Jim Gulkin: Covid-19 đã tác động như thế nào tới nguồn cung và xu hướng thị trường tôm thế giới?
Dịch Covid-19 không chỉ khiến nguồn cung tôm thế giới năm 2020 giảm mà còn tạo ra những tác động lâu dài tới xu hướng thị trường tôm thế giới, theo ông Jim Gulkin, người sáng lập Tập đoàn Siam Canadian Group, một nhà cung cấp thủy sản đông lạnh có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan và các văn phòng đại diện trên toàn Châu Á.
Ông Jim Gulkin cho rằng sản lượng tôm nuôi của Ấn Độ có thể giảm 20% năm 2020 xuống còn khoảng 450.000-525.000 tấn. Các nguồn tin khác dự kiến mức giảm này có thể là 30%.
Tại Việt Nam, ông Gulkin cho rằng sản lượng tôm chân trắng và tôm sú có thể giảm 5-10% xuống còn 600.000 tấn-650.000 tấn. Sản lượng tôm Thái Lan sẽ đạt khoảng 220.000 - 250.000 tấn năm 2020. Năm 2019, sản lượng tôm nước này đạt 250.000 tấn. Giá tôm Thái Lan vẫn ổn định ở mức cao do nguồn cung thấp. Giá tôm tại Việt Nam có dao động, có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Ấn Độ, dịch Covid-19 đã làm xáo trộn hoạt động sản xuất và khiến người nuôi ngần ngại thả giống sớm hơn trong năm nay do lo ngại về giá cả thị trường và nhu cầu sụt giảm.
Giá tôm nguyên liệu của Ấn Độ trước đó tăng nhờ những đơn đặt hàng mới, nhiều công ty chế biến tăng cường mua vào do sợ thiếu nguyên liệu tuy nhiên hiện tại giá không tăng nữa. Hoạt động thả nuôi mới vẫn đang tiếp tục, nhất là ở bang Andhra Pradesh. Dự kiến, sản lượng tôm ở Ấn Độ sẽ được cải thiện bắt đầu từ cuối tháng 8 trở đi.
Giá tôm tại Indonesia tăng và sản lượng tôm nước này có khả năng tương đương năm 2019 với khoảng 400.000 – 450.000 tấn. Nhu cầu tại Indonesia hiện vượt nguồn cung. Sản lượng tôm nước này ít có khả năng giảm do giá tôm nguyên liệu vẫn có lợi cho người nuôi.
Cùng với sản lượng giảm, dịch bệnh Covid còn gây ra những thay đổi trên các thị trường NK tôm chính của thế giới.
Tại Mỹ, thị trường bán lẻ đang sôi động và dự kiến vẫn tiếp tục xu hướng này trong cả năm nay. Lĩnh vực dịch vụ thực phẩm đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại tuy nhiên hiện lại chững lại do Covid lan nhanh, khó kiểm soát ở nhiều bang. Dịch vụ thực phẩm sẽ vẫn ảm đạm trong năm 2020 trừ một số cửa hàng mang đi (Take away) hoặc giao tại nhà và cửa hàng bán online.
Doanh số bán lẻ ở EU không tốt như ở Mỹ. Lĩnh vực dịch vụ thực phẩm cũng đã có dấu hiệu phục hồi nhưng với sự nới lỏng giãn cách quá nhanh ở nhiều nơi khiến Covid có khả năng tái bùng phát trở lại ở một số nước Châu Âu, nên lĩnh vực dịch vụ thực phẩm sẽ chậm lại.
Bán lẻ online ở EU và Mỹ lên ngôi trong thời kỳ dịch bệnh và xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục. Covid đã làm tăng doanh số bán lẻ. Thủy sản được tiêu thụ ở nhà nhiều hơn và giảm nhu cầu tiêu thụ ở các nhà hàng. Nhìn chung, người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm đông lạnh hơn sản phẩm tươi.
Bán lẻ truyền thống tại các cửa hàng đã giảm so với thương mại điện tử trước khi diễn ra dịch Covid. Dịch Covid xảy ra càng làm doanh số bán hàng qua các kênh thương mại điện tử tăng mạnh mẽ.
Các hãng bán lẻ muốn tồn tại trong tương lai, sẽ cần phải xây dựng các trang thương mại hiệu quả, thân thiện với người dùng, được hỗ trợ bởi những công cụ đảm bảo đơn hàng được giao một cách thuận lợi nhất. Walmart đã áp dụng như vậy, họ có sàn thương mại điện tử lớn thứ hai ở Mỹ sau Amazon. Các hãng bán lẻ không phát triển được mảng thương mại điện tử cuối cùng có thể bị thất bại. Tất nhiên sẽ vẫn có các cửa hàng bán lẻ nhưng doanh số sẽ giảm trong những năm tới.
Hàng triệu người trên thế giới đã quen với mua hàng online trong thời kỳ dịch bệnh Covid vì hình thức này rất đơn giản, tiện lợi và tiết kiệm thời gian.
Các hãng bán lẻ truyền thống và online cần mở rộng phạm vi cung cấp các sản phẩm tôm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày càng trở nên đa dạng.
Các mặt hàng tôm sơ chế, chế biến sẵn, ăn liền sẽ tăng trưởng tốt. Kinh doanh các sản phẩm chia theo suất nhỏ dành cho người độc thân cũng trở nên phổ biến. Người tiêu dùng, những người thường hay ăn ở nhà hàng trước khi dịch Covid xảy ra, đã cảm thấy thoải mái hơn khi tự chuẩn bị bữa tối tại nhà. Doanh số thực phẩm bán mang về và đặt hàng online đã tăng rất mạnh.
Tôm sẽ được tiêu thụ ở các nước sản xuất ở Châu Á nhiều hơn. Trung Quốc là nước NK và tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, nước này từng là một nước XK tôm lớn. Tiêu thụ tôm nội địa ở Ấn Độ tiếp tục tăng và đây là thị trường khá tiềm năng cho các nhà cung cấp với dân số 1,4 tỷ người. Tiêu thụ nội địa cũng sẽ tiếp tục tăng ở Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Brazil và các nước khác. Sản phẩm tiêu thụ ở các nước sản xuất bao gồm tôm đông lạnh và tôm giá trị gia tăng.
Nguồn: https://vasep.com.vn/
- Vụ kiện chống phá giá mới - Nếu Mỹ thắng kiện?
- Vì sao Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi Việt Nam?
- Xuất khẩu thủy sản tăng hơn 60% trong tháng 1/2024
- Vận may của người nuôi cá hồi và nuôi tôm tiếp tục khác nhau
- Ngành tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022
- Nguy cơ tội phạm mạng tấn công các công ty thủy sản
- Đã đến lúc của thực phẩm xanh
- Sản lượng bột cá và dầu cá tăng trong năm 2021