Xuất khẩu tôm Việt Nam và Ecuador

Xuất khẩu tôm Việt Nam và Ecuador

Năm thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất vào năm 2020 là Nhật Bản (146 triệu USD), Trung Quốc (136 triệu USD), Mỹ (64 triệu USD), Canada (47 triệu USD) và Đài Loan (33 triệu USD)

Lần trước tôi đã chia sẽ với các bạn suy nghĩ của tôi về kết quả ngành tôm 2020 của Indonesia và Ấn Độ cũng như sự phát triển của các quốc gia này trong tương lai. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét kết quả hoạt động trong năm 2020 và suy nghĩ về triển vọng tôi đối với ngành tôm năm 2021 và nhiều vấn đề khác nữa của Việt Nam. Tôi cũng sẽ chia sẻ suy nghĩ của mình về sự cạnh tranh ngày càng tăng của Ecuador ở Châu Âu và Hoa Kỳ.

 

Sản lượng tôm ở Việt Nam năm 2020 tăng hơn so với năm 2019 mặc dù cũng chịu ảnh hưởng của COVID-19. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng 10% (lên 632.000 tấn), sản lượng tôm sú P. monodon tăng 1% ( lên 267.700 tấn) và sản lượng tôm đánh bắt tự nhiên 50.000 tấn. Điều này đưa tổng sản lượng tôm của Việt Nam lên gần 950.000 tấn.

 

Mặc dù những con số này rất ấn tượng nhưng tôi e rằng chúng có thể chưa chính xác. Dữ liệu đối chiếu với các đối tác thương mại của Việt Nam cho thấy nước này đã xuất khẩu khoảng 315.000-325.000 tấn vào năm 2020. Với tỷ lệ 0,6 - 0,7, con số này tương đương trọng lượng tôm trước khi chế biến xuất khẩu là vào khoảng 450.000-540.000 tấn.

 

Có một số yếu tố có thể giải thích sự chênh lệch 300.000-500.000 tấn giữa sản lượng nuôi trồng và đánh bắt so với số liệu xuất khẩu. Ví dụ, thị trường nội địa của Việt Nam có thể lớn hơn nhiều so với giả định của tôi hoặc xuất khẩu phi chính thức sang Trung Quốc có thể tiêu thụ một phần đáng kể.

 

Biểu đồ bên dưới trình bày cơ cấu xuất khẩu tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên các thị trường về mặt giá trị, nó cho thấy xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ chủ yếu bao gồm tôm thẻ chân trắng, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản bao gồm một phần lớn tôm sú.

 

 

Hình - Các thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam 2020 (về giá trị xuất khẩu), màu xanh là giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng, màu đỏ là giá trị xuất khẩu tôm sú

 

Năm thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất vào năm 2020 là Nhật Bản (146 triệu USD), Trung Quốc (136 triệu USD), Mỹ (64 triệu USD), Canada (47 triệu USD) và Đài Loan (33 triệu USD). Các thị trường chính của tôm thẻ chân trắng là Mỹ (789 triệu USD), Nhật Bản (361 triệu USD), Hàn Quốc (296 triệu USD), Anh (214 triệu USD) và Trung Quốc (207 triệu USD). Dữ liệu cho biết Anh, Hà Lan, Bỉ và Đức đã nhập khẩu tôm thẻ chân trắng của Việt Nam với tổng trị giá 498 triệu đô la, khiến châu Âu chắc chắn là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ đối với tôm thẻ chân trắng. Đối với ôm sú, châu Âu đóng một vai trò nhỏ hơn nhiều.

 

Hoa Kỳ thực sự đã tăng nhập khẩu tôm nấu chín từ Việt Nam hơn 50%. Tôm nấu chín hiện chiếm hơn 50% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Điều đáng quan tâm là xuất khẩu tôm bóc vỏ nguyên liệu vẫn ổn định và xuất khẩu tôm nguyên vỏ sang Mỹ thậm chí còn giảm. Do đó, Việt Nam chỉ có thể thu được lợi nhuận từ việc Hoa Kỳ tăng nhập sản phẩm tôm trong phân khúc nấu chín. Trong phân khúc tôm lột vỏ nguyên liệu và tôm còn vỏ bỏ đầu (HLSO), Việt Nam dường như bị Indonesia và Ecuador vượt qua, những nước đã tăng xuất khẩu các sản phẩm này.

 

\

 

Hình - Các loại sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ 

 

Tôi sẽ không nói nhiều về xuất khẩu tôm của Ecuador, nhưng tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về việc khi Ecuador cần đa dạng hóa thị trường sau khi mất thị trường Trung Quốc có thể ảnh hưởng như thế nào đến sân chơi của các nhà xuất khẩu tôm châu Á sang châu Âu và Mỹ.

 

Năm ngoái, Ecuador đã tăng sản lượng xuất khẩu lên 670.000 tấn, tăng 7% so với năm 2019. Điều này đã phải trả giá đắt. Giá tại trang trại giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, phần lớn là do Trung Quốc giảm nhu cầu đối với tôm Ecuador. Các nhà xuất khẩu của Ecuador đã bán tăng gần 80.000 tấn tôm so với năm 2019 tại các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Điều này khiến các nhà xuất khẩu của Ecuador chuyển sang Mỹ và châu Âu. Thị phần của các thị trường này trong tổng xuất khẩu của Ecuador tăng lần lượt từ 12% lên 17% và từ 19% lên 22%. Con số này tương đương với mức tăng 50% xuất khẩu từ Ecuador sang Mỹ và tăng 27% xuất khẩu từ Ecuador sang châu Âu.

 

Đa dạng hóa thị trường đã nằm trong chương trình nghị sự của Ecuador. Nước này đã tích cực quảng bá tôm Ecuador nhằm tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh châu Á, khẳng định tính bền vững và chất lượng cao cấp. Với chiến lược này, Ecuador cố gắng thâm nhập vào thị trường bán lẻ của Mỹ và châu Âu, những thị trường cho đến nay vẫn bị các nhà cung cấp châu Á thống trị. Ví dụ, ở Tây Bắc Châu Âu, Ecuador trước đây chỉ cung cấp chủ yếu một lượng nhỏ HOSO (tôm đông lạnh nguyên con) và các sản phẩm bóc vỏ được chứng nhận hữu cơ, và giờ đây cũng bắt đầu cạnh tranh trong phân khúc tôm nõn nguyên liệu. Năm 2020, Hà Lan, Bỉ và Đức đã tăng nhập khẩu từ Ecuador lần lượt là 122%, 90% và 51%. Xuất khẩu các sản phẩm bóc vỏ sang Mỹ tăng 52%. Tất nhiên được hỗ trợ bởi giá thấp, các nhà bán lẻ ở châu Âu và Mỹ dường như bắt đầu nhận ra vị thế cao cấp của tôm Ecuador, khiến Ecuador trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt của các nhà cung cấp cùng loại ở châu Á.

 

Từ phân tích trong các bài viết trước, trong đó tôi trình bày về kết quả hoạt động của ba nhà sản xuất tôm chính của châu Á vào năm 2020, tôi kết luận rằng Việt Nam và Indonesia hoạt động tốt hơn nhiều so với mong đợi, trong khi Ấn Độ phải vật lộn với hậu quả của đại dịch COVID-19. Mặc dù Việt Nam và Indonesia đã làm tốt, tất cả các nhà sản xuất châu Á phải đối phó với sự cạnh tranh gia tăng của Ecuador trong các siêu thị của Hoa Kỳ và châu Âu. Việc xuất khẩu các sản phẩm HLSO của Ecuador sang các phân khúc bán buôn ở Mỹ và Châu Âu có thể mang tính chất tạm thời hơn và phần quan trọng trong xuất khẩu của Ecuador có thể quay trở lại thị trường Châu Á khi nhu cầu phục hồi sau COVID-19. Trong khi đó, các sản phẩm của Ecuador tại các thị trường bán lẻ Mỹ và Châu Âu sẽ buộc các nhà xuất khẩu Châu Á đẩy mạnh cuộc chơi của họ để bắt kịp với hình ảnh thị trường cao cấp của Ecuador trong thời gian tới.

 

Nguồnhttps://shrimpinsights.com/

 

Lược dịch: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận - VPAS JSC