Thăm trang trại nuôi bạch tuộc tiên phong trên thế giới

Thăm trang trại nuôi bạch tuộc tiên phong trên thế giới

Nueva Pescanova bắt đầu trang trại bạch tuộc thương mại đầu tiên trên thế giới có thể đã gây ra sự phản đối từ nhiều phương tiện truyền thông chính thống, nhưng nuôi loài động vật này có thể là hy vọng tốt nhất để duy trì đàn bạch tuộc hoang dã.

Công ty Galician đã dành 8 năm nghiên cứu vòng đời của bạch tuộc. Bước đột phá đầu tiên, liên quan đến việc nuôi ấu trùng, được thực hiện nhờ vào nghiên cứu khoa học được khởi xướng vào năm 2014, thông qua dự án OCTOWELF. Kể từ đó, công ty đã cố gắng nhân giống 5 thế hệ bạch tuộc trong điều kiện nuôi nhốt, tất cả đều bắt nguồn từ con của một con cái sinh ra trong môi trường nuôi nhốt duy nhất, được đặt tên là “Lourdita”.

 

Khi nghiên cứu của công ty đã tiến triển tốt, họ mở ra triển vọng biến nuôi trồng bạch tuộc thương mại trở thành hiện thực. Vào tháng 11 năm 2021, công ty công bố kế hoạch đầy tham vọng: đầu tư 50 triệu euro vào trang trại công suất 3.000 tấn ở Gran Canaria.

 

Dù quan điểm của bạn về việc nuôi bạch tuộc như thế nào, thì thật phù hợp khi công ty đầu tiên đạt được điều này đến từ Galicia, một vùng nổi tiếng về hải sản và tràn ngập các món khai vị - những nhà hàng chuyên phục vụ tất cả các món bạch tuộc.

 

Theo truyền thống, bạch tuộc trong các nhà hàng này có nguồn gốc từ biển địa phương, và 80% trong số chúng hiện được nhập khẩu, phần lớn từ Maroc và Mauritania. Trên toàn cầu, khoảng 350.000 tấn bạch tuộc bị đánh bắt trong tự nhiên mỗi năm, và nhu cầu cũng như giá cả đối với loài này vẫn tiếp tục tăng.

 

Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng bạch tuộc lớn nhanh, đẻ nhiều và bán được giá tốt trên thị trường, vì vậy nó rất hấp dẫn đối với các công ty nuôi trồng thủy sản thương mại.

 

 

Tuy nhiên, lĩnh vực nuôi bạch tuộc còn non trẻ đã phải vật lộn để khắc phục một số điểm nghẽn, trong đó có khó khăn trong việc ấp, nở và nuôi ấu trùng bạch tuộc trong điều kiện nuôi nhốt. Nueva Pescanova chỉ ra một thực tế rằng việc sản xuất theo chu kỳ khép kín của họ có thể giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đồng thời giảm áp lực lên các nguồn dự trữ hoang dã.

 

Chỉ trích phổ biến nhất đối với việc nuôi bạch tuộc là do tính chất đơn độc và lãnh thổ trong tự nhiên, cũng như mức độ thông minh tương đối cao của bạch tuộc nên chúng không phù hợp để sản xuất hàng loạt trong một hệ thống khép kín. Đó là vấn đề thuộc về đạo đức và ứng xử với phúc lợi động vật khó có thể bác bỏ.

 

Tuy nhiên, theo Nueva Pescanova, họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo rằng loài cephalopods (động vật chân đầu) có thể chung sống trong môi trường nuôi nhốt, nhờ vào nghiên cứu mà họ đã thực hiện với sự hợp tác của IIM-CSIC, Đại học Quốc gia Mexico, CIIMAR, Đại học Malaga, Đại học Vigo, Viện Hải dương học Tây Ban Nha (IEO) và Samertolameu.

 

Các kết quả nghiên cứu đã “chứng minh cách bạch tuộc thích nghi bình thường với môi trường sống theo nhóm mà không gây hấn với nhau do tính lãnh thổ của chúng”. Khi The Fish Site được cấp quyền viếng thăm Trung tâm Pescanova Biomarine (BPC) ở Galicia, chúng tôi có thể nhìn thấy 5 con bạch tuộc bố mẹ cùng chung sống trong bể một cách ấn tượng, chúng không có dấu hiệu đánh nhau hoặc bị thương, và cũng không có dấu hiệu đau khổ rõ ràng.

 

Theo công ty, sự thích nghi của bạch tuộc với môi trường sống trong bể nuôi nhốt đạt được bằng cách áp dụng một giải pháp kỹ thuật tiên tiến, được gọi là Hệ thống sản xuất sinh thái (Ecobiological Production System), áp dụng các điều kiện tự nhiên và cụ thể của loài trong tự nhiên để nuôi trồng”.

 

Những điều kiện này cho phép bạch tuộc giảm chuyển động bằng lực đẩy chủ yếu liên quan đến phản ứng nguy hiểm, ưu tiên chuyển động tự nhiên hơn và theo thói quen của nó qua các tua, do đó tránh được thiệt hại do va chạm và giảm đáng kể căng thẳng của con vật.

 

Đó là một hệ thống nuôi rất tiên tiến mà Pescanova  đã nghiên cứu và phát triển. Gần đây nhất, công ty cũng đã làm việc với các nhà nghiên cứu từ Instituto de Investigaciones Marinas (IIM-CSIC) để xác định xem có sự hiện diện của hormone căng thẳng trong bạch tuộc nuôi nhốt không, việc này nhằm giúp tối đa hóa phúc lợi của việc nuôi bạch tuộc.

 

 

Trang trại mới sẽ được xây dựng trên một khu đất rộng 50.000 m2 ở Cảng Las Palmas de Gran Canaria - nơi có nhiệt độ nước lý tưởng để nuôi bạch tuộc. Nueva Pescanova chỉ ra một số tính năng được thiết lập để đảm bảo mức sử dụng hiệu quả năng lượng cao, cũng như cho phép các kết nối tiên tiến với các phương pháp sản xuất công nghệ cao được ứng dụng, đó là “nuôi trồng thủy sản 4.0”.

 

Yêu cầu về chế độ ăn uống của bạch tuộc cũng là một nguyên nhân khác khiến các nhà bảo vệ môi trường lo ngại, vì chúng thường yêu cầu hàm lượng cao các thành phần biển.

 

Tuy nhiên, Pescanova đặt mục tiêu phát triển thức ăn của riêng mình, dựa trên nguồn nguyên liệu từ các bộ phận khác, bao gồm nuôi tôm ở Ecuador, Guatemala và Nicaragua, nuôi cá ở Tây Ban Nha và đội tàu cá hơn 60 chiếc đang hoạt động ở vùng biển Namibia, Angola, Mozambique và Argentina.

 

Ngoài việc tạo ra thức ăn bằng các nguồn cá được đánh bắt hoặc nuôi và không dùng cho người, công ty cũng nỗ lực thay thế nguyên liệu động vật bằng những nguyên liệu khác có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như tảo spirulina, một loại vi tảo có thành phần protein chiếm 70% thành phần sinh hóa của nó.

 

Sau thành công của My Octopus Teacher - một bộ phim tài liệu cực kỳ nổi tiếng được thực hiện một cách công phu, được phát sóng trên Netflix, nói về trí thông minh của bạch tuộc đến với công chúng - chắc chắn rằng kế hoạch của Nueva Pescanova sẽ tiếp tục gây ra nhiều phản đối.

 

Mặc dù vậy, rõ ràng là chừng nào bạch tuộc vẫn còn trong thực đơn ở các nhà hàng thì việc nuôi chúng có thể mang lại giải pháp tốt hơn.

 

 

Theo https://thefishsite.com