(1) Ký sinh trùng, bệnh và dị hình trên cá bớp

(1) Ký sinh trùng, bệnh và dị hình trên cá bớp

Cũng giống như các loài cá nước ấm khác, cá giò hầu như đều bị nhiễm các ký sinh trùng tương tự, bệnh tương tự cũng như các dị hình khác. Trong tự nhiên, cá bớp có tất cả các ký sinh trùng thông thường như sán, giun, giáp xác chân chèo…xâm nhập qua đường tiêu hóa, mang và da

Cá bớp (cá giò) - Rachycentron canadum - là một loài cá nước ấm được tìm thấy ở vùng nhiệt đới và vùng biển cận nhiệt đới. Cá bớp đã được nuôi ở Đài Loan từ đầu những năm 1990 và ngày nay các hoạt động nuôi trồng cá bớp lan rộng khắp Đông Nam Á và Đông Á, ở Vịnh Mexico, biển Caribe cũng như ở Hoa Kỳ. Nhiều quốc gia khác hiện đang xem xét cá bớp như một loài mới để phát triển nuôi trồng thủy sản.

 

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với loài này do nhiều đặc điểm xuất sắc của nó: tăng trưởng tốt (có thể đạt khối lượng 6 kg trong chu kỳ sản xuất dài một năm), có thể nuôi trong ao, lồng lưới và hệ thống nuôi tuần hoàn, chất lượng phi lê cao và thịt ngon. Chúng dễ dàng sử dụng thức ăn công nghiệp và đáp ứng tốt với các loại protein thay thế trong chế độ ăn của chúng.

 

Tuy nhiên, các hoạt động nuôi mở rộng đã đi kèm với việc gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh thường gặp và cả các bệnh mới xuất hiện. Để hỗ trợ các nhà sản xuất hiện tại và tiềm năng cũng như các nhà nghiên cứu, bài viết sau đây cung cấp một cái nhìn tổng quan về các tài liệu đã xuất bản về các bệnh, ký sinh trùng và dị hình cơ thể của cá bớp.

 

 

Cũng giống như các loài cá nước ấm khác, cá giò hầu như đều bị nhiễm các ký sinh trùng tương tự, bệnh tương tự cũng như các dị hình khác. Trong tự nhiên, cá bớp có tất cả các ký sinh trùng thông thường như sán, giun, giáp xác chân chèo…xâm nhập qua đường tiêu hóa, mang và da. Mặc dù vậy, cường độ mắc phải ký sinh trùng của cá bớp có phần nhẹ hơn so với các loài cá nước ấm khác.

 

Đài Loan xếp hạng nhiễm ký sinh trùng chỉ đứng sau bệnh do vi khuẩn với tỷ lệ nhiễm bệnh ở cá bớp nuôi là 28%. Nói chung, tác động của ký sinh trùng về sức khỏe động vật có tương quan với mức độ nhiễm bệnh. Nhiễm ký sinh trùng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng và có lẽ quan trọng hơn đó là cung cấp cơ hội cho các tác nhân gây bệnh khác.

 

Ký sinh trùng giáp xác

 

Nếu không được điều trị, động vật giáp xác ký sinh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Có mười loài được báo cáo là nhiễm cá bớp. Các loài giáp xác ký sinh thường có các cơ quan đặc biệt để neo vào các mô của vật chủ. Một số ký sinh trùng giáp xác khác có thể di chuyển tự do trên bề mặt vật chủ gây hoại tử lan rộng và phá vỡ lớp chất nhầy bảo vệ của da tại các điểm neo hoặc các điểm tiếp xúc.

 

Kích thước và tuổi của vật chủ, tình trạng sức khoẻ của vật chủ, loài của ký sinh trùng, và các giai đoạn phát triển hiện tại, ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vết thương nặng có thể dẫn đến chết vật chủ do mất cân bằng thẩm thấu hoặc do cung cấp các điểm xâm nhập cho các mầm bệnh khác.

 

Thiệt hại kinh tế phát sinh khác so với tỷ lệ chết trực tiếp của cá nuôi nói chung là do giảm tốc độ tăng trưởng của cá bị nhiễm bệnh, tác động tiêu cực đến các phần thịt ăn được và chi phí liên quan đến phương pháp điều trị.

 

 

Cá giò nuôi dễ bị nhiễm rận biển Caligus lalandei (Chang và Wang, 2000), C. translateus (Ho và cộng sự, 2004). Đã có báo cáo về các biểu hiện bệnh do Parapetalus Occidentalis gây ra. Trong tự nhiên, cá bớp có thể nhiễm ký sinh trùng C. coryphaenae (Causey, 1953), Lernaeolophus sultanus kết hợp với Conchoderma virgatum barnacle (Dawson, 1969), Tuxophorus caligodes, Euryphorus nordmanni, L. longiventris, L. hemiramphiC. haemulonis, (Bunkley - Wiliams và Williams, 2006).

 

Ký sinh trùng Metazoan

 

Ký sinh trùng Digenean đã được mô tả từ cá giò ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Vịnh Mexico và Biển Đông. Digenea gây bệnh cho cá bớp rất đa dạng, các loài ký sinh trùng trên cá bớp ở vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, Việt Nam đã được tìm thấy bởi Arthur và Te bao gồm Aponurus carangis, Bucephalus varicus, Derogenes varicus, Dinurus selari, Lepidapedon megalaspi, Neometanematobothrioides rachycentri, Paracryptogonimus morosovi, Phyllodistomum parukhini, Stephanostomum imparispine, Tormopsolus filiformis và Tubulovesicula angusticauda. Các loài digenean khác đã được phân lập từ cá giò bao gồm: Tormopsolus spatulum, Pseudolepidapedon pudens, Lecithochirium monticellii, Stephanostomum dentatum, S. cloacum S. pseudoditrematis, S. microsomum, S. rachycentronis, Mabiarama prevesiculata, Plerurus digitatus, Sclerodistomum rachycentri và S. cobia.

 

Sán lá đơn chủ hay còn gọi là sán lá (fluke) hoặc giun dẹp (flatworm), ký sinh trên da, mang và vây của cá. Một số loài có thể được tìm thấy trong ruột, khoang cơ thể và cả hệ thống mạch máu. Chúng gắn vào vật chủ bằng các loại móc (hook) hoặc giác hút (sucker). Dionchus rachycentris D. agassizi phá hoại mang cá bớp đã được mô tả ở cá hoang dã. Ở cá bớp nuôi lồng dưới trưởng thành, Neobenedenia girellae đã được được ghi nhận gây hoại tử trên diện rộng vùng đầu lưng, cùng với nhiễm khuẩn Streptococcus, cuối cùng gây mù cho động vật bị nhiễm bệnh.

 

Sán dây (tapeworm) là thành viên của lớp Cestoidea và ở các loài cá hai các giai đoạn vòng đời có thể được tìm thấy: giun trưởng thành sống trong đường ruột trong khi plerocercoids được tìm thấy trong nội tạng và mô cơ. Sán dây có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng và có tác động tiêu cực đến hiệu quả thức ăn. Hơn nữa, đối với một số loài, sán dây còn tác động tiêu cực đến năng suất sinh sản của vật chủ. Cá giò cũng bị nhiễm Nybelinia bisulcata, Callitetrarhynchus gracilis, Rhinebothrium flexile, Rhynchobothrium longispine Trypanorhyncha sp.

 

Giun tròn hoặc giun đũa (nematodes hoặc roundworms) thường xuất hiện ngay cả ở cá khỏe mạnh nhưng khi phát triển với số lượng nhiều, sự xâm nhập của giun đũa có thể gây chết cá. Giun đũa nói chung là những con giun hình trụ, nhẵn và dài, giúp phân biệt chúng với những con sán dây từng đoạn. Tương tự như sán dây, chúng có thể làm giảm năng suất sinh sản và có tác động tiêu cực về hiệu quả chuyển đổi thức ăn dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng và năng suất tổng thể của đàn cá nuôi.

 

Tổn thất kinh tế cũng có thể xảy ra giun có thể làm tổn thương và khoát lỗ trên mô và cơ. Chúng có thể gây xuất huyết và phát triển thành các u trên cơ thể từ đó làm giảm giá trị của phi lê. Cho đến nay, không có thông tin về sự xâm nhập của giun đũa ở cá bớp nuôi nhốt nhưng ở các loài nuôi khác, nhiễm trùng nghiêm trọng có liên quan đến hoại tử mô xung quanh vị trí xâm nhập của ruột. Điều này có thể cung cấp các cơ hội xâm nhập của vi khuẩn và các bệnh nhiễm trùng khác.

 

Acanthocephalans, còn được gọi là giun đầu gai (spiny–headed worms ) gây ra thiệt hại cho các mô vật chủ do quá trình gắn kết của chúng trong ruột và các giai đoạn ấu trùng trong cơ và các mô khác.

 

Myxosproridia

 

Ký sinh trùng Myxosporidian là nguyên nhân chính gây thiệt hại trong quá trình nuôi cá bớp. Đã có các báo cáo cá chết hàng loạt ở giai đoạn 45 – 80 g do ký sinh trùng Sphaerospora lây nhiễm với 90% tử vong trong vòng 30 ngày sau khi phát hiện.

 

Cá bị nhiễm bệnh có biểu hiện đổi màu, thiếu máu và thận to ra, biểu hiện bởi các nốt hình cầu màu kem. Extrasporogonic hay còn gọi là các giai đoạn sinh bào tử của Sphaerospora được quan sát thấy trong máu, cầu thận và ống thận. Các ống thận đôi khi bị tắc hoàn toàn. Để hoàn thành vòng đời của mình, ký sinh trùng myxosporidian cần một vật chủ trung gian là động vật không xương sống, chẳng hạn như annelid (giun đốt) hoặc bryozoans (loại động vật hình rêu sống trong nước). Các loài Myxidium, Ceratomyxa, MyxobolusKudoa có khả năng làm cho cá trở nên yếu ớt và chết trong quá trình nuôi cá bớp.

 

Nguồn: E. McLean, G. Salze, S. R. Craig - PARASITES, DISEASES AND DEFORMITIES OF COBIA - Ribarstvo 66, 2008, (1), 1—16

 

Dịch bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận – VPAS JSC