Hiệp định EVFTA được phê chuẩn, cơ hội cho xuất khẩu thủy sản

Hiệp định EVFTA được phê chuẩn, cơ hội cho xuất khẩu thủy sản

Ngày 20/5/2020, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã xem xét việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (Hiệp định EVIPA). Đây sự kiện đánh dấu mốc đột phá mang tính chiến lược, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Ngày 20/5/2020, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã xem xét việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (Hiệp định EVIPA). Đây sự kiện đánh dấu mốc đột phá mang tính chiến lược, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

 

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012. Sau khi kết thúc đàm phán và tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định, nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên. Do đó EU đề xuất tách Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU thành 2 Hiệp định riêng biệt, bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

 

Ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cùng với Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani (đại diện Chủ tịch EU); Cao ủy thương mại EU đã ký Hiệp định EVFTA.

 

Theo đó, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề. Với mức độ cam kết đạt được, Hiệp định EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích của Việt Nam và EU; phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

 

Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán hiệp định EVFTA. Tháng 6/2012, Việt Nam và EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán EVFTA. Sau khi kết thúc 15 phiên đàm phán, tháng 12/2015, hai bên khởi động tiến trình rà soát pháp lý chuẩn bị ký kết.

 

Tới tháng 6/2018, EVFTA được tách thành hai hiệp định là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), đồng thời kết thức quá trình rà soát pháp lý. Tháng 10/2018, Uỷ ban châu Âu chính thức thông qua EVFTA và EVIPA.

 

Ngày 30/6/2019, hai hiệp định này chính thức được ký kết tại thủ đô Hà Nội. Cuối cùng và là bước quan trọng nhất, ngày 12/2/2020, Nghị viên châu Âu đã phê chuẩn hai hiệp định. Sáng ngày 20/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình, báo cáo thuyết minh và báo cáo thẩm tra về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

 

EVFTA và EVIPA được thông qua, Việt Nam là quốc gia đang phát triển duy nhất trên thế giới và là quốc gia thứ 2 trong ASEAN có Hiệp định thương mại tự do với cộng đồng kinh tế hàng đầu trên thế giới gồm 27 quốc gia, trong đó có nhiều nước là cường quốc kinh tế như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch… với quy mô GDP lên gần 18,3 nghìn tỷ USD, chiếm tỉ trọng 40% ngoại thương toàn cầu.

 

Cam kết chung đối với hàng hóa Việt Nam

 

Theo những cam kết EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

 

Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, bao gồm một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao..., EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Còn Việt Nam cam kết xoá bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hoá xuất sang EU…

 

Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ… là rất đáng kể; đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng… EVFTA được kỳ vọng  sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030…

 

Các hiệp định này được thông qua, đi vào thực tiễn sẽ đánh dấu mốc đột phá mang tính chiến lược trên chặng đường gần 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU; thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

 

Cam kết đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam

 

Năm 2019, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc – Hồng Kông. Thị trường này luôn chiếm trên 15,12% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm khoảng 20,5% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm khoảng 11,7%, cá ngừ chiếm khoảng 19,4%, các mặt hàng hải sản chiếm khoảng 30 -35%.

 

Trong năm 2019, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đạt gần 1.3 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm tôm đạt 690 triệu USD (EU là thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm lớn nhất của Việt Nam), giá trị xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đạt gần 140 triệu USD (EU là thị trường đứng thứ 2 về tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam), giá trị xuất khẩu cá tra đạt trên 235 triệu USD (EU là thị trường đứng thứ 4 về tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam), còn lại là các sản phẩm khác.

 

Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

 

Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.

 

Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.

 

Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn xuất khẩu vào thị trường EU rộng lớn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực. Bên cạnh đó, khi Hiệp định EVFTA được ký kết sẽ tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới như Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy…Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam so với nhiều đối thủ chưa tham gia các FTA.

 

Hiện mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU. Đối với sản phẩm cá ngừ, Thái Lan, Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam, nắm giữ nhiều thị phần xuất khẩu nhất nhưng cả hai quốc gia trên đều chưa ký kết FTA với EU. Điều này đồng nghĩa với sản phẩm cá ngừ của Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về thuế so với hai nước trên tại hai khu vực thị trường lớn là EU.

 

Tương tự với sản phẩm cá ngừ, Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu các sản phẩm tôm với thị phần 14%, đứng đầu là Ấn Độ với 15% thị phần. Sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu và cả thuế xuất khẩu tôm chế biến vào EU, trong khi đó quá trình đàm phán FTA giữa Ấn Độ và EU cũng đang bị tạm ngưng. Đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh vị trí xuất khẩu hàng đầu với Ấn Độ dành lấy thị phần tại thị trường này.

 

Đối với các sản phẩm thủy sản cạnh tranh về giá hiện nay là rất lớn trong khi đó mức thuế xuất khẩu thủy sản vào một số thị trường hiện nay rất cao. Cụ thể, tôm xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU có mức thuế trung bình là 6 - 20%, mặt hàng cá ngừ cũng có mức thuế từ 11 - 20%. Vì vậy khi EVFTA có hiệu lực, việc cắt giảm các dòng thuế sẽ giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam hạ giá thành đáng kể, nâng cao khả năng cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu. Mặt khác, ngoài các lợi thế về mặt thuế quan, ngành thủy sản Việt Nam cũng có thêm nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm.

 

Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế xuất khẩu, ngành thủy sản Việt Nam còn có cơ hội lớn để tiếp cận các gói mua sắm các mặt hàng phục vụ đầu tư công từ các nước EU; nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến thủy sản từ các nước EU với giá hợp lý hơn; nhập khẩu, chuyển giao công nghệ thuận lợi hơn; thủ tục chứng nhận xuất xứ, thủ tục hải quan; thủ tục khiếu nại, xử lý vướng mắc TBT (các rào sản kỹ thuật đối với thương mại), SPS (các biện pháp vệ sinh dịch tễ) sẽ thuận lợi và nhanh hơn, minh bạch hơn; tiếp cận với các dịch vụ sản xuất tốt hơn về tài chính, bảo hiểm, logistics…; tiếp cận các kênh phân phối thuận lợi hơn…

 

Những thách thức hiện hữu

 

Tuy nhiên, CPTPP và EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho thủy sản Việt Nam, nhất là về truy xuất nguồn gốc. Bởi để được hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải thực hiện tốt quy tắc xuất xứ của sản phẩm, mà điều này có thể không dễ thực hiện được (nhất là đối với thủy sản nhập khẩu về chế biến xuất khẩu). Bên cạnh đó, cam kết trong EVFTA làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan đến đánh bắt hải sản.

 

Cam kết tuân thủ các biện pháp bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản nêu trong các Công ước được liệt kê; cam kết hợp tác chặt chẽ trong vấn đề chống khai thác IUU; cam kết hợp tác, trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan tới việc kiểm soát, giám sát, thực thi các biện pháp quản lý đánh bắt hải sản.

 

Nguồn: https://tongcucthuysan.gov.vn/