Ứng dụng công nghệ Blockchain vào chuỗi cung ứng thủy sản
Trong nhiều năm, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đã cân nhắc giá trị của việc áp dụng công nghệ blockchain - một phương pháp kỹ thuật số để lưu trữ và chia sẻ một cách an toàn các luồng dữ liệu. Một công cụ sáng tạo như vậy có tiềm năng thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản, vì nó cho phép một sổ cái phân tán ghi lại chuyển động của sản phẩm và các dữ liệu khác, cho phép truy xuất nguồn gốc thủy sản hiệu quả và chính xác hơn.
Với tính bền vững, phúc lợi động vật và chất lượng thực phẩm ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu, công nghệ blockchain mang đến một giải pháp để các nhà cung cấp sản phẩm cao cấp tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Nhưng như một số nhà cung cấp và chuyên gia lưu ý, việc triển khai công nghệ này mang lại những thách thức và blockchain chỉ là một phần của giải pháp để loại bỏ gian lận.
Trong một thông báo phát hành vào tháng 6, Tổ chức đối tác tôm bền vững (SSP - Sustainable Shrimp Partnership) cho biết các thành viên của họ đang mở rộng việc sử dụng công nghệ blockchain. Một cách riêng biệt, vào tháng 6, nhà sản xuất cá hồi Nova Sea đã thông báo rằng họ đang tiến tới việc triển khai công nghệ blockchain - một dấu hiệu tiềm năng cho thấy nhiều nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản có thể nắm lấy công nghệ mới này.
Đó là tất cả về sự minh bạch
Vào tháng 6, SSP - một sáng kiến bền vững do các nhà sản xuất tôm Ecuador dẫn đầu - đã thông báo rằng Grupo Nueva Pescanova, một trong những thành viên của nó, đã mở rộng việc sử dụng công nghệ blockchain cho tất cả các sản phẩm thủy sản của mình. Pamela Nath, giám đốc SSP, cho biết điều này thể hiện cam kết đảm bảo chất lượng và xuất xứ của các sản phẩm.
Nath cho biết: “Đó là tất cả về sự minh bạch, điều cần thiết trong ngành tôm".
Một trang trại cá hồi ở phía tây Na Uy của Nova Sea đã tham gia Norwegian Seafood Trust, một mạng lưới theo dõi hải sản quốc gia được hỗ trợ bởi gã khổng lồ công nghệ đa quốc gia IBM. Ảnh do IBM cung cấp.
Để tối đa hóa nỗ lực triển khai blockchain, SSP đã phát triển một ứng dụng cho phép người tiêu dùng truy cập thông tin chính từ mỗi sản phẩm và theo dõi hành trình của sản phẩm từ đầu đến cuối bằng cách quét mã QR. Các cuộc khảo sát từ GlobeScan do SSP trích dẫn chỉ ra rằng người tiêu dùng muốn thông tin truy xuất nguồn gốc như vậy, mà Nath cho biết nó giúp cải thiện việc kết nối với người tiêu dùng.
“Công nghệ này cũng cho phép chúng tôi làm nổi bật vai trò cơ bản của các nhà sản xuất, mà hầu hết thời gian, do sự phức tạp của chuỗi cung ứng, người tiêu dùng không chú ý đến,” Nath nói.
Cũng trong tháng 6, Nova Sea, một trong những hộ nuôi cá hồi lớn nhất ở miền Bắc Na Uy, thông báo rằng họ đã tham gia Norwegian Seafood Trust - một mạng lưới theo dõi hải sản quốc gia được kích hoạt bởi gã khổng lồ công nghệ đa quốc gia IBM. Được ra mắt bởi Hiệp hội Thủy sản Na Uy và Atea vào năm 2020, mạng sử dụng công nghệ blockchain của IBM tạo ra một bản ghi số hóa vĩnh viễn của mỗi giao dịch khi sản phẩm di chuyển qua chuỗi cung ứng, cho phép các công ty nuôi cá như Nova Sea chia sẻ dữ liệu với người tiêu dùng trên toàn thế giới. Mỗi thành viên của chuỗi cũng có thể “tải xuống và sử dụng một ứng dụng để quét từng lô cá hồi tại mỗi điểm nhận hàng”.
Mặc dù đầy hứa hẹn, vẫn còn một số khó khăn với hệ thống. Espen Braathe, người đứng đầu IBM Food Trust Europe - công ty đang làm việc với Na Uy Seafood Trust để triển khai công nghệ này - lưu ý rằng chuỗi cung ứng thủy sản có thể trải dài từ các hòn đảo ở phía bắc của Na Uy đến các cửa hàng ở Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới.
“Đó là một chuỗi cung ứng dài. Họ cần đảm bảo duy trì tính toàn vẹn của toàn bộ chuỗi cung ứng đó.”, Braath nói.
Sử dụng blockchain kết hợp với một công nghệ khác, Internet of Things (IoT), có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn việc dán nhãn sai cho sản phẩm, dù cố ý hay vô tình. Blockchain ghi lại các giao dịch khi một sản phẩm thay đổi vị trí hoặc trải qua một bước xử lý. IoT cung cấp phương tiện để tự động nắm bắt chuyển động đó thông qua thẻ RFID (radio frequency ID) hoặc các cảm biến, giao tiếp không dây.
Giảm gian lận thực phẩm có thể là một trong những kết quả của việc triển khai hai công nghệ này. Theo Braathe, sự kết hợp giữa blockchain và IoT giúp xác định các sản phẩm chất lượng thấp hơn bị dán nhãn sai thành các sản phẩm cao cấp.
Công nghệ thứ ba - trí tuệ nhân tạo (AI) – có thể được thêm vào và sử dụng các cảm biến IoT để đo nhiệt độ cũng như các thông số môi trường khác, thậm chí có thể tối ưu hóa công tác hậu cần.
Đồ họa này của IBM nêu chi tiết về các điểm chuỗi cung ứng có thể được theo dõi và bảo mật bằng công nghệ blockchain.
Truyền thông và quảng bá là chìa khóa
Công việc theo dõi sựu mới mẻ vẫn tiếp tục, nhưng vẫn cần phải hoàn thành nhiều bước cơ sở trước khi blockchain trở thành xu hướng chủ đạo. Ví dụ, vì chuỗi cung ứng là quốc tế, Braathe lưu ý rằng các tiêu chuẩn quản trị về trao đổi dữ liệu blockchain cần phải được hài hòa trên phạm vi quốc tế - điều mà IBM và các công ty trong ngành khác đang tích cực theo đuổi. Trong trường hợp công nghệ của IBM, bất kỳ ai tải lên dữ liệu sẽ giữ quyền kiểm soát đối với dữ liệu đó và xác định ai có thể xem dữ liệu đó.
Như Nath đã nói, khi cố gắng tiếp cận người tiêu dùng, "Truyền thông và quảng bá là chìa khóa để giáo dục và thông qua kiến thức, có thể đưa ra quyết định sáng suốt." Cuối cùng, công nghệ blockchain có thể giúp đạt được mục tiêu đó bằng cách đưa thông tin đến tận tay người tiêu dùng.
Nguồn: https://www.aquaculturealliance.org
Lược dịch bởi: Việt Khương – VPAS JSC
- Vụ kiện chống phá giá mới - Nếu Mỹ thắng kiện?
- Vì sao Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi Việt Nam?
- Xuất khẩu thủy sản tăng hơn 60% trong tháng 1/2024
- Vận may của người nuôi cá hồi và nuôi tôm tiếp tục khác nhau
- Ngành tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022
- Nguy cơ tội phạm mạng tấn công các công ty thủy sản
- Đã đến lúc của thực phẩm xanh
- Sản lượng bột cá và dầu cá tăng trong năm 2021