Nâng cao hiệu quả tách thải ao nuôi tôm công nghệ cao

Nâng cao hiệu quả tách thải ao nuôi tôm công nghệ cao

Nuôi tôm công nghệ cao hiện nay đang phát triển mạnh, các vấn đề người nuôi ao bạt gặp phải cũng rất nhiều. Trong đó điều quan trọng mà người nuôi tôm nào cũng biết là việc lấy được phân thải trong ao nuôi ra càng nhiều càng tốt.

Mặc dù vậy việc lấy được phân và chất thải ra khỏi ao nuôi một cách hiệu quả thì không phải người nuôi nào cũng nắm được các nguyên lý căn bản liên quan đến việc bố trí hệ thống sục khí.

 

Mật độ nuôi càng dày thì việc cung cấp đầy đủ oxy cho hệ thống nuôi càng được người nuôi quan tâm thực hiện và giải pháp chung thường là bố trí rất nhiều đá bọt cung cấp oxy.

 

Trong bài viết này bộ phận kỹ thuật VPAS chúng tôi sẽ phân tích một phần nhỏ về vấn đề bố trí cục oxy qua đó có thể giúp người nuôi có thể giải quyết được vấn đề “nhỏ mà không nhỏ” trong ao nuôi tôm của mình.

 

 

Bố trí cách nền đáy ao bạt từ 20 cm – 25 cm

 

Cục đá bọt cung cấp oxy cho ao luôn tạo ra lực đẩy nước ra xung quanh tạo thành dòng chảy, khi đó nước xung quanh gần ống nano sẽ bị hút lên, tạo thành dòng nước cuộn. Dòng nước cuộn này sẽ lấy phân, xác tảo, vỏ tôm,... từ dưới đáy lên mặt nước, đồng thời gây ra tình trạng các sợi phân bị đứt và nát. Nếu ao nuôi có bố trí thêm hệ thống cánh quạt thì phân càng bị đứt, nát …từ đó gây ra chất lơ lửng nhiều hơn, chậm lắng hơn, khó siphon ra khỏi ao hơn và môi trường nuôi vì thế sẽ xấu đi nhanh chóng.

 

Vì vậy cần bố trí hệ thống cấp oxy cao hơn nền đáy ao ít nhất từ 20 – 25 cm nhằm hạn chế khả năng hút phân, vỏ tôm, xác tảo… từ dưới đáy bạt. Phân và xác tảo, vỏ lắng ở đáy nhiều hơn nên được dòng chảy từ quạt cuốn vào hố siphon tốt hơn. Hiệu quả tách thải cao hơn.

 

Tùy vào oxy thổi lên mạnh hay yếu mà ta bố trí cách đáy bạt cao hay thấp. Người nuôi cần quan sát kỹ ao hoạt động của hệ thống cấp oxy của mình trong quá trình nuôi để điều chỉnh kịp thời, hợp lý và hiệu quả.

 

 

Khoảng cách giữa các cục oxy

 

Như ở trên đã nói vì oxy nổi lên đẩy nước ra tạo thành dòng nước chảy, vì vậy phân và xác tảo bị đẩy ra xa. Khi đó cục oxy gần bên lại có dòng nước chảy tương tự đẩy ngược lại.

 

Các dòng nước từ oxy tạo ra liên tục và gần nhau nên việc phân bị các dòng chảy đó làm đứt gãy và nát là rất cao. Ngoài ra, việc bố trí các cục oxy gần nhau nên nước bị khuấy động liên tục nên chất lơ lửng sẽ càng tạo ra nhiều và nhanh hơn. Chỉ khi các sợi phân, xác tảo bám vào vỏ tôm hoặc đến gần hố xi phong mới lắng xuống đáy và được dòng chảy của quạt đưa vào hố siphon.

 

Khoảng cách giữa các cục oxy được bố trí cách xa nhau tùy vào oxy thổi lên mạnh hay yếu. Nhưng giữa vị trí của các cục oxy phải đảm bảo có khoảng lặng nước (ít có sự khuấy động nước). Tính từ cuối dòng nước oxy đẩy ra của các cục oxy thì khoảng lặng nước từ 20cm – 30cm.

 

 

Sự kết hợp giữa nâng cao cục oxy cách đáy 20cm – 25cm và khoảng lặng giữa các cục oxy từ 20cm – 30cm sẽ giúp phân và xác tảo lắng đáy nhiều hơn, ít nát phân hơn, vì thế sẽ được quạt đưa vào hố siphon nhiều hơn. Sự kết hợp đó sẽ giúp cho việc tách chất thải khỏi hệ thống nuôi hiệu quả hơn, môi trường tốt được duy trì lâu hơn, hạn chế được thay nước và quan trọng nhất là hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh cũng như các chi phí khác cho vụ nuôi của mình.

 

Hy vọng qua bài viết này sẽ góp một phần nhỏ cho người nuôi quản lý môi trường ao nuôi tốt hơn, nâng cao tỷ lệ thành công cho vụ nuôi của mình.

 

Đội ngũ kỹ thuật công ty VPAS xin chúc bà con nuôi tôm vụ mùa bội thu và “trúng mùa được giá”.

 

Bài viết được thực hiện bởi: KS. Huỳnh Chí Công - BP Kỹ thuật Công ty VPAS.