Độ mặn ảnh hưởng đến bệnh EHP trên tôm thẻ chân trắng

Độ mặn ảnh hưởng đến bệnh EHP trên tôm thẻ chân trắng

Độ mặn của các ao nuôi tôm đã được chứng minh là có tác động lớn đến sự phổ biến của Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).

Theo nghiên cứu mới của Đại học Arizona, độ mặn của các ao nuôi tôm đã được chứng minh là có tác động lớn đến sự phổ biến của Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).

 

Tôm thẻ chân trắng là loài rộng muối (euryhaline – có thể sống trong nhiều độ mặn khác nhau), vì vậy chúng tôi quan tâm đến việc tìm hiểu xem EHP có lây nhiễm cho loài ở độ mặn cao (30 ppt), trung bình (15 ppt) và thấp (2 ppt) với tỷ lệ như nhau hay không.

 

Bệnh quan trọng

 

EHP có lẽ là bệnh quan trọng nhất hiện nay trong nuôi tôm, bệnh đã được báo cáo xuất hiện ở các nước nuôi tôm tại châu Á bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và cả Venezuela

 

Các dấu hiệu lâm sàng chính của EHP là tôm chậm phát triển và “lòi xòi” (nhiều kích thước khác nhau trong ao). Trong giai đoạn tiến triển của bệnh, tôm nhiễm EHP thường có biểu hiện mềm vỏ và chết mãn tính. Trong một số trường hợp, sự đồng nhiễm của EHP và Vibrio spp. có thể dẫn đến sự phát triển của hội chứng phân trắng (WFS). EHP cũng gây ra các tổn thương trong gan tụy.

 

 

Hình tôm chân trắng bị mềm vỏ khi nhiễm EHP - Nguồn hình ảnh Dr. Luis Aranguren

 

Trong các báo cáo về bệnh EHP cho thấy tôm có thể bị nhiễm bệnh này ở mọi độ mặn từ 5 – 55 phần ngàn. Tỷ lệ mắc bệnh ở các ao có độ mặn cao thì cao hơn là ở độ mặn thấp, nhưng chưa có nghiên cứu nào chứng minh mối quan hệ có thể có giữa độ mặn và mức độ nhiễm EHP.

 

Nghiên cứu này được thực hiện để xem xét việc trên và các nhà khoa học tại Đại học Arizona dùng phân tôm để thực hiện các cảm nhiểm EHP trong thí nghiệm của mình.

 

Kết quả nghiên cứu

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm EHP ở ao nuôi có độ mặn 30 ppt cao hơn ở mức 2 ppt và 15 ppt.

 

Nghiên cứu này cũng đã chứng minh rằng phân tôm cũng là nguồn lây nhiễm EHP trong ao do đặc tính ăn lại phân hoặc chất thải của chúng (detritivorous behaviour). Mô bệnh học của mô gan tụy được phân tích từ tôm nuôi thử nghiệm ở ba độ mặn khác nhau cho thấy các tổn thương đặc trưng của nhiễm EHP bao gồm sự hiện diện của plasmodium trong tế bào chất của tế bào biểu mô bị nhiễm, bào tử trưởng thành trong bào tương hoặc bào tử phóng thích trong lòng ống gan tụy.

 

Nguồn: https://thefishsite.com/

 

Lược dịch bởi: KS. CHÂU NGỌC SƠN – VPAS JSC

 

Tìm hiểu thêm về EHP tại các link sau đây:

 

1. https://vpas.com.vn/ehp-va-giai-phap-phong-tri-benh

 

2. https://vpas.com.vn/ehp-va-giai-phap-phong-tri-benh-phan-2