Tôm cần lột xác để tăng trưởng, nhưng điều đó không phải dễ dàng
Sự lột xác của tôm trong ao nuôi thương phẩm có vai trò quan trọng trong quá trình lớn lên. Quá trình lột xác gồm nhiều giai đoạn, từ tiền lột xác đến sau khi lột xác và cứng vỏ đều bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bao gồm chu kỳ sinh lý (tuổi tôm), dinh dưỡng nội tại của tôm, chất lượng nước và thậm chí cả các yếu tố về thời tiết.
Lột xác là một quá trình đòi hỏi tiêu tốn nhiều năng lượng, cần được chuẩn bị và hỗ trợ tích cực bởi môi trường tốt cùng sự tích lũy dinh dưỡng đầy đủ. Sự lột xác của tôm chỉ thực sự có ý nghĩa khi và chỉ khi sau lột xác thì tôm lớn lên, tăng trọng, và mạnh khỏe hơn.
Nhưng thực tế thì người nuôi cũng hay gặp tình trạng tôm lột xác nhưng không lớn lên đáng kể hoặc lột xác rồi chết, kết quả của quá trình lột xác như vậy có thể do bệnh lý (chẳng hạn như nhiễm EHP), do môi trường không có đầy đủ khoáng chất cần thiết và cân bằng, do lột cưỡng bức (kích lột bằng hóa chất hoặc do tôm bị stress quá mức hoặc do thời tiết cực đoan).
Quá trình lột xác của tôm nói riêng và động vật giáp xác (như cua, ghẹ, tôm hùm…) nói chung là một quá trình bắt buộc nhưng cũng là một quá trình đầy hiểm nguy vì nguy cơ bị ăn thịt bởi đồng loại và các sinh vật khác, quá trình lột xác cũng có thể để lại nhiều hệ lụy khác liên quan đến sức khỏe của chúng chẳng hạn như sự tấn công của các mầm bệnh.
Dự đoán được việc lột xác của tôm có thể giúp tiết kiệm được thức ăn (thành phần chiếm tỷ lệ giá trị nhiều nhất trong vụ nuôi) và đánh giá được các nguy cơ tiềm tàng có thể xảy ra để kịp thời ứng phó. Mặc dù việc dự đoán chu lỳ lột xác của tôm không phải dễ dàng chính xác nhưng cũng có nhiều yếu tố có thể giúp người nuôi xem xét cặn kẽ.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lột xác
Mặc dù sự lột xác của tôm phần lớn là do sự điều tiết nội tại của con vật nhưng các yếu tố bên ngoài là có ý nghĩa quan trọng góp phần tăng cường điều hòa nội tiết tố bao gồm nhiệt độ, độ mặn, dinh dưỡng và tính chất hóa học của nước – đặc biệt là oxy hòa tan và các “khí độc”.
Hàm lượng oxy: Tôm chỉ có thể tăng trọng nhanh sau lột xác và khỏe mạnh khi hàm lượng oxy đầy đủ - yếu tố quan trọng nhất – vì khi lột lượng oxy cần thiết tăng từ 50% đến hơn 80% tùy vào giai đoạn cụ thể trong quá trình lột. Người nuôi luôn ý thức được việc này nhưng đôi khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng đủ và không chú ý tăng cường oxy tốt khi tôm lột.
Hàm lượng khí độc trong ao dù ít, hoặc có thể không được phát hiện do các hóa chất dùng trong ao tôm có thể làm bất hoạt thuốc thử trong các test kit dẫn đến người nuôi lầm tưởng là ao nuôi mình không hề tồn tại ni tơ độc hại (NH3, NO2), lưu huỳnh (H2S) – sẽ làm cho quá trình lột xác trở nên khó khăn hơn để tôm có thể tồn tại, đề kháng mầm bệnh, tăng trưởng và điều này sẽ phá hỏng “sự nỗ lực của việc cung cấp oxy đầy đủ”.
Phải hấp thụ được canxi: Khi lột xác, tôm mất nhiều năng lượng và cũng mất nhiều dinh dưỡng, khoáng chất, trong khi đó, quá trình lột xác cần hoàn tất bằng sự cứng vỏ sau vài giờ. Thời gian cứng vỏ và chất lượng vỏ thì lại tùy thuộc và sự sẵn có của khoáng chất trong môi trường và trong chính nội tại cơ thể tôm, chủ yếu là can xi, ma giê, silic mà tôm phải thực sự hấp thu được.
Nhiều người nuôi sẽ ngạc nhiên vì sao ao nuôi có đủ canxi và thậm chí có hàm lượng rất cân bằng với ma giê (Mg) như khuyến cáo nhưng tôm lại chậm cứng vỏ hoặc vỏ mỏng, đó chính là vì tôm không hấp thu canxi có sẵn được.
Không phải tất cả các loại canxi đều có thể hấp thu được, việc hấp thụ canxi phụ thuộc nhiều yếu tố, chẳng hạn như sức khỏe tôm kém, stress, tôm bệnh, chất lượng canxi kém, và thiếu vitamin D đều không giúp ích cho tôm có thể làm vỏ nhanh và vững chắc dù hàm lượng canxi được “nhìn thấy” rõ ràng bằng các kết quả xét nghiệm.
Tôm cần nhiều canxi (Ca), tiếp đến là ma giê (Mg), phospho (P), và các yếu tố đều hòa áp suất thẩm thấu như Na tri, Kali và tất cả những yếu tố này đều phải hấp thu được, cân bằng và có chất lượng tốt. Các khoáng chất có sẵn trong tự nhiên luôn dễ dàng hấp thụ nhưng vì điều kiện nuôi nhốt, mật độ cao, nên việc bổ sung khoáng chất vào ao nuôi không phải bất kỳ loại sản phẩm nào được gọi là khoáng chất cũng đều có thể mang lại kết quả như mong muốn.
Yếu tố stress: Chu kỳ lột xác của tôm trong điều kiện tự nhiên tùy vào giai đoạn tuổi và kiến thức này được phổ biến nhiều đến người nuôi. Nhưng thực tế, người nuôi thường hay phàn nàn rằng điều này không đúng, vì người nuôi tôm có thể nhìn thấy tôm nuôi lột hàng ngày, hoặc lột với chu kỳ ngắn hơn những thông tin khoa học mà họ biết.
Tuy nhiên, cũng đã có nhiều chứng cứ khoa học chứng minh rằng, trong điều kiện nuôi nhốt, việc lột xác cưỡng bức do stress thường không đi kèm với sự tăng trưởng.
Có rất nhiều yếu tố stress dẫn đến lột xác cưỡng bức, chẳng hạn như sự đối phó với các vết thương trên cơ thể (thí dụ cắt mắt trong sinh sản tôm), nhiệt độ tăng cao, biến đổi độ mặn nhanh chóng hoặc do hóa chất.
Tuần trăng: Sự lột xác của tôm chịu ảnh hưởng bởi tuần trăng, mặc dù điều này không hoàn toàn đúng vì tôm không lột đồng loạt vào giai đoạn này nhưng các đánh giá tỉ mĩ cho thấy tôm sẽ lột rộ vào giai đoạn trăng hạ huyền (last quarter moon) - tức giai đoạn cuối của chu kỳ trăng – cho đến giai đoạn trăng non trong chu kỳ trăng mới (new moon). Tỷ lệ lột biến động trong giai đoạn này là cao điểm nhất, nó biến động từ 50% tới 80% suốt chu kỳ này, điều này hoàn toàn đúng vì sự lột xác của tôm thường diễn ra trong điều kiện tối – từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng – đó cũng là điều kiện lý tưởng để trốn tránh những kẻ săn mồi.
Nguồn hình ảnh: Phase of the moon | Understanding moon phases - Video for Kids
Sẽ thật không may mắn cho bầy tôm, nếu vào giai đoạn này sức khỏe của tôm không thật tốt và tất các các điều kiện khác (như đã nêu ở trên) chưa sẵn sàng. Và điều này có thể làm cho tôm chết nhiều khi lột xác.
Tuy nhiên, vẫn có một số lượng tôm lột xác lúc trăng tròn (full moon) vì sự lột xác còn tùy thuộc vào chu kỳ lột của mỗi giai đoạn tuổi tôm.
Chế độ cho ăn trong chu kỳ lột xác: Nên giảm lượng cho ăn từ 10% - 30% trong giai đoạn lột xác nhiều, và việc này cần được dự báo trước để việc giảm thức ăn được thực hiện trước đó. Sau đó lượng thức ăn có thể tăng cao hơn từ 15 – 20% - so với trước khi lột - sau khi quá trình lột xác hoàn tất cho đến lần lột xác tiếp theo. Đối với tôm thẻ chân trắng, tốt nhất là không nên cho ăn ban đêm vì đó là giai đoạn lột rộ, thống kê cho thấy tỷ lệ lột ban đêm có thể đạt đến 70 – 80% trong ngày.
Bài viết được thực hiện bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận – VPAS JSC
Tài liệu tham khảo:
- Daniel Lemos and Delphine Weissman - Moulting in the grow-out of farmed shrimp: a review. Review in Aquaculture 1-13.
- Galindo C, Gaxiola G, Cuzon G, Chiappa-Carrara X (2009) - Physiological and biochemical variations during the molt cycle in juvenile Litopenaeus vannamei under laboratory conditions. Journal of Crustacean Biology 29: 544–549.
- Charmantier G, Soyez C, Aquacop (1994) Effect of molt stage and hypoxia on osmorregulatory capacity in the peneid shrimp Penaeus vannamei. Journal of Experimental Marine Biology and Ecology 178: 233–246.
- Sử dụng Bacillus amyloliquefaciens để xử lý nước nuôi trồng thủy sản
- Tối ưu hóa khẩu phần cho tôm nuôi trong điều kiện độ mặn thấp
- Omega-3 trong cá rô ngọc nuôi có thực sự cao hay không?
- Aflatoxin và mycotoxin là gì?
- Liệu các gốc tự do (ROS) có nên tự do?
- (2) Các quyết định quan trọng trong việc thu hoạch và đóng gói tôm
- Đặc tính sinh học của Bacillus subtilis
- Làm gì để việc lột xác của tôm trở nên hoàn hảo