Khi nào có thể loại bỏ đậu nành khỏi thức ăn chăn nuôi?

Khi nào có thể loại bỏ đậu nành khỏi thức ăn chăn nuôi?

Nếu đậu nành có tác động tiêu cực đến môi trường, tại sao nó vẫn được sử dụng trong thức ăn cho cá hồi? Nhiều thành phần mới đang được phát triển, tại sao chúng ta không thấy cơ hội lớn hơn trong thành phần thức ăn?

Nếu đậu nành có tác động tiêu cực đến môi trường, tại sao nó vẫn được sử dụng trong thức ăn cho cá hồi? Nhiều thành phần mới đang được phát triển, tại sao chúng ta không thấy cơ hội lớn hơn trong thành phần thức ăn?

 

Nhiều bạn đã thắc mắc về câu hỏi như vậy. Nhưng việc hoán đổi nguồn protein này với nguồn protein khác có phải dễ dàng không?

 

Trước khi chúng ta xem xét câu trả lời cho câu hỏi này, hãy để tôi nói đến lý do tại sao ngành công nghiệp thức ăn cho cá hồi của Na Uy hiện đang sử dụng khoảng 300.000 tấn đậu nành mỗi năm.

 

Trước đây, tại một thời điểm trong quá khứ, thức ăn cá hồi không hề có protein thực vật. Điều này đã thay đổi khi nhu cầu thức ăn vượt qua nguồn cung bột cá của thị trường. Đơn giản là, không có đủ bột cá để hỗ trợ ngành công nghiệp cá hồi phát triển nhanh.

 

 

Mặt khác, protein thực vật lại có sẵn với số lượng lớn. Và sự lựa chọn rơi vào đậu nành. Đậu nành được sử dụng trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học với tốc độ ngày càng tăng và sản lượng thế giới đã tăng gấp bảy lần kể từ năm 1960, đạt khoảng 350 triệu tấn. Hơn 75% trong số này được sử dụng trong thức ăn cho gia súc, trong đó nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 6%. Chỉ có khoảng 19% được tiêu thụ bởi con người.

 

Với tác động tiêu cực đến môi trường của việc trồng đậu nành, chúng ta cần phải tìm ra những giải pháp thay thế và tốt nhất theo hướng “càng ít ảnh hưởng đến môi trường và khí hậu” thì càng tốt.

 

Vì vậy, quay trở lại câu hỏi ta có câu trả lời đơn giản và khá rõ ràng: đậu nành, hoặc protein đậu nành cô đặc (SPC) được sử dụng trong thức ăn cho cá hồi ngày nay có giá tương đối thấp so với các loại thay thế có chất lượng tương tự.

 

Khi tôi nói “chất lượng”, có nghĩa là tôi nói về hàm lượng dinh dưỡng, khả năng tiêu hóa và các đặc tính kỹ thuật. Ba thông số này - ngoài giá cả và khối lượng – quyết định việc xác định sử dụng một thành phần trong thức ăn.

 

Cho đến nay, không có giải pháp thay thế nào thay thế được SPC, nhưng rất nhiều sáng kiến ​​đã được thực hiện để đạt được điều đó. Tôi sẽ cung cấp cho bạn một số ví dụ ở đây.

 

Lựa chọn thay thế cho đậu nành

 

Một số lựa chọn thay thế tiềm năng đã được nghiên cứu và thậm chí sản xuất. Protein từ côn trùng, vi khuẩn, nấm men và vi tảo đều có sẵn. Theo những cách khác nhau, những sinh vật này có thể sử dụng các nguồn sản phẩm phụ từ các ngành công nghiệp khác để phát triển, chúng sử dụng ít đất, ít nước và được nhiều người coi là lựa chọn thay thế đầy hứa hẹn cho đậu nành.

 

Các sáng kiến ​​khác đang xem xét các nguồn tài nguyên biển. Một số người xem xét việc thu hoạch các loài mới như cá nổi (1) hoặc động vật chân đốt (copepods) có mức dinh dưỡng thấp hơn so với các loài thu hoạch thông thường. Lý tưởng nhất là điều này sẽ ít ảnh hưởng đến môi trường biển.

 

Tuy nhiên, điều này đang được thảo luận. Các cách khác để sử dụng đại dương là nuôi các một số loài cung cấp dinh dưỡng cho thức ăn, chẳng hạn như các loài thuộc phân ngành “sống đuôi” (tunicate)(2) và giun lông (bristle worm).

 

Có rất nhiều sáng kiến ​​khác chưa được đề cập ở đây. Tuy nhiên, theo quan điểm của Nofima, sự tập trung vào các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm cuối cùng không phải lúc nào cũng có được khi dùng nguồn protein mới để thay thế đậu nành, và việc thay đổi thành phần thức ăn có thể dẫn đến việc giảm các tiêu chuẩn chất lượng của cá nuôi.

 

 

Nguồn hình ảnh: https://theconversation.com

 

Không phải dễ dàng để đổi nguồn protein này với nguồn protein khác. Quá trình ép đùn được sử dụng để sản xuất hầu hết các loại viên thức ăn cho cá rất phức tạp. Tuy nhiên, lại có quá ít chú trọng vào việc xem xét các phương pháp sản xuất phù hợp.

 

Để giảm bớt điều này, Nofima, cùng với Đại học Bergen và NORCE, sẽ mở một cơ sở hạ tầng mới có tên là Trung tâm Công nghệ thức ăn thủy sản (Aquafeed Technology Centre) vào mùa hè này, 11 tháng 8 là ngày ra mắt chính thức của Trung Tâm. Trung tâm được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu của Na Uy và nó được mở cửa cho tất cả những ai muốn sử dụng nó.

 

Nền tảng này cung cấp cơ sở hạ tầng nghiên cứu dành riêng cho việc sử dụng các cải tiến và mới lạ về cơ bản với bất kỳ loại nguyên liệu thô nào.

 

Bất kể nguyên liệu thô là gì, người ta có thể sử dụng trung tâm để hiểu được phương pháp chế biến nào được lựa chọn để có được chất lượng sản phẩm tốt nhất.

 

Hơn nữa, trung tâm này cũng cung cấp khả năng tìm hiểu về những gì đang thực sự xảy ra với các thành phần sau khi chúng được đưa vào máy ép đùn. Bằng cách đó, người ta có thể dự đoán ảnh hưởng của một  protein mới đối với chất lượng viên thức ăn và tránh các phương pháp chế biến làm giảm giá trị của thành phần đó. Nói cách khác, chúng ta có thể tạo ra thức ăn với nguồn protein mới một cách tốt nhất có thể với các nguồn lực có trong tay.

 

Có nguồn nguyên liệu tốt, bền vững, đa dạng là chưa đủ. Sản phẩm cuối cùng phải cung cấp cách sử dụng tốt nhất với nguồn protein đã chọn. Với nền tảng cơ sở hạ tầng mới này, các nhà nghiên cứu và công ty có thể xây dựng kiến ​​thức rất cần thiết về các phương pháp chế biến sẽ sử dụng để tối đa hóa việc sử dụng các thành phần thức ăn chăn nuôi thay thế.

 

Nếu không có điều này, tôi nghĩ rằng nhiều nguồn thức ăn chăn nuôi mới sẽ không thể cạnh tranh với các nguyên liệu thông thường, bao gồm cả đậu nành.

 

(1) Meso-pelagic fish - Cá biển khơi hay cá khơi xa, cá nổi là tên gọi chỉ về những loài cá biển sống trong vùng ngoài khơi của biển, chúng sống ở các tầng nước không gần với đáy nhưng cũng không gần bờ - trái ngược với cá đáy biển, hay các loài cá rạn san hô mà môi trường sinh sống của chúng gắn chặt với các rạn san hô.

 

(2) Phân ngành Sống đuôi (Tunicata) là một phân ngành thuộc ngành động vật có dây sống. Phân ngành này từng một thời được gọi là Urochordata. Một số loài sống thành từng cá thể riêng biệt, nhưng đa số tập hợp lại với nhau, nhiều khi thành một tập đoàn, một cá thể được gọi là zooid. Chúng là sinh vật biển ăn lọc. Những hóa thạch cổ nhất của Tunicata được ghi nhận vào thời kỳ đầu kỷ Cambri.

 

Nguồn: https://thefishsite.com

 

Lược dịch bởi: NGỌC HÂN MAI - VPAS JSC