Vermiform có phải là một loại giun sán trong gan tụy không?

Vermiform có phải là một loại giun sán trong gan tụy không?

Nghiên cứu mô tả Vermiform được hình thành do sự tróc ra, chuyển dạng và cuộn lại của các vi nhung mao (microvilli) của tế bào biểu mô ống gan tụy (Aggregated Transformed Microvilli: ATM).

Vermiform không phải là một sinh vật

 

Vermiform là thuật ngữ khoa học tiếng Anh được cấu thành từ từ gốc tiếng Latin gồm vermes có nghĩa là giun và formes là được tạo thành dạng.

 

Vermiform có phải là sinh vật ?

 

Kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) cho thấy: Màng ngoài không thành lớp của các nhóm hình như con giun không giống với một màng sinh chất hoặc lớp ngoài của bất kỳ nhóm nguyên sinh động vật (gregarine), sinh vật đơn bào (protozoa) hoặc sinh vật đa bào (metazoa) nào khác được biết đến. Các bào quan dưới tế bào như ty thể, nhân, mạng lưới nội chất và ribosome đều không có.

 

Như vậy vermiform là “vật thể” có hình dạng giống như giun mà không phải là một sinh vật, đó không phải là ký sinh trùng như một số tài liệu trong nước trước đây đã đề cập đến. 

 

Do sự hiểu lầm này mà nhiều nơi vẫn đang gọi Vermiform là giun sán, do vậy các sản phẩm “xổ giun sán Vermiform” là hoàn toàn sai lầm và không có lợi ích gì cho tôm.

 

Vậy Vermiform do đâu và quan sát bằng cách nào

 

Nghiên cứu mô tả Vermiform được hình thành do sự tróc ra, chuyển dạng và cuộn lại của các vi nhung mao (microvilli) của tế bào biểu mô ống gan tụy (Aggregated Transformed Microvilli: ATM). Bên trong ATM có chứa vật thể giống cấu trúc nang bào tử, về sau này được xác định là tế bào biểu mô gan tụy bị hoại tử và bong tróc. Từ gan tụy, vermiform sẽ xuống ruột và tích tụ dày đặc ở đó.

 

Khi quan sát dưới kính hiển vi, Vermiform có hình dạng, kích cỡ và màu sắc khá tương đồng với kí sinh trùng gregarine. Tuy nhiên Vermiform không có cấu trúc nhân tế bào và bộ phận bám E (Epimerite) như kí sinh trùng gregarine.

 

Bằng mắt thường thì không thể quan sát được vermiform vì nó nằm trong lòng ống gan tụy. Chỉ ở những trường hợp tôm bị bệnh nặng dần chuyển sang hội chứng phân trắng thì vermiform sẽ dày đặc ở ruột thì mới quan sát được thông qua các sợi phân trắng hoặc vàng, nhẹ nổi trên nước hoặc trong vó.

 

Hiện nay, Vermiform có thể được phát hiện khi soi tươi mẫu gan tụy hay chất chứa ở đường ruột dưới kính hiển vi quang học, nếu nhân viên có chuyên môn đã được đào tạo về kỹ thuật quan sát này.

 

Vermiform là một biểu hiện của quá trình bệnh lý hay biểu hiện của tổn thương gan tụy

 

Nguyên nhân của ATM (vermiform) hiện chưa rõ, nhưng sự hình thành do mất vi nhung mao (microvilli) và quá trình ly giải tế bào tiếp theo cho thấy sự hình thành của chúng là một quá trình bệnh lý.

 

Quá trình này có khả năng tác động xấu đến sức tăng trưởng tôm và tỉ lệ sống, khiến tôm bị nhiễm mầm bệnh cơ hội, trong trường hợp rất nghiêm trọng có thể dẫn đến hiện tượng gọi là hội chứng phân trắng (WFS). Điều này thường xảy ra ở tôm trên 2 tháng tuổi và nó có thể đi kèm với tỷ lệ chết cao.

 

Một cuộc giám sát về sự bùng phát hội chứng phân trắng (WFS) ở tôm thẻ được thực hiện từ năm 2009 - 2010 ở Thái Lan trong 25 ao từ 13 trang trại để xác định mối quan hệ giữa hội chứng phân trắng (WFS) và vermiform Các kết quả cho thấy 96% (24/25) ao biểu hiện hội chứng phân trắng (WFS) chứa mẫu vật tôm có vermiform. Ao bị ảnh hưởng nghiêm trọng biểu hiện giảm tỷ lệ sống từ 20% - ​​30% so với bình thường. Tăng trưởng bình quân/ ngày (ADG) < 0.1g/ ngày, so với bình thường là 0.2g/ ngày. Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR từ 1.7 – 2.5 so với bình thường 1.5.

 

ATM (vermiform) đôi khi xảy ra ở cùng với tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp AHPND, bệnh khác do Vibrio và vi bào tử trùng EHP gây chậm lớn (Enterocytozoon Hepatopenaei).

 

Nguồnhttps://vinhthinhbiostadt.com/