Mọi điều cần biết về EMS (phần 1)

Mọi điều cần biết về EMS (phần 1)

Năm 2018, FAO (tổ chức lương nông Liên Hiệp Quốc) báo cáo sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại là 114,5 triệu tấn, trị giá 263,6 tỷ USD doanh thu từ trang trại

Năm 2018, FAO (tổ chức lương nông Liên Hiệp Quốc) báo cáo sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại là 114,5 triệu tấn, trị giá 263,6 tỷ USD doanh thu từ trang trại. Sản lượng giáp xác là 9,4 triệu tấn, trị giá 69,3 tỷ USD - 52,9% trong số đó là tôm thẻ chân trắng. Một trong những bệnh phức tạp nhất trong nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng, là hội chứng tôm chết sớm (EMS), còn được gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Kể từ khi được phát hiện vào năm 2009, EMS/AHPND đã là một trong những thách thức chính trong nuôi tôm. Sau khi được phát hiện ở Trung Quốc, EMS đã lây lan sang nhiều quốc gia ở Đông Nam Á. Do tỷ lệ chết cao, nhiều nước sản xuất tôm bị ảnh hưởng bởi EMS/AHPND đã giảm đáng kể sản lượng và doanh thu xuất khẩu.

 

EMS/AHPND là gì?

 

Vào năm 2009, đã có một đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng khiến tôm thẻ và tôm sú chết với tỷ lệ cao ở miền nam Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu ban đầu gọi bệnh này là hội chứng tôm chết sớm (EMS) hoặc hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS). Đến năm 2010, ngày càng nhiều trang trại tại Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi hội chứng này. Năm 2011, EMS/AHPNS đã được phát hiện ở Việt Nam và Malaysia. Bệnh này cũng đã được xác nhận ở Thái Lan vào năm 2012.

 

 

Các nhà nghiên cứu ban đầu bối rối bởi nguyên nhân gây ra EMS/AHPNS. Đã có một số giả thuyết, chẳng hạn như chất độc trong môi trường và các tác nhân lây nhiễm, nhưng các nghiên cứu trong lĩnh vực này đều thất bại.

 

Vấn đề hóc búa này đã được giải quyết vào năm 2013 bởi Loc Tran và phát hiện đột phá của nhóm chỉ ra rằng EMS bị gây ra bởi một dòng vi khuẩn, vibrio parahaemolyticus, có mặt ở khắp nơi trong nước nuôi. Với kiến ​​thức tốt hơn về tác nhân lây nhiễm, một tên riêng cho EMS/AHPNS đã được đề xuất, đó là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND).

 

AHPND lây nhiễm cho tôm con hoặc hậu ấu trùng (post larvae) tôm thẻ và tôm sú, với tỷ lệ chết 100% trong vòng 10 đến 35 ngày sau khi thả giống. Vi khuẩn V. parahaemolyticus, được tìm thấy tự nhiên ở các vùng nước ven biển và cửa sông và gây bệnh EMS/AHPND, chứa hai gen độc hại - Pir A và Pir B. Các loài không phải là V.parahaemolyticus như V. campbellii, V. harveyi, V. owensiiV. punensis cũng được phát hiện có chứa các gen độc hại và có thể gây ra EMS/AHPND. Trong chế độ an toàn sinh học thấp, vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan giữa các ao và các trang trại lân cận qua nước thải.

 

EMS/AHPND có thể được phát hiện bằng cách nhìn vào các dấu hiệu bệnh lý của tôm, bao gồm gan tụy nhợt nhạt, teo, vỏ mềm và một phần ruột luôn rỗng. Tuy nhiên, để xác định bệnh, cần phải kiểm tra mô học trong phòng thí nghiệm. Trong giai đoạn cấp tính, tôm bị nhiễm AHPND sẽ có biểu hiện bong tróc các tế bào biểu mô ống trong gan tụy.

 

 

Các trại giống là một trong những nguồn lây chính của EMS/AHPND, có thể gây bùng phát sớm nhất là 14 ngày sau khi thả giống. Bệnh cũng có thể lây lan qua, xâm nhập vào ao qua thiết bị, chim, cua hoặc nếu nó không được loại bỏ khỏi chu kỳ sản xuất trước đó của ao. Tôm dễ bị nhiễm bệnh hơn trong một số điều kiện môi trường nhất định thúc đẩy sự sinh sôi của vi khuẩn. Các yếu tố này bao gồm:

 

- Mức độ dinh dưỡng cao trong nước ao từ việc bổ sung phân bón hoặc mật đường.

- Nước có nhiệt độ cao, độ mặn lớn hơn 5 ppt và pH lớn hơn 7.

- Lưu thông nước kém và đa dạng sinh học sinh vật phù du thấp.

- Sự tích tụ của các chất cặn hữu cơ, chẳng hạn như thức ăn thừa và xác tôm.

 

Tổn thất do EMS gây ra

 

EMS/AHPND đã tàn phá ngành nuôi tôm ở Châu Á trong 10 năm qua. Một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực là Thái Lan, nước sản xuất tôm lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc trước AHPND và hiện đã rơi xuống vị trí thứ sáu.

 

Kể từ khi bùng phát EMS/AHPND vào năm 2012, sản lượng tôm của Thái Lan đã bị sụt giảm đáng kể. Tổng sản lượng giảm 54% trong giai đoạn 2009 - 2014. Số trang trại cũng giảm 16%, trong khi diện tích đất được sử dụng để sản xuất tôm giảm 10%. Một báo cáo khác cho biết từ năm 2010–2016, bệnh này đã gây ra thiệt hại tài chính lên tới 11,58 tỷ USD ở Thái Lan và hơn 100.000 người bị mất việc làm.

 

Các quốc gia bị ảnh hưởng khác không bị thiệt hại nhiều như Thái Lan, nhưng thiệt hại vẫn rất đáng kể. Ví dụ tại Việt Nam, AHPND đã gây thiệt hại 2,56 tỷ USD kể từ khi xuất hiện lần đầu vào năm 2011. Nhiều nước sản xuất tôm bị ảnh hưởng bởi AHPND vẫn đang phục hồi sau đợt bùng phát và nhiều nước khác không bị ảnh hưởng đang chuẩn bị nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của nó.

 

Bài học từ Thái Lan

 

Là quốc gia sản xuất tôm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Thái Lan vẫn đang phục hồi sau đợt bùng phát EMS/AHPND. Người nuôi ở Thái Lan đã bắt đầu chuyển đổi phương thức canh tác để chống lại vi khuẩn Vibrio spp. và ngăn chặn một đợt bùng phát khác. Một thiết kế trang trại thâm canh mới đã được phát triển nhằm mục đích duy trì đáy ao sạch sẽ. Thiết kế mới dựa trên hệ thống tuần hoàn và dòng chảy, với bốn thành phần quan trọng:

 

- Gia tăng diện tích xử lý nước

- Kích thước ao nuôi thương phẩm nhỏ hơn

- Hệ thống thoát nước giữa ao, gọi là nhà vệ sinh cho tôm

- Tăng cường hệ thống sục khí

 

Tỷ lệ diện tích ao chứa và ao nuôi thương phẩm đã được thay đổi đáng kể, từ 20%:80% lên 60%:40%. Việc tăng thể tích của các ao chứa cung cấp nhiều nước hơn và có thể thay nước nhiều hơn trong chu kỳ nuôi giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và quản lý chất lượng nước được tốt hơn. Cá rô phi và/hoặc cá măng sữa cũng được nuôi trong hệ thống cấp nước, nước từ các khu vực tiền xử lý được chuyển sang ao cá rô phi hoặc cá măng sữa, chúng được thả với mật độ 1-2 kg/m2. Cả hai sinh vật trên đều có thể giúp duy trì chất lượng nước tốt và cải thiện chất lượng mùn bã hữu cơ bằng cách ăn các chất thải có trong nước.

 

 

Sau đó, nước được chuyển sang ao nuôi thương phẩm đã được lót bạt nhựa HDPE tránh xói mòn đáy ao do sục khí cao. Kích thước ao nuôi thương phẩm được giảm xuống để tối ưu hóa quá trình oxy hóa đồng thời tận dụng hiệu quả chuyển động của nước để đẩy bùn bã về phía hố si phon. Diện tích bề mặt ao nuôi giảm từ trung bình 8.000 m2 xuống 1.500 m2, hoặc thậm chí nhỏ nhất là 500 m2 và được bù đắp bằng cột nước sâu tới 3 mét để có thể nuôi với mật độ cao hơn.

 

Trong khi đó, nhà vệ sinh của tôm được tận dụng để gom cặn bã vào một chỗ qua đó có thể loại bỏ dễ dàng ra khỏi ao nuôi thương phẩm. Diện tích bề mặt được khuyến nghị cho khu vệ sinh tôm là 5 – 7 % tổng diện tích ao và đáy ao phải có độ dốc 25–30 độ được lót bằng ni lông để bùn dễ rơi vào bên trong hơn. Cần sục khí không ngừng để đảm bảo đẩy hết cặn bẩn xuống hố. Ngân sách năng lượng cho sục khí có thể khác nhau, tùy thuộc vào độ sâu và diện tích ao, nhưng thông thường là khoảng 70 đến 100 mã lực (hp) cho mỗi ha.

 

 

Khi chu trình kết thúc, nước sẽ được chuyển trở lại khu vực tiền xử lý nhằm giảm lượng nước có thể có hàm lượng mầm bệnh cao. Nhờ đó, nó làm giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh từ các nguồn bên ngoài qua đó nó cũng làm tăng tính bền vững của trang trại.

 

Nhờ những cải tiến trên mà sản lượng tôm của Thái Lan đang tăng lên. Các hệ thống mới này yêu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải tiến đội ngũ quản lý. Quá trình chuyển đổi này cần thời gian và đòi hỏi sự đồng thuận, sự hỗ trợ tài chính đáng kể của quốc gia, điều này đã dẫn đến sự hợp nhất mạnh mẽ của ngành. Cần lưu ý rằng Thái Lan có các điều kiện khác, chẳng hạn như thuế và cơ cấu ngành công nghiệp quốc gia, điều này đã hạn chế sự mở rộng của ngành sau EMS.

 

Nguồnthefishsite.com

 

Dịch bởi: Ngọc Hân Mai - VPAS JSC

 

Trong bài có sử dụng một số hình ảnh từ internet