EHP – PHẦN 1:  LOẠI BỆNH TÔM KHÓ CHỊU NHẤT

EHP – PHẦN 1: LOẠI BỆNH TÔM KHÓ CHỊU NHẤT

EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) là một loại bệnh tôm được xem là nguy hiểm và khó chịu nhất hiện nay vì chúng lây lan nhanh theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang, khó phát hiện do không có dấu hiệu rõ ràng và không có những sản phẩm đặc trị. Thậm chí, ngay cả khi phát hiện sớm bằng kinh nghiệm hoặc xét nghiệm khẳng định, người nuôi thường rất khó khăn để đưa ra quyết định nên duy trì hay thu hoạch.

Đặc điểm của ký sinh trùng EHP

 

Nguyên nhân gây ra bệnh là do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (viết tắt là EHP). Chúng có tốc độ sinh sản và lây lan rất nhanh, cường độ cảm nhiễm có thể đạt đến mức rất cao chỉ sau một tuần có sự hiện diện của chúng trong môi trường, nếu điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển, tốc độ lây nhiễm này có thể còn nhanh hơn.

 

EHP không cần vật chủ để tồn tại trong môi trường, chúng có thể “sống khỏe” dưới dạng bào tử ở bùn đáy ao hay trong nước một thời gian dài và chờ đợi cơ hội thuận tiện nhất để sinh sôi, điều này có nghĩa là chúng có thể lây nhiễm ngay khi mới thả tôm và có thể lây lan từ vụ này sang vụ khác. Nói cách khác là EHP có thể gây ra những thiệt hại rất khó phục hồi, khó loại bỏ bằng những qui trình cải tạo thông thường và nếu là một ao nuôi đáy đất thì nỗ lực loại bỏ chúng để thả ngay vụ mới gần như không thể thực hiện.

 

EHP cũng không chỉ nhiễm trên động vật giáp xác như tôm, cua mà còn có thể lây nhiễm trên các sinh vật khác như hàu, vẹm, ngao,... và thậm chí có thể “trôi nổi” trong môi trường nước.

 

Không giống như việc kiểm soát Vibrio - bằng cách dùng chất diệt khuẩn, khống chế bằng cách biện pháp sinh học – Chẳng hạn, người nuôi có thể chữa khỏi bệnh gan tụy bằng kháng sinh hay bằng các phác đồ hiệu quả khác nhưng với EHP thì không. EHP có thể lây nhiễm nhanh chóng ngay khi chỉ có sự hiện diện của một số ít bào tử, sau đó sinh sản ồ ạt và gây bùng phát dịch bệnh.

 

Sự “khó chịu” khi bầy tôm bị nhiễm EHP

 

Tôm bị nhiễm EHP không có dấu hiệu đặc biệt để dễ quan sát và phát hiện từ sớm. Người nuôi chỉ có thể nghi ngờ tôm bị nhiễm EHP khi thấy sự chậm lớn bất thường hoặc FCR trở nên cao hơn đáng kể (nếu người nuôi có theo dõi FCR thường xuyên theo giai đoạn tuổi tôm). Trong những trường hợp như vậy thì thực tế có thể bầy tôm đã bị nhiễm EHP rất nặng rồi.

 

Mặc dù EHP không gây chết tôm, vì vậy mà việc quyết định từ bỏ bầy tôm đang nuôi là hết sức khó thực hiện, tôm vẫn còn ở đó, vẫn ăn (thậm chí có thể ăn mạnh), “vẫn mạnh khỏe”, vẫn trong bóng…. Và đây chính là điều khó chịu nhất khi mà người nuôi phát hiện bầy tôm của mình nhiễm EHP. “Bỏ thì thương, vương thì … lãng phí càng nhiều thức ăn hơn, nhiều chi phí phải bỏ ra hơn như điện, nước, nhân công, thuốc men….Đó là một “tâm trạng rất stress”.

 

Tôm càng chậm lớn thì cường độ cảm nhiễm càng cao, cộng với tốc độ lây lan nhanh và không thể chữa trị khiến cho người nuôi có nhu cầu phát hiện sớm để có thể đưa ra quyết định hành động phù hợp nhất. Tuy nhiên, để thực hiện việc này, chỉ có thể dùng giải pháp đắt đỏ là kiểm tra bằng phương pháp PCR. Mặc dù vậy, kết quả xét nghiệm cũng phụ thuộc nhiều vào cách lấy mẫu (thường thì mẫu phân tôm sẽ hiệu quả hơn vì bào tử EHP ở đó nhiều), cường độ cảm nhiễm thực tế tại thời điểm lấy mẫu và cả tay nghề của xét nghiệm viên.

 

Việc chẩn đoán sớm EHP bằng phương pháp xét nghiệm đơn giản hơn PCR có thể được thực hiện nhưng cũng cần kỹ thuật viên được đào tạo. Mặc dù, người nuôi cũng có thể dùng biện pháp quan sát bầy tôm với dấu hiệu đặc biệt là có sự xuất hiện các đốm đen trên cuống mắt, trong mô cơ và dọc theo ruột sau để phát hiện EHP, nhưng khi thấy những dấu hiệu này thì bầy tôm cũng có thể đã nhiễm bệnh khá nặng rồi, chưa kể việc không thể dễ dàng quan sát thấy.

 

Diễn biến tất yếu của tôm sau khi nhiễm EHP

 

Bệnh phân trắng là diễn biến tiếp theo và tất yếu của một bầy tôm đã nhiễm EHP, nói cách khác là nếu tôm đã nhiễm EHP thì gần như chắc chắn sẽ bị bệnh phân trắng sau đó (tham khảo thêm ý này tại đây - slides số 5)

 

Bệnh phân trắng không phải là một bệnh có thể giết chết tôm số lượng lớn hay cấp tính (chết rất nhanh với số lượng lớn), bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được nếu như phát hiện sớm và áp dụng một phác đồ điều trị hiệu quả.

 

Tuy nhiên, bệnh phân trắng theo sau EHP là vấn đề hoàn toàn khác, nó có thể gây ra tình trạng chết hàng loạt, phân trắng nặng lên rất nhanh…vì khả năng đề kháng bệnh ở tôm đã giảm rất trầm trọng sau khi nhiễm EHP. Cần nhớ, khi tôm nhiễm bất cứ bệnh gì thì chúng đã rơi vào tình trạng “stress”. Với EHP, tôm đã bị “stress” trong thời gian dài, vì thế khi nhiễm thêm bệnh phân trắng (hoặc EMS), chúng sẽ dễ dàng tử vong nhanh chóng - điều này làm cho nhiều người nuôi ngộ nhận rằng, bệnh phân trắng là bệnh không thể chữa trị.

 

Khi tôm bị bệnh phân trắng sau EHP, cũng có nhiều trường hợp người nuôi nỗ lực cứu bầy tôm và đạt được mục tiêu chữa trị thành công sau đó. Mặc dù vậy, tôm cũng không thể tăng trưởng. Cả hai bệnh EHP và phân trắng đều làm tôm chậm lớn, vì thế tôm không thể tăng trưởng được sau khi hết bệnh phân trắng nếu trước đó đã nhiễm EHP – trong khi tôm chỉ bị phân trắng thì vẫn tăng trưởng bình thường (dù có chậm hơn 1 – 2 tuần nếu như chữa trị kịp thời và đúng cách) sau khi hết bệnh.

 

Đó là một điều rất khó chịu và rất “stress” khác của người nuôi.

 

Bài viết được thực hiện bởi các thành viên của Bộ phận kỹ thuật công ty VPAS