(4) Cua biển – Chuẩn bị bể và nước biển

(4) Cua biển – Chuẩn bị bể và nước biển

Bể đẻ cua cần được làm sạch sẽ trước khi sử dụng. Sau mỗi đợt sinh sản các bể đều phải được làm sạch, khử trùng và phơi khô kỹ càng.

Chuẩn bị bể

 

Các bước thực hiện tham khảo như sau:

 

Bước 1 - Đổ đầy nước ngọt hoặc nước biển vào các bể mới xây hoặc mới sơn và yên qua đêm.

 

Bước 2 - Xả hết nước vào ngày hôm sau. Bơm đầy nước vào bể lại và để yên trong khoảng 5 ngày.

 

Bước 3 - Xả nước và cọ rửa bể bằng nước với xà bông hoặc/và chất tẩy rửa khác. Rửa sạch lại bằng nước ngọt.

 

Bước 4  - Chuẩn bị chlorine 200 ppm trong một cái xô và phun xịt, tưới lên thành cũng như đáy bể. Chà sạch bể chứa và rửa sạch lại bằng nước ngọt.

 

Bước 5 - Để các bể khô ít nhất một ngày dưới ánh sáng mặt trời.

 

Bước 6 - Lắp đặt các vòi sục khí với các viên bọt khí cách nhau 1 m trong bể.

 

Bước 7 - Đối với các bể đã được sử dụng trước đó, hãy tiến hành thực hiện từ bước 4.

 

Xử lý nước

 

Nước để nuôi tảo, giữ cua bố mẹ và nuôi ấu trùng cần được xử lý bằng chlorine 10-15 ppm, để qua đêm trong bể chứa. Canxi hypochlorite (chlorine) là một chất oxy hóa, có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi sinh vật có hại rất mạnh. Chlorine cũng độc đối với cua, vì vậy nước cần được sục khí mạnh để giải phóng dư lượng clo hoặc được xử lý trung hòa bằng natri thiosunfat nhằm khử hoạt tính của dư lượng trước khi sử dụng với tỷ lệ là 1:7 (mg/lit) hoặc theo hướng dẫn bên dưới.

 

Có thể tham khảo cách khử trùng nước biển bằng chlorine theo hướng dẫn dưới đây:

 

Bước 1 - Bơm nước biển vào bể chứa.

 

Bước 2 - Xác định khối lượng chlorine cần thiết để khử trùng theo công thức như sau:

 

W = (C x V)/P

 

Trong đó:

 

W = là khối lượng của chlorine cần dùng (tính bằng gam, sau khi tính toán xong có thể đổi sang thành kg để dễ thực hiện)

 

C = nồng độ mong muốn (ppm) của chlorine (thường là 10-15 ppm)

 

V = khối lượng nước biển cần được xử lý (tính bằng tấn)

 

P = tỷ lệ phần trăm của chlorine trong sản phẩm (xem nhãn loại sản phẩm đã mua)

 

 

Hình - một loại chlorine phổ biến trên thị trường, hàm lượng 70%, tức là chữ P trong công thức trên.

 

Bước 3 - Hòa tan chlorine trong một thùng nước. Khuấy hoặc sục khí đều.

 

Bước 4 - Cho dung dịch đã chuẩn bị vào bể chứa nước. Sục khí mạnh.

 

Bước 5 - Sau 12 - 24 giờ, sục khí mạnh và thêm natri thiosunfat để trung hòa chlo dư sau khi đã đo hàm lượng clo bằng test kit.

 

Sử dụng natri thiosunfat

 

Bước 1 - Lấy khoảng 10 mL nước đã khử trùng bằng clo từ bể chứa.

 

Bước 2 - Nhỏ 3-4 giọt dung dịch orthotoluidine vào mẫu nước. Lắc đều và thấy màu vàng xuất hiện.

 

Bước 3 - Xác định lượng (ppm) clo dư bằng cách so màu.

 

Bước 4 - Nhân lượng tương ứng (ppm) với tổng khối lượng (tính bằng tấn) nước được khử clo. Kết quả sẽ cho biết trọng lượng (g) của natri thiosunfat cần được sử dụng.

 

Bước 5 - Cân natri thiosunfat và hòa tan trong một lượng nhỏ nước ngọt. Sục khí trong 30 phút đến 1 giờ.

 

Bước 6 - Thêm natri thiosunfat đã hòa tan vào nước đã khử trùng bằng clo.

 

Bước 7 - Đo lại lượng clo dư trong nước sau 30 phút. Clo dư phải bằng 0 trước khi sử dụng nước; nếu chưa đạt yêu cầu, hãy lặp lại các bước 1-7.

 

Lưu ý các bước từ 1 – 3 có thể khác nhau tùy theo hướng dẫn thực hiện đo clo trong nước của các bộ test kit khác nhau.

 

Hình một bộ test kit kiểm tra chlo

 

Nguồn: Emilia T. Quinitio, Fe Dolores Parado - Estepa - Biology and hatchery of Mud Crabs, T7.2008

 

Dịch bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận - VPAS JSC