Sử dụng chế phẩm sinh học đúng cách

Sử dụng chế phẩm sinh học đúng cách

Câu hỏi: Tôi là người mới nuôi tôm, theo những người nuôi tôm trước thì phải sử dụng vi sinh trong ao nuôi bằng cách đánh vào nước thường xuyên và cho ăn thì khả năng thành công cao hơn, điều này có đúng không và sử dụng như thế nào cho đúng cách?

Đây là một chủ đề rất rộng, tuy vậy tôi sẽ trả lời ngắn gọn và dễ hiểu nhất để bạn có thể hình dung và áp dụng được

 

Có hai phần trong câu hỏi của bạn:

 

1. Sử dụng vi sinh vật hữu ích trong nuôi tôm để có thành công cao hơn có đúng không?

 

Trong nuôi tôm, bệnh tôm là vấn đề gây thiệt hại nhiều nhất cho người nuôi. Có rất nhiều loại bệnh, trong đó bệnh do vi khuẩn gây hại gây ra là rất nhiều. Phần lớn bệnh do vi khuẩn gây hại gây ra không thể làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt (trừ các bệnh phổ biến là hoại tử gan tụy cấp tính do vi khuẩn V.parahaemolyticus và bệnh phát sáng do vi khuẩn V.harveyi) nhưng chúng làm tôm chậm lớn, còi cọc, chết dần mòn và là cơ hội cho các mầm bệnh khác xâm nhập (chẳng hạn như mầm bệnh do virus đốm trắng) và gây thiệt hại ngay tức thì.

 

Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập tôm thông qua con đường ăn uống, tức là vào ruột tôm, bám trên thành ruột để sống và tăng trưởng gây hư hại đường ruột, xâu nhập gan tụy tôm làm tổn hại hệ gan tụy, mà khối gan tụy tôm là bộ máy quan trọng nhất cho hoạt động sống, tiêu hóa và tăng trưởng của tôm. Vi khuẩn gây bệnh cũng có thể xâm nhập tôm qua mang.

 

 

Hình bệnh đen mang do vi khuẩn

 

Khoa học thế giới (từ vài chục năm trước) đã chứng minh dùng vi sinh vật hữu ích trong nông nghiệp (bao gồm chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt, nuôi thủy sản…) có tác dụng hữu hiệu trong việc chống lại các vi khuẩn gây bệnh, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất có thể và qua đó có thể có mùa vụ mỹ mãn.

 

Dĩ nhiên bạn không thể hiểu là nếu có chế phẩm sinh học (vi sinh vật hữu ích) thì đó là chiếc đũa thần kỳ giúp bạn thành công mọi mùa vụ, chỉ nên hiểu nó như là một loại vũ khí mạnh, cần thiết để chống lại vi khuẩn gây bệnh nếu bạn nuôi tôm và để thành công một vụ nuôi tôm còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chọn con giống thế nào? Chăm sóc quản lý ra sao? Thiết lập và quản lý hàng rào an toàn sinh học? Cũng như cách mà bạn hiểu biết về bệnh tật, vi khuẩn và cách sử dụng chế phảm sinh học như thế nào cho hiệu quả.

 

 

Hình đuôi tôm màu đỏ và có dấu hiệu hoại tử do nhiễm khuẩn

 

2. Sử dụng chế phảm sinh học như thế nào để đạt hiệu quả giảm thiểu rủi ro

 

Trước tiên bạn cần phải có sản phẩm chế phẩm sinh học có chất lượng tốt trong tay của mình, cả chế phẩm cho ăn lẫn chế phẩm xử lý nước, vì bạn phải dùng nó thường xuyên suốt vụ đấy. Để nhận biết một sản phẩm sinh học có chất lượng tốt, không hề là điều dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó khăn với người nuôi.

 

a. Bạn nên hỏi những người đi trước, càng nhiều thông tin càng tốt, sau đó bạn xem xét sản phẩm nào được nhiều người tín nhiệm để chọn lựa.

 

b. Bạn cũng có thể đánh giá được sản phẩm có tốt hay không thông qua việc sử dụng bằng cách đánh giá nó qua màu nước, sự biến đổi theo chiều hướng tốt của đường ruột sau khi dùng, kết quả kiểm khuẩn trong nước.

 

c. Hầu hết các sản phẩm không có giấy phép, không có mã số lưu hành sản phẩm đều là những sản phẩm kém chất lượng, vì vậy bạn có thể yêu cầu đại lý bán hàng, hay chính công ty phải cung cấp các bằng chứng về giấy phép để xác thực sự tin cậy.

 

Trong nước nuôi tôm có nhóm vi khuẩn đó là nhóm gây hại (tạm gọi tắt là H -  harmful – gây hại) và nhóm hữu ích (tạm gọi tắt là B – benefit – hữu ích) . Vi khuẩn nhóm H có hại cho tôm và có tốc độ “sinh sản” cao, thậm chí là rất cao. Trong khi đó, vi khuẩn nhóm B có tốc độ phát triển lại rất chậm.

 

Ở cấp độ vi sinh vật, việc khử trùng ban đầu dẫn đến số lượng vi khuẩn trong nước thấp hơn. Sau trạng thái ban đầu, nhóm H bao giờ cũng phát triển rất nhanh để “thống trị” môi trường. Để ngăn chặn điều này, bạn cần phải:

 

a. Dọn ao thật kỹ chất hữu cơ (mùn bã) để loại bỏ nguồn thức ăn cho vi sinh vật gây hại và thường xuyên siphon kỹ ao nuôi cũng như quản lý thức ăn thật tốt trong suốt quá trình nuôi.

 

b. Sử dụng vi sinh ngay sau khi diệt khuẩn khoảng 48 – 72 giờ tùy loại hóa chất diệt khuẩn và liều lượng mà bạn đã dùng trước đó.

 

c. Sử dụng vi sinh liều cao hơn trên nhãn (có thể gấp đôi) và liên tục 2 – 5 ngày liền trước khi thả giống.

 

d. Sử dụng hàng ngày trong ít nhất tháng nuôi đầu và 2 – 4 ngày/lần trong các tháng sau đó, việc này còn tùy thuộc vào kết quả kiểm khuẩn và chất lượng nước như thế nào.

 

e. Thay nước là tốt để duy trì chất lượng nước, nhưng nó cũng sẽ rửa trôi một phần vi khuẩn nhóm B, vì vậy luôn phải dùng chế phẩm sinh học ngay sau đó để đảm bảo khả năng vi khuẩn nhóm B chiếm lĩnh mọi ngóc ngách trong môi trường.

 

Đối với việc khống chế vi khuẩn gây hại trong đường ruột, bạn cần lưu ý trộn ngay các chế phẩm sinh học cho tôm ăn ngày từ cử ăn đầu tiên. Và định kỳ sau đó mỗi ngày trong tất cả các cử ăn, việc này chỉ tạm dừng khi bạn phải trộn những thức khác mà nó không thể trộn chung với chế phẩm sinh học, chẳng hạn như kháng sinh, mặc dù vậy, hàng ngày vẫn phải luôn có ít nhất cử phối trộn với chế phẩm sinh học đường ruột.

 

Nguyên tắc là, nếu hết sức nghiêm túc, chú ý và tạo ra được môi trường giàu vi sinh vật hữu ích trong nước ao nuôi lẫn đường ruột tôm thì khả năng giảm thiểu rủi ro bệnh tật cho bầy tôm của bạn sẽ rất cao.

 

Cần nhớ rằng, ngay cả khi bạn làm tốt nhất thì vi sinh vật có hại cũng luôn luôn hiện diện trong ao và tôm của bạn, vì vậy hãy luôn kiểm tra vi khuẩn trong nước và tôm, sao cho đảm bảo:

 

a. Vi khuẩn có hại trong ruột chỉ là các khuẩn lạc vàng với mật số  dưới 103 CFU/gam và không có sự hiện diện của khuẩn lạc màu xanh lá.

 

b. Với nước, bạn có thể tham khảo  giới hạn an toàn dưới đây:

 

 

Bạn có thể tham khảo các chế phẩm sinh học chất lượng cao của công ty chúng tôi tại những link sau đây:  https://vpas.com.vn/nhom-san-pham-vi-sinh-va-enzyme-p

 

 


Chúc bạn thành công với những vụ nuôi của mình và yêu thích nghề nuôi tôm.

 

Thân ái,

 

KS. Nguyễn Thành Quang Thuận – VPAS JSC