Xây dựng cơ sở hạ tầng ương 500 ngàn tôm thẻ chân trắng

Xây dựng cơ sở hạ tầng ương 500 ngàn tôm thẻ chân trắng

Câu hỏi: Để ương 500.000 con tôm thì cần xây dựng bể ương như thế nào, cần các vật tư gì để có thể ương được? Chi phí xây dựng hết bao nhiêu?

Xây dựng cơ sở hạ tầng

 

Chi tiết xây dựng một hệ thống ương tôm cơ bản cụ thể như sau:

 

Đối với nhu cầu lượng tôm cần thả ương là 500.000 con thì bạn cần xây dựng hệ thống bể ương có thể tích 100m3 để sử dụng. Với thể tích này, bạn có thể ương từ 200.000 - 1.000.000 con tôm post trong khoảng thời gian từ 15 ngày đến 25 ngày.

 

Chi tiết một hệ thống ương 100m3 bao gồm:

 

- Bể ương 100m3;

 

- Bể xử lý nước riêng 100m3, tức là thể tích dự trữ nước để thay trong quá trình ương là tương đương ít nhất bằng thể tích bể ương.

 

- Hệ thống mái che cho bể ương và bể xử lý nước;

 

- Hệ thống cung cấp oxy và tạo dòng chảy;

 

- Hệ thống điện và máy phát dự phòng;

 

 

Chi tiết cách thức xây dựng và chi phí

 

Bể ương 100m3: bể ương có thể có dạng hình tròn, hình vuông hoặc hình chữ nhật tùy thuộc vào mô hình ương mấy giai đoạn và điều kiện thực tế tại vị trí đặt bể ương. Chất liệu làm bể có thể dùng ống thép, làm bằng bê tông, vật liệu composite và đơn giản hơn là ao đất trải bạt. Riêng bể ương dạng hình tròn đang được sử dụng nhiều vì nó có lợi thế rất lớn trong ương tôm như: chi phí vận hành thấp hơn các dạng bể khác có cùng thể tích; hiệu quả gom chất thải tốt nhờ vào lực li tâm của dòng chảy, nhất là bể tròn khung sắt trải bạt đang được sử dụng rộng rãi vì tính tiện dụng, lắp đặt nhanh chóng và giá thành hợp lý.

 

Đối với các loại vật liệu còn lại như bể làm bằng chất liệu composite thì độ bền và hiệu quả tốt hơn chất liệu khung sắt tuy nhiên giá thành củng cao hơn; còn bể tròn dựng đất lót bạt có chi phí xây dựng thấp hơn nhưng có nhược điểm là chi phí vận hành và trang thiết bị nhiều hơn, dễ bám dơ, lắng tụ lơ lững ở thành bể gây nhớt bạt và đóng rong hơn, đối với những vị trí trũng thấp sẽ gây đọng nước dưới đáy bạt làm tăng độ ẩm, tích trữ vi khuẩn gây bệnh và mầm bệnh sẽ dễ thẩm thấu vào trong bể ương. Vậy nên cho dù sử dụng loại vật liệu nào để làm thì củng nên chuẩn bị kỹ phần nền đặt bể ương, nền luôn được san bằng, tạo độ dốc về hố xi phông khoảng 10% để hiệu quả gom chất thải được tốt hơn, chú ý đặt thêm ống thoát nước để nền đáy bể luôn được khô và loại bỏ các chướng ngại vật có thể gây thủng bạt khi đưa đưa nước vào vận hành.

 

Hiện nay chi phí xây dựng hoàn thiện một bể ương 100m3 dao động khoảng 15 – 20 triệu đồng ( bao gồm: khung sắt, bạt lót, hệ thống ống, van xả nước xi phông hoàn thiện). Tuy nhiên chi phí này củng có thể giảm hơn nếu như mình tự thi công để phù hợp theo mong muốn và điều kiện tại trang trại của mình nhưng phải đảm tính chắc chắn, hoạt động hiệu quả và không phát sinh sự cố trong quá trình vận hành. Một bể ương được thiết kế chắc chắn, bài bản, thẩm mĩ cao giúp quá trình ương được thuận lợi hơn, góp phần thể hiện sự chuyên nghiệp của người chủ trang trại.

 

 

Bể xử lý nước riêng 100m3: bể này chỉ dùng để xử lý nước sử dụng cho bể ương nên chỉ cần đặt gần bể ương, có hố gom chất thải để quá trình vệ sinh được thuận tiện. Thường bể xử lý được làm bằng ao đất trải bạt để giảm chi phí. Có thể làm bể theo dạng hình tròn, hình vuông hay chữ nhật đều được, chủ yếu thiết kế phù hợp và tận dụng tối đa phần diện tích sẵn có. Chi phí làm bể này tương đối thấp, vào khoảng 3 – 5 triệu đồng cho tiền bạt lót và một số vật tư kèm theo.

 

Hệ thống mái che: để đảm bảo tuân thủ các quy tắc về an toàn sinh học và hạn chế dịch bệnh cho hệ thống ương thì giải pháp sử dụng nhà ương có mái che ( che được nắng và ngăn được nước mưa) là hướng đi rất đúng đắn. Thường mái che cho bể ương có thể được thiết kế che bằng các tấm lưới lan hay các dạng màng phủ chuyên dụng dùng trong ngành nông nghiệp. Có thể lựa chọn cách che các màng phủ bằng hệ thống cáp, dây văng xung quanh toàn bộ bể ương hoặc sử dụng khung sườn làm bằng ống sắt chịu lực để mái che được kiên cố và thời gian sử dụng được lâu hơn. Chi phí cho mái che phụ thuộc nhiều vào mức độ đầu tư của trang trại, mức thấp nhất để có được một mái che cơ bản cho hệ thống bể ương và bể xử lý nước riêng vào khoảng 2 – 3 triệu đồng.

 

Hệ thống cung cấp oxy và tạo dòng chảy: đối với bể ương tròn khung sắt 100m3 được chúng tôi bố trí hệ thống oxy theo ba vòng. Vòng thứ nhất là vòng oxy đi sát thành bể ương và chạy dọc theo hết chu vi của bể, vòng này ngoài tác dụng cung cấp oxy là chính thì nó còn giúp tạo dòng chảy từ thành bể ương ra hướng trung tâm và hướng về hố xi phông. Vòng thứ hai là các vòng oxy được đặt trong những dụng cụ chuyên dùng để tạo dòng chảy ( chúng tôi gọi là hệ thống tạo dòng chảy bằng khí nén oxy), nó kết hợp hoàn hảo với vòng thứ nhất để tạo dòng chảy gom chất thải vào giữa hố xi phông mà không cần phải dùng thêm quạt nước như bình thường. Vòng thứ ba là vòng oxy phụ phía trung tâm của bể ương, cách rốn xi phông khoảng 2m, vòng này hỗ trợ cung cấp thêm oxy cho bể, bình thường vòng oxy này luôn được mở, chỉ khi cần xi phông chất thải thì mới ngắt oxy để chất thải lắng tụ và hiệu quả xi phông được tốt hơn.

 

Hệ thống oxy được thiết kế như trên là một cách làm rất tối ưu, mang lại hiệu quả cao cho hệ thống ương vèo có thể tích dưới 300m3; nồng độ oxy hòa tan trong bể ương luôn được giữ tối thiểu 5ppm ở mọi thời điểm; nước trong bể ương được xáo trộn tốt hơn nên các chất lơ lững ít bị lắng tụ dưới đáy bạt làm giảm nguyên nhân gây nhớt bạt; tận dụng nguồn năng lượng từ máy thổi khí để tạo dòng chảy cho bể ương giúp giảm chi phí đầu tư hệ thống quạt nước và chi phí duy trì trong quá trình vận hành.

 

Với bể ương 100m3 cần sử dụng khoảng 50 mét ống Nanotype nên yêu cầu công suất máy thổi khí cung cấp tốt cho hệ thống từ 2kw trở lên, tốt nhất là 3kw, kèm theo là một motor có công suất tương đương khoảng 3kw. Chi phí các vật tư như: ống Nanotype oxy, ống nhựa dẫn oxy, Máy thổi khí, Motor,.. rơi vào khoảng 8 – 10 triệu đồng.

 

Ngoài ra, còn có hệ thống điện và máy phát dự phòng, tuy nhiên hệ thống này là bắt buộc phải có đối với một trang trại chăn nuôi tôm, nên thường phần này được sử dụng chung và tính toán chi phí đầu tư cho cả trang trại nuôi.

 

 

Bảng 1: Chi phí xây dựng một hệ thống ương tham khảo.

 

 

Vậy với tổng chi phí trên dưới 40 triệu đồng người nuôi có thể đầu tư một hệ thống ương hoàn chỉnh, bài bản và sẵn sàng đi vào hoạt động. Một hệ thống ương 100m3 hoàn toàn có thể phục vụ cho một cụm 2 ao nuôi, 4 ao nuôi và có thể hơn. Tính trung bình mỗi vụ ương kéo dài 25 ngày, thời gian nghĩ giữa hai vụ ương là 15 ngày thì trong một năm chúng ta có 9 lần ương. Tuổi thọ trung bình một hệ thống ương cơ bản phải đáp ứng ít nhất là hoạt động liên tục trong khoảng 3 năm, vậy ta có thể khai thác được tối thiểu 27 lần ương khi đầu tư một hệ thống như trên.

 

 

Với một vụ ương 500.000 con tôm thì sau 25 ngày ương, tỉ lệ sống ước đạt 90% thì mức chi phí khấu hao cho hệ thống chỉ từ 2,5 – 3,4 đồng/ con tôm, đây là mức chi phí khá thấp nên người nuôi hoàn toàn có thể an tâm đầu tư một hệ thống ương mà không cần phải quá đắn đo về chi phí xây dụng ban đầu. Một vụ nuôi suôn sẻ, ít rủi ro, tôm nuôi luôn phát triển tốt và hiệu quả kinh tế cải thiện hơn thì đó thực sự là một con số khá nhỏ so với những lợi ích thiết thực và lâu dài mà nó có thể mang lại cho chúng ta.

 

Để trao đổi thêm thông tin và có những tư vấn thực tế hơn, vui lòng liên hệ đến Hotline của chúng tôi trên trang web này để được tư vấn tận tình!

Thân ái!

 

KS. Huỳnh Hoàng Em - VPAS JSC