Chữa bệnh phân trắng thành công phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác ngoài “thuốc men”

Chữa bệnh phân trắng thành công phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác ngoài “thuốc men”

Bệnh phân trắng thường xuất hiện trong khoảng thời gian 40 – 50 ngày tuổi là nhiều nhất, dẫn đến tôm chậm phát triển, thu hoạch không có lãi và thậm chí chết hàng loạt khi nhiễm thêm các bệnh cơ hội khác.

Những thay đổi trong gan tụy và ruột giữa của tôm ở bệnh phân trắng cho thấy một quá trình bệnh lý trong ruột của tôm rất rõ. Ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), gregarine, và một số loài vi khuẩn đã được phân lập và xác định trước đây trên các mẫu tôm bị phân trắng là tác nhân gây bệnh tiềm tàng của WFD. Chất lượng nước bị suy giảm với nồng độ oxy dưới 3 ppm và độ kiềm dưới 80 ppm đã được báo cáo cũng có liên quan nhất định đến việc gây ra tỷ lệ tử chết cao trong các đợt bùng phát WFD.

 

Thành phần vi khuẩn đường ruột có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe tôm. Thành phần vi khuẩn trong ruột tôm thay đổi theo sự phát triển, chế độ ăn và mô hình nuôi tôm (ao bạt đáy hay ao đáy đất) và cả mật độ nuôi lẫn cách mà người nuôn quản lý, chú tâm đến ao nuôi của mình ở mức độ nào….

 

Đã có nghiên cứu chỉ rõ sự thay đổi đột ngột của chất lượng nước về các chỉ tiêu thủy lý hóa như pH, nhiệt độ, oxy hòa tan, tảo tàn đột ngột, khí độc…đều làm biến đổi sâu sắc hệ vi sinh vật môi trường, dẫn đến thay đổi hệ vi sinh vật và điều đó dẽ dàng làm bùng phát bệnh phân trắng.

 

Một trong những yếu tố chỉ thị cho việc trước khi xuất hiện bệnh phân trắng là sự dao động pH đang kể trong khoảng 7.7 đến 7.8 (hay nói nôm na đó là khoảng pH môi trường nuôi mà ở đó tôm dễ bị bệnh phân trắng nhất, thật không may, việc nuôi tôm chân trắng hiện nay cần duy trì pH trong khung này nhiều hơn là pH trên 8.0 vì nhiều lý do khác nhau).

 

Ngoài ra, trước khi tôm bệnh phân trắng, các vi khuẩn sau đây thường là những vi khuẩn thống trị trong môi trường: Alteromonas, Pseudoalteromonas,  Vibrio. Trong phân của tôm giai đoạn trước khi xuất hiện bệnh phân trắng cũng thấy sự vượt trội của các vi khuẩn Alteromonas, Photobacterium, Pseudoalteromonas và nhiều chủng Vibrio khác.

 

 

Trong nuôi tôm công nghệ cao bằng ao lót bạt đáy, mật độ nuôi dầy và sục khí mạnh liên tục làm cho lượng phân tôm hàng ngày rất lớn cũng như tốc độ tan của phân tôm rất nhanh (trên 27% trong 12 giờ đồng hồ), điều này làm cho vi khuẩn lây lan nhanh, tốc độ bị bệnh phân trắng cũng diễn ra rất nhanh và không dễ dàng khống chế được. Việc chữ trị bệnh phân trắng trong trường hợp này càng khó khăn hơn, thậm chí không thể thực hiện nếu như người nuôi vẫn cứ giữ vững lượng cho ăn theo sức tôm hàng ngày mà người nuôi cảm nhận hoặc đo đếm được, sự chủ quan càng lên cao nếu như người nuôi thấy rằng tôm vẫn ăn mạnh khi mới chỉ thấy vài cọng phân trắng.

 

Càng cho ăn nhiều, càng có nhiều phân, càng nhiều hữu cơ, càng tăng sức nặng cho môi trường, càng giúp vi khuẩn lây nhanh vì hữu cơ lơ lững là vector cho vi khuẩn bám vào và xu hướng ăn lại những hạt lơ lững của tôm sẽ giúp tốc độ lây lan càng nhanh hơn…

 

Vậy những yếu tố nào cần chú ý và phải cần thực thi nghiêm ngặt khi bước vào chu kỳ chữ bệnh phân trắng để đảm bảo khả năng thành công cao?

 

- Giảm cho ăn ngay  và giảm suốt thời gian chữ bệnh – việc giảm thức ăn phải được thực hiện ngay khi vừa thấy có vài cọng phân trắng hoặc khi đánh giá được nguy cơ khi quan sát kỹ đường ruột của nhiều con tôm hàng ngày có dấu hiệu bất thường. Nếu có thể kiểm khuẩn ruột tôm định kỳ được thì càng tốt hơn, vì nó có thể cho thấy một tình trạng rõ ràng về sức khỏe đường ruột của bầy tôm. Tỷ lệ giảm thức ăn có thể là từ 20% - 40% tùy theo tình trạng bệnh của tôm.

 

- Giãn thời gian giữ các cữ cho ăn ra so với bình thường – việc này là giúp tôm có thể ăn nhanh thức ăn được trộn “thuốc” khi chữa bệnh, hạn chế tối đa sự thất thoát thuốc ra môi trường ngoài.

 

- Hạn chế hoặc tốt nhất nên ngừng bón nhiều loại khác nhau vào ao với số lượng lớn hàng ngày như khoáng – vì nhiều loại khoáng chất là vector giúp vi khuẩn bám vào và tăng sinh. Thay vào đó, chuyển sang bổ sung khoáng chất tích cực vào khẩu phần ăn hàng ngày để giúp tôm có đủ dưỡng chất.

 

- Diệt khuẩn môi trường nước và cải tạo lại môi trường nhanh chóng, tích cực, liên tục là bắt buộc thực hiện – vì khi tôm có dấu hiệu bệnh hoặc bắt đầu bệnh, như đã nói ở trên, chính là lúc môi trường đã có rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Các liều vi sinh cao cho môi trường sau đó cần được thực hiện liên tục trong suốt quá trình chữa bệnh.

 

- Kiên định với phác đồ chữa bệnh một cách đúng đắn – lưu ý là nếu ao nuôi đã dùng kháng sinh nhiều trước khi tôm bệnh, thì việc dùng thêm kháng sinh khi chữa bệnh gần như không mang lại kết quả vì lúc này vi khuẩn đã lờn với kháng sinh sử dụng trước đó. Tức là dùng kháng sinh lúc này không hề có tác dụng diệt khuẩn nữa, nhưng người lại tin rằng kháng sinh sẽ diệt khuẩn đường ruột tốt.

 

 

Bổ sung gì vào khẩu phần ăn trong phác đồ chữa bệnh?

 

Việc bổ sung “chất gì vào khẩu phần ăn trong phác đồ chữa bệnh” cần theo các nguyên tắc sau đây:

 

- “Sổ ký sinh trùng” – Việc này là cần thiết, nó phải được thực hiện tích cực trong 1 – 2 ngày là tối đa, nhưng điều kiện cần thiết là người nuôi cần phải xác định rõ có sự hiện của ký sinh trùng trong gan ruột tôm. Nếu không thể thực hiện việc xác định này mà lựa chọn cách “bao vậy” thì cũng không nên “sổ ký sinh trùng quá 2 ngày”.

 

- Chất diệt khuẩn (không phải là kháng sinh) – acid hữu cơ là một lựa chọn tốt vì khả năng diệt khuẩn đường ruột mạnh mẽ của nó, đặc biệt là các acid hữu cơ mạch trung bình. Mỗi ngày ít nhất một cữ.

 

- Chủng vi sinh vật hữu ích Bacillus subtilis, liều sử dụng nên tăng gấp đôi và nên lựa chọn các sản phẩm hoặc đáng tin cậy, chất lượng cao. Lưu ý rằng, nhiều nghiên cứu cho thấy chủng Lactobacillus sp gần như không hiện diện trong ao nuôi đang chữa trị bệnh phân trắng vì khả năng lấn át các chủng gây bệnh của Lactobacillus là rất hạn chế, hoặc do chính cách trộn và chuẩn bị sẳn phẩm không đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, chủng B.subtilisB. amyloliquefaciens lại hiện diện nhiều trong các ao nuôi chữa trị tốt.

 

- Các chất hoặc sản phẩm hỗ trợ nhằm giảm tải cho gan khi tôm bệnh là rất cần thiếtCác sản phẩm chứa hàm lượng enzyme tiêu hóa cao giúp tiêu hóa thức ăn nhanh hơn, hấp thu tốt hơn, nó trợ lực cho cường độ làm việc của gan trong việc tiết ra các enzyme tiêu hóa. “Thảo dược kháng khuẩn” hoặc các hoạt chất đặc hiệu bổ trợ gan, giúp gan có thể phòng thủ với sự xâm nhập vi khuẩn cũng là một lựa chọn cần thiết.

 

Mất bao nhiêu ngày để chữa trị chấm dứt bệnh phân trắng?

 

Với sự tuân thủ nguyên tắc cải thiện tích cực môi trường, tuân thủ phác đồ điều trị triệt để, phát hiện sớm, tuân thủ các nguyên tắc ngoài “thuốc men” và chọn lựa đúng sản phẩm chất lượng cao, một quy trình chữa bệnh phân trắng hiệu quả chỉ mất khoảng 5 – 7 ngày là hoàn thành. Có nhiều trường hợp, chỉ mất có 3 ngày là có thể vượt qua bệnh (tất nhiên là trường hợp nhẹ).

 

Người nuôi cũng cần bình tĩnh để nhận thấy rằng, ngay sau 1 – 3 ngày đầu tiên thực hiện phát đồ không có nghĩa là phân trắng “giảm ngay lập tức và có thể nhận thấy rõ”, nhưng cần “thấy rõ ràng” phân trắng không tăng lên và sức khỏe tổng thể của bầy tôm là không xấu đi (thể hiện rõ nhất qua sức ăn), nhận thấy điều đó, có nghĩa là phác đồ điều trị đang có tác dụng.

 

Khi tôm bệnh, việc tốn kém để chữa trị là chuyện hiển nhiên phải thực hiện nếu người nuôi muốn chữa trị thật sự, vì vậy đừng ngại việc chi phí để chọn lựa các sản phẩm chất lượng cao và tần suất quan sát, đánh giá, chăm sóc ao tôm phải được tăng lên nhiều lần trong ngày.

 

 

Tài liệu tham khảo: Yustian Rovi Alfiansah, Sonja Peters, Jens Harder, Christiane Hassenrück & Astrid Gärdes Structure and co-occurrence patterns of bacterial communities associated with white faeces disease outbreaks in Pacific white-leg shrimp Penaeus vannamei aquaculture.

 

Bài viết được thực hiện bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận – VPAS JSC