Dịch COVID-19 đã thay đổi dự báo tích cực về tôm trong năm 2020

Dịch COVID-19 đã thay đổi dự báo tích cực về tôm trong năm 2020

Việc Trung Quốc gia tăng mạnh sản lượng nhập khẩu đã thúc đẩy nhu cầu của các thị trường lớn truyền thống, vốn nhập khẩu đã khá trì trệ trong suốt năm 2019.

Việc Trung Quốc gia tăng mạnh sản lượng nhập khẩu đã thúc đẩy nhu cầu của các thị trường lớn truyền thống, vốn nhập khẩu đã khá trì trệ trong suốt năm 2019. Tuy nhiên, cho dù nhập khẩu có chậm lại, thì Hoa Kỳ vẫn là nơi định giá trên thị trường tôm toàn cầu. Những tín hiệu tốt trong xuất khẩu tôm năm 2019 đã đưa đến những dự báo tích cực cho thương mại tôm toàn cầu năm 2020. Tuy nhiên, việc dịch Covid-19 lan rộng và trở thành đại dịch ngay từ những tháng đầu năm 2020 đến nay đã làm thay đổi những dự báo khả quan trước đó. Do sự bùng phát COVID-19 tại Trung Quốc, lượng tôm được tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch đã thấp hơn bình thường. Dự báo thị trường sẽ tiếp tục suy giảm trong nhiều tháng tới.

 

Nguồn cung mặt hàng tôm tăng trong năm 2019

 

So với năm 2018, sản lượng tôm biển nuôi toàn cầu tăng 17%, ước tính đạt 4,45 triệu tấn trong năm 2019. Gần 85% sản lượng thu hoạch tôm nuôi toàn cầu tập trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với việc tăng sản lượng được gia tăng tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Ecuador là nhà cung cấp lớn nhất ở châu Mỹ La tinh với sản lượng thu hoạch hơn 600.000 tấn tôm thẻ chân trắng trong năm 2019, cao hơn 13 - 15% so với năm 2018.

 

Trong năm 2019, ước tính có khoảng 3,05 triệu tấn tôm thương phẩm được đưa vào giao dịch trên thị trường thương mại quốc tế. Mặc dù giá tôm thấp hơn năm 2018, nhưng mức tăng trưởng nhập khẩu vẫn thấp hoặc tăng trưởng âm tại các thị trường truyền thống là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, nên sản lượng và xuất khẩu tôm nuôi ở châu Á và Mỹ La tinh đã tăng lên trong nửa cuối năm 2019. Năm 2019, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đã tăng tới gần 180%.

 

Năm 2019, các nhà xuất khẩu tôm trên toàn thế giới đều tập trung vào thị trường Trung Quốc, nơi nhập khẩu tôm tăng từ 2 đến 3 con số. Theo báo cáo của Ấn Độ, xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đã tăng hơn 300%. Xuất khẩu tôm của Ecuador, Thái Lan và Việt Nam vào Trung Quốc cũng tăng mạnh tương ứng là 261%, 58% và 177%. Ngoại trừ Argentina và Canada, nhập khẩu của hầu hết các nước vào thị trường Trung Quốc đều gia tăng.

 

Năm 2019, giá tôm trên thị trường thương mại quốc tế tuy vẫn thấp, nhưng đã có dấu hiệu tăng nhẹ trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2019. Mặc dù nhập khẩu không có tín hiệu tốt, nhưng Hoa Kỳ vẫn nổi lên như là một thị trường định giá tôm. Giá tôm đã giảm trở lại trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2020 và tiếp tục ở mức thấp cho đến tháng 4, mặc dù sản lượng trong nửa đầu năm 2020 được dự báo thấp hơn những năm trước.

 

Thị trường nhập khẩu tôm

 

Năm 2019, ba thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất là Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc và Hoa Kỳ.

 

Tại thị trường EUxu hướng suy giảm của thị trường này trong năm 2018 vẫn tiếp diễn vào năm 2019. Nhập khẩu tôm vào EU ghi nhận giảm 3,9% xuống còn 807.660 tấn vào năm 2019. Các thị trường nhập khẩu tốp đầu thuộc Châu Âu đều có mức nhập khẩu thấp hơn. Trong đó, nhập khẩu vào Tây Ban Nha giảm 1,2%, Pháp giảm 3,5%, Hà Lan giảm 9%, Đan Mạch giảm 1,8%, Italia giảm 7,5% và Anh giảm 2,7%. Các nước ngoài Châu Âu đã xuất khẩu vào thị trường này gần 73% tổng lượng tôm nhập khẩu vào EU, giảm 2% so với năm 2018. Trong số 6 nguồn cung cấp tôm lớn nhất vào EU đều giảm, thì nhập khẩu từ Ecuador lại tăng tới 27,3% và Bănglađet tăng nhẹ 3,8%.

 

Thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh lượng nhập khẩu tôm năm 2019 khiến Trung Quốc đã trở thành thị trường tâm điểm của các nước xuất khẩu tôm trên toàn thế giới. Theo Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm năm 2019 tăng tới 179% đạt 722.000 tấn. Ngoài ra, ước tính có khoảng 90.000 đến 100.000 tấn tôm của Việt Nam và Mianma có thể đã được xuất vào thị trường này qua đường tiểu ngạch nhưng không được báo cáo. Như vây, năm 2019, tổng lượng nhập khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc ước tính lên tới 812.000 tấn.

 

Các nhà cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Trung Quốc là Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Argentina và Ả Rập Xê-út. Trong đó, ngoại trừ xuất khẩu của Achentina giảm, nhóm quốc gia còn lại đều đạt mức tăng xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo Liên minh Tiếp thị và Chế biến Thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), tiêu thụ tôm bình quân đầu người ở Trung Quốc đạt 2 kg vào năm 2019.

 

Tại Thị trường Hoa Kỳnăm 2019, nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ đã tăng nhẹ 0,4% so với năm 2018, đạt khoảng 700.000 tấn. Các nguồn cung lớn vào thị trường này đều tăng. Xuất khẩu của Ấn Độ đạt 282.840 tấn, tăng 13,7%, trong khi đó Việt Nam xuất khoảng 61.000 tấn, tăng 3,5% và Ecuador đạt 83.000 tấn, tăng 9,3%. Trong khi tôm nguyên vỏ và tôm bóc vỏ nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng, thì tôm đã qua chế biến nhập khẩu lại giảm mạnh tới 19%.

 

Vào tháng 12 năm 2019, các đơn đặt hàng nhập khẩu tại thị trường Hoa Kỳ đã tăng lên do nhu cầu của người tiêu dùng tăng trong cả năm 2019, trong khi đó lượng hàng tồn kho trong nước giảm, giá nhập khẩu thấp và nguồn cung tốt từ Ecuador. Xu thế này ​​vẫn giữ đà tăng vào mùa xuân năm 2020. Nguồn nhập khẩu trong tháng 1 và 2/2020 đã tăng khoảng 20% ​​so với cùng kỳ năm 2019 với tổng lượng nhập khẩu đạt 117,000 tấn.

 

Năm 2019, thị trường Nhật Bản có mức tăng nhẹ 1% với khối lượng tôm nhập khẩu đạt 221,650 tấn, trong đó 30% là các sản phẩm có giá trị gia tăng. Thái Lan, Việt Nam, Inđônêxia và Trung Quốc là những nhà cung cấp chính vào thị trường này. Trong khi đó, nhập khẩu tôm nguyên liệu lại tăng chậm do nguồn tôm nước lạnh được nhập khẩu nhiều hơn.

 

Tại các thị trường khácnăm 2019, trong số các thị trường ở Châu Á/Thái Bình Dương, trong khi Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore và New Zealand đều gia tăng nhập khẩu tôm, thì nhập khẩu vào thị trường Hong Kong (Trung Quốc) lại giảm. Nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam giảm mạnh tới 94% khi Trung Quốc tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt nhập khẩu đối với hàng tái xuất không hợp pháp vào Trung Quốc. Xuất khẩu tôm trực tiếp vào thị trường Trung Quốc từ các nước cũng đã tăng đáng kể kể từ năm 2018.

 

Nhập khẩu vào Ôxtrâylia đã giảm tới 10% đạt 28,500 tấn do ảnh hưởng của vụ cháy rừng và nền kinh tế suy yếu. Tại Trung Đông và Bắc Phi nơi có thị trường lớn nhất là Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đã tăng lượng nhập khẩu tôm từ Ả Rập Xê Út, I-ran và Ấn Độ.

 

Giá cả

 

Xu thế thương mại tôm trong năm 2020

 

Đại dịch COVID-19 đã làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng tôm toàn cầu trong năm 2020. Nhu cầu về tôm tươi và đông lạnh trên toàn thế giới sẽ giảm đáng kể. Ở châu Á, tại hầu hết các nước xuất khẩu, hoạt động chuẩn bị cho vụ nuôi đầu bị chậm lại nhiều so với dự kiến, mật độ nuôi thấp hơn và tiến độ thả giống bị trì hoãn. Tính đến đầu tháng 5/2020, lượng giống thả xuống ao nuôi tại bang Andhra là bang lớn nhất của Ấn Độ về sản xuất tôm thẻ chân trắng đã giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Vụ nuôi tôm ở châu Á, vốn thường bắt đầu vào tháng 4, đã bị lùi lại vào tháng 6 và 7 năm 2020. Tại châu Mỹ Latinh, nguồn cung theo mùa vụ đã giảm đến tận tháng 5 và 6/2020. Tình hình này đưa đến dự báo chung về sản lượng tôm toàn cầu sẽ giảm 30 - 50% trong năm 2020.

 

Tình trạng khó khăn cũng xảy ra với lĩnh vực chế xuất khẩu. Ngoài việc thiếu hụt nguyên liệu thô tại các nước xuất khẩu, các quy định giãn cách xã hội và các biện pháp kiểm soát khác được áp dụng để ngăn chặn đại dịch COVID-19 tiếp tục cản trở hoạt động chế biến và vận chuyển các đơn hàng nhập khẩu hiện có.

 

Ngay từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu tôm cả trong thương mại quốc tế và tiêu thụ nội địa. Trong quý đầu tiên của năm 2020, hầu hết các hoạt động lễ hội và sự kiện đông người đã bị hủy bỏ tại các quốc gia tiêu thụ tôm trên toàn thế giới. Đặc biệt, lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và du lịch đã chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 do các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại để ngăn chặn đại dịch.

 

Mặc dù đã có sự gia tăng đáng kể trong doanh thu bán lẻ hàng hóa và giao hàng tận nơi do đa số người tiêu dùng không muốn ra khỏi nhà, nhưng mức tiêu thụ tại các thị trường đều giảm do sự đình trệ hoạt động của hầu hết các nhà hàng, dịch vụ ăn uống và du lịch trên toàn thế giới. Dự báo, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục cho đến cuối năm 2020. Liên quan đến dự báo suy thoái toàn cầu, việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và do đó thu nhập người tiêu dùng cũng giảm dẫn đến nhu cầu tiêu thụ tôm năm 2020 có thể sẽ suy giảm đáng kể ở cả các nước phát triển và đang phát triển.

 

Nhu cầu hiện nay tại các thị trường khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu chủ yếu là thương mại bán lẻ. Do đó, so với các năm trước, nhu cầu bán lẻ hàng đóng gói các sản phẩm đông lạnh sẽ tăng lên đối với các dạng sản phẩm (tôm sống, bóc vỏ, tôm sơ chế và chế biến khác) nhằm phục vụ người tiêu dùng. Xu hướng ăn tối ở nhà hàng không còn là tiêu chí lựa chọn của người tiêu dùng trong tương lai gần cũng sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu tôm cỡ lớn (U15 đến 21/25) trong năm 2020.

 

Điều đáng chú ý là nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong quý I năm 2020 đã tăng 27,6%, đạt khối lượng 176.255 tấn so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung cao hơn từ Ecuador (tăng 84% ở mức 88.700 tấn). Nhập khẩu từ các nước xuất khẩu chính khác cũng đã tăng trong thời gian này, ngoại trừ có sự sụt giảm của Ấn Độ và Thái Lan. Mặc dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ dự đoán nào, nhưng đây có thể là cơ hội cho thương mại tôm năm 2020.Các nhà sản xuất và xuất khẩu tôm nuôi cỡ lớn, tôm thẻ chân trắng và tôm sú sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi do việc kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn đi xuống. Tại Nhật Bản, nhu cầu về tôm có có triển vọng tốt đối với mặt hàng tôm giá trị gia tăng như tôm tẩm bột, tôm chế biến so với tôm đông lạnh tươi. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu chính các sản phẩm này như Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng do việc hủy đơn đặt hàng từ Nhật Bản, Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc trong quý I năm 2020.

 

Các nước xuất khẩu vốn đang bị phụ thuộc nhiều vào các thị trường phương Tây truyền thống cần xem xét một cách nghiêm túc sức mua của người tiêu dùng tại các thị trường này, nơi tôm không còn là mặt hàng thiết yếu trong rổ thực phẩm của người tiêu dùng. Các nước sản xuất tôm có nhiều cơ hội tiêu thụ nội địa có thể sẽ làm giảm bớt tác động do thương mại xuất khẩu đang bị thu hẹp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, do GDP trên toàn thế giới sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng đối với tôm sẽ nhạy cảm hơn về giá so với các năm trước, ngay cả khi nguồn cung thấp hơn.

 

Nguồnhttps://tongcucthuysan.gov.vn/