10 điều cơ bản trong nuôi tôm

10 điều cơ bản trong nuôi tôm

Nuôi tôm không dễ, nhưng hiểu và làm đúng những điều cơ bản có thể giúp cho ao của bạn đạt năng suất cao và tôm không bị bệnh.

Nuôi tôm không dễ, nhưng hiểu và làm đúng những điều cơ bản có thể giúp cho ao của bạn đạt năng suất cao và tôm không bị bệnh.

 

Nuôi tôm đòi hỏi hàng trăm hoạt động hàng ngày. Nhưng khi được ghi chép cẩn thận và hệ thống hóa chúng, bạn sẽ rút ra được những điều cơ bản nhất cần hiểu biết sâu sắc và tuân thủ. Bài viết dưới đây tóm tắt các tiêu chuẩn đó do Alune - người làm việc, thiết kế các quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) và các giải pháp dữ liệu cho các trang trại nuôi tôm tại Indonesia đưa ra. Trong đó, một số bạn sẽ biết nhưng cũng có những điều mới và hữu ích cho trang trại của bạn.

 

1. Sát trùng mọi thứ

 

Sát trùng là một bước quan trọng để cung cấp một môi trường sạch bệnh cho tôm. Trước khi bắt đầu thả giống, điều quan trọng là phải sát trùng tất cả các khu vực của trang trại – sát trùng ao nuôi, tất cả các thiết bị và nguồn nước nuôi nhằm đảm bảo rằng mầm bệnh được tiêu diệt và giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.

 

Sát trùng ao và thiết bị

 

Đầu tiên, vệ sinh ao và thiết bị bằng vòi xịt cao áp có chứa chất sát trùng. Nên sử dụng 10 ppm axit trichloroisocyanuric (TCCA) và 30 ppm natri hypoclorit (“Chlorine Natri”). Xem bảng bên dưới để biết thời gian tiếp xúc và nồng độ được khuyến nghị để sát trùng bằng Chlorine.

 

 

Sau khi sát trùng, cọ rửa lớp bạt lót ao để đảm bảo rằng lớp nhớt bám trên bạt tróc ra. Sau đó, loại bỏ tất cả bùn còn sót lại của vụ nuôi trước vì đây là nguồn phát sinh mầm bệnh và các thành phần có hại. Nếu trang trại bị dịch bệnh ở vụ nuôi trước thì sử dụng vôi có độ pH đến 11 để diệt trừ bào tử và ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục bùng phát trong vụ nuôi tiếp theo.

 

Sát trùng nước

 

Sát trùng nước cần hai bước: lọc thô và sát trùng. Đối với quá trình lọc thô, sử dụng các bộ lọc có kích thước mắt lưới nhỏ hơn 200-300 micron để ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh, động vật ăn thịt và chất rắn không mong muốn. Các bộ lọc nên được kiểm tra và vệ sinh thường xuyên bằng cách rửa chúng với nước sạch, loại bỏ cặn bẩn.

 

Đối với sát trùng nước, sử dụng hóa chất sát trùng để diệt trừ tất cả các mầm bệnh. Đánh 20 – 30 ppm natri hypoclorit 60%; 0,5 – 2,5 ppm KMnO4 và 10 ppm TCCA vào nước đã được lọc sơ bộ trong vòng 24 giờ. Duy trì sục khí đầy đủ trong quá trình sát trùng bằng hóa chất. Để khử lượng clo tồn dư trong quá trình sát trùng, hãy sử dụng đúng lượng natri thiosulphat bằng cách nhân nồng độ clo còn lại với 3. Cuối cùng, đánh lượng natri thiosulphat đã tính được từ 2 đến 7 lần trong 24 giờ vào nước để khử lượng clo dư.

 

2. Cải thiện hệ thống an toàn sinh học

 

Trong nuôi tôm, an toàn sinh học thường bị coi là một điều kiện bổ sung không cần thiết và là hoạt động phức tạp với lợi ích kinh tế mang lại không rõ ràng. Tuy nhiên, tầm quan trọng của an toàn sinh học không thể xem thường vì nó là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh trong trang trại và cũng như sự bùng phát trong khu vực; nó không chỉ mang lại lợi ích cho một người nuôi mà còn cho cả tất cả mọi người trong khu vực.

 

An toàn sinh học được vận hành bằng cách ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnhloại trừ mầm bệnh trong trang trại. Dưới đây là một số biện pháp an toàn sinh học đơn giản nhất mà bạn có thể bắt đầu thực hiện tại trang trại của mình.

 

Sử dụng ao lót bạt hoàn toàn - vật liệu được sử dụng phổ biến nhất là bạt chống thấm HDPE (màng chống thấm tỷ trọng cao chứa đến 97,5% là nhựa nguyên sinh). Sử dụng bạt lót ao cho phép kiểm soát nước dễ dàng hơn vì nước không tiếp xúc trực tiếp với đất.

 

Bảo vệ trang trại bằng hàng rào - để ngăn động vật hoang dã, chẳng hạn như cua, có thể mang mầm bệnh không mong muốn xâm nhập vào ao nuôi.

 

Kiểm soát sự di chuyển của người và phương tiện - điều quan trọng là tất cả nhân viên và khách tham quan đều thực hiện các quy trình sát trùng, làm sạch trước và sau khi vào tham quan hoặc làm việc. Tất cả các phương tiện phải thực hiện đúng các quy trình, quy định như nhau trước khi ra, vào khu nuôi.

 

Đặt thức ăn và chế phẩm sinh học trong một phòng lưu trữ cụ thể - để duy trì sự sạch sẽ, ngăn ngừa sự tiếp xúc với các vật trung gian bên ngoài có thể mang bệnh và đảm bảo nhiệt độ ổn định để duy trì chất lượng thức ăn tốt hơn.

 

Đảm bảo có phòng xét nghiệm trong khu vực - phòng xét nghiệm rất quan trọng cho hai việc thiết yếu: đánh giá chất lượng nước và kiểm tra dịch bệnh. Có một phòng xét nghiệm đáng tin cậy trong khu nuôi của bạn rất có lợi, vì việc thực hiện các kiểm tra tại chỗ sẽ nhanh hơn nhiều so với việc gửi mẫu nước hoặc mẫu tôm của bạn đến một nơi khác để kiểm tra.

 

3. Duy trì độ kiềm tối ưu

 

Độ kiềm là một trong những thông số chất lượng nước quan trọng nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự dao động pH và thành phần vi khuẩn. Nên duy trì độ kiềm ở 120 – 150 ppm. Duy trì độ kiềm có thể được thực hiện bằng cách bổ sung các hợp chất bicacbonat, chẳng hạn như CaCO3, CaMg(CO3)2, CaO và Ca(OH)2. Bổ sung các hợp chất nêu trên định kỳ sẽ tốt hơn là khi độ kiềm xảy ra đột biến mới bổ sung.

 

Để biết lượng hợp chất bicacbonat thích hợp được sử dụng, bạn cần biết nồng độ kiềm hiện tại, đó là lý do tại sao việc đo định kỳ là quan trọng. Áp dụng công thức đơn giản này: (độ kiềm mục tiêu - nồng độ kiềm hiện tại)*2

 

Điều chỉnh độ kiềm được khuyến khích thực hiện vào ban đêm hoặc sáng sớm. Các hợp chất bicarbonate sẽ phản ứng với carbon dioxide (CO2) được hình thành vào ban đêm do sự hô hấp của tất cả các sinh vật.

 

4.Hiệu chỉnh tất cả các dụng cụ đo của bạn

 

Trước mỗi vụ nuôi, hãy đảm bảo rằng tất cả các dụng cụ đo lường của bạn đã được hiệu chuẩn, bao gồm máy đo oxy hòa tan (DO), máy đo pH, khúc xạ kế (dụng cụ đo độ mặn) và bộ kiểm tra hóa học (các bộ test kit). Các dụng cụ không được hiệu chỉnh có thể cho ra kết quả sai dẫn đến sai sót (có thể nghiêm trọng khi ra quyết định xử lý một vấn đề nào đó. Các công cụ đã hiệu chỉnh có thể giúp bạn có được dữ liệu chính xác hơn về điều kiện của trang trại và cho phép bạn đưa ra các quyết định có cơ sở hơn.

 

5. Đánh giá tôm giống (PL) và sức khỏe của tôm nuôi.

 

Trước khi thả giống, tôm giống từ các trại giống nên được kiểm tra kỹ lưỡng bằng mắt thường hoặc tốt hơn là bằng kính hiển vi. Sức khỏe tôm nuôi cũng nên được đánh giá mỗi tuần một lần sau khi thả. Điều này có lợi cho việc duy trì sự tăng trưởng tối ưu của tôm và phát hiện các dấu hiệu bệnh có thể xảy ra. Những điều quan trọng cần kiểm tra là: tôm bơi linh hoạt, hình thái của tôm bình thường, ruột của tôm đầy, tôm không bị sinh vật bám, không bị đục cơ, tỷ lệ chiều rộng cơ so với ruột là 3:1, gan tụy to và sẫm màu, mang có màu trắng hoặc hơi xám, không có chấm melanin trên vỏ (thể hiện bằng các đốm đen đến nâu), không có vỏ lột dính trên đầu tôm, không có vết cắt hoặc xoắn trên cơ thể của tôm.

 

6. Lấy mẫu tôm thường xuyên

 

Việc lấy mẫu cho phép người nuôi hiểu được sự tăng trưởng của tôm và điều chỉnh chế độ thức ăn, ngăn ngừa việc cho ăn quá nhiều hoặc cho ăn thiếu. Nên lấy mẫu tôm từ 5 đến 7 ngày một lần bằng cách sử dụng lưới phù hợp với kích cỡ tôm hiện tại. Việc lấy mẫu được thực hiện để ước tính trọng lượng trung bình (MBW), được tính bằng cách chia tổng trọng lượng cho số lượng tôm.

 

Điều quan trọng cần lưu ý là cách lấy mẫu, việc này phải được thực hiện một cách đúng đắn và mang tính đại diện trên toàn ao. Tránh lấy mẫu gần khay thức ăn vì tôm ở đó có xu hướng lớn hơn những con còn lại. Lấy mẫu ngẫu nhiên theo chiều thẳng đứng - bao gồm phần gần bề mặt nước, giữa cột nước và đáy của cột nước – và theo chiều ngang tại các điểm khác nhau trong ao. Tránh lấy mẫu khi tôm đang lột xác.

 

7. Sử dụng phương pháp lấy mẫu bằng xô

 

Tổng số tôm giống chuyển từ trại giống thường được xác định bằng cách đếm mẫu trong túi đựng tôm giống. Sau khi thả giống, người nuôi thường không lấy mẫu theo dõi, nhưng điều rất quan trọng là phải biết tỷ lệ sống sau 24 giờ sau khi thả. Nó có thể cho chúng ta một bức tranh rõ ràng hơn về tổng đàn tôm sau khi chúng trải qua quá trình bị căng thẳng và thích nghi với điều kiện ao nuôi mới.

 

Chúng tôi đang thử nghiệm phương pháp lấy mẫu bằng xô để ước tính tỷ lệ sống. Sử dụng một chiếc xô nhỏ có các lỗ ở mặt bên được che bằng lưới. Để lấy mẫu, đổ 100 con tôm giống vào xô và để trên mặt ao trong 24 giờ. Sau 24 giờ sẽ tiến hành đếm số lượng tôm giống còn sống để đánh giá tỷ lệ hao hụt và ước tính số lượng tôm giống thả ban đầu. Dữ liệu này rất quan trọng vì nó có thể được sử dụng để điều chỉnh chế độ cho ăn phù hợp để tránh cho ăn quá nhiều hoặc cho ăn thiếu.

 

8. Lưu ý về việc lột xác của tôm

 

Lột xác cho phép tôm tăng trưởng và là thay đổi quan trọng ở tôm cần được chú ý đặc biệt. Chúng ta cần biết giai đoạn lột xác của tôm bằng cách lấy mẫu thường xuyên, bằng cách này chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn khi quá trình lột xác xảy ra. Tốt hơn hết là chuẩn bị môi trường thích hợp bằng cách cung cấp đủ các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng để giúp tôm hình thành vỏ mới. Việc này có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề bất lợi về lột xác và giảm tỷ lệ hao hụt do lột xác không hoàn toàn. Một số khoáng chất có lợi giúp tôm trong quá trình lột xác là: Ca, Cu, Mg, Na, P, K, Se và Zn.

 

9. Sử dụng men vi sinh đúng lúc

 

Chế phẩm sinh học hay men vi sinh là sản phẩm chứa những vi khuẩn có lợi giúp thúc đẩy sự phát triển của tôm, ngăn ngừa stress và dịch bệnh cũng như duy trì chất lượng nước tốt. Chế phẩm sinh học nên được bổ sung trong quá trình chuẩn bị nước trước khi thả tôm, giúp tôm giống thích nghi với môi trường mới nhanh hơn và tăng cường chất lượng nước. Cũng nên sử dụng chế phẩm sinh học trong các tình huống có thể gây stress cho tôm như sau khi thay nước hoặc sau khi thu tỉa. Các vi khuẩn có lợi hoạt động bằng cách tăng cường sức khỏe đường ruột của tôm và duy trì một môi trường tương đối tốt, cả hai đều làm giảm mức độ stress cho tôm nuôi.

 

Sử dụng chế phẩm sinh học sau khi thu tỉa có thể làm giảm mức độ stress của chúng và cải thiện chất lượng nước nhanh chóng.

 

10. Sử dụng hệ thống ương tôm trước khi thả ra ao thương phẩm

 

Người nuôi tôm thường thả tôm giống trực tiếp từ trại giống sang ao nuôi thương phẩm nhưng điều này rất rủi ro vì tôm giống có hệ miễn dịch tương đối kém phát triển. Mặc dù cần đầu tư thêm chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống ương tuy nhiên giai đoạn ương sẽ giúp giảm thiểu rủi ro bằng cách đảm bảo hệ thống miễn dịch của tôm giống sẽ được hoàn thiện hơn trước khi chuyển sang ao nuôi thương phẩm.

 

Để đạt được điều này, tôm giống chuyển về từ các trại sản xuất giống nên được thả trong các ao hoặc bể ương tương đối nhỏ, với mật độ hơn 2.000 con/m2 trong 30 ngày. Kích thước ao/bể ương nhỏ để sử dụng hiệu quả và giảm lượng chế phẩm sinh học cần sử dụng so với ao thương phẩm từ đó giúp giảm tỷ lệ hao hụt và chi phí sản phẩm sử dụng.

 

Nguồnhttps://thefishsite.com/

 

Lược dịch bởi: Đại Dương - VPAS JSC