Bắc (chiếm tỉ lệ 26.43%, trong đó có 9/29 mẫu có nguồn gốc cá giống từ Việt nam và 36/135 mẫu cá giống có nguồn gốc từ Trung Quốc) [Báo cáo Cục Thú y, 10/2017].

 

Trong nuôi trồng thủy sản, bệnh TiLV thường xảy ra ở khoảng nhiệt độ từ 20-30oC và khi có hiện tượng sốc môi trường như nhiệt độ, độ mặn… [OIE, 2018; Jansen và cs. 2019]. Bệnh lây lan theo chiều ngang, từ nguồn nước hoặc từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng lồng/ao nuôi, trại nuôi, qua nguồn nước, dụng cụ nuôi [Eyngor và cs., 2014; Tattiyapong, Dachavichitlead, & Surachetpong, 2017]. Mầm bệnh có thể tồn tại ở nhớt cá, gan và ruột cá trong vòng hai tuần, vì vậy khi có cá bị nhiễm TiLV thì khả năng lây lan trong quần đàn là rất lớn, đặc biệt với các mô hình nuôi cá Rô phi với mật độ cao.

 

Đối tượng nhiễm bệnh

 

Virus TiLV gây bệnh ở các loài cá rô phi nuôi, gồm: Cá rô phi vằn (Nile tilapia, Oreochromis niloticus), cá rô phi lai tạo (O. niloticus × O. aureus hybrids) và cá rô phi đỏ/cá điêu hồng (Oreochromis sp.). Các loài cá rô phi hoang dã như cá rô phi xanh (Oreochromis aureus), cá rô phi Mango (Sarotherodon galilaeus), Tilapia zilli Tristamellasimonis intermedia cũng mẫn cảm với vi rút này. Tuy nhiên, các dấu hiệu bệnh lý ở các cá khác như cá chép, cá đối không được ghi nhận mặc dù các đối tượng này cùng sống hoặc cùng được nuôi trong một khu vực với cá Rô phi [Eyngor và cs. 2014; OIE 2018].

 

Dấu hiệu bệnh lý

 

Cá mắc bệnh có biểu hiện chán ăn, màu sắc cơ thể biến đổi (sẫm màu); thay đổi tập tính bơi lội (như tập trung ở trên bề mặt, bơi lờ đờ), ngừng kéo đàn, hôn mê trước khi chết. Một số dấu hiệu trên cơ thể gồm: hiện tượng xung huyết, xuất huyết não; ăn mòn và lở loét từ dạng điểm đến mảng trên da; mang tái nhợt; mắt bị teo lại hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; xoang bụng và hậu môn phình to; vẩy dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn [Eyngor và cs. 2014; OIE 2018; Jansen và cs., 2019].


 

 

Hình 1: Dấu hiệu bệnh lý thể hiện trên cơ thể cá khi nhiễm TiLV (Hình ảnh từ Dong & cs. 2017)


Tỷ lệ chết

 

Tỷ lệ chết tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và giống cá Rô phi, tỷ lệ chết dao động 9,2 - 90% đã được ghi nhận ở các nước Ai Cập, Israel, Thái Lan và Ecuador [Eyngor và cs. 2014]; bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống (cá con). Với giống cá rô phi đỏ nuôi lồng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ chết có thể lên tới 90% trong vòng một tháng sau thả đã diễn ra ở Thái Lan [Dong và cs. 2017]. Tỷ lệ chết cao cũng đã được báo cáo thường xảy ra trong vòng một tháng đầu khi chuyển cá từ trại giống ra lồng nuôi trên sông hoặc hồ chứa [Surachetpong và cs., 2017]. Tỷ lệ chết chỉ vượt quá 9% đối với cá có kích cỡ trung bình đến cỡ lớn (giai đoạn nuôi thương phẩm) [Fathi và cs. 2017]. Trong khi các nghiên cứu khác thì không đề cập đến tỉ lệ chết theo kích cỡ của cá [Eyngor và cs. 2014].

 

Giải pháp kiểm soát bệnh TiLV

 

Hiện nay chưa có phương pháp hiệu quả để ngăn chặn TiLV một khi nó bùng phát. Đặc biệt một số trường hợp xẩy ra hiện tượng ghép bệnh giữa TiLV với các bệnh do vi khuẩn gây lên như bệnh Nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Aeromonas spp; bệnh thối mang/vây do vi khuẩn Flavobacterium sp và bệnh xuất huyết do Streptococcus sp [Surachetpong và cs., 2017; Amal và cs., 2018]. 

 

Vì vậy, mọi giải pháp để kiểm soát bệnh này là tập trung vào công tác phòng bệnh, bao gồm: (1) thực hiện triệt để công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi cá Rô phi (kiểm tra mầm bệnh TiLV trước khi thả giống); (2) Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng vitamin và các hoạt chất tăng cường hệ miễn dịch của cá; (3) Giảm thiểu tối đa các hiện tượng sốc do môi trường, do đánh bắt và vận chuyển cá… hoặc sốc do mật độ nuôi cao [Yang và cs., 2018; OIE, 2018].

 

Nguồn: https://mavin-group.com