Dịch tả lợn Châu Phi có thể mang lại lợi thế cho ngành thủy sản toàn cầu

Dịch tả lợn Châu Phi có thể mang lại lợi thế cho ngành thủy sản toàn cầu

Gorjan Nikolik, nhà phân tích thủy sản cấp cao của Rabobank đã nói chuyện với The Fish Site về những tác động mạnh mẽ mà ASF có thể tác động đến thị trường protein toàn cầu.

Sự bùng phát dịch tả lợn châu Phi (ASF - African swine fever) lần đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc, sau đó đã lan sang khắp châu Á và châu Âu, có thể tạo ra cơ hội cho ngành thủy sản - đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi mà sản lượng thịt lợn giảm tới 10% (tương đương với 5 triệu tấn protein) trong năm tới.

 

“Trung Quốc sản xuất một nửa thịt lợn của thế giới - sản xuất thịt lợn tại đây rất quan trọng nên nó có thể có tác động đến tỷ lệ lạm phát của đất nước. ASF hiện đã lan rộng đến các khu vực sản xuất thịt lợn quan trọng ở châu Á và châu Âu, và điều này sẽ dẫn đến sự điều chỉnh lớn trong sản xuất protein động vật toàn cầu sau hai năm tăng trưởng”.

 

Đây là cơ hội vàng cho xuất khẩu thủy sản từ các nước khác, vì Trung Quốc sẽ tìm kiếm các loại protein động vật thay thế. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, các nhà sản xuất protein động vật khác cũng sẽ để mắt đến cơ hội ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, nơi ngành thịt lợn và sản lượng thịt gà đang thặng dư lần lượt là 3% và 4%, vượt xa nhu cầu trong nước.

 

 

Tuy nhiên, liệu Mỹ có thể chuyển thặng dư này sang Trung Quốc hay không vẫn còn phải xem xét, do chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa hai quốc gia này, Trung Quốc có mức thuế nhập khẩu 50% đối với thịt lợn và lệnh cấm hoàn toàn đối với thịt gà từ Mỹ.

 

Trong khi đó, EU cũng được dự báo là thặng dư thịt lợn không kém, liệu họ có thể xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc hay không?

 

“Mối quan tâm đặc biệt là một loạt các trường hợp ASF trên lợn rừng và xung quanh Luxembourg. Nếu không được ngăn chặn, ASF có thể lây lan sang các khu vực sản xuất thịt lợn trọng điểm của châu Âu - Pháp, Đức, Benelux và Đan Mạch. Điều này sẽ ảnh hưởng đến ngành sản xuất thịt lợn của EU và hạn chế khả năng xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc”, Nikolik giải thích.

 

“Do những yếu tố này, ngành thủy sản phải theo sát diễn biến một cách chặt chẽ. Dù điều gì xảy ra, Trung Quốc có khả năng trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn hơn nữa, đặc biệt nếu EU không thể xuất khẩu thịt lợn thặng dư của mình sang đó”.

 

Và cơ hội này có thể sẽ được gia tăng bởi các yếu tố khác.

 

“Người tiêu dùng Trung Quốc đang trở nên cảnh giác với gia cầm, đặc biệt sau nhiều ca tử vong do cúm gia cầm (avian flu) trong vài năm qua, và ASF - lây lan qua nhiều khu chợ ẩm ướt tại Trung Quốc - đang khiến nhiều người dùng hướng tới các nhà bán lẻ lớn và thậm chí mua sắm trực tuyến, cả hai đều mang lại cơ hội lớn hơn cho các nhà nhập khẩu thủy sản”, ông lưu ý.

 

Hơn nữa, ông nói thêm rằng việc giảm sản lượng thịt lợn có thể giải phóng thị trường bột cá cho nuôi trồng thủy sản.

 

Ông kết luận: “Việc giảm nhu cầu đối với bột cá từ ngành sản xuất thịt lợn của Trung Quốc có thể giúp giảm giá bột cá toàn cầu, do đó có lợi hơn nữa cho các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản”.

 

Nguồn: https://thefishsite.com

 

Dịch bởi: NGỌC HÂN – VPAS JSC