Năm 2024, Indonesia sẽ trở thành gã khổng lồ xuất khẩu tôm chân trắng?

Năm 2024, Indonesia sẽ trở thành gã khổng lồ xuất khẩu tôm chân trắng?

Tháng 8, năm 2020, một bài báo của hãng tin Antara có trụ sở tại Indonesia đăng tải lời của một quan chức chính phủ nói rằng Indonesia sẽ tăng giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng lên 250% trong giai đoạn từ 2020 đến năm 2024

Tháng 8, năm 2020, một bài báo của hãng tin Antara có trụ sở tại Indonesia đăng tải lời của một quan chức chính phủ nói rằng Indonesia sẽ tăng giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng lên 250% trong giai đoạn từ 2020 đến năm 2024. Với sản lượng xuất khẩu tôm chân trắng năm 2019 ước tính 168.000 tấn, điều này có nghĩa là Indonesia sẽ đạt mức xuất khẩu khoảng 420.000 tấn tôm chân trắng vào năm 2024. Vậy hãy xem liệu Indonesia thực sự có thể trở thành người khổng lồ về sản xuất và xuất khẩu tôm hay không?

 

Kể từ năm 2010, xuất khẩu tôm nói chung của Indonesia dao động trong khoảng 140.000 đến 200.000 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 85% vào năm 2019. Sau mức cao nhất trước đó là 185.000 tấn vào năm 2015, xuất khẩu giảm xuống 170.000 tấn vào năm 2017 và sau đó tăng lên 194.000 tấn trong 2019. Từ năm 2010 đến 2019, xuất khẩu chỉ tăng 38%, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 4%. Từ năm 2017 đến năm 2019, tăng trưởng thực tế hàng năm lần lượt là −6%, 12% và 3%. Vì vậy, tôi tin rằng tôi có lý do chính đáng để nghi ngờ một chút về tham vọng của Indonesia.

 

Tuy nhiên, tham vọng của chính phủ cũng cho biết động lực cho việc tăng trưởng chính là việc mở rộng nuôi tôm thâm canh, với mật độ thả nuôi hơn 200 con/m2. Ngoài ra, số liệu thống kê về sản lượng những năm gần đây cho thấy nghề nuôi tôm đã mở rộng nhanh chóng, vượt ra ngoài các vùng nuôi truyền thống Lampung và Đông Java. Các vùng nuôi mới đã phát triển ở Sulawesi và phía đông của Indonesia, đặc biệt là Đông Nusa Tenggara.

 

Các trang trại phát triển ở những khu vực địa lý mới này thường cách biệt với các trang trại khác và ít chịu áp lực dịch bệnh hơn so với các khu vực canh tác truyền thống ở Java và Nam Sumatra.

 

 

Hình trang trại nuôi tôm mới ở Sulawesi

 

 

Hình trang trại nuôi tôm mới ở Tây Nusa Tenggara

 

Nếu nhìn vào tăng trưởng từ 2018-2020 (so sánh từ tháng 1 đến tháng 7 hàng năm), chúng ta thấy rằng xuất khẩu tôm từ Đông và Tây Java giảm lần lượt là 25% và 20% trong các năm 2018 đến 2020. Xuất khẩu từ Nam Sumatra bao gồm Lampung chỉ tăng vừa phải: 11% từ năm 2018 đến năm 2019. Trong khi đó, xuất khẩu từ Nam Sulawesi tăng hơn gấp ba và xuất khẩu từ Trung Sulawesi tăng gấp đôi. Xuất khẩu từ Maluku và Tây Nusa Tenggara đã tăng vọt lên lần lượt là 4.500 và 3.800 tấn vào năm 2020.

 

Các số liệu cũng cho thấy không chỉ sản xuất mà cả xuất khẩu cũng tăng trưởng vượt ra ngoài các khu vực truyền thống, điều này cho thấy khả năng chế biến được mở rộng ở những vùng mới. Tuy nhiên, vào năm 2020, Đông và Tây Java (62%) và Nam Sumatra (11%) vẫn chiếm phần lớn tỷ trọng xuất khẩu. Hoạt động nuôi tôm đã được mở rộng sang Sulawesi và các đảo phía đông của Indonesia, và xuất khẩu có thể sẽ sớm theo sau.

 

Việc tăng xuất khẩu từ Indonesia cũng được chỉ ra từ Mỹ bởi NOAA, cho thấy xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ trong nửa đầu năm 2020 tốt hơn năm 2019 27% và thậm chí tăng 41% so với năm 2017. Mmặc dù số liệu này bao gồm cả tôm sú và tôm đánh bắt tự nhiên, nhưng chắc chắn tôm thẻ chân trắng chiếm phần nhiều. Việc này cũng cho thấy vai trò quan trọng của Hoa Kỳ đối với nghề tôm Indonesia.

 

Mặc dù năm 2020 cho thấy một số dấu hiệu tích cực, nhưng số liệu của những năm trước không khiến tôi dự đoán xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng 250%. Tuy nhiên, Indonesia có thể sẽ tăng sản lượng đáng kể trong vài năm tới và trở thành một đối thủ cạnh tranh nổi bật hơn đối với các nhà sản xuất tôm khác trong khu vực.

 

Nguồn: shrimpinsights.com

 

Lược dịch bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận – VPAS JSC