Kháng sinh và sulphite tràn ngập trong tôm xuất khẩu sang Mỹ
Một bài báo vừa được công bố trên Báo cáo nuôi trồng thủy sản cho thấy tôm nhập khẩu vào Mỹ đang giảm các tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng. Các nhà nghiên cứu ở Baton Rouge, thuộc bang Louisiana đã mua nhiều loại sản phẩm tôm tươi và đông lạnh có xuất xứ từ Việt Nam, Thái Lan, Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh tại các cửa hàng trong khu vực để kiểm tra về mức độ phơi nhiễm sulphite và kháng sinh đã bị cấm ở Mỹ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy hầu hết các mẫu tôm đều chứa dư lượng oxytetracycline, nitrofurantoin, fluoroquinolone và malachite green….đó là những loại kháng sinh bị hạn chế hoặc cấm theo tiêu chuẩn thực phẩm hiện hành của Mỹ. Họ cũng phát hiện ra rằng nhiều mẫu tôm được xét nghiệm dương tính với chất sulphites nhưng dưới ngưỡng quy định tối đa. Tuy nhiên, không có sản phẩm nào có nhãn cảnh báo sulphite.
Theo các nhà nghiên cứu, những kết quả này chứng minh rằng các quy trình sàng lọc hiện hành và các biện pháp kiểm tra, thực hiện đối với tôm nhập khẩu vào Mỹ là chưa đầy đủ. Nó cũng cho thấy rằng các nước sản xuất tôm cần thực hiện các biện pháp bổ sung để hạn chế sử dụng kháng sinh.
Khi ngành nuôi tôm tăng trưởng trong những năm 70 và 80, nhiều người nuôi dựa vào thuốc kháng sinh để chống lại sự bùng phát dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng. Họ cũng sử dụng sulphites để ngăn ngừa melanosis – hiện tượng biến đen khi thu hoạch. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc, để lại dư lượng trong môi trường nuôi và môi trường bên ngoài, nhiều hợp chất kháng sinh có thể tồn tại trong tôm và chuyển qua chuỗi thức ăn. Sulphite cũng có nguy cơ đối với sức khỏe con người, đặc biệt là dị ứng.
Nhiều quốc gia nuôi tôm đã thực hiện các biện pháp để hạn chế sử dụng kháng sinh và sulphite. Ở Bắc Mỹ và EU (châu Âu), việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản được quy định nghiêm ngặt, kháng sinh như chloramphenicol và nitrofurantoin đã bị cấm hoàn toàn. Đối với sulphite, Hoa Kỳ và EU đã yêu cầu ghi nhãn nghiêm ngặt. Các sản phẩm đã được xử lý hoặc tiếp xúc với sulphite phải có nhãn cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Tại Mỹ, FDA có thẩm quyền kiểm tra và từ chối nhập khẩu tôm nếu chúng chứa dư lượng kháng sinh hoặc sulphite vượt quá ngưỡng tối thiểu cho phép. Tuy nhiên, do hạn chế về ngân sách, FDA chỉ có thể kiểm tra 2% lượng tôm nhập khẩu vào nước này. Bất chấp những hạn chế và lệnh cấm, dư lượng kháng sinh và sulphite vẫn xâm nhập vào tôm nhập khẩu và có mặt trên các kệ hàng bán cho người tiêu dùng.
Kết quả xét nghiệm
Dưới đây là kết quả xét nghiệm tôm của các nhà nghiên cứu ở Baton Rouge
- 5% các mẫu dương tính với malachite green, một “loại kháng sinh” đã bị cấm trong nuôi trồng thủy sản, vì nó là độc tố tế bào và vì nó có liên quan đến khối u gan. Các mẫu tôm xét nghiệm dương tính này có xuất xứ tại Việt Nam và Indonesia.
- 7% các mẫu thử nghiệm dương tính với oxytetracycline, chất không được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản của Hoa Kỳ. Tôm được phát hiện dương tính với oxytetracycline có nguồn gốc từ Thái Lan và Trung Quốc.
- 17% xét nghiệm dương tính với fluoroquinolone, chất này đã bị cấm ở Mỹ do có liên quan đến suy thận và rối loạn nhịp tim. Các sản phẩm này có nguồn gốc từ Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.
- 70% xét nghiệm dương tính với nitrofurantoin, một loại kháng sinh được sử dụng như một chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi cho đến những năm 1990. Nó đã bị cấm ở EU từ năm 1995. Tuy nhiên, hợp chất này rất khó giám sát về mặt sinh học. Tỷ lệ dương tính trong thử nghiệm này đã được xác nhận bằng nhiều lần sàng lọc. Những con tôm này có nguồn gốc ở Bangladesh, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.
- Tất cả tôm được xét nghiệm âm tính với chloramphenicol, một loại kháng sinh đã bị cấm vì nó là chất gây ung thư.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng tất cả các quốc gia ngoại trừ Ecuador đều nuôi tôm có dư lượng sulphite từ 10-100 ppm, thấp hơn ngưỡng quy định của FDA (nồng độ tối đa cho phép đối với sulphite là trên 100 ppm). Tuy nhiên, không có sản phẩm nào có nhãn cảnh báo về sulphite. Điều này cho thấy tôm xuất khẩu không được kiểm tra đầy đủ. Các nhà nghiên cứu cảm thấy rằng điều này gây ra rủi ro về an toàn cho người tiêu dùng - nó cũng cho thấy rằng các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ không tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn hiện tại.
Những kết quả này hoàn toàn không gây ngạc nhiên - mặc dù FDA chỉ kiểm tra 2% tôm nhập khẩu để tìm thuốc bị cấm, tổ chức này đã từ chối nhiều lô hàng mỗi năm. Điều này cho thấy dư lượng kháng sinh vẫn là một vấn đề lớn đối với tôm nhập khẩu.
Khuyến cáo cho người sản xuất và người tiêu dùng
Đối với các nhà nhập khẩu tôm có trụ sở tại Hoa Kỳ, kết quả cho thấy cơ sở hạ tầng kiểm tra nhãn mác và kháng sinh hiện có là không đủ. Dư lượng thuốc có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng nếu họ bị dị ứng với một số loại kháng sinh. Cũng có khả năng tôm nhập khẩu có thể đưa vi khuẩn kháng thuốc vào chuỗi thức ăn. Các phương pháp kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu phải được cải tiến và ưu tiên hơn về quy định.
Đối với các nhà xuất khẩu tôm, các nỗ lực giảm thiểu sử dụng kháng sinh phải được tăng lên. Các nhà nghiên cứu đề nghị rằng các nước sản xuất tôm cần cấm bán các loại thuốc bị cấm. Ở cấp độ nuôi, các kỹ thuật viên phải được đào tạo về quản lý kháng sinh. Các nhà nghiên cứu cũng nên xác định các phương pháp điều trị thay thế cho bệnh do vi khuẩn và tạo ra các phương pháp để đảm bảo rằng tôm đã được điều trị bằng kháng sinh không còn dư lượng thuốc khi thu hoạch.
Các nhà nghiên cứu đề xuất rằng những người tiêu dùng bị dị ứng hoặc nhạy cảm với sulphite nên mua tôm được đảm bảo không có sulphite - điều mà họ thừa nhận có thể không đơn giản như ban đầu. 90% tôm được tiêu thụ ở Mỹ được nhập khẩu, thường là từ các nước được liệt kê trong nghiên cứu.
Về phía nuôi theo chuỗi giá trị, người sản xuất tôm có thể loại bỏ hoàn toàn chất sulphites. Các giải pháp không chứa sulfua để ngăn ngừa biến đen đã được bán trên thị trường. Khuyến khích áp dụng chúng có thể là một bước quan trọng trong việc giảm rủi ro xuất khẩu tôm nuôi.
Hình - Kêu gọi không dùng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản trên https://austrianova.com/
Nguồn: https://thefishsite.com/
Lược dịch bởi: Ngọc Hân Mai – VPAS JSC
- Vụ kiện chống phá giá mới - Nếu Mỹ thắng kiện?
- Vì sao Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi Việt Nam?
- Xuất khẩu thủy sản tăng hơn 60% trong tháng 1/2024
- Vận may của người nuôi cá hồi và nuôi tôm tiếp tục khác nhau
- Ngành tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022
- Nguy cơ tội phạm mạng tấn công các công ty thủy sản
- Đã đến lúc của thực phẩm xanh
- Sản lượng bột cá và dầu cá tăng trong năm 2021