Kết quả xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm và Dự báo năm 2021
Xuất khẩu thủy sản tháng 3/2021 đạt 186,27 nghìn tấn với trị giá 735,52 triệu USD, tăng 18,24% về lượng và tăng 16,94% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các mặt hàng thủy sản như: cá tra, tôm, chả cá, cá ngừ, cá khô, mực, bạch tuộc, nghêu và cua đều đạt kết quả tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 438,6 nghìn tấn với trị giá 1,736 tỷ USD, tăng 8,8% về lượng và tăng 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản chính, cụ thể như sau: (1) Tôm: Trong Quý I năm 2020, tôm được xuất khẩu tới 52 thị trường và 02 khối thị trường EU và ASEAN với lượng xuất khẩu đạt 74,35 nghìn tấn, trị giá 659,38 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng 6,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Australia và Trung Quốc lần lượt là những thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam. (2) Cá tra: Trong Quý I năm 2021, cá tra được xuất khẩu tới 84 thị trường và 02 khối thị trường EU và ASEAN với 176,4 nghìn tấn, trị giá 346,7 triệu USD, tăng 6,3% về lượng và tăng 4,0% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu cá tra tới hầu hết các thị trường lớn đều đạt kết quả tăng trưởng tốt trừ ASEAN, EU và Anh có lượng giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2020. (3) Cá ngừ: Trong Quý I năm 2021, cá ngừ đã được xuất khẩu tới 56 thị trường và 02 khối thị trường EU và ASEAN với lượng xuất khẩu đạt 34,4 nghìn tấn, trị giá 151,5 triệu USD, tăng 20,9% về lượng và tăng 3,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu thủy sản: Trong Quý I năm 2021, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu tới 108 thị trường, trong đó Mỹ (19,3%), Nhật Bản (17,7%), EU (10,8%), Trung Quốc (9,3%), Hàn Quốc (9,3%), ASEAN (8,0%), Australia (3,5%)... lần lượt là những thị trường có giá trị kim ngạch lớn nhất về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Đặc biệt trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản tới Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu thủy sản tới Nhật Bản tăng về lượng nhưng giảm về trị giá; Ngược lại, xuất khẩu thủy sản tới EU giảm về lượng nhưng tăng về trị giá. Xuất khẩu thủy sản tới Hàn Quốc tăng nhẹ, xuất khẩu thủy sản tới ASEAN giảm cả về lượng và trị giá. Trong khi xuất khẩu thủy sản tới Nga, Canada, Australia, Đài Loan đạt kết quả tăng trưởng tốt.
Dự báo xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn),hiện các đối thủ cạnh tranh với tôm của Việt Nam là Ấn Độ, Thái Lan đang chịu tác động xấu từ dịch Covid-19, khiến nguồn cung và khả năng xuất khẩu của những nước này bị ảnh hưởng. Trong thời gian tới, cơ hội xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng mạnh nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Đối với cá tra, nguồn cung đang dần ổn định, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra tăng tốc trong quý II và quý III/2021. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ tới EU do đây là thị trường có nhu cầu cao và nhiều lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Dự báo thương mại tại một số thị trường chính
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là thị trường có mức tăng trưởng tốt với hầu hết các mặt hàng thủy sản Việt Nam. Đặc biệt đối với tôm, Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn tại Mỹ khi Ấn Độ - nguồn cung lớn nhất tại thị trường này đang gặp khó khăn về sản xuất do dịch Covid-19 cùng với nhiều khó khăn khác như: thiếu container đông lạnh, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng gấp 3 lần, giá nhiên liệu tăng, phí đóng gói và nhân công tăng, đồng rupee Ấn Độ mạnh lên so với đô la Mỹ, chính phủ loại bỏ các ưu đãi xuất khẩu… Tất cả các yếu tố này đã ảnh hưởng rất xấu đến các nhà chế biến xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ. Làn sóng mới của dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến ngành sản xuất thủy sản của Ấn Độ (nhất là tôm). Tình hình mất kiểm soát tại nước này có thể dẫn đến sự rối loạn về nguồn cung và giá khi người nuôi vội vã thu hoạch tôm sớm, các nhà máy chế biến sẽ không xử lý kịp trong bối cảnh giãn cách xã hội như hiện nay. Mặt khác, tôm Ấn Độ đang là đối tượng bị ngành tôm Mỹ tấn công, với động thái gây áp lực để chính quyền Mỹ đánh thuế 2% với tôm nước ấm Ấn Độ, đồng thời đưa ra những cáo buộc về lao động cưỡng bức, sử dụng kháng sinh cấm trong ngành tôm Ấn Độ. Do vậy, năm 2021 sẽ có thể là năm tồi tệ với tôm Ấn Độ. Mỹ đang tăng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam và xu hướng này được dự báo là sẽ tiếp tục trong những tháng tới. Các doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra vào Mỹ đều ổn định và không vướng vấn đề gì với thị trường này. Do vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ.
Tại thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam hy vọng nhiều hơn với mặt hàng tôm, chủ yếu là tôm chân trắng, vì so với Mỹ, các nước EU vẫn phục hồi chậm. Hơn nữa, thị trường EU trong những năm gần đây không có sự đột phá nhiều về nhu cầu tôm. Do vậy, trong quý II và những tháng tiếp theo, xuất khẩu tôm sang EU được dự báo là chỉ phục hồi nhẹ (chủ yếu ở các thị trường Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy). Đối với xuất khẩu cá tra vào EU, từ mức tăng trưởng âm 30% trong quý I/2021, EU không thể tăng trưởng đột biến ngay trong quý II/2021, khi những tín hiệu hồi phục nhu cầu của ngành dịch vụ thực phẩm chưa rõ ràng.
Hiện tại, nền kinh tế Nhật Bản chưa hồi phục cộng thêm làn sóng Covid-19 đang tiếp tục tác động mạnh mẽ, làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân ở quốc gia này. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Nhật để phục vụ tiêu dùng trong nước cho cả kênh bán lẻ và dịch vụ, nhà hàng, khách sạn chắc chắn sẽ không tăng trong thời gian tới, thậm chí có thể giảm. Nhật Bản sẽ tăng thương mại thủy sản với các công ty Việt Nam dưới hình thức gia công, chế biến vì Việt Nam có nguồn nhân lực ổn định và kiểm soát Covid-19 tốt hơn so với các nước có ngành gia công chế biến như Trung Quốc, Thái Lan.
Trung Quốc tiếp tục thực hiện siết chặt các biện pháp kiểm soát virus corona từ những tháng cuối năm 2020. Điều này đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động của chính các nhà nhập khẩu, chế biến xuất khẩu của nước này và cũng làm giảm nhập khẩu thủy sản từ các nước (trong đó có Việt Nam). Có thể Trung Quốc sẽ vừa kiểm soát dịch, vừa lôi kéo các nhà xuất khẩu Trung Quốc quay lại phục vụ thị trường nội địa. Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thực phẩm, trong đó có thủy sản đông lạnh nhập khẩu, nhất là giai đoạn hiện nay đang bùng phát mạnh dịch Covid-19 ở các nước Châu Á. Do vậy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc khó có thể hồi phục mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang các thị trường lớn khác và giành thị phần từ Trung Quốc.
Hàn Quốc cũng đang có những tín hiệu hồi phục tốt, kinh tế đang tăng trưởng khả quan. Vì thế, thương mại thủy sản với các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ sôi động hơn trong những tháng tới. Dự báo xuất khẩu bạch tuộc và surimi sang thị trường này sẽ tiếp tục tăng và Hàn Quốc sẽ vẫn duy trì vị trí số 1 đối với cả hai dòng sản phẩm này của Việt Nam.
Các thị trường khác (như: Australia, Canada, Anh, Nga) sẽ tiếp tục là những điểm sáng mới trong bức tranh xuất khẩu thủy sản quý II và nửa cuối năm 2021 vì nhu cầu đang gia tăng và không gặp những bất ổn hay rào cản thị trường. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2020 ở mức từ 6% đến 10%/tháng trong quý II/2021.
Nguồn: https://tongcucthuysan.gov.vn
- Vụ kiện chống phá giá mới - Nếu Mỹ thắng kiện?
- Vì sao Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi Việt Nam?
- Xuất khẩu thủy sản tăng hơn 60% trong tháng 1/2024
- Vận may của người nuôi cá hồi và nuôi tôm tiếp tục khác nhau
- Ngành tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022
- Nguy cơ tội phạm mạng tấn công các công ty thủy sản
- Đã đến lúc của thực phẩm xanh
- Sản lượng bột cá và dầu cá tăng trong năm 2021