Cuộc chiến chống EMS

Cuộc chiến chống EMS

Karunanithi Muthusamy là giám đốc kỹ thuật cho Syndel Asia Sdn.Bhd, Malaysia, ông có 25 năm kinh nghiệm làm việc trong các trang trại nuôi tôm tại Indonesia, Malaysia và Papua New Guinea. Với bài viết này, Karananithi đưa ra các giải pháp đề nghị của mình nhằm giúp giảm thiểu EMS và cho phép kéo dài vụ nuôi trên 70 ngày.

Do ảnh hưởng của EMS, sản lượng tôm của Malaysia giảm hơn 60% kể từ năm 2011, tuy nhiên do nhu cầu trong nước ổn định nên giá tôm có thể tăng đến 70%. Hiện tại, người nuôi Malaysia có thể giảm tỷ lệ chết và nuôi đến giai đoạn 70 ngày. Nếu thu hoạch dưới 60 ngày tuổi, kích cỡ chỉ đạt khoảng 100 con/kg và có thể bán với giá 23 MYR/kg (MYR là đơn vị tiền tệ Malaysia – đồng Ringgit, 01 Ringgit tương đương khoảng 6.550 đồng Việt Nam – người dịch ), tức tương đương 7,2 USD/kg (giá tham khảo ngày 17/10/2013). Người thu mua tôm sẵn sàng trả cao hơn giá này nếu như nguồn cung ổn định. Trước khi EMS tấn công Malaysia, giá bình quân của tôm có kích cỡ 100 con/kg chỉ vào khoảng 7 MYR/kg, chi phí sản xuất hiện nay khoảng trên 10 MYR/kg, vì vậy người nuôi sẽ có lợi nhuận rất tốt với giá tôm cao kỷ lục hiện nay.

 

Nhiều nhóm nghiên cứu đã hình thành để đi tìm nguyên nhân chính của EMS. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều tranh luận về guyên nhân thực sự của bệnh. Dr.Lighner – Đại học Arizona, Hoa Kỳ - phát hiện nguyên nhân của EMS là do dòng đặc biệt của Vibrio parahaemolyticus , trong khi đó Dr. Chalor Limsuwan – Đại học Kasesart, Thái Lan – cho rằng tôm giống chỉ cần nhiễm Vibrio harveyi , ông có thể tái tạo ra các triệu chứng bệnh tương tự EMS. Các nhà đầu tư và nông dân mong muốn biết nguyên nhân gây ra bệnh nhưng không có thời gian để chờ đợi kết quả nguyên nhân chính xác là gì. Chúng tôi chỉ cần biết nguyên nhân là do vi khuẩn và chúng tôi hành động bằng cách tiến về phía trước, cố gắng giảm thiểu tác động của mầm bệnh bằng những cải tiến trong hoạt động nuôi trồng. Chúng tôi sử dụng những phát hiện khoa học này để làm làm cơ sở cho những hoạt động đó.

 

SẢN XUẤT TÔM GIỐNG CẬN HUYẾT

 

Trong năm năm qua, chúng ta đã tạo ra những đàn giống với tính trạng siêu tăng trưởng. Thông thường, điều này được thực hiện bằng cách chọn lọc các chủng, dòng tôm với tính trạng tăng trưởng nhanh và sau đó nhân giống để có những dòng tôm siêu tăng trưởng. Khi chúng ta chỉ tập trung vào việc này thì sẽ mang đến những vấn đề tiêu cực khác, chẳng hạn như khả năng kháng bệnh của những dòng tôm mới không được lưu tâm. Dr.Chalor và nhóm của ông tại Đại học Kasesart cho rằng giao phối cận huyết những dòng tôm tăng trưởng nhanh đã đẩy nhanh tốc độ bùng phát EMS, bởi vì tôm con sẽ trở nên yếu đi và dễ mẫn cảm hơn với bệnh. Báo cáo từ trại giống giờ đây cũng cho thấy rằng, tôm bố mẹ sinh sản bằng phương pháp cắt mắt cũng chết sớm. Trước đây, tôm bố mẹ cắt mắt được sử dụng cho sinh sản nhiều lần trước khi loại bỏ chúng. Dr. Limsuwan khuyến cáo rằng, nên cho sinh sản tự nhiên – thay vì cắt mắt – để tạo ra những đàn giống có thể tăng trưởng chậm hơn nhưng ngược lại chúng sẽ khỏe mạnh hơn.

 

TẠI TRẠI GIỐNG

 

Trong thời kỳ hoàng kim của tôm sú, các trại giống luôn cung cấp tài liệu kiểm tra chất lượng chi tiết lô tôm giống mà họ cung cấp cho người nuôi. Tuy nhiên, khi người nuôi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng vì WSSV (bệnh đốm trắng) bùng phát, tôm giống chân trắng được cung cấp có nguồn gốc từ bố mẹ sạch bệnh (SPF) do vậy mà hành động này biến mất. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cho thấy lý do vì sao chúng tôi khuyên các trại giống nên tiếp tục thực hiện các hồ sơ kiểm tra chất lượng tôm giống khi sản xuất và cung cấp chúng cho người nuôi.

 

Trong trại giống, việc kiểm tra chất lượng nên chú ý ít nhất 13 điểm trọng yếu như bảng bên dưới và ít nhất phải đáp ứng 80% các tiêu chuẩn trên. Chúng tôi luôn khuyên khách hàng của chúng tôi nên thả con giống PL12 trở lên, bởi vì ở giai đoạn tuổi này thì mang và gan tụy của chúng mới phát triển hoàn chỉnh.

 

Zalo

 

Vì sao chúng tôi khuyên nên thực hiện các bước kiểm soát chất lượng trên? Vì ở Malaysia, 80% tôm giống kém chất lượng đóng vai trò quan trọng cho việc bùng phát EMS. Chúng tôi cũng nghi ngờ về mật độ của trứng, ấu trùng (zoea và mysis) trong các trại giống quá cao, điều này làm cho đàn giống luôn phải đối phó với điều kiện ương gây stress thường xuyên.

 

Các trại sản xuất giống cần phải mời người nuôi đến thăm và cùng nhau kiểm tra chất lượng giống, thực hiện kiểm tra sốc nước ngọt, formaline, so sánh các lô giống với nhau, tìm hiểu kỹ từng lô giống và lựa chọn lô giống tốt nhất. Trước khi quyết định mua một lô giống nào đó, người nuôi và trại giống cần phải trao đổi với nhau về thông tin kỹ thuật. Người nuôi và trại giống thực sự cần làm việc gần gũi nhau hơn để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh.

 

TẠI AO NUÔI THƯƠNG PHẨM

 

Khi tôm giống được chuyển đến ao nuôi thịt, có rất nhiều yếu tố thủy lý hóa thay đổi có thể làm cho tôm bị stress và dễ dàng nhiễm bệnh, các thay đổi này có thể là hàm lượng khoáng chất rất thấp trong giai đoạn đầu, tảo chưa ổn định, hàm lượng oxy thấp (thấp hơn trại giống), khác biệt về nhiệt độ, độ mặn, pH và điều kiện thời tiết thay đổi bên ngoài. Một số khuyến cáo hiện nay như phải duy trì pH thấp xung quanh ngưỡng 7,6 không phải là điều kiện lý tưởng để tôm phát triển. Ở pH thấp, tính độc của H2S tăng cao. Ở giai đoạn 30 ngày đầu, tôm lột xác liên tục hàng ngày và đây cũng chính là thời gian dễ nhiễm bệnh nhất của chúng.

 

Chính vì vậy, yêu cầu khoáng chất trong môi trường là cực kỳ quan trọng, nó cần phải được duy trì ở mức tối ưu hoặc cao hơn một chút. Khi hàm lượng khoáng chất giảm dưới mức 50% thì tôm sẽ bị mềm vỏ và khả năng nhiễm bệnh - bao gồm EMS - sẽ tăng lên. Chúng tôi khuyên nên duy trì pH ở mức 7,8 – 8,1, khoáng cần được bổ sung thường xuyên, các việc làm cần thiết khác là cần phải cải thiện khả năng miễn dịch của tôm chẳng hạn như bổ sung các chất kích thích miễn dịch, vitamin và khoáng chất.

 

Chúng ta cần phải biết rằng, khi tôm được thả vào ao nuôi, chúng phải thường xuyên đối diện với sự tấn công của mầm bệnh, chúng sẽ dễ dàng bị nhiễm bệnh nếu như khả năng miễm dịch của chúng suy giảm. Thông qua kết quả nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn tại trang trại nuôi, chúng tôi thấy rằng EMS có thể gây ra bởi mối liên kết và tác động qua lại của nhiều mầm bệnh, phóng thích độc tố và kết hợp với nhiều độc tố không xác định khác của tảo lam cũng như sự hiện diện của H2S. Kết hợp với sự hiện diện Vibrio là các yếu tố môi trường bất lợi như pH thấp ( nhỏ hơn 7,6), hàm lượng khoáng chất thấp trong giai đoạn nuôi đầu, dư thừa thức ăn trong 30 ngày đầu. Tất cả những yếu tố này tấn công trực tiếp vào tôm nuôi và gây nên EMS, đặc biệt với tôm mới lột xác. Cần nhớ rằng, mềm vỏ là một triệu chứng lâm sàng quan trọng của EMS.

 

Trong các ao đất, tác nhân gây bệnh thường phát triển trong lớp mùn bã hữu cơ hoặc trong lớp đất đen sâu vài xăng ti mét bên dưới đáy ao, nơi mà trị số pH thường thấp (khoảng 5,5) và nhiệt độ vào khoảng 20 độ C. Đối với các ao nuôi phủ bạt hoàn toàn (bao gồm đáy ao), người nuôi thường không biết rằng tác nhân gây bệnh và H2S tích lũy bên dưới lớp bạt, nơi có điều kiện yếm khí.

 

Giải pháp mà chúng tôi khuyên nên làm là “quay trở lại các kiến thức cơ bản về nuôi tôm”, khoáng hóa đất đai bằng cách cày xới chúng, bổ sung khoáng chất, giải phóng H2S, tăng pH đất, duy trì chất lượng nước tốt trong suốt quá trình nuôi, quản lý cho ăn chặt chẽ để ngăn chặn EMS.

 

Bảng bên dưới cho thấy các dấu hiệu cơ bản trước khi nhiễm EMS

 

Zalo

 

pH ĐƯỜNG RUỘT

 

pH đường ruột cũng là một chỉ tiêu quan trọng mà chúng ta cần để ý tới. Biến động pH đường ruột làm ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa chức năng gan tụy. pH đường ruột tôm ở khoảng trung tính, xung quanh 7 (Maurice, 2013). Tôm thẻ chân trắng ăn tích cực hơn tôm sú, và như thế thì rất nhiều chất độc có thể xâm nhập vào đường tiêu hóa, pH đường ruột có thể tăng hơn 7. Điều này làm cho tôm khó tiêu hóa hơn, chất dinh dưỡng không được hấp thu triệt để…vì vậy mà cần phải bổ sung thêm probiotic vào đường ruột, nấm men hoặc chất có khả năng làm giảm pH đường ruột.

 

KIỂM SOÁT EMS

 

Nhiều nông dân cho chúng tôi biết là EMS thường bùng phát vào giai đoạn triều cường và thời gian trăng tròn. Chúng tôi khuyên người nuôi như sau:

 

03 ngày trước và 02 ngày sau khi trăng tròn hoặc triều cường nên giảm lượng thức ăn khoảng 50% - 80%, tất cả các thông số chất lượng nước cần được điều chỉnh ở mức tối ưu, bổ sung khoáng chất … và kiểm tra mật số Vibrio (gồm Vibrio parahaemolyticus và Vibrio harveyi ) trong gan tụy.

 

TRƯỜNG HỢP BỊ NHIỄM EMS

 

Trong trường hợp bị nhiễm EMS, các bước sau đây cần được thực hiện khẩn cấp:

 

- Bước đầu tiên là cần mở tất cả các quạt nước trong khoảng thời gian từ 5 – 8 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc ngưng cho ăn trong khoảng thời gian này, tùy theo tỷ lệ chết. Bước thứ hai là tiến hành sát trùng ao nuôi để giảm mật độ vi khuẩn. Bước 3 là bón vôi CaCO3 để điều chỉnh pH ổn định 7,8 – 8,1. Kiềm được gia tăng đến mức 130/130 ppm. Cuối cùng là tăng cường khoáng chất đến mức tối ưu vào ban đêm.

 

- Ngày thứ 2 nên bổ sung probiotic với liều gấp đôi vào môi trường nước để cải thiện chất lượng nước. Phương pháp này được tiếp tục áp dụng vào ngày kế tiếp.

 

- Ngày thứ 4, sử dụng proiotic có khả năng xử lý tầng đáy ao nuôi với liều gấp đôi.

 

Chỉ nên cho ăn lại khi không còn tôm chết trong vó với liều lượng bằng khoảng 30% lượng thức ăn bình thường, sau đó tăng dần lên khoảng 500 gam/100.000 tôm. Thức ăn nên được trộn với probiotic, khoáng chất, chất tăng cường miễn dịch và chất bổ sung lipid.

 

Bằng cách này, chúng tôi hy vọng rằng năm 2014 sẽ là một năm tốt đẹp cho người nuôi Malaysia.

 

Lược dịch bởi: KS. NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN - VPAS JSC

 

Nguồn: AQUACULTURE ASIA PACIFIC - THÁNG 11-12/2013 - VOLOUME 9 - NUMBER 6