Chiến dịch chống lại ngành nuôi bạch tuộc còn non trẻ

Chiến dịch chống lại ngành nuôi bạch tuộc còn non trẻ

Tổ chức Compassion for World Farming vừa lập luận trong một báo cáo rằng “có nhiều lý do tại sao việc nuôi bạch tuộc hoặc các kế hoạch phát triển ngành này nên bị dừng lại và tại sao các công ty cung ứng phải tránh việc bán bạch tuộc từ các trang trại nuôi bạch tuộc thâm canh”.

Sản lượng bạch tuộc đang suy giảm

Bạch tuộc đánh bắt tự nhiên được tiêu thụ khắp nơi trên thế giới, nhưng cao nhất là tại châu Á, tiếp theo là châu Âu rồi đến châu Mỹ.

 

Tại EU, Ý là quốc gia tiêu thụ bạch tuộc nhiều nhất với hơn 60.000 tấn mỗi năm, tiếp theo là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Pháp thấp hơn nhiều so với các quốc gia trên, còn Anh thì rất ít.

 

Bạch tuộc được đánh bắt chủ yếu ở Châu Á và Địa Trung Hải, nhưng do nhu cầu tăng cao tại các thị trường như Hoa Kỳ và Nhật Bản đã khiến việc đánh bắt gia tăng và có nguy cơ gây ảnh hưởng đến loài này trong tự nhiên.

 

Báo cáo cho biết: “Nhu cầu thị trường tăng cao, giá cả cũng ngày càng tăng đã khiến các ngành công nghiệp thực phẩm và các nhà nghiên cứu, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Mexico, Nhật Bản và Mỹ, háo hức tìm hiểu tính khả thi của việc nuôi thâm canh bạch tuộc, với ý định bán bạch tuộc nuôi từ năm 2023”.

 

Theo các tác giả của báo cáo: “Bạch tuộc là loài động vật sống đơn độc, rất thông minh, có thể chất mỏng manh. Chúng là một loài hoàn toàn không thích hợp để nuôi, nơi chúng sẽ bị buộc phải sống trong môi trường nghèo nàn và đông đúc, có rất ít hoặc không có cơ hội để bạch tuộc thể hiện hành vi tự nhiên của chúng. Chế độ ăn thịt của chúng sẽ đòi hỏi phải đánh bắt một số lượng lớn cá hoang dã để nuôi chúng, điều này khiến việc nuôi chúng trở nên không bền vững và gây tổn hại đến môi trường, gây thêm áp lực lên các quần thể cá hoang dã và làm cạn kiệt nguồn thức ăn của các loài sinh vật biển khác. Ngoài ra, không có luật pháp châu Âu hoặc quốc gia nào để điều chỉnh các hoạt động canh tác đối với động vật chân đầu, có nghĩa là bạch tuộc hoàn toàn không được bảo vệ khỏi sự đau khổ và các phương pháp giết mổ vô nhân đạo. Đặc trừng của trang trại thâm canh là nuôi bạch tuộc dày đặc. Điều này có thể dẫn đến phúc lợi rất kém và tạo ra nguy cơ xâm lược và chủ nghĩa lãnh thổ có thể dẫn đến ăn thịt đồng loại”.

 

 

Tỷ lệ tử vong trong các thí nghiệm nuôi bạch tuộc thường cao: tỷ lệ tử vong trung bình trong nuôi bạch tuộc ước tính là 20%, nhưng có thể cao tới 50%, theo CWF.

 

Từ lập luận trên, Tổ chức phúc lợi nông nghiệp thế giới (CWF - Compassion for World Farming) đã viết thư cho các chính phủ Tây Ban Nha, Nhật Bản, Mexico và Hoa Kỳ kêu gọi họ ngăn chặn bất kỳ sự phát triển nào của nghề nuôi bạch tuộc và cảnh báo những người có ảnh hưởng trong ngành thực phẩm về những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến việc nuôi thâm canh này.

 

CWF liệt kê một loạt các lý do để tránh nuôi bạch tuộc

 

Bạch tuộc được biết đến với trí thông minh phi thường, và vì tính ham học hỏi bẩm sinh và có xu hướng khám phá, thao túng và kiểm soát môi trường của chúng, chúng sẽ dễ cảm thấy buồn chán và thất vọng trong môi trường nuôi nhốt.

 

Bạch tuộc không có bộ xương bên trong hoặc bên ngoài và da của chúng rất mỏng manh, chúng dễ bị tổn thương. Trong môi trường nông trại, bạch tuộc có khả năng bị thương, do tiếp xúc vật lý của người xử lý hoặc do tương tác thường xuyên với các con bạch tuộc khác.

 

Hiện không có phương pháp giết mổ nhân đạo nào được xác nhận đối với bạch tuộc. Chúng có hệ thống thần kinh phức tạp nên rất khó giết theo yêu cầu giết mổ nhân đạo.

 

Bởi vì bạch tuộc là loài ăn thịt, trong môi trường trang trại, chúng sẽ được cho ăn bột cá và dầu cá, điều này sẽ gây thêm áp lực không bền vững lên các quần thể cá hoang dã - 90% trong số đó thích hợp cho con người ăn - tác động đến các cộng đồng dễ bị tổn thương và gây tổn hại đến đại dương của chúng ta.

 

Tiến sĩ Tracey Jones, giám đốc kinh doanh thực phẩm toàn cầu của Compassion in World Farming nói: Nuôi bạch tuộc đòi hỏi sử dụng bột cá và dầu cá phụ thuộc vào cá đánh bắt tự nhiên, làm tăng thêm các tác động sinh thái vốn đã rất lớn của ngành nuôi trồng thủy sản công nghiệp, điều này đi ngược lại với 'Hướng dẫn chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững' đã được Ủy ban EU thông qua vào tháng 5 năm 2021. Do đó, chúng tôi kêu gọi ngừng phát triển nghề nuôi bạch tuộc để ngăn chặn sự “đau khổ” không cần thiết cho những sinh vật thông minh và phức tạp này, cũng như tránh tạo ra sự tàn phá môi trường hơn nữa.

 

Theo https://thefishsite.com