Nghề nuôi tôm và câu hỏi lớn vào giữa lúc đại dịch Covid 19 đang bùng phát

Nghề nuôi tôm và câu hỏi lớn vào giữa lúc đại dịch Covid 19 đang bùng phát

Ngày càng nhiều thông tin bất lợi cho ngành thủy sản gần đây, trong khi mùa vụ mới lại bắt đầu. Vào lúc này đây, đối với người nuôi tôm mà nói, câu hỏi khó nhất cần có lời giải đáp là: Liệu có nên thả tôm lại vào lúc này hay không?

Đấy là một câu hỏi lớn, là mối quan tâm của rất nhiều người nuôi được gửi đến cho chúng tôi trong hơn một tháng qua.

 

Công ty VPAS xin được trả lời chung hết như sau:

 

Đại dịch Covid 19 đang hoành hành tại Việt Nam trong hơn 3 tháng qua và nó chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Kể từ khi Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt tại TP HCM (thủ phủ kinh tế của cả nước) và tại các tỉnh, đặc biệt là miền tây, đã có không ít rắc rối xảy ra cho ngành thủy sản.

 

Người nuôi phải bán tôm khi chưa đến kỳ thu hoạch vì lo sợ về giá cả, sau đó thì vận chuyển thức ăn, thuốc men cho người nuôi cũng gặp rất nhiều trắc trở, đã có những người nuôi phải thu hoạch do bệnh tôm và không thể bán được tôm vì không có lái thu mua, giá thấp (đến mức không thể có lãi khi bán) và nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu đã đóng cửa mà khả năng phục hồi sau đó đang vẫn còn là dấu hỏi lớn.

 

Cả thế giới vướng vào đại dịch, vận chuyển hàng hóa giao thương giữa các quốc gia cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, giá vận chuyển tăng cao, thủ tục giấy tờ hải quan chậm lại, thậm chí rất chậm, nhu cầu tiêu thụ tôm cũng giảm ở các quốc gia vì các lệnh hạn chế ra ngoài, hạn chế tụ tập…

 

Ngày càng nhiều thông tin bất lợi cho ngành thủy sản gần đây, trong khi mùa vụ mới lại bắt đầu. Vào lúc này đây, đối với người nuôi tôm mà nói, câu hỏi khó nhất cần có lời giải đáp là: Liệu có nên thả tôm lại vào lúc này hay không?

 

Coronavirus hits sustainable aquaculture

 

Dự báo tình hình để đưa ra quyết định

 

Thật khó khăn để trả lời dứt khoát cho người nuôi là có nên thả lại vào lúc này hay không? Tuy nhiên, cũng có thể đưa ra vài dự báo để nhìn vào đó, mỗi người nuôi tôm sẽ có quyết định cho riêng mình:

 

- Khả năng bỏ giãn cách để trở về bình thường có lẽ khó có thể thực hiện được sau 2 hay 3 tuần nữa, có thể nó sẽ kéo dài đến hết năm.

 

- Mặc dù vậy có điểm tích cực là vaccine sẽ được chích nhiều từ bây giờ đến cuối năm, theo thông tin số lượng vaccine về VN, các đợt chích cấp tập có thể tập trung vào tháng 10, 11 năm nay. Vaccine, có thể nói là giải pháp mạnh nhất hiện nay để có thể nới lỏng phong tỏa.

 

- Đại dịch làm cả thế giới lúng túng trong cách đối phó, VN cũng không là ngoại lệ, nhưng các biện pháp giúp kinh tế giữ được sự phát triển (hoặc ít nhất là không suy giảm nghiêm trọng) là việc mà bất cứ quốc gia nào cũng phải cần thích nghi dần bằng những giải pháp mới, vì vậy chắc chắn sẽ có thêm các qui định để có thể làm sao vừa chống dịch vừa vẫn giữ cho kinh tế ổn định, gỡ khó cho các ngành nghề, trong đó có biện pháp dành cho cả chuỗi thủy sản.

 

- Nghề thủy sản VN nói chung là phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, vì đó là nơi tiêu thụ sản phẩm, do đó sức khỏe của thế giới cũng tác động không nhỏ vào thủy sản Việt Nam. Nhìn một vòng sang các nước nhập tôm, trừ Trung Quốc giảm sâu vì các quy định ngặt nghèo về phòng chống dịch, hầu hết các quốc gia khác đang bước vào “giai đoạn dễ thở hơn” vì cò nhiều người dân đã được tiêm vaccine và mở cửa dần các nền kinh tế.

 

- Dự báo của Hiệp hội thủy sản Việt Nam (Vasep) là thiếu tôm vào cuối năm, giá có thể tăng cao.

 

Vì những lý do trên, có thể nói việc thả tôm vào giai đoạn mùa vụ mới cũng nên được thực hiện, nhưng cần thận trọng trên vài vấn đề:

 

- Thời điểm thả vụ mới có lẽ nên rơi vào giai đoạn giữa tháng 9 trở đi nhưng không nên quá trễ vào giữa cuối tháng 11 vì càng thả trễ, nguy cơ bệnh đốm trắng càng cao.

 

- Mật độ thả nên giảm lại từ 20 – 40% để việc chăm sóc ít áp lực hơn và đối phó với sự khó khăn về thức ăn và các nguyên liệu đầu vào ở giai đoạn đầu mùa vụ.

 

- Số ao thả nuôi cũng nên giảm lại, vì không thể chắc chắn rằng có đủ nhân công để làm việc đầy đủ và kỹ lưỡng trên các ao đã thả.

 

- Nếu bạn có nhiều hơn 3 ao, bạn cũng cần cân nhắc xem xét chiến lược thả tôm sao cho bạn luôn có thể sang thưa và sang thưa hơn nữa hoặc sang hẳn ao mới. Có nghĩa là bạn luôn có ao trống dự phòng và các ao này luôn trong trạng thái sẵn sàng, vì có thể bạn sẽ phải đối phó với tình huống khó bán tôm, chưa được giá và cần một giải pháp môi trường mới để giải quyết bệnh có thể giải quyết.

 

- Cũng nên thiết lập ngay từ đầu hàng rào an toàn phòng dịch nhiều lớp, chẳng hạn như nhân công nên được xét nghiệm ngay từ đầu để bước vào trang trại, bố trí nơi ăn chốn ở của công nhân cách xa nhau, trang bị cồn và xà bông vệ sinh đầy đủ, thậm chí cũng nên bố trí tủ UV để khử trùng thực phẩm từ bên ngoài chuyển vào, hạn chế ra khỏi trang trại, hạn chế người đến trang trại, …Các biện pháp này nhằm mục đích giữ cho trang trại của bạn có thể hoạt động bình thường, vì chỉ cần có một ca dương tính trong trang trại, mọi việc sẽ trở nên tồi tệ.

 

 

Hiện tại, thật khó để chúng ta có thể đưa ra các phán đoán về tương lai của đại dịch và các quyết sách liên quan của VN cũng như của thế giới, do đó sự thận trọng là cần thiết, theo sát các biến đổi của thế giới quanh ta, nhìn vào các chiến lược ngắn hạn hơn và nên tập trung cho nó với các cơ sở thật rõ ràng.

 

Mặc dù vậy, trong những lúc khó khăn và khó đoán định như thế này, mỗi quyết định của mỗi người nuôi luôn luôn cần dựa trên nguồn lực của chính mình và dĩ nhiên phải chấp nhận thêm yếu tố rủi ro (vì nó không do ta quyết định) có thể xảy ra, cũng như yếu tố tươi sáng mà nó cũng có thể đến bất cứ lúc nào.

 

Ngành thủy sản đang chựng lại, nhưng nếu chỉ cần một quyết sách tốt về logictis, mọi thứ sẽ tự động khai thông, chỉ là đừng quá muộn vì không có bất cứ thành phần nào trong chuỗi cung ứng thủy sản có thể phục hồi thật nhanh với một trạng thái bất động quá dài.

 

Cuối cùng, tâm tư của bài viết này là, khi người nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rõ ràng họ rất cần thông tin, góc nhìn để có thể cân nhắc, phản biện, nhưng dường như họ đã không có nó từ mọi thành phần trong chuỗi cung ứng và cả những chuyên gia, nhà quản lý đầu ngành, chúng tôi chỉ mong ước rằng, qua bài viết này, nó có thể cung cấp một quan điểm cụ thể cho mắc xích quan trọng nhất của ngành thủy sản – người nuôi – để tự ra quyết định và nó hoàn toàn không có nghĩa là một định hướng “phải thả nuôi” bằng bất cứ giá nào.

 

Đóng góp ý kiến: Toàn thể cán bộ -quản lý - BP kỹ thuật và kinh doanh thị trường Công ty VPAS

 

Hiệu chỉnh và trả lời: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận - VPAS JSC