Xu hướng và thách thức của ngành thức ăn thủy sản tại Indonesia

Xu hướng và thách thức của ngành thức ăn thủy sản tại Indonesia

Các nhà sản xuất thức ăn thủy sản tại Indonesisa đang ngày càng hướng đến việc sử dụng các thành phần thay thế bột cá và đậu nành sẵn có và bền vững tại địa phương. Xu hướng này diễn ra ở cả nhà sản xuất thức ăn công nghiệp lẫn người nuôi tự sản xuất thức ăn.

Do Covid 19, nhu cầu tiêu thụ cá giảm sút nên nhiều người nuôi đã giảm hoặc hoãn việc thả cá, tôm. Điều này làm giảm nhu cầu về thức ăn thủy sản trong nước. Dựa trên dữ liệu của Hiệp hội các nhà máy thức ăn chăn nuôi Indonesia (Gabungan Perusahaan Makanan Ternak/GPMT), tăng trưởng trung bình của thức ăn thủy sản trong nước, giai đoạn 2017-2019 là 7,4% - tăng từ 1,55 lên 1,79 triệu tấn. Tuy nhiên, sau đó giảm 8,2% vào năm 2020 xuống 1,64 triệu tấn và dự đoán sẽ giảm thêm 1,6% trong năm nay, xuống còn 1,62 triệu tấn.

 

Mặc dù  vậy, với xu hướng giảm đáng kể các trường hợp mắc bệnh Covid-19 và tỷ lệ tiêm phòng ngày càng tăng trong cộng đồng, sản lượng nuôi trồng thủy sản được dự đoán sẽ phục hồi nhanh chóng trong những tháng tới và hy vọng sẽ tốt hơn nhiều trong năm mới.

 

Bất chấp sự sụt giảm trong hai năm qua, ngành thức ăn thủy sản ở Indonesia vẫn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, và đặc biệt là chính phủ đã đặt mục tiêu tăng sản lượng nuôi trồng, trong đó tập trung cao vào ngành tôm với mục tiêu tăng 250% về giá trị vào năm 2024. Mulyono cho biết đã có 25 công ty thức ăn thủy sản là thành viên của GPMT và sẽ sớm có thêm hai hoặc ba thành viên mới. Một số công ty hiện tại cũng đã tung ra các sản phẩm mới và mở các nhà máy mới để tăng sản lượng của họ.

 

Tập trung vào các thành phần thức ăn thay thế bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc

 

Mulyono nhấn mạnh rằng thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp thức ăn thủy sản phải đối mặt ngày nay là tìm kiếm các nguyên liệu thô thay thế, cụ thể là để thay thế bột cá làm nguồn cung cấp protein chính. Điều này đưa ra những cân nhắc sâu hơn như các loại lựa chọn thay thế, khả năng truy xuất nguồn gốc, duy trì giá cả cạnh tranh, tính bền vững và duy trì nguồn cung cấp liên tục. Ngành công nghiệp phải sản xuất thức ăn chăn nuôi tốt hơn về khẩu phần ăn, nhưng vẫn có giá cả phù hợp cho người chăn nuôi.

 

 

Giá thức ăn là mối quan tâm lớn đối với người nuôi cá, đặc biệt là những người sản xuất cá nước ngọt. Giá các loại cá như cá tra, cá rô phi, cá tra và cá chép có xu hướng thấp, không giống như tôm và các loài thủy sản nước mặn khác. Đối với ngành nuôi cá, thức ăn có thể chiếm tới 80% chi phí sản xuất.

 

Trong một cuộc hội thảo về thức ăn thủy sản, Giáo sư Agus Suprayudi, một nhà dinh dưỡng học và nhà nghiên cứu từ Đại học IPB, đã từng nói rằng thức ăn chăn nuôi tốt không nên chỉ được đo lường về chất lượng mà còn phải tốt từ góc độ kinh doanh cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng. Tốt cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, đại lý thức ăn, nhà bán lẻ, và cũng phải tốt cho người nuôi về giá cả cũng như chất lượng của nó.

 

Việc truy xuất nguồn gốc và tính bền vững của nguyên liệu thô cũng phải được xem xét, đặc biệt đối với thức ăn cho tôm, vì tôm của Indonesia chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Các thị trường này yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoàn toàn - từ địa điểm trang trại, đến nguyên liệu thô của thức ăn được sử dụng.

 

Một vấn đề quan trọng khác là nguồn gốc của các thành phần thức ăn thay thế. Suprayudi lập luận rằng các bên liên quan đến thức ăn chăn nuôi phải sử dụng nhiều nguyên liệu thô tại địa phương hơn để họ không phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu tại chỗ phải được mở rộng quy mô công nghiệp.

 

Một số lựa chọn thay thế địa phương đã được thử là bột ấu trùng ruồi lính đen (black soldier fly larvae meal), bột hạt cao su (rubber seed meal - Hevea brasiliensis) và bột hạt đậu rồng (winged bean meal - Psophocarpus tetragonolobus). Chúng đã được thử nghiệm trên một số loài cá nước ngọt, bao gồm cá da trơn, cá rô phi và cá chép. Suprayudi cho biết kết quả rất hứa hẹn và tất cả các nguyên liệu thô này đều có hàm lượng protein dao động từ 41,27 - 45,35% và có cấu trúc axit amin thiết yếu tương tự như bột cá.

 

 

Chính phủ có thể trợ giúp bằng cách ưu tiên phát triển những nguyên liệu thô có nguồn gốc địa phương, để các cơ quan nghiên cứu có thể tập trung vào chúng. Bằng sáng chế có thể đóng vai trò như một động lực cho các tổ chức thành công trong việc phát triển các nguyên liệu thô tại địa phương và có thể được công nghiệp hóa.

 

Thức ăn chức năng sẽ là một xu hướng mới

 

Nếu chúng ta khám phá sâu hơn, việc phát triển các nguyên liệu thay thế để thay thế bột cá có thể hướng tới hai mục tiêu. Một là tìm kiếm nguyên liệu thô để bổ sung hoặc thay thế protein do bột cá cung cấp, hai là tìm kiếm nguyên liệu thô có chứa các axit amin thiết yếu đặc biệt cần thiết cho cá và tôm.

 

Chủ đề này là chuyên môn của Romi Novriadi, một nhà nghiên cứu và giảng viên tại Đại học kỹ thuật tủy sản Jakarta (Politeknik AUP). Novriadi lập luận rằng trọng tâm phát triển thức ăn cho cá và tôm trong tương lai có thể chuyển từ việc đảm bảo hàm lượng protein chính xác sang tối ưu hóa cấu hình axit amin thiết yếu tạo nên protein - hay nói cách khác là phát triển thức ăn chức năng.

 

Novriadi nói :“Nếu chúng ta có thể đáp ứng các axit amin thiết yếu cụ thể, động vật thủy sản sẽ phát triển tốt với bất kỳ mức protein nào”.

 

Các nhà sản xuất thức ăn độc lập

 

Cũng như các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn, các doanh nhân cũng có cơ hội trong ngành thức ăn thủy sản. Một số người nuôi cá sáng tạo, những người cần thức ăn rẻ hơn cho cá của họ đã tìm cách tự chế biến thức ăn và thành lập Hiệp hội Thức ăn Độc lập Quốc gia Indonesia (Asosisi Pakan Mandiri Nasional/APMN). Hầu hết họ tự sản xuất thức ăn cho mình, nhưng nếu hiệu quả sử dụng thức ăn tốt, họ có xu hướng mở rộng quy mô sản xuất, phục vụ trước hết cho các hộ nông dân khác trong khu vực của họ. Hiện có 40 thành viên đã đăng ký APMN trên khắp Indonesia.

 

Chủ tịch của APMN, Syafruddin Darmawan, cũng là một nông dân nuôi cá tra, tuyên bố rằng trong nửa đầu năm nay, sản lượng thức ăn của APMN đã đạt 42.700 tấn. Tuy nhiên, ông dự đoán rằng sản lượng trong quý II sẽ giảm do sự hạn chế di chuyển sau đợt Covid-19 thứ hai, bắt đầu vào đầu tháng Sáu.

 

Một trong những thách thức chính đối với những người sản xuất thức ăn chăn nuôi độc lập là sự sẵn có của các nguyên liệu thô thay thế. Họ cũng nên tìm kiếm các thành phần thay thế địa phương - cả nguồn gốc động vật và thực vật - cho bột cá và bột đậu nành.

 

Darmawan cho biết: “Việc áp dụng khoa học và công nghệ trong công thức thức ăn thủy sản chưa được áp dụng rộng rãi, mặc dù nó khá đơn giản”

 

Ông cũng khuyến khích chính phủ xây dựng một hệ thống hậu cần ở mỗi khu vực trồng trọt, nhằm giúp đảm bảo sự sẵn có và liên tục của nguyên liệu thô với giá cả phải chăng cho mọi nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi độc lập.

 

Theo Thefishsite.com