Hướng dẫn cấp giấy chứng nhận cho người nuôi tôm

Hướng dẫn cấp giấy chứng nhận cho người nuôi tôm

Các chương trình chứng nhận nuôi trồng thủy sản đang ngày càng trở nên phổ biến, bằng bài viết này chúng tôi cung cấp các hướng dẫn cho người nuôi tôm về những chương trình phù hợp nhất với Indonesia và hơn thế nữa.

Khi ngày càng có nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của tính bền vững, người tiêu dùng ở các nước khẩu tôm quan trọng  như tại Châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản muốn biết thêm về các sản phẩm nuôi trồng mà họ mua, thì Chứng nhận sinh thái (Eco-certification) và dán nhãn sinh thái (eco-labelling) đã xuất hiện như những cách để cung cấp cho khách hàng thông tin đó.

 

Về cơ bản, việc này được thiết kế để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc và xác minh rằng sản phẩm nuôi trồng thủy sản tuân thủ một tiêu chuẩn nhất định. Trong hầu hết các trường hợp, các sản phẩm đạt được chứng nhận đều được đóng dấu nhãn để đảm bảo cho người mua và người tiêu dùng rằng sản phẩm họ mua tuân thủ các tiêu chuẩn rõ ràng trong nuôi trồng đằng sau nhãn dán.

 

Có nhiều chương trình chứng nhận khác nhau, với các cách tiếp cận khác nhau - tập trung vào các yếu tố như tính bền vững, an toàn thực phẩm hoặc lao động. Mục tiêu chung của chứng nhận nuôi trồng thủy sản là khuyến khích các nhà nuôi tôm, cũng như các tác nhân khác nhau trong chuỗi giá trị, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế và giá trị gia tăng từ nhãn mác để tạo sự khác biệt cho sản phẩm và thậm chí có giá tốt hơn cho sản phẩm.

 

 

Với những lợi ích như vậy, hy vọng rằng người nuôi đang áp dụng các phương pháp nuôi trồng kém bền vững sẽ chuyển sang các phương thức canh tác bền vững hơn hơn. Hơn nữa, khi người nuôi hướng tới các cách thực hành nuôi bền vững, về lý thuyết sẽ có nhiều lợi ích khác, chẳng hạn như giảm tác động môi trường và lượng khí nhà kính chủ yếu là cacbon dioxide (carbon footprint), cũng như cải thiện về điều kiện làm việc. Khi ngành tôm ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với an ninh lương thực toàn cầu, chứng nhận sinh thái là một sáng kiến ​​quan trọng để giúp ngành này trở nên bền vững hơn.

 

Có rất nhiều chương trình chứng nhận cho các sản phẩm thủy sản. Bên dưới là các bước cơ bản để có được chứng nhận:

 

Nộp hồ sơ (Application submission)

 

Kiểm tra sổ sách, giấy tờ…  (Auditing process)

 

Xem xét toàn bộ quá trình (Review process)

 

Cấp chứng chỉ (Certificate issuance)

 

Mỗi chứng chỉ, giai đoạn có quy trình và thời gian riêng, với các khoản phí khác nhau. Hầu hết các chương trình tư nhân quốc tế sử dụng đánh giá của bên thứ ba, trong đó các tổ chức chứng nhận độc lập chịu trách nhiệm về quá trình đánh giá. Tất cả các chương trình chứng nhận cũng có quy trình riêng cho chứng nhận mà họ cấp, quy trình này cho thấy một cách minh bạch cách thức sản phẩm di chuyển từ trang trại đến nhà bán lẻ.

 

Việc này cho phép người nuôi hiểu được tình trạng sản phẩm của mình trong suốt chuỗi cung ứng. Đối với người tiêu dùng, nó cho phép họ biết chính xác sản phẩm họ mua từ đâu và do đó đảm bảo với họ rằng sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe.

 

Điều quan trọng cần lưu ý là chứng nhận không chỉ dừng lại ở phía người nuôi, vì họ chỉ là một trong những phần của chuỗi cung ứng tổng thể. Đó là lý do tại sao các nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại sản xuất giống, nhà máy chế biến, cũng cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhất định và được chứng nhận. Điều này nhằm đảm bảo rằng sản phẩm có nguồn gốc bền vững từ khâu đầu tiên đến cuối cùng.

 

Có nhiều chương trình chứng nhận khác nhau đã được giới thiệu đến Indonesia bởi các chương trình tư nhân quốc tế, chẳng hạn như chương trình Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt nhất của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA-BAP, Global Aquaculture Alliance’s Best Aquaculture Practices), Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC), GLOBAL GAP, ASIC - Asian Seafood Improvement Collaborative và Monterey Bay Aquarium’s Seafood Watch (MBASW).

 

 

Mỗi chương trình này có các tiêu chuẩn tương tự nhưng với các điểm nhấn khác nhau. Sau đây là tóm tắt ngắn gọn:

 

- GAA-BAP - bao gồm một loạt các vấn đề và khá toàn diện, nó bao gồm an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường và truy xuất nguồn gốc - và bao gồm toàn bộ chuỗi sản xuất, từ nhà máy thức ăn, trại giống, trang trại và nhà máy chế biến. Để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc, tất cả các địa điểm được chứng nhận bắt buộc phải có hồ sơ chi tiết trong chuỗi cung ứng của họ.

 

- ASC (đối với tôm) tập trung nhiều hơn vào người nuôi và đặt trọng tâm vào tính bền vững của môi trường, an toàn sinh học cũng như bảo vệ cộng đồng và người lao động. Về khả năng truy xuất nguồn gốc, ASC sử dụng tiêu chuẩn Quy trình Giám Sát Nguồn gốc (CoC, Chain of Custody) của MSC - Marine Stewardship Council để theo dõi các sản phẩm được chứng nhận ASC dọc theo chuỗi cung ứng.

 

- GLOBAL GAP cũng bao gồm toàn bộ chuỗi sản xuất và áp dụng tiêu chuẩn của nó về an toàn thực phẩm, quyền của người lao động, quyền lợi động vật và bảo vệ môi trường. Nó có Tiêu chuẩn CoC của riêng mình, trong đó có các yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc xử lý và phân tích các sản phẩm được chứng nhận và chưa được chứng nhận trong toàn bộ chuỗi cung ứng để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc.

 

- Có các tổ chức trên khắp thế giới giám sát các sản phẩm nuôi trồng thủy sản và tác động của chúng đối với môi trường, qua đó cung cấp thông tin cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhưng không đóng vai trò là cơ quan chứng nhận. Một trong những tổ chức nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này là The Monterey Bay Aquarium Seafood Watch (MBASW). MBASW cung cấp các khuyến cáo và tiêu chí đánh giá thủy sản nhưng không đưa ra chương trình chứng nhận. Xếp hạng của họ, từ “Lựa chọn tốt nhất (Best Choice)” có màu xanh lá cây, “Thay thế tốt - Good alternative” có màu vàng và “Tránh - Avoid” có màu đỏ dựa trên các báo cáo của chính phủ, các bài báo, sách trắng và ý kiến ​​chuyên gia. Tuy nhiên, họ đã so sánh các tiêu chuẩn chứng nhận sinh thái khác với tiêu chuẩn của chính họ để cung cấp xếp hạng MBASW cho các sản phẩm được chứng nhận đó.

 

- Ngoài ra còn có các tổ chức đang làm việc để phát triển và cải thiện ngành công nghiệp tôm trong khi cung cấp hỗ trợ cho các nhà sản xuất tôm quy mô nhỏ, người nuôi hoặc trang trại không thể đạt được sự công nhận từ các tổ chức chứng nhận do chi phí và sự phức tạp của các quy trình chứng nhận. Một trong những tổ chức đáng chú ý nhất ở Châu Á là tổ chức ASIC. Họ đã phát triển một chương trình cải tiến để giúp các nhà sản xuất tôm quy mô nhỏ ở Đông Nam Á cải thiện phương thức nuôi và được công nhận. Họ hiện đang làm việc với NSF International để đảm bảo cho người mua và người tiêu dùng toàn cầu.

 

 

Chứng nhận của Indonesia nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng bền vững

 

Do tính chất manh mún của nghề nuôi tôm ở Indonesia, chính phủ đã xây dựng kế hoạch riêng để đảm bảo sự hài hòa giữa các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế hiện có. Các quy định hài hòa nắm bắt toàn bộ chuỗi giá trị tôm Indonesia. Danh sách như sau:

 

Cara Pembuatan Pakan Ikan yang Baik (CPPIB) - Thực hành quản lý tốt dành cho thức ăn nuôi trồng thủy sản

 

Cara Pembenihan Ikan yang Baik (CPIB) - Thực hành trại giống tốt

 

Cara Pembuatan Obat Ikan yang Baik (CPOIB) - Thực hành quản lý tốt đối với thuốc thủy sản

 

Cara Budidaya Ikan yang Baik (CBIB) - Thực hành nuôi thủy sản tốt

 

Cara Penanganan Ikan yang Baik (CPIB) - Thực hành quản lý tốt cho kiểm soát sản phẩm nuôi trồng thủy sản

 

Surat Kelayakan Pengolahan (SKP) - Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

 

Chính phủ Indonesia, thông qua Bộ Hàng hải và Nghề cá, đang xây dựng một tiêu chuẩn mới kết hợp tất cả các chứng nhận trên. Chương trình mới này được gọi là Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt của Indonesia (IndoGAP - Indonesian Good Aquaculture Practice) và tuân theo Hướng dẫn Kỹ thuật của tổ chức lương nông quốc tế (FAO - Food and Agriculture Organization) cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (ASEAN Tôm GaqP -  Association of Southeast Asian Nations of Shrimp Good Aquaculture Practices).

 

Khi thực hiện, chính phủ sẽ thành lập các cơ quan chứng nhận của bên thứ ba. Đơn giản hóa thủ tục là một cách hiệu quả để mở rộng quy mô số lượng trang trại được công nhận, phù hợp với mức tăng trưởng đáng kể dự kiến ​​cho ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia. Hiện tại, IndoGAP đang trong quá trình được chính phủ triển khai.

 

Alune có thể giúp đỡ như thế nào?

 

Alune cam kết hỗ trợ phát triển bền vững và tăng trưởng nuôi trồng thủy sản ở Indonesia. Để góp phần vào việc này, chúng tôi đã tạo ra một nền tảng tự đánh giá mà nông dân đang sử dụng để hiểu cách nâng cấp hoặc điều chỉnh trang trại và phương thức nuôi trồng của người nuôi, qua đó nhanh chóng phù hợp với các tiêu chuẩn chứng nhận IndoGAP. Tùy thuộc vào điểm số tự đánh giá của người nuôi, Alune cung cấp hướng dẫn về các bước chính cần thực hiện để sẵn sàng cho việc xin cấp giấy chứng nhận.

 

Nền tảng này hoàn toàn miễn phí, mở cho công chúng và có thể được truy cập tại đây. Chúng tôi hy vọng rằng dịch vụ tiếp tục hữu ích và đóng góp vào sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản Indonesia.

 

Alune là công ty công nghệ tài chính nuôi trồng thủy sản hàng đầu, làm việc với người nuôi, nhà đầu tư và đối tác công nghệ. Alune sử dụng chuyên môn canh tác nội bộ, quản lý rủi ro đầu cuối và các quan hệ đối tác để hỗ trợ nông dân và đối tác đạt được mục tiêu của họ.

 

Nguồn: https://thefishsite.com

 

Lược dịch bởi: NGỌC HÂN – VPAS JSC