Nuôi cá bớp: sản lượng, thị trường và thách thức

Nuôi cá bớp: sản lượng, thị trường và thách thức

Trên toàn cầu, việc nuôi cá bớp (tên latin là Rachycentron canadum, ngoài ra còn được gọi là cá giò) bắt đầu một cách nghiêm túc ở Đài Loan vào năm 1993. Ngày nay, sáng kiến nuôi cá bớp được phổ biến trên toàn cầu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các quốc gia đang nuôi cá bớp gồm có Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Australia, Hoa Kỳ, Belize, Cộng hòa Dominica, Panama, Mexico và Brazil… Cá giò cũng được sản xuất ở Reunion và Mayotte ở nam Ấn Độ Dương.

Bài viết này được đăng tải vào năm 2019, đến nay có thể có vài thay đổi về giá cả, tuy nhiên nhìn chung phần lớn thông tin vẫn còn hữu ích. Vì vậy, bài lược dịch này sẽ giúp người nuôi cá bớp tại Việt Nam có thêm góc nhìn về đối tượng nuôi được thế giới xem như là một trong những nguồn thực phẩm quan trọng.

 

 

Trên toàn cầu, việc nuôi cá bớp (tên latin là Rachycentron canadum, ngoài ra còn được gọi là cá giò) bắt đầu một cách nghiêm túc ở Đài Loan vào năm 1993. Ngày nay, sáng kiến ​​nuôi cá bớp được phổ biến trên toàn cầu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các quốc gia đang nuôi cá bớp gồm có Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Australia, Hoa Kỳ, Belize, Cộng hòa Dominica, Panama, Mexico và Brazil… Cá giò cũng được sản xuất ở Reunion và Mayotte ở nam Ấn Độ Dương.

 

Sản lượng

 

Sản lượng cá bớp giai đoạn 2007-2008 khu vực Châu Á Thái Bình Dương đạt hơn 35.000 tấn hàng năm và sản lượng toàn cầu thêm 2.000 tấn nữa. Phần lớn sản lượng toàn cầu được tạo ra từ các lồng lưới nhỏ (net pen) gần bờ, nhưng xu hướng cũng chuyển sang nuôi trong các lồng lưới lớn (pen cage) ngoài khơi. Ở Bắc Mỹ, các sáng kiến ​​quan trọng đang được tiến hành để phát triển sản xuất trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn thâm canh trong nhà (indoor intensive recirculating aquaculture production systems). Các xu hướng thay đổi cách nuôi này được thúc đẩy bởi các vấn đề về môi trường cũng như quy định liên quan, bên cạnh các mối quan tâm về an toàn sinh học sản phẩm.

 

Thị trường

 

Thị trường toàn cầu cho cá bớp khá phân tán, với sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia, và thậm chí các khu vực trong một quốc gia. Những thay đổi này liên quan trực tiếp đến mức sản xuất thấp và có thể sẽ giảm xuống khi sản lượng bắt đầu tăng lên.

 

Ở châu Á, Đài Loan là thị trường dễ thấy nhất, mặc dù Trung Quốc đại lục cũng có sự quan tâm mạnh mẽ. Năm 1995, Đài Loan sản xuất 200 tấn - và nông dân cho rằng không thể bán ra thị trường với khối lượng lớn hơn - nhưng tiêu thụ cá bớp của Đài Loan đã đạt 4.000 tấn. Ngoài ảnh hưởng của mùa đông 2007-2008 lạnh giá, Đài Loan đang gặp phải những hạn chế về sản xuất và dự kiến ​​sẽ không tăng đáng kể sản lượng của mình. Hiện tại, cá bớp lớn trên 7 kg được nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục và Việt Nam.

 

 

Tại Đài Loan, đặc biệt là cá bớp đến từ Quần đảo Penghu, được bán với giá hấp dẫn đối với cá nặng tới 5,5 kg, với giá trị lên đến 6 đô la Mỹ/kg do có thương hiệu. Sự phát triển của thị trường cá bớp ở Đài Loan được hưởng lợi từ một sáng kiến ​​quốc gia rất tập trung, mạnh mẽ nhằm tăng cường hoạt động nuôi trồng thủy sản ngoài khơi.

 

Tại Việt Nam, cá nuôi trong nước ngày càng được bán nhiều tại các chợ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cá bán ở chợ địa phương khoảng 5 kg mỗi con.

 

Tại Trung Quốc đại lục, giá cá bớp ở mức thấp, khoảng 3,5 đô la Mỹ/kg đối với loại các 5 kg, khiến nhiều nhà sản xuất chuyển sang nuôi cá chim (pompano). Ngoài các thị trường Đài Loan, xu hướng chung ở châu Á là mua cá bớp nhỏ hơn, thậm chí chỉ 2 kg. Sự thay đổi này có thể được thúc đẩy bởi người sản xuất nhiều hơn là do thị trường thúc đẩy, bởi vì người nuôi phải tốn chi phí thức ăn nhiều hơn để sản xuất ra cá lớn hơn 5 kg.

 

Hiện tại ở Úc, giá bán tại trang trại đối với cá bớp là khoảng 10 đô la Úc/kg đối với cá nguyên con. Điều này có khả năng cạnh tranh với các loài nuôi trong nước khác như cá chẽm (barramundi) và cá đuôi vàng (yellowtail). Do đó, một phần sản lượng cá chẽm trong tương lai dự kiến ​​sẽ chuyển sang cá bớp khi năng lực của các trại sản xuất giống cá bớp trong nước tăng lên.

 

Ở Nam Ấn Độ Dương, 100% sản lượng cá bớp nuôi từ Reunion và Mayotte được bán vào các thị trường địa phương. Trong năm 2008, giá tại trang trại trung bình là 10 euro/kg (14,28 USD/kg) đối với cá tươi nguyên con. Giá tối đa đối với philê còn da là 22 euro/kg (31,43 USD / kg).

 

Những thách thức

 

Cá bố mẹ

 

Trong số những thách thức lớn nhất liên quan đến cá thể cá bớp bố mẹ là mối quan hệ của kích thước của chúng với các yêu cầu của hệ thống nuôi bố mẹ hoặc trại giống. Điều này đã dẫn đến việc thiếu chọn lọc di truyền và tiềm ẩn nguy cơ mất đa dạng di truyền và việc nghiên cứu lẫn ngành công nghiệp này tiếp tục phụ thuộc vào bố mẹ hoang dã nhập khẩu.

 

Sự phụ thuộc vào nguồn bố mẹ hoang dã này gây ra những rủi ro đáng kể về an toàn sinh học trong nỗ lực tạo ra những con con sạch bệnh

 

Bệnh tật

 

Trong khi dịch bệnh có thể được kiểm soát và thường được loại bỏ thông qua thực hành an toàn sinh học trong các hệ thống tuần hoàn thâm canh, phần lớn sản lượng cá bớp trên toàn cầu hiện đang được nuôi trong lồng lưới và lồng bè. Các hệ thống này, cũng như các trại sản xuất giống, có thể có các vấn đề dịch bệnh nghiêm trọng liên quan đến Amyloodinium, Benedenia, Pasteurella vibrios. Trong các hoạt động hàng ngày, hầu hết người nuôi xác định ký sinh trùng là một trong những vấn đề lớn nhất của họ.

 

Chế độ ăn

 

Mặc dù nhiều nghiên cứu đang được triển khai hứa hẹn sẽ thay thế đáng kể lượng bột cá và dầu cá trong khẩu phần ăn của cá bớp nuôi thương phẩm, nhưng tỷ lệ bột cá cao vẫn là đặc trưng của hầu hết các loại thức ăn viên cho cá bớp đang bán trên thị trường.

 

Hơn nữa, khẩu phần thức ăn chăn nuôi hiện nay mang lại hệ số chuyển hóa thức ăn khoảng 2,5 hoặc cao hơn. Nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để giảm tỷ lệ này bằng cách cải thiện thức ăn, cũng như phát triển các công thức thức ăn phù hợp với người tiêu dùng và quản lý cho ăn.

 

 

Nguồn: https://www.aquaculturealliance.org

 

Lược dịch bởi: Ngọc Hân Mai – VPAS JSC