Ương tôm có khác biệt gì với thả thẳng và người nuôi cần phải biết cách tính toán những gì?

Ương tôm có khác biệt gì với thả thẳng và người nuôi cần phải biết cách tính toán những gì?

Câu hỏi: Tôi dự kiến sẽ ương tôm trước khi thả nuôi thịt, xin cho hỏi cách tính toán thế nào? Ương tôm có khác biệt và ưu điểm gì so với thả thẳng? (Cà Mau)

Ương tôm có khác nuôi thương phẩm thả thẳng hay không?

 

Ương là giai đoạn tiếp nhận con tôm Post (tôm giống) từ các trại sản xuất tôm giống, sau đó thực hiện quá trình thuần dưỡng, chăm sóc tôm đến một kích cỡ nhất định, có sức khỏe tốt, có sức đề kháng tốt để chống chọi với các điều kiện bất lợi của môi trường như thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường và để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất khi không may gặp phải các tình huống ngoài khả năng kiểm soát của người nuôi.

 

Việc ương tôm trước khi đưa ra ao nuôi thịt rất quan trọng và trong giai đoạn ương tôm con sẽ được bảo vệ một cách tối ưu nhất, có thể nói là khả năng bảo vệ đàn tôm chỉ đứng sau các Trại sản xuất giống. Nói vậy để mọi người có thể hình dung được những ưu thế của việc ương tôm giai đoạn đầu trước khi đưa ra nuôi thịt.

 

Ương tôm trong các hệ thống có cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn sinh học có thể giúp người nuôi khống chế hoàn toàn các bệnh chết sớm như: hoại tử gan tụy cấp tính (EMS, AHPND), đốm trắng (WSSV), đầu vàng và các bệnh thường gặp như phân trắng, EHP gây chậm lớn trên tôm,…giúp giảm thiểu tối đa rủi ro cho người nuôi ít nhất ở tháng nuôi đầu với mô hình một giai đoạn và từ 45 – 60 ngày ở những mô hình nuôi nhiều giai đoạn.

 

Ương tôm trên các bể có thể tích nhỏ giúp cho việc kiểm soát các yếu tố môi trường nước, sức khỏe tôm được tốt hơn, nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình ương thì củng được xử lý một cách nhanh chóng và đơn giản hơn, vì thế tôm ương thường rất khỏe, gan tụy và đường ruột luôn được giữ ở trạng thái hoàn hảo nhất.

 

Trong quá trình ương tôm được chăm sóc với một qui trình bài bản, khoa học, được cung cấp đầy đủ dưỡng chất nên sau khi sang ra ao nuôi thịt với điều kiện môi trường lý tưởng hơn, mật độ nuôi thưa hơn nên tôm nuôi sẽ phát huy tốt đặt tính sinh trưởng bù của loài và tốc độ phát triển ở giai đoạn này sẽ được cải thiện hơn một cách đáng kể.

 

Hơn nữa, khi sử dụng qui trình ương một hay nhiều giai đoạn đều giúp giảm đáng kể thời gian nuôi trên ao thịt; với sự chuẩn bị chu đáo trước khi cho tôm qua ao mới và thời gian tôm ở trong ao ngắn hơn nên sẽ hạn chế được sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây bệnh, đồng thời làm giảm sự xấu đi nhanh chóng của môi trường và hạn chế quá trình tích lũy mầm bệnh trong ao; thời gian chuyển giai đoạn liên tục ( khoảng 30 ngày sẽ chuyển một giai đoạn với mô hình nuôi 3 giai đoạn) nên chất lượng nước luôn được kiểm soát tốt hơn từ đó giảm được chi phí xử lý môi trường trong ao nuôi và chi phí thay nước hàng ngày; thời gian nuôi ngắn hơn, xoay vòng vụ được nhanh hơn nên tổng số vụ nuôi trong năm được tăng lên đáng kể, góp phần tăng cao năng suất trên cùng một diện tích.

 

 

Ương tôm cần phải tính toán những gì?

 

Đầu tiên cần phải xác định được lượng tôm cần sang ra ao nuôi thịt là bao nhiêu, để tính được phần này mình cần biết được mật độ dự kiến nuôi thịt và tổng diện tích ao nuôi thịt cần sang tôm ra. Ví dụ mình có 3 ao nuôi diện tích 1.000m2, mình muốn nuôi thịt đồng loạt 3 ao với mật độ 150 con/m2, vậy số lượng tôm con cần để sang ra 3 ao này là 450.000 con, với tỉ lệ sống sau ương ước đạt 90% thì lượng tôm mình cần thả ban đầu là khoảng 500.000 con.

 

Sau khi tính được số lượng tôm cần thả tiếp theo mình cần tính toán xây dựng thể tích bể ương cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Với lượng tôm cần thả là 500.000 con thì mình có thể xây dựng bể ương với thể tích từ 100m3 – 200m3 để sử dụng. Với bể ương 100m3 mình ương với mật độ 5.000 con tôm/ m3 nước, thời gian ương có thể đạt từ 18 – 22 ngày, trọng lượng tôm sau ương có thể đạt 0,25g – 0,4g/ con. Với bể ương 200 m3 thì mình ương với mật độ 2500 con tôm/m3 nước, mật độ này mình có thể ương từ 20 – 25 ngày, sau ương tôm có thể đạt kích cỡ tối đa 0,8g – 1,0g/con.

 

Tiếp đến là phần tính toán thể tích bể xử lý nước dành riêng cho bể ương. Tác dụng của bể này dùng để xử lý nước trước khi sử dụng cho bể ương đảm bảo nguồn nước cấp luôn đạt chất lượng, không còn vật chất lơ lững, độ trong đạt 100%, sạch khuẩn, các chỉ tiêu thủy lý hóa phù hợp với tôm ương. Thể tích bể này tối thiểu bằng 50% - 100% thể tích của bể ương, tức là nếu bể ương có thể tích 100m3 thì thể tích bể xử lý ít nhất phải 50m3 nước, tốt nhất là 100m3 nước. Đây là nhân tố không bắt buộc phải có trong hệ thống ương vì ta có thể tận dụng ao lắng, ao chứa nước sẵn sàng dành cho nuôi thịt sẵn có để sử dụng.

 

Nhưng theo kinh nghiệm trong quá trình chuyển giao “Qui Trình HIRES” trong thời gian qua, đối với các hệ thống ương xây dựng mới chúng tôi rất khuyến khích người nuôi xây dựng thêm bể xử lý nước này vì không những nó giữ vai trò khá quan trọng trong việc điều chỉnh chất lượng nước cho bể ương mà nó còn giúp giảm chi phí xử lý nước cho người nuôi khi chỉ phải sử dụng một lượng thuốc rất ít trên thể tích nhỏ (50m3 đến 100m3) so với xử lý trên những ao chứa lớn đến hơn 1000m3 như từ trước tới nay.

 

Bên cạnh đó, trong vấn đề cơ sở hạ tầng còn có: hệ thống mái che cho bể ương hay hệ thống nhà ương, hệ thống cung cấp oxy, hệ thống tạo dòng chảy, hệ thống điện hay máy phát dự phòng,…v.v. Những thành phần trên củng nên được chú trọng, cần được thiết kế một cách bài bản, hợp lý và khoa học, càng làm tốt nền tảng cơ sở hạ tầng thì tỷ lệ thành công trong quá trình vận hành của chúng ta càng cao.

 

Ngoài ra, người nuôi cần thiết phải tính toán và chọn lựa vị trí đặt hệ thống ương cho phù hợp; hệ thống ương phải được đặt ở nơi thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý; gần hệ thống ao chứa, ao lắng để việc cấp và thay nước được đơn giản và nhanh chóng; đặt ở trung tâm gần các ao nuôi thịt để thuận tiện cho việc sang chuyển tôm; chú ý tránh đặt hệ thống ương ở những nơi luồn gió mạnh thổi trực tiếp, những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài vào; chú ý thiết kế hướng cửa ra vào, che chắn gió cho bể ương một cách hợp lý, đảm bảo hệ thống tuân thủ tối đa các nguyên tắc về an toàn sinh học.

 

Và nói thêm, một hệ thống ương cơ bản đạt tiêu chuẩn có thể phục vụ cho một hoặc một cụm ao nuôi, có thể từ, 2 ao, 4 ao, 8 ao hoặc có thể hơn. Vậy để khai thác có hiệu quả những điều kiện sẵn có, người nuôi có thể thiết kế một hệ thống ương 01 hoặc nhiều giai đoạn để phù hợp với điều kiện thực tế tại trang trại của mình.

 

Để trao đổi thêm thông tin và có những tư vấn thực tế hơn, vui lòng liên hệ đến Hotline của chúng tôi trên trang web này để được tư vấn tận tình.

 

 

Hình tôm ương ở ngày thứ 16 bằng qui trình HIRES tại Tiền Giang

 

Thân ái,

 

KS. Huỳnh Hoàng Em – VPAS JSC