Những ngộ nhận phổ biến khi lựa chọn sản phẩm của người nuôi tôm

Những ngộ nhận phổ biến khi lựa chọn sản phẩm của người nuôi tôm

Mùi thơm của tôm, cá khác hoàn toàn với con người chúng ta. Chúng ta thấy thơm, thèm nhưng tôm, cá lại thơm và thèm cái khác. Những mùi thơm kích thích này là những thành phần trong thức ăn con người nên chưa chắc cần cho tôm cá.

Sản phẩm có mã vạch là sản phẩm có nguồn gốc, giá cao thì sản phẩm tốt hay đặc là hàm lượng cao… là một trong nhiều ngộ nhận lầm khi lựa chọn một sản phẩm tốt trong ma trận sản phẩm thuốc hóa chất trong nuôi tôm.

 

Sản phẩm cho tôm, cá không có hiệu quả rõ ràng như cho người hay động vật trên cạn từ chuẩn đoán vấn đề khó khăn, nhiều yếu tố tác động, không kiểm soát liều lượng… Vì vậy mà nhiều sản phẩm trên thị trường dùng nhiều thủ thuật để qua mặt người dùng.

 

1. Mã vạch chứng minh nguồn gốc sản phẩm

 

Sản phẩm lưu hành ra thị trường có những thông số về số lượng, chất lượng, chủng loại, mẫu mã, nhà sản xuất… vì những con số này quá dài nên trong quản lý kiểm tra người ta phải nhập rất lâu và dễ sai sót để hạn chế những sai sót này mã vạch đã ra đời.

 

Mã này được in ra từ việc chuyển những con số mà con người đọc thành những vạch mà máy có thể đọc được. Chỉ đơn giản là máy đọc thay vì người đọc nên nó không có giá trị như tem chống hàng giả.

 

Ngày nay có nhiều phần mềm đọc mã vạch trên điện thoại giúp đọc rất dễ dàng, nhiều người truyền tai nhau là scan mã vạch này sẽ biết rõ hàng thật giả và nguồn gốc sản phẩm.

 

Tuy nhiên một nhà sản xuất không chân chính không quá khó khăn để cố tình làm giả mã vạch bởi bản thân mã vạch không hề được mã hóa để chống sao chép.

 

Kết luận: Mã vạch có thể làm giả (sao chép) và mã vạch trên bao bì sản phẩm chưa được quan tâm quản lý. Không nên dựa hoàn toàn vào mã vạch để khẳng định nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

 

2. Giá cao hơn là chất lượng tốt hơn

 

“Tiền nào của đó” là quan niệm ăn sâu vào hành vi lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam, nhưng nên nhớ rằng nó không chính xác 100%.

 

- Một sản phẩm ra thị trường phải qua các nhà phân phối, giá sản phẩm ảnh hưởng rất lớn bởi chính sách nhà phân phối. Sản phẩm nếu có giá cao cũng có thể là do nhà sản xuất áp dụng chiết khấu cho đại lý cao (hoặc bị nâng giá) mà không phải ở chất lượng tốt.
 

- Các chi phí vận chuyển, tiếp thị, sản lượng, quản lý cũng quyết định giá thành sản phẩm.

 

Kết luận: Sản phẩm giá cao hơn không hẳn hiệu quả hơn.

 

3. Sản phẩm nhiều thành phần và hàm lượng cao hơn trên bao bì là tốt hơn

 

Khi so sánh sản phẩm cùng loại đa số người dân và cả kỹ thuật có xu hướng chọn một sản phẩm có nhiều thành phần, hàm lượng cao hơn trên bao bì.

 

Nhưng những con số hàm lượng và thành phần trên bao bì còn phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của nhà sản xuất. Còn chất lượng thì phụ thuộc vào nhiều chất lượng nguyên liệu và các chất hỗ trợ.

 

Một ví dụ về chất lượng nguyên liệu có thể kể như vi sinh Bacillus subtilis sẽ được ghi cùng một tên và mật độ nhưng chúng có thể khác chủng loại và được phân lập nguồn khác nhau nên có hiệu quả hoạt động khác nhau.

 

Kết luận: Sản phẩm nhiều thành phần và hàm lượng cao hơn trên bao bì chưa chắc tốt hơn. Mục đích sử dụng và đặc điểm hoạt chất cung cần được cân nhắc khi lựa chọn.

 

4. Trên nhãn có cờ Mỹ, Thái Lan là hàng nhập từ Mỹ, Thái Lan

 

Mỹ là nơi có nguồn nguyên liệu tốt, Thái Lan có ngành nuôi tôm phát triển mạnh nên nhiều công ty dựa vào niềm tin này mà gắn mác hay cờ của 2 nước này lên sản phẩm.

 

Không có gì để đảm bảo cho một sản phẩm có cờ Mỹ, Thái Lan là có nguồn gốc từ đây vì rất ít sản phẩm được nhập thành phẩm mà hầu hết là được đóng gói và phối trộn trong nước và nguyên liệu thì không chỉ nhập từ 2 nước này.

 

Kết luận: Không hẳn các sản phẩm thuốc thủy sản trên thị trường Việt Nam có cờ Mỹ, Thái Lan là sản phẩm chính gốc được nhập nguyên đai nguyên kiện, hoặc đúng nguồn nguyên liệu từ đây như nhiều người tưởng tượng.

 

5. Hàng nhập tốt hơn hàng sản xuất trong nước

 

Vẫn có một số ít sản phẩm nhập thành phẩm trực tiếp. Chúng thường có gia cao do chịu mức thuế nhập khẩu cao và các chi phí đóng gói, bao bì, vận chuyển, nhân công giá cao.

 

Nhưng sự thật là hầu hết các nguyên liệu phục vụ chăn nuôi ở nước ta đều là nhập nhẩu. Những nguyên liệu này được đóng gói 100% hoặc có thể phối trộn lại, việc này có thể làm giảm chất lượng nhưng vẫn có thể tốt như hàng nhập thành phẩm.

 

Ngoài ra cũng nên kể đến điều kiện môi trường, phương thức canh tác của Việt Nam và nước ngoài khác nhau có thể làm giảm hiệu quả sử dụng ở điều kiện thực tế của Việt Nam.

 

Kết luận: Hàng sản xuất trong nước có ưu điểm là giá thành giảm đi rất nhiều mà chất lượng vẫn có thể tương đương so với hàng nhập.

 

6. Sản phẩm tốt vì tính chất vật lý có vẻ tốt

 

Đây là ngộ nhận phổ biến nhất ở người nuôi tôm bởi họ dựa trên những kinh nghiệm và kiến thức hàng ngày để đánh giá chất lượng sản phẩm.

 

a. Dạng bột phải tan hoàn toàn mới tốt

 

Sự thật là có nhiều loại hoạt chất nguyên liệu dùng trong thủy sản không hoàn toàn trong nước hoặc chậm tan. Ví dụ như enzyme cố định không tan hoàn trong nước là một sản phẩm kỹ thuật cao và hiệu quả hơn so với enzyme tan trong nước. Hay một số chất tan vừa phải trong nước như Natri Bicacbonat chỉ tan hết khi cho vào lượng nước đủ nhiều.

 

Sản phẩm tan toàn toàn hay không phụ thuộc vào thành phần và chất mang, phụ gia bên trong sản phẩm.

 

Kết luận: Tan hoàn toàn hay không tan chỉ nên là đặc tính để quyết định mục đích sử dụng phù hợp.

 

b. Dung dịch càng đặc (kẹo) là càng đậm đặc, hàm lượng cao

 

Rõ ràng trong điều kiện mỗi hoạt chất tồn tại ở một dạng vật chất riêng. Do cấu tạo hóa học khác nhau nên sẽ có độ đặc hay loãng khác nhau. Có thể ví dụ Acid Sulfuric 100% vẫn loãng như nước cất.

 

Dựa vào niềm tin này nhiều nhà sản xuất bổ sung vào sản phẩm những thành phần làm đặc dung dịch (chất tạo đặc, tạo khung) chỉ làm tăng thêm giá thành có thể làm giảm hàm lượng sản phẩm mà không làm tăng thêm giá trị sử dụng.

 

Kết luận: Chỉ một số ít trường hợp là có thể đánh giá hàm lượng dựa trên độ đặc, loãng của dung dịch.

 

c. Có mùi thơm hay thơm hơn là tốt hơn

 

Mùi thơm của tôm, cá khác hoàn toàn với con người chúng ta. Chúng ta thấy thơm, thèm nhưng tôm, cá lại thơm và thèm cái khác. Những mùi thơm kích thích này là những thành phần trong thức ăn con người nên chưa chắc cần cho tôm cá.

 

Kết luận: Mùi bạn thích có thể cần với bạn hơn là tôm cá cần.

 

d. Được sản xuất ở dạng đặc biệt, bí quyết

 

Trên thị trường có nhiều sản phẩm thay vì ở dạng bột hay dạng loãng thì các nhà sản xuất muốn làm cho nó khác thường kiểu như: dạng viên, dạng bọt, dạng hạt, túi tự tan…

 

Hãy so sánh quá trình sản xuất các dạng này với dạng bột hay dạng lỏng bình thường rỏ ràng làm tăng chi phí sản xuất. Chưa kể nó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình gia nhiệt và áp suất cao.

 

Tại sao phải sử dụng những viên nén đắt tiền hơn ném xuống ao rồi ngồi chờ nó tan ra mà hiệu quả có thể thấp hơn khi nó ở dạng bột và hòa tan trong nước nhanh, đều hơn rất nhiều. Chưa kể nếu là vi sinh thì nó cần một môi trường nhiều oxy và nhiều thức ăn để phát triển, nếu nó ở dạng viên thì vi khuẩn bị giới hạn phạm vi phân tán gây lãng phí sự phát triển của vi sinh.

 

Túi tự tan được các nước phát triển sử dụng với mục đích tránh ảnh hưởng tới môi trường chứ không có nghĩa là để quăng cả túi xuống ao và chờ đợi nó tự tan ra.

 

Kết luận: Trong nuôi trồng thủy sản các dạng sản phẩm đặc biệt này chưa thấy có giá trị sử dụng cao hơn, tiện ích hơn so với những sản phẩm ở dạng bình thường.

 

Sản phẩm ban đầu tốt, sau đó giảm chất lượng

 

Nhiều người nuôi tôm có kinh nghiệm tin rằng những sản phẩm dùng thử hay lô hàng đầu thì công ty giao hàng tốt nhưng từ từ giảm chất lượng xuống để tăng lợi nhuận.

 

Thực ra thì vẫn có nhiều trường hợp như vậy nhưng các công ty uy tín thật sự muốn  đưa sản phẩm ra thị trường thì mục đích họ họ thử nghiệm là để đánh giá khách quan và cải tiến sản phẩm và mong muốn phát triển lâu dài. Vì vậy họ đã tính toán kỹ lợi nhuận khi đưa sản phẩm mới ra thị trường nếu nó tốt họ không dại gì giảm chất lượng để thu lợi ngắn hạn.

 

Có thể quan niệm này bắt nguồn từ việc thử sản phẩm không khách quan từ điều kiện thuận lợi lúc đầu sau đó điều kiện khó khăn hơn, sự kháng thuốc của vi khuẩn và sự không ổn định trong môi trường nuôi tôm.

 

Kết luận: Hãy thử nghiệm một cách khách quan nhất đừng vội vàng kết luận.

 

Có thể còn thêm những ngộ nhận khác, ngoài ra còn những ngộ nhận trong quá trình sử dụng.

 

Trên đây là một số quan niệm và nhìn nhận chưa chính xác phổ biến mà rất nhiều người dựa vào đó để đánh giá hay làm tiêu chí lựa chọn một sản phẩm trên một thị trường. Mặc dù bài viết có cái nhìn chủ quan của tác giả nhưng được đúc kết từ thực tế hi vọng mọi người có thêm thông tin mà lự chọn tốt hơn.

 

Nguồn: D. Phong, TepBac