Mưa ảnh hưởng như thế nào đến ao nuôi tôm?
Ảnh hưởng của mưa đối với ao nuôi tôm thương phẩm
Trong bài viết này (đã được chỉnh sửa và tóm tắt từ ấn phẩm gốc tại Revista Acuacultura - Cámara Nacional de Acuacultura, số 122, tháng 4 năm 2018), tôi sẽ giải thích những mưa lớn trong suốt mùa mưa có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các ao nuôi tôm thương phẩm truyền thống như thế nào. Cụ thể là những tác động của mùa mưa, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm như thế nào và người nuôi tôm có thể làm những gì để hạn chế những tổn thất liên quan đến hiện tượng khí hậu này.
Mặc dù các dự báo mới nhất từ Cục Hải dương học và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) chỉ ra sự kéo dài của hiện tượng thời tiết “La Niña” với các biểu hiện điển hình như hạn hán và nhiệt độ thấp ở một phần thế giới (Ecuador), chúng ta vẫn sẽ tiếp tục đối diện với những cơn mưa lớn như mọi năm. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Những cơn mưa này có ý nghĩa gì và làm thế nào chúng có thể ảnh hưởng đến sản xuất tôm trong thời gian ngắn?
Những cơn mưa lớn có thể tàn phá ngành nuôi tôm, mặc dù phần lớn nguyên nhân tôm chết không liên quan đến yếu tố khí hậu này. Ở cả hai phía Nam Thái Bình Dương, tỷ lệ chết của tôm nuôi đã được báo cáo là từ 3% đến 50% tổng diện tích nuôi trong vòng 3-4 ngày mưa lớn liên tục.
Các phần tiếp sau đây mô tả các yếu tố vật lý liên quan trực tiếp đến lượng mưa và cách mà các yếu tố này ảnh hưởng đến hệ sinh thái ao nuôi. Điều quan trọng là mưa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố hóa học của môi trường ao nuôi còn làm thay đổi đáng kể cân bằng sinh thái của ao nuôi tôm trong một thời gian dài nhiều ngày sau khi trời mưa.
Những ảnh hưởng trực tiếp
Mưa thường có nhiệt độ thấp hơn môi trường từ 5 đến 6 độ C, nhưng nó có thể thấp hơn nhiều nếu mưa kết hợp với tình trạng áp thấp. Do sự hòa tan của carbon dioxide (CO2), nước mưa thực sự acid yếu (axit cacbonic) với độ pH từ 6,2 đến 6,4 (ở các khu vực phi công nghiệp). Hai yếu tố vật lý này có xu hướng làm giảm nhiệt độ và độ pH của các ao nuôi tôm. Ngoài ra, do hậu quả của sự pha loãng bởi nước mưa, độ mặn và độ cứng ao nuôi cũng giảm do sự giảm nồng độ ion trong nước.
Những thay đổi vật lý khác liên quan trực tiếp đến mưa bao gồm sự gia tăng chất rắn lơ lửng do do sự rửa trôi đất từ bờ ao. Ảnh hưởng đó làm độ đục của ao tăng cao hơn và tác động tiêu cực đến sự xâm nhập của ánh sáng mặt trời vào ao, từ đó gây ra các sự suy giảm tảo trong ao nuôi đột ngột (tảo tàn đột ngột).
Mưa cũng làm cho sự phân tầng độ mặn nước ao nuôi diễn ra mạnh hơn.
Bảng 1 – Các yếu tố thủy lý hóa bị ảnh hưởng bởi mưa
Các ảnh hưởng gián tiếp
Một loạt các sự kiện thường được quan sát thấy rõ mà lượng mưa chỉ là khởi đầu. Gần như luôn luôn có một sự suy giảm đột ngột quần thể vi tảo (tảo tàn đột ngột) ngay sau mưa hoặc ngay cả khi đang mưa. Việc này là do nhiều yếu tố kết hợp, tuy nhiên nguyên nhân chính của hiện tượng này là do sự suy giảm pH đột ngột từ nước mưa, giảm nồng độ khoáng chất và vi chất dinh dưỡng, tăng độ đục và cuối cùng là giảm cường độ ánh sáng mặt trời.
Tiếp theo sau đó, các quần thể vi khuẩn dị dưỡng - với vai trò phân hủy chất hữu cơ - tăng theo cấp số nhân do sự gia tăng các chất dinh dưỡng từ các tế bào tảo chết lắng xuống đáy ao.
Tại thời điểm này, tình trạng giảm hàm lượng oxy hòa tan trong ao nuôi diễn ra nhanh, liên tục và dễ nhận biết nếu chúng ta thực hiện việc kiểm tra tại những thời điểm khác nhau. Nhu cầu oxy sinh học tăng cao (BOD) bởi số lượng vi khuẩn dị dưỡng khổng lồ cần oxy để phân hủy hữu cơ và thiếu oxy được cung cấp bởi các sinh vật tự dưỡng (chẳng hạn như tảo, vì chúng đã chết), thậm chí tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng có thể xảy ra trong một thời gian rất ngắn nếu không có biện pháp khắc phục. Ngoài việc tiêu thụ oxy có sẵn, hô hấp do vi khuẩn sẽ tạo ra carbon dioxide (CO2), hòa tan trong nước và sẽ làm giảm pH nhiều hơn nữa.
Một loạt các điều kiện bất lợi như trên (oxy hòa tan, pH và nhiệt độ thấp) tạo ra một môi trường rất không thuận lợi cho việc nuôi tôm. Đầu tiên, một lượng lớn chất hữu cơ do tảo chết là điều kiện lý tưởng cho sự gia tăng nhanh của vi khuẩn gây bệnh và chúng có thể thống trị quần thể vi sinh vật trong ao. Vibrios spp (các chủng vi khuẩn gây bệnh) thường chiếm ưu thế trong các điều kiện này.
Và trong những điều kiện này, tiềm năng oxy hóa khử của bùn có thể sẽ âm. Nói cách khác, tất cả các hợp chất sẽ giảm trong điều điều kiện này, bao gồm cả sunfat. Trong điều kiện khử và pH thấp, hydrogen sulfide (H2S) cực kỳ độc hại đối với tôm nuôi ngay ở nồng độ mà trong điều kiện bình thường sẽ không có vấn đề gì.
Tác động đến sức khỏe tôm nuôi
Nhiệt độ
Nhiệt độ môi trường có ảnh hưởng sâu sắc đến tỷ lệ trao đổi chất của tất cả các sinh vật có máu lạnh (sinh vật máu lạnh, có nhiệt độ cơ thể biến đổi tương tự như nhiệt độ môi trường), và tôm cũng không ngoại lệ. Thông thường, sức ăn của tôm sẽ giảm 10% nếu nhiệt độ nước giảm xuống 1 độ C. Vì mưa có thể làm giảm nhiệt độ nước ao từ 3 đến 5 độ C, vì vậy sức ăn của tôm có thể giảm ít nhất 30% so với thông thường.
Như đã nói ở trên, mưa sẽ làm phân tầng nước và giảm độ chiếu sáng của mặt trời vào nước ao. Nước mưa nhẹ hơn nên sẽ hình thành một lớp nước ngọt và lạnh dẫn tới quá trình làm ấm nước ao sẽ chậm hơn. Vì vậy, việc quan trọng là phải làm sao nhanh chóng loại bỏ lớp nước này hoặc phải đồng nhất nhiệt độ nước ao nuôi bằng các biện pháp cơ học (chẳng hạn như bật quạt nước để xáo trộn các tầng nước).
Ngoài việc giảm sự thèm ăn, các điều kiện phân tầng nhiệt này sẽ làm cho tôm di chuyển đến các khu vực ao có nhiệt độ và độ mặn cao hơn và có thể tránh xa âm thanh của mưa trên bề mặt ao. Hậu quả là mật độ tôm gia tăng đáng kể ở một số vùng ao sâu hơn, nơi nồng độ ôxy hòa tan thấp nhất và nồng độ H2S là cao nhất trong toàn bộ ao nuôi. Nếu lượng thức ăn như lúc bình thường được tiếp tục cho tôm ăn, thức ăn dư thừa sẽ làm gia tăng vi khuẩn gây hại và hoạt động của chúng càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu oxy và ảnh hưởng của pH thấp.
pH
Nước mưa có độ pH thấp (khoảng 6,5 – 6,7) trong khi nước ao có pH từ 7,5 – 8,5. pH nước ao nuôi có thể giảm từ 0,3 – 1,5 ngay khi mưa và kéo dài sau đó. Như đã nói ở trên, pH thấp làm cho tảo tàn đột ngột và việc giảm độ mặn khi mưa lớn kéo dài cùng pH thấp là điều kiện lý tưởng để tảo lam phát triển.
Tảo tàn đột ngột cung cấp một lượng lớn chất hữu cơ trong ao làm cho quần thể vi sinh vật phân hủy hữu cơ trong điều kiện hiếu khí tăng mạnh, oxy sẽ giảm nhanh. Khi oxy giảm nhanh, các quần thể vi sinh vật kỵ khí sẽ tiếp nối phát triển và các vi sinh vật gây bệnh sẽ gia tăng số lượng rất nhanh. Hô hấp của vi khuẩn hiếu khí cũng tạo ra CO2, và vì thế pH sẽ tiếp tục giảm sau đó cho đến khi quần thể thực vật phù du (tảo) phục hồi.
Oxy hòa tan
Oxy hòa tan là yếu tối quan trọng trong nuôi tôm. Độ bão hòa của oxy trong nước thấp hơn 25 lần so với không khí trong cùng một nhiệt độ. Vì vậy oxy luôn là yếu tố hạn chế đầu tiên đối với bất cứ mô hình, đối tượng thủy sản nuôi nào.
Mặc dù nhiệt độ và độ mặn giảm khi mưa sẽ làm tăng khả năng bảo hòa oxy trong nước, nhưng việc mất tảo, thiếu quang hợp cùng với nhu cầu oxy sinh học cao như đã nói ở trên làm cho hàm lượng oxy giảm thấp ngay sau đó nếu như chúng ta không có tác động cơ học nào – chẳng hạn như sục khí. Hàm lượng oxy có thể giảm thấp đến mức 3 ppm hoặc thấp hơn trong vòng chưa đầy nửa giờ. Oxy thấp sẽ làm tăng khả năng chuyển hóa sunfat và cuối cùng làm tăng H2S trong ao nuôi nhanh chóng.
Mang tôm đen khi mưa lớn kéo dài hoặc sau 1 – 2 ngày sau mưa cũng là một biểu hiện rõ rệt của độc tính H2S.
Tôm bị đen mang và stress do mưa (hình minh họa)
Độ mặn và độ cứng
Cả độ mặn và độ cứng đều được quyết định bởi sự hiện diện và hàm lượng của các ion hòa tan. Vì vậy, độ mặn và độ cứng giảm khi mưa có nghĩa là nồng độ các ion này đã giảm mạnh.
Việc giảm nồng độ các ion hòa tan sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động sống và cân bằng nội tiết tố của tôm. Tôm lột vỏ thời gian mưa, trong mưa và sau mưa không thể có đầy đủ các ion Ca và Mg để làm cứng vỏ, vì vậy mà sẽ dẫn đến gia tăng tình trạng ăn thịt lẫn nhau. Khả năng nhiễm trùng thứ phát cũng diễn ra trong điều kiện ăn thịt lẫn nhau này và tạo điều kiện cho các mầm bệnh cơ hội khác. Trường hợp này rất khó để nhận biết cho đến 1 – 2 tuần sau mưa và lúc đó tình hình ngày càng trở nên phức tạp.
Sóng và gió
Khi mưa thường kèm theo gió và tạo ra sóng trên bề mặt ao. Sóng càng lớn khi các ao nuôi có diện tích bề mặt càng lớn.
Sóng tạo ra sự xói mòn bờ ao và do đó càng làm tăng độ đục ao nuôi, góp phần làm cho tào tàn nhanh hơn.
Sóng cũng tác động đến đáy ao làm phá hủy lớp đất nền mỏng hiếu khí, qua đó tăng độ đục cao hơn nữa. Sự phá hủy lớp đất mỏng quan trọng này tại đáy ao làm cho tiềm năng oxy hóa khử đáy ao giảm dẫn đến nitrit (NO2) và H2S nhanh chóng hình thành hoặc phát tán từ tầng đất bên dưới đáy ao vào ao nuôi nhiều và nhanh hơn.
Các khuyến cáo quan trọng giúp giảm thiểu tác động của mưa đến ao nuôi tôm thương phẩm
Trước khi mưa
- Làm sạch và nạo vét các kênh thoát nước trong trang trại nuôi. Trong vài trường hợp nên lắp máy bơm ở đầu kênh thoát nước để có thể vận hành bơm xả nước mưa trong kênh thoát khi mà mực nước sông cao hơn mực nước kênh.
- Đặt các bao CaCO3 (500 kg/ha) quanh bờ ao tạo thành bức tường, khi trời mưa CaCO3 sẽ hòa tan vào ao giúp duy trì pH, độ cứng và các hàm lượng các ion hòa tan ở mức giá trị có thể chấp nhận được và phù hợp cho tôm nuôi. Trong vài trường hợp có thể dùng Kali Chloride (KCl) ở mức 100 kg/ha.
- Sửa chữa bờ ao, bờ kênh cấp thoát nước ở những chỗ dễ sạt lở.
- Đảm bảo các cống thoát nước hoặc các ống PVC đặt nằm ngang cho phép thoát nước mặt hoạt động tốt và sẵn sàng.
- Kiểm tra máy móc, hệ thống sục khí, hệ thống điện và bảo đảm chúng hoạt động tốt, thậm chí phải bảo đảm hệ thống dự phòng cũng có tình trạng hoạt động tốt tương tự.
Trong khi mưa
- Xả nước mặt.
- Đo hàm lượng oxy hòa tan và pH liên tục. Trong trường hợp pH giảm, hãy dùng CaCO3.
- Giảm lượng cho ăn ít nhất 30% và tiếp tục giảm nếu nhiệt độ tiếp tục giảm.
- Bật tất cả các thiết bị sụt khí, quạt nước sẵn có và cố gắng duy trì hàm lượng oxy hòa tan trên mức 4 ppm mọi lúc trong ngày.
- Nên kiểm tra tảo thường xuyên bằng kính hiển vi (nếu có điều kiện) vì lúc này, tảo vẫn có màu xanh lá cây khi chết. Lưu ý là một tế bào tảo khỏe mạnh sẽ có tế bào chất đầy đủ và không có khoảng cách tách biệt giữa thành tế bào và màng tế bào.
Và sau khi mưa
- Tăng dần lượng thức ăn tùy theo sự tăng nhiệt độ nhưng phải đảm bảo pH và oxy hòa tan đã ổn định ở mức phù hợp cho tôm.
- Điều quan trọng là phải đánh giá lại sản lượng tôm trong ao sau những cơn mưa lớn để cho ăn đúng. Cần nhớ rằng tôm chết sau mưa có thể diễn ra thường xuyên và khó nhận biết (đặc biệt với tôm nhỏ) – hiện tượng này gọi là chết mãn tính – vì vậy việc đánh giá số lượng tôm trong ao cần phải thực hiện liên tục ít nhất 01 tuần sau mưa.
- Thêm vitamin C, muối kali, natri và Mg vào khẩu phần ăn của tôm.
- Bổ sung probitic vào ao nuôi để gúp giảm mật số và quần thể vi khuẩn gây bệnh.
- Duy trì thời lượng sục khí cao trong ao cho đến khi quần thể tảo mới phát triển và ổn định lại.
Kết luận
Tác động tổng thể của mưa trong ao tôm có thể làm tỷ lệ chết của tôm ở mức độ cao. Ảnh hưởng này có thể do các nguyên nhân, chẳng hạn như thiếu oxy, nhiễm trùng thứ cấp, ăn thịt lẫn nhau, độc tính H2S và các vấn đề khác liên quan đến quá trình lột xác. Tỷ lệ chết thường xảy ra từ hai đến ba ngày sau những trận mưa và không có dấu hiệu rõ ràng chẳng hạn như sự hiện diện của chim.
Do đó, điều rất quan trọng là các nhà quản lý trang trại nuôi tôm hiểu các các vấn đề liên quan đến mưa lớn và cần chuẩn bị đầy đủ để có những hành động thích hợp nhằm hạn chế rủi ro mất mùa khi nuôi tôm trong mùa mưa.
Nguồn: Animal Health & Welfare, Global Aquaculture Advocate, 11/6/2018.
Dịch bởi : KS. Nguyễn Thành Quang Thuận - VPAS JSC
- Vi tảo Thalassiosira pseudonana cải thiện năng suất tôm thẻ chân trắng
- Lắng đọng khoáng trên tôm thẻ chân trắng
- Tăng khả năng hấp thụ carbon để phát triển hệ vi khuẩn dị dưỡng
- Stress pH ảnh hưởng đến chức năng đường ruột ở tôm
- Lột xác và quản lý quá trình lột xác ở tôm nuôi
- Sự thật về việc kiểm soát Nitrit (NO2)
- Ban đêm ở trang trại nuôi tôm
- Các vấn đề thường gặp khi nuôi tôm trong mùa mưa