Vì sao việc kiểm soát bệnh đốm trắng trên tôm nuôi gặp nhiều khó khăn

Vì sao việc kiểm soát bệnh đốm trắng trên tôm nuôi gặp nhiều khó khăn

Bất kỳ ai đã từng nuôi tôm cũng đều biết rằng, bệnh đốm trắng có thể xóa sạch một trang trại trong vòng ba ngày. Tôm có thể vẫn khỏe mạnh, ăn bình thường nhưng sau đó thì nhanh chóng chết tất cả chỉ trong vài ngày

Bất kỳ ai đã từng nuôi tôm cũng đều biết rằng, bệnh đốm trắng có thể xóa sạch một trang trại trong vòng ba ngày. Tôm có thể vẫn khỏe mạnh, ăn bình thường nhưng sau đó thì nhanh chóng chết tất cả chỉ trong ba ngày. Những đợt dịch virus đốm trắng sau này có thể không nghiêm trọng về tỷ lệ chết, nhưng điều này không có nhiều ý nghĩa vì tôm vẫn chết với tỷ lệ lớn ở bất kỳ kích cỡ nào.  Vậy người nuôi có thể làm được những gì? Đầu tiên chúng ta cần xem xét một số thông tin sau đây:


1. Cần ghi nhớ rằng, các trang trại nuôi tôm không phải là môi trường tự nhiên. Trong tự nhiên, tôm không sống trong các ao nuôi với mật độ cao và ăn thức ăn viên, chúng có môi trường sống cực kỳ “sang trọng” và mật độ rất thấp. Trong các ao nuôi mật độ rất thấp (chẳng hạn như môi trường nuôi quảng canh – người dịch), đốm trắng gần như không hiện diện bất chấp các biện pháp an toàn sinh học có được đảm bảo hay không. Nuôi với mật độ cao là nguyên nhân gây nên “stress” và điều này có lợi cho virus đốm trắng phát triển mạnh trong môi trường ao, sự lây lan cũng nhanh chóng hơn bởi mật độ nuôi cao hơn so với điều kiện sống trong tự nhiên, chẳng hạn những con tôm bị nhiễm bệnh trở nên yếu đi hoặc chết sẽ dễ dàng bị những con mạnh khỏe hơn ăn thịt.


2. Virus đốm trắng có thể tồn tại và phát triển trong nhiều loại sinh vật khác nhau (từ hàng chục đến hàng trăm loại sinh vật). Các sinh vật này có thể là những động vật, ở đó virus đốm trắng có thể sống, nhân lên nhiều lần nhưng không làm cho vật chủ chết, chúng “thải” virus ra môi trường. Một số loài sinh vật khác có thể chết vì đốm trắng (chẳng hạn như cua, còng và các loài tôm khác). Những sinh vật bị nhiễm WSSV này – như đã nói ở trên – dễ dàng bị tiêu diệt bởi những con mạnh khỏe hơn và tôm nuôi trong ao qua đó tạo điều kiện tốt cho sự lây lan trong đàn.


3. Virus có cấu trúc di truyền plasmid (vật chất di truyền DNA nằm trong tế bào chất, thay vì nằm trong nhân - người dịch). Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều biến thể khác nhau của virus có thể gây bệnh và lây nhiễm trong một đợt dịch. Có sự tồn tại của một áp lực chọn lọc mạnh mẽ giữa các biến thể này nhằm chống lại các biến thể virus có khả năng tiêu diệt tôm nuôi (vật chủ) quá nhanh. Điều này đã được quan sát và công nhận với nhiều loại bệnh khác nhau, không chỉ riêng với bệnh đốm trắng. Khi một tác nhân gây bệnh quá mạnh, chúng có xu hướng tự tiêu diệt. "Chiến lược dài hạn và tốt nhất" của mầm bệnh cho sự tồn tại của chính chúng là không tiêu diệt hoàn toàn vật chủ.


4. Tôm nuôi không phải chỉ bị tiêu diệt bởi mầm bệnh đốm trắng đơn lẻ. Tôm nuôi rất nhạy cảm với các loại mầm bệnh khác nhau đặc biệt trong điều kiện bị “stress” và virus đốm trắng có thể phối hợp hoạt động với vi khuẩn, nấm, protozoa và các loại virus khác để gây bệnh chẳng hạn như cách chúng tạo ra các chất độc để tiêu diệt tôm nuôi.


Một số nguyên lý cơ bản về an toàn sinh học đã được phát triển để ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của virus đốm trắng, chẳng hạn như:


1. Lọc, khử trùng nước trước khi đưa vào ao nuôi để đảm bảo sạch virus gây bệnh và không có các vật chủ mang mầm bệnh.


2. Làm hàng rào ngăn chặn cua, còng (một dạng vật chủ mang mầm bệnh) xâm nhập vào ao nuôi.


3. Thả giống sạch bệnh (SPF) vì tôm giống SPF thì không mang mầm bệnh virus.


4. Khử trùng dụng cụ và hạn chế dùng chung vật dụng giữa các ao. Khử trùng xe cộ ra vào trang trại …


5. Làm lưới chống chim vì chim có thể di chuyển từ ao này sang ao khác và có thể mang theo những con tôm bị bệnh mà chúng tiêu thụ dở dang.


Trên đây là những bước cơ bản của một thủ tục an toàn sinh học, tuy nhiên vấn đề đặt ra là vì sao biện pháp an toàn sinh học này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả, và tôm nuôi vẫn cứ bùng phát bệnh đốm trắng. Theo tác giả, có ba nguyên nhân chính sau đây:


1. Đầu tiên, các nguyên tắc về khử trùng không được thực hiện đủ mạnh hoặc không đúng cách. Chlorine là chất khử trùng được sử dụng rộng rãi và phổ biến. Tuy nhiên, sai lầm của chúng ta là không đánh giá đầy đủ tác dụng của nó. Chlorine dễ dàng phản ứng với vật chất hữu cơ trong ao nuôi và qua đó làm suy giảm tác dụng của chúng. Sử dụng chlorine trong ao không lót bạt có thể diệt phần lớn virus trong môi trường nước nhưng “bể nước chứa virus” này không phải là mối nguy lớn nhất. Trong các ao lót bạt, hiệu quả chlorine có tăng lên, tuy nhiên tại nhiều ao, bạt lại không còn tốt hoặc không đạt chất lượng cần thiết dẫn đến việc “khuếch tán” các mầm bệnh vào bên dưới lớp bạt, điều này vô tình làm cho bên dưới lớp bạt trở thành một “bể chứa mầm bệnh” vĩnh viễn. Một số loại thuốc trừ sâu được sử dụng với niềm tin là có thể loại bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh, tuy nhiên thực tế chúng chỉ có khả năng loại bỏ bớt phần nào đó quần thể vật chủ này và hoàn toàn không thể tiêu diệt được trứng hoặc bào tử của chúng trong trầm tích ao hồ, thậm chí ngay cả trong môi trường nước.


2. Giống sạch bệnh SPF có thể thực sự không phải là sạch bệnh. Có nhiều nguyên tắc nghiêm ngặt cần được thực hiện để tạo ra một đàn giống SPF bao gồm việc kiểm dịch và giám sát chặt chẽ đàn tôm bố mẹ. Có những bằng chứng cho thấy rằng, mầm bệnh đốm trắng có thể không hoạt động trong những con tôm mang mầm bệnh và kết quả PCR là âm tính, nhưng chúng có thể bộc phát tại một thời điểm thuận lợi ngay sau đó. Tôm giống được sản xuất trong một hệ thống mở có nguy cơ mang mầm bệnh rất cao và không phải là sạch bệnh.


3. Một số sản phẩm được quảng cáo là có khả năng tiêu diệt virus đốm trắng nhưng thực tế thì không phải như vậy và người nuôi phải trả giá đắt cho những quảng cáo kiểu như vậy.


Vậy người nuôi cần phải làm gì?


1. Phải thả giống thực sự sạch bệnh, và chúng phải được sản xuất từ từ những con tôm bố mẹ sạch bệnh trong hệ thống kín, quản lý và giám sát nghiêm ngặt. Những trang trại sản xuất như thế này phải tách biệt và không nằm gần vùng nuôi. Các thủ tục về an toàn sinh học cho trại giống phải phù hợp và trại giống nên tiêu hủy những con tôm yếu, tôm bệnh thay vì cố gắng làm giảm tỷ lệ chết của chúng.


2. Xây dựng qui tắc khử trùng đặc thù riêng cho trang trại của bạn mà không cần phải bám sát những ứng dụng cơ bản, chẳng hạn cần phải loại bỏ lớp đất bề mặt ao nuôi, phơi ao kỹ trước khi lấy nước từng phần sau đó, sử dụng thuốc sát trùng với liều cực cao, gia cố bạt sau mỗi vụ nuôi hoặc sử dụng bạt thật sự có chất lượng.


3. Làm giảm sự xâm nhập của virus vào ao nuôi (chẳng hạn như xây dựng một hàng rào an toàn sinh học ở mức cao trong trang trại của mình – người dịch), điều này cũng có thể giúp làm giảm độc lực của mầm bệnh.


4. Lưu ý đến việc nuôi ghép với cá, vì cá có thể ăn tôm bệnh, tôm chết ngay và như thế chúng sẽ ngăn chặn việc lây lan bệnh trong bầy đàn.


5. Thả nuôi với mật độ vừa phải, phù hợp với năng lực hệ thống của bạn. Bạn có thể thả ít tôm hơn nhưng bạn sẽ có tỷ lệ sống tốt hơn và thu hoạch tôm với kích cỡ lớn hơn.


Nguồn: https://www.aqua-in-tech.com/newman-publications.html


Dịch bởi: KS NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN – VPAS JSC