Nuôi và xuất khẩu tôm ở Ấn Độ năm 2020 và triển vọng tương lai
Sản lượng tôm Ấn Độ giảm từ mức 780.000 - 800.000 tấn trong năm 2019 xuống còn 650.000 - 700.000 tấn vào năm 2020. Nguyên nhân chính là do COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Trong bài này, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ về sự thay đổi cấu trúc mà chúng ta có thể thấy trong 2021 và nhiều vấn đề khác nữa.
SẢN LƯỢNG NUÔI
Dữ liệu sản xuất tôm trong năm luôn là thách thức. Ở Ấn Độ, có hai nguồn phổ biến cung cấp sản lượng ước tính ở cấp quốc gia, một là Cơ quan phát triển xuất khẩu sản phẩm từ biển (MPEDA - Marine Products Export Development Authority ), tổ chức còn lại là SAP (Society of Aquaculture Professionals’ - Hiệp hội các chuyên gia nuôi trồng thủy sản). SAP vừa công bố đánh giá vụ mùa năm 2020, dựa trên các cuộc khảo sát và thảo luận với mạng lưới thành viên rộng lớn của mình trong ngành tôm tại Ấn Độ.
Ước tính sản lượng của SAP trong năm 2019 và 2020 cho thấy sản lượng ở Odisha và Tây Bengal lần lượt giảm 25% và 40%. Theo tôi, sự sụt giảm sản lượng ở Odisha và Tây Bengal sẽ rất ngắn ngủi vì phần lớn sự sụt giảm là do dịch bệnh tôm ở vụ thứ hai tại những nơi này. Việc mở rộng liên tục các khu vực nuôi ở hai bang cho thấy có đủ lý do để tin rằng sản lượng sẽ tăng trong vài năm tới.
Ở phần phía bắc của Andhra Pradesh (Srikakulam đến Krishna), SAP báo cáo sản lượng giảm từ 10 - 20% tùy thuộc vào quận. Tình hình hoạt động chung ở miền nam bị giảm sút trong nửa cuối năm khi bão Nivar gây ra thiệt hại và dịch bệnh phổ biến hơn. So sánh các con số đánh giá vụ mùa năm 2020 và 2019 của SAP cho thấy rằng tổng sản lượng ở Andhra Pradesh có thể đã giảm tới 25%.
Sản lượng tôm nuôi ước lượng ở các vùng nuôi Ấn Độ từ 2018 - 2020
Dữ liệu sản lượng tôm ở Gujarat khá bất ngờ. SAP báo cáo sản lượng sụt giảm mạnh từ 55.000 tấn vào năm 2018, giảm xuống 45.000 tấn vào năm 2019 và sau đó tiếp tục xuống chỉ còn 23.000 tấn vào năm 2020. Theo các thành viên của SAP, sự sụt giảm sản lượng của Gujarat một phần là do điều kiện khí hậu và COVID- 19 liên quan đến sự thiếu hụt tôm giống. Nhưng nguyên nhân chính là do việc mở rộng diện tích nuôi không được kiểm soát trong thập kỷ qua đã dẫn đến tình trạng hiện nay. Tổng thư ký của Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (SEAI) cho rằng sản lượng tôm có thể tăng lên 450.000 tấn vào năm 2022 ở Ấn Độ và Gujarat có thể đóng góp tới 250.000 tấn. Nếu SAP đúng về sản lượng ở Gujarat giảm hơn một nửa kể từ mức đỉnh điểm vào năm 2018, thì cơ sở nào để lý giải cho khả năng đóng góp sản lượng của Gujarat như đã đề cập?
XUẤT KHẨU
Xuất khẩu của Ấn Độ chịu một cú sốc lớn vào năm 2020 và giảm xuống còn 575.000 tấn, giảm 14% so với năm 2019 và 7% so với năm 2018. Trong khi xuất khẩu các sản phẩm đông lạnh thô giảm gần 17%, xuất khẩu các sản phẩm nấu chín và các sản phẩm giá trị gia tăng lại tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Giữa sự gia tăng nhập khẩu của Hoa Kỳ, xuất khẩu của Ấn Độ sang Hoa Kỳ giảm 5% xuống còn 271.000 tấn. Sự sụt giảm xuất khẩu này chủ yếu ở nhóm tôm lột vỏ (peeled shrimp) và tôm còn vỏ (shell – on shrimp). Xuất khẩu tôm nấu chín (cooked shrimp) và tôm tẩm bột (breaded shrimp) lần lượt tăng 55% và 150%. Tất nhiên, thật tuyệt khi Ấn Độ đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nấu chín và các sản phẩm giá trị gia tăng (value-added products). Nhưng việc mất thị phần đối với các sản phẩm bóc vỏ và các sản phẩm còn nguyên vỏ khiến tôi lo lắng.
Xuất khẩu tôm đông lạnh của Ấn Độ, Indonesia và Ecuador vào Mỹ năm 2019 và 2020
Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu tôm lột vỏ nguyên liệu lớn nhất (raw peeled products), chiếm hơn 50% tổng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm này của Hoa Kỳ vào năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu đã giảm 20.000 tấn so với cùng kỳ vào năm 2020. Sự mất mát về lượng này phần lớn được thay thế bằng Ecuador. Ấn độ cũng mất luôn thị phần tôm chưa bóc vỏ (shell-on products) vào tay Ecuador và Indonesia. Mỹ chủ yếu tăng nhập khẩu tôm cỡ lớn và Indonesia đặc biệt được hưởng lợi từ điều đó. Mỹ cũng tăng nhập khẩu tôm cỡ trung, nhưng Ấn Độ xuất khẩu ít hơn 14% so với năm 2019. Do đó, Ecuador trở thành nhà cung cấp tôm cỡ trung lớn nhất của Mỹ vào năm 2020.
Xuất khẩu sang Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề hơn xuất khẩu sang Mỹ và giảm hơn 35% từ gần 160.000 tấn năm 2019 xuống chỉ còn hơn 100.000 tấn năm 2020. Xuất khẩu sang Trung Quốc bị gián đoạn nghiêm trọng do các vấn đề liên quan đến COVID-19, nhưng cũng do các vấn đề chính trị. Vẫn còn phải chờ xem nhu cầu của Trung Quốc đối với tôm Ấn Độ sẽ phục hồi nhanh như thế nào. Với việc Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của Ấn Độ đối với tôm cỡ nhỏ, sự phục hồi của Trung Quốc sẽ rất quan trọng đối với triển vọng năm 2021 của Ấn Độ.
MÙA VỤ NGẮN HƠN ĐỒNG NGHĨA VỚI CỠ TÔM THU HOẠCH NHỎ HƠN
Ngoài việc ước tính sản lượng nuôi tôm, SAP cũng trình bày một số xu hướng chính của người nuôi tại Ấn Độ. Hai trong số đó thu hút sự chú ý của tôi: trước hết, so với năm 2019, mật độ thả ở hầu hết các vùng đã giảm xuống còn 20-40 con/m2. Chỉ ở các quận phía nam của Andhra Pradesh, Tây Bengal và Tamil Nadu có mật độ phổ biến là 20-40 con/m2 và 41-60 con/m2; thứ hai, SAP cũng phát hiện ra rằng thời gian nuôi đã giảm từ 110 ngày xuống 90 ngày, và vì thế người nuôi có thể nuôi ba hoặc bốn vụ mỗi năm. Những chu kỳ vụ mùa ngắn hơn này sẽ dẫn đến việc tôm sẽ có kích thước nhỏ hơn khi thu hoạch. Trên khắp Ấn Độ, kích cỡ tôm chủ yếu là 10 - 16 gam/con (61 - 100 con mỗi kg). Tuy nhiên, nhìn vào các khu vực cụ thể, các nhà sản xuất ở Tây Bengal và Odisha chủ yếu thu hoạch tôm với kích cỡ 15-25 gam/con (41-60 con mỗi kg), và các nhà sản xuất ở Gujarat 25-33 gam/con (31 - 40 con mỗi kg).
Kích thước nhỏ chủ yếu có dành cho thị trường Trung Quốc và thị trường bán lẻ Hoa Kỳ nhưng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là rất rủi ro do sự biến động của thị trường đó.
XUẤT KHẨU TÔM CỠ NHỎ ĐI TRUNG QUỐC LIỆU CÓ LÀM THAY ĐỔI NGÀNH CÔNG NGHIỆP TÔM ẤN ĐỘ
Các nhà xuất khẩu nổi tiếng như Devi Seafoods, Devi Seafood, Nekkant, Apex Frozen Foods và Avanti phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ với hơn 80% tổng lượng xuất khẩu. Loại hình kinh doanh chính mà các công ty này kinh doanh ở Mỹ là kinh doanh theo chương trình cho các nhà bán buôn lớn và các nhà điều hành dịch vụ thực phẩm, và nhiều nhà bán lẻ đa dạng. Các loại hợp đồng và mối quan hệ mà họ tham gia cung cấp, đầu tư vào các phân đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng ở Ấn Độ để đảm bảo rằng họ có thể tiếp cận đúng loại và khối lượng nguyên liệu thô vào đúng thời điểm.
Họ có trại giống và nhà máy thức ăn chăn nuôi (hoặc có đại lý), và nắm bắt sản lượng tôm nuôi trong chuỗi cung ứng của họ thông qua quyền sở hữu trực tiếp và thuê các trang trại, hoặc thông qua các thỏa thuận mua lại với các trang trại độc lập. Các công ty này sử dụng nông dân của chính họ cũng như nông dân mà họ tài trợ để sản xuất quy mô lớn hơn. Bởi vì các khách hàng Hoa Kỳ của họ cũng yêu cầu chứng nhận bền vững và sự đảm bảo rằng các công ty hoạt động theo các tiêu chuẩn xã hội, các công ty này cũng thúc đẩy việc mở rộng các chương trình chứng nhận, chẳng hạn như chứng nhận BAP và ASC, góp phần vào sự bền vững của ngành công nghiệp của Ấn Độ.
Các công ty khác, chẳng hạn như Growel, CP India và Sreeragam định hướng nhiều hơn vào kinh doanh số lượng lớn HLSO (Head less shell on – Tôm bỏ đầu, còn vỏ) với các nhà xử lý lại của Trung Quốc và chỉ kinh doanh một số lượng nhỏ với Hoa Kỳ. Đối với hoạt động kinh doanh của họ với Trung Quốc, họ yêu cầu quy mô nhỏ hơn. Đối với những công ty tập trung vào Trung Quốc, thường có rất ít động lực để họ tham gia vào các thỏa thuận mua lại, và chắc chắn trường hợp này ít hơn nhiều so với các công ty tập trung vào Hoa Kỳ. Do sự biến động của thị trường Trung Quốc và đối tượng khách hàng mà các công ty này tập trung vào, Trung Quốc mua phần lớn tôm nguyên liệu từ thị trường giao ngay. Tất nhiên, mặc dù các công ty như Growel và CP India tham gia vào chuỗi cung ứng của Ấn Độ cho các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi của họ vì vậy chế biến và xuất khẩu không phải là trọng tâm chính của họ. Điều này có thể giải thích tại sao họ chọn làm ăn với Trung Quốc thay vì với những người mua khắt khe hơn như Mỹ.
TÔM BỐ MẸ
Một trại giống của Ấn Độ vào cuối năm 2020 đã đặt hàng một số lô tôm bố mẹ kháng bệnh từ các nhà cung cấp như SIS, Kona Bay, cũng như tôm bố mẹ High Vigor của American Penaeid Inc. (API), những đàn bố mẹ này là những động vật vượt trội về tỷ lệ sống sót của chúng trong những điều kiện khắc nghiệt.
Thả giống ở Ấn Độ
Trong một cuộc trò chuyện giữa tôi với Ravi Kumar Yellanki, giám đốc điều hành của tập đoàn sản xuất giống Vaisakhi lớn nhất Ấn Độ, ông đã đề cập rằng sự tiếp nhận những dòng kháng bệnh này có thể chậm vì phần lớn nông dân ở Ấn Độ vẫn đang tập trung vào tính trạng tăng trưởng nhanh. Nhưng một khi thành công của các dòng kháng được chứng minh, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều nông dân lựa chọn tôm kháng bệnh nhiều hơn cho vụ nuôi của mình.
KẾT LUẬN
Nhìn chung, Ấn Độ sẽ phải vật lộn để phục hồi sản xuất trong nửa đầu năm 2021 do hai lý do chính, một là sự không chắc chắn của Mỹ: nơi tồn kho cao có thể sẽ kìm hãm nhu cầu trong Quý 2; và thị trường Trung Quốc nơi ưa thích tôm trong nước hơn do phát hiện virus corona trong tôm nhập khẩu.
Mặt khác, chi phí giá thành tương đối thấp tại Ấn Độ so với hầu hết các nước châu Á khác, tôi chắc chắn rằng về lâu dài, Ấn Độ sẽ là nước đóng góp chính vào sự gia tăng sản lượng tôm nuôi toàn cầu.
Tôi thậm chí tin rằng trong những điều kiện thích hợp, sự gia tăng sản lượng của chính Ấn Độ có thể đến sớm hơn chúng ta mong đợi.
Nếu thị trường và điều kiện sản xuất đột ngột thuận lợi, người nuôi tôm Ấn Độ có thể dễ dàng tăng mật độ nuôi. Ngay cả khi tăng 20-40 con/m2 lên trung bình 30-60 con/m2 nếu thu hoạch thành công sẽ có nghĩa là tăng 25% đến 50% về sản lượng.
Điều này có nghĩa là sản lượng có thể tăng đột biến từ 800.000 tấn đến 900.000 tấn. Nhưng với vài trăm ao bổ sung, Ấn Độ rất có thể sẽ dễ dàng vượt qua mốc sản lượng 1 triệu tấn.
Nguồn: https://shrimpinsights.com/
Lược dịch bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận – VPAS JSC
- Những phát hiện gần đây về nhiễm ký sinh trùng EHP
- Tái phân bổ năng lượng giúp tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei phản ứng lại stress nhiệt
- Khảo sát cho thấy sự phổ biến của độc tố nấm mốc trong thức ăn chăn nuôi và thủy sản
- Vật liệu sinh học mới có thể giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở cá
- Cách cá phát triển khả năng miễn dịch với bệnh tật
- Vi khuẩn có rất nhiều hình dạng
- Vibrio tubiashii FP17 gây bệnh trên ốc hương nuôi
- Các nhà khoa học phát triển một "giải pháp xanh" mới để điều trị vi khuẩn Streptococcus ở cá vược sọc lai - hybrid striped bass