Mọi điều cần biết về EHP – Phần 1: Tổng quan về EHP

Mọi điều cần biết về EHP – Phần 1: Tổng quan về EHP

Robins McIntosh, Phó Giám đốc điều hành của Charoen Pokphand Foods Public Company có trụ sở tại Thái Lan và là người nổi tiếng lâu năm trong lĩnh vực nuôi tôm trên toàn cầu, ông đã nói chuyện với Advocate về lịch sử đa dạng của Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), một trong những bệnh tôm chính ở châu Á và trên toàn thế giới.

Bắt nguồn từ tôm sú (Penaeus monodon) vào cuối những năm 1980, EHP đã được công nhận chính thức ở tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) vào năm 2004 tại Thái Lan, nhưng nó nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, lây lan với tính chất khó nắm bắt và thường không được phát hiện sớm do hạn chế về chẩn đoán.

 

McIntosh thảo luận về tác động của EHP trong các trại giống tôm đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp an toàn sinh học, tôm bố mẹ được chứng nhận cũng như sự phức tạp của việc khử trùng và giám sát trong nỗ lực giảm thiểu tác động của nó.

 

Ông cũng tiết lộ mối quan hệ cộng sinh giữa EHP và Bệnh phân trắng, nhấn mạnh vai trò của vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là Propionigenium. Yếu tố căng thẳng (stress) đóng vai trò quan trọng như một tác nhân xúc tác bệnh, mức oxy hòa tan cũng rất quan trọng trong việc kiểm soát các đợt bùng phát. McIntosh cũng đề cập đến sự hiện diện của EHP ở châu Mỹ, cho rằng sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của bệnh là do căng thẳng và mật độ thả giống.

 

 

Hình 1 - Bào tử Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) trong gan tụy của tôm bị nhiễm bệnh.

 

LỊCH SỬ EHP

 

Đã có những ghi nhận ngay từ cuối những năm 1980 về tôm sú (Penaeus monodon) trông giống như chúng có thể bị nhiễm EHP. Nó đã được mô tả chính xác ở loài monodon ở Thái Lan vào năm 2004. Và lần đầu tiên tôi gặp phải EHP là ở Thái Lan vào năm 2011.

 

Chúng tôi đã tìm thấy các cấu trúc trong ruột giống như grgarines (một nhóm động vật nguyên sinh ký sinh phổ biến lây nhiễm vào tôm và các động vật thủy sinh khác). Theo thời gian, chúng tôi bắt đầu hiểu rằng những cấu trúc giống như gregarine này là những ATMs (Aggregated Transformed Microvilli), có liên quan đến EHP, được quan sát thấy ở nhiều nơi và thường không được chẩn đoán. Vào thời điểm này không có PCR - tất cả đều được thực hiện thông qua kiểm tra bằng kính hiển vi để tìm kiếm những bào tử nhỏ này, những gì chúng ta biết hiện nay là bào tử EHP trong gan tụy tôm. Chúng rất khó xác định, nhưng có thể thực hiện được nếu bạn có con mắt tinh tường.

 

 

Hình 2 - ATMs (Aggregated Transformed Microvilli) là các cấu trúc giống như grgarines thường được quan sát thấy trong gan tụy của tôm bị nhiễm bệnh EHP

 

Hiện nay việc sử dụng bào tử để chẩn đoán bệnh không phải lúc nào cũng chính xác 100% vì EHP có hai giai đoạn: giai đoạn có bào tử (là giai đoạn có thể dùng kỹ thuật hiển vi chẩn đoán) và giai đoạn “thể bào tử” (sporophytes), trông giống mô gan tụy nên bạn không thể nhận dạng được chúng. Đối với các bào tử, bạn phải sử dụng PCR hoặc lai tại chỗ để xác định chúng. Nếu nó ở giai đoạn “thể bào tử”, kết quả đôi khi dẫn đến xác định sai EHP.

 

Đối với đàn bố mẹ của chúng tôi, chúng tôi đã có một chương trình nhân giống hạt nhân, một chương trình rất nghiêm ngặt về an toàn sinh học: Bất kỳ kết quả dương tính EHP nào, chúng tôi cũng đều loại bỏ con tôm đó. Bây giờ, vì EHP có trong gan tụy nên cách kiểm tra là thông qua các mẫu phân, vì vậy bạn sẽ chỉ kiểm tra bào tử. Nếu không có bào tử, bạn không thể có kết quả dương tính, điều này có thể dẫn đến âm tính giả. Nhưng mặt khác, nếu bạn cho tôm bố mẹ ăn thức ăn dương tính với EHP và bạn đang xét nghiệm phân thì kết quả là âm tính và đó là âm tính giả. Trước khi chúng tôi thực sự hiểu điều này có lần chúng tôi nhận được báo cáo rằng một trong những hệ thống nuôi tôm bố mẹ của chúng tôi dương tính với EHP trên gan tụy. Tôi đã cho họ xét nghiệm lại và kết quả lại dương tính. Và vì vậy, chúng tôi đã phải hy sinh tôm trong một số trại nuôi tôm bố mẹ, trị giá có lẽ hơn 1 triệu USD.

 

Sau đó tôi nảy ra ý tưởng kiểm tra gan tụy vào lần tới khi chúng tôi gặp tình huống tương tự, và gan tụy âm tính. Sau đó, thức ăn đã được kiểm tra và kết quả là thức ăn dương tính, chúng tôi nhận ra rằng bạn có thể mắc sai lầm nghiêm trọng nếu chỉ xét nghiệm phân. Vì nếu thức ăn dương tính thì phân sẽ dương tính và ngày nay vẫn có thức ăn dương tính nên bạn phải nhận ra điều đó khi xét nghiệm. Các loại bột nhuyễn thể và một số loại cá cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với EHP.

 

Nếu kết quả dương tính, bạn thực sự phải đi kiểm tra mô gan tụy (HP) để xác định xem EHP có hiện diện hay không hay nó chỉ ở trong ruột qua thứ gì đó mà tôm đã ăn. Để xác minh chính xác, bạn phải luôn kiểm tra gan tụy và mẫu đồng nhất của toàn bộ HP, vì nhiễm trùng có thể khu trú trong HP và không phân bổ đều trên toàn bộ HP.

 

Vì các bào tử được phân bố không đồng đều và vì chúng có thể có số lượng ít nên việc kiểm tra mô học phải được thực hiện với sự kiên nhẫn cao độ, quan sát nhiều lát cắt qua HP để đưa ra chẩn đoán chính xác. Và vào thời gian trước PCR, nhiều trường hợp nhiễm EHP đã bị bỏ sót vì sử dụng kỹ thuật nhuộm thông thường nên rất khó nhìn thấy các bào tử - nhưng khi các phiến kính đã cũ đi vài tuần thì các bào tử trở nên rõ ràng hơn nhiều.

 

Ban đầu bệnh gây ra sự tăng trưởng chậm với hệ số biến thiên lớn (Coefficient of Variation - CV trên 25%). Tôm từ chương trình di truyền của CP có tốc độ tăng trưởng trung bình tối thiểu trên 0,18 gram mỗi ngày. Bất cứ mức tăng tưởng nào dưới 0,15 thì trong hầu hết các trường hợp kết quả là dương tính với EHP.

 

Một điều khác mà tôi bắt đầu nhận thấy là EHP sẽ tấn công sớm hoặc muộn hơn trong chu kỳ nuôi  tôm. Nếu một trang trại báo cáo tăng trưởng chậm sau 30 ngày thả nuôi, (có thể sau 30 ngày kích thước bình thường của tôm là 2,5 gram, nhưng kích thước tôm sẽ nhỏ hơn một gram) thì đây thường là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhiễm EHP đến từ trại giống. Nếu EHP đến từ môi trường, sự tăng trưởng sẽ không bị ảnh hưởng cho đến 45 - 50 ngày tuổi. Và nếu là từ môi trường, nhiều trang trại ở Việt Nam và nhiều nơi khác sẽ xây dựng chiến lược cố gắng vượt qua dịch bệnh để cho ra tôm cỡ cỡ có thể thu hoạch trong 70 -80 ngày.

 

Sau đó, bằng cách sử dụng phương pháp xét nghiệm bằng Real–time PCR, chúng tôi biết được rằng mức DNA EHP quyết định xem có bệnh hay không có bệnh. Ở nồng độ 101 đến 103, tôm chỉ đơn thuần là vật mang mầm bệnh EHP và không có bệnh rõ rệt (tăng trưởng hơi chậm), nhưng khi nồng độ tăng lên trên 103 thì tôm bắt đầu phát triển chậm hơn. Nếu đạt mức 106 đến 108 , tốc độ tăng trưởng của tôm sẽ giảm đáng kể.

 

Đối với EHP có nguồn gốc từ trại giống và làm chậm tốc độ tăng trưởng trước 30 ngày thì không có cách nào thu được lợi nhuận kinh tế. Trong 30 ngày đầu tiên, tốc độ tăng trưởng của tôm là đầu mối tốt để xác định EHP có nguồn gốc từ trại giống hay từ môi trường ao nuôi.

 

Cũng phải giả định rằng nếu EHP được tìm thấy trong trại giống hoặc ao thì sự lây nhiễm sẽ vẫn tồn tại trong trại giống hoặc trong ao trừ khi các biện pháp cụ thể được thực hiện để loại bỏ các bào tử lây nhiễm khỏi trại giống và/hoặc ao.

 

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/robins-mcintosh-on-everything-you-need-to-know-about-ehp-and-shrimp-farming-part-1/