Giúp tôm khỏe mạnh khi lột xác

Giúp tôm khỏe mạnh khi lột xác

Lột xác không chỉ là một quá trình “lớn lên” đơn thuần, quá trình này còn giúp tôm trở nên “đẹp đẽ” hơn vì chúng sẽ trong bóng, “gột rửa” các vết sẹo, loại bỏ các mảng bám khó chịu, làm “lành lặn” các vết thương trên râu, chân bơi, chân bò, đuôi và “làm mới” cả lớp trong của dạ dày để biến nó trở thành cơ quan sạch khuẩn.

Lột xác là quá trình kỳ diệu giúp tôm tăng trưởng và tái sinh

 

Tôm nói riêng và giáp xác (như cua) nói chung cần lột xác để tăng trưởng. Đó là quá trình tích lũy dinh dưỡng như đạm, khoáng chất, vitamin và các chất cần thiết khác một cách đầy đủ nhất, sau đó chúng tái sử dụng lại các khoáng chất trong lớp vỏ cũ để hình thành lớp vỏ sơ cấp mới dưới biểu bì, “bơm đầy nước” vào cơ thể rồi sau đó tách lớp vỏ cũ ra khỏi cơ thể bằng một cú búng mạnh, lớp vỏ mới được hình thành, hấp thu khoáng chất trong môi trường, cứng cáp trở lại và tôm gia tăng đột ngột về kích thước.

 

Đó không chỉ là một quá trình “lớn lên” đơn thuần, lột xác còn giúp tôm trở nên “đẹp đẽ” hơn vì chúng sẽ trong bóng, “gột rửa” các vết sẹo, loại bỏ các mảng bám khó chịu, làm “lành lặn” các vết thương trên râu, chân bơi, chân bò, đuôi và “làm mới” cả lớp trong của dạ dày để biến nó trở thành cơ quan sạch khuẩn. 




 

Hình minh họa - Tôm sau khi lột xác sẽ trở nên trong bóng và mạnh khỏe hơn

 

Đó còn là quá trình “chọn lọc tự nhiên”. Những con tôm không có khả năng vượt qua được giai đoạn quan trọng này để bước sang một chu kỳ sống mới sẽ bị loại bỏ. Trước, trong và sau khi lột xác, chúng rất yếu và đối diện với vô vàn hiểm nguy.

 

Động vật ăn thịt như cá, cua và ngay cả đồng loại mạnh khỏe là những kẻ thù không mong đợi. Môi trường thiếu khoáng chất cần thiết, đầy khí độc cũng là nguy cơ lớn làm chúng không thể vượt qua quá trình tái sinh vì vỏ sẽ không thể cứng lại hoặc độc tố sẽ giết chết chúng trước khi có thể tách lớp vỏ cũ hoàn toàn. Khi lột xác, chúng cần sử dụng hàm lượng oxy cao gấp đôi so với cuộc sống thông thường hàng ngày của chúng, vì thế nơi lột xác đầy hữu cơ sẽ làm chúng “chết ngạt”. Trong ao nuôi, khi khuẩn gây bệnh luôn tồn tại khắp ao nuôi, vi khuẩn có thể nhanh chóng xâm nhập khi mà chúng yếu ớt nhất, vi khuẩn cũng là địch hại, và như thế rõ ràng môi trường ao nuôi không phải là môi trường lý tưởng nhất cho chúng lột xác an toàn như trong tự nhiên.

 

pH là yếu tố môi trường quan trọng khác có tác động trực tiếp và gián tiếp đến quá trình lột xác. pH lớn hơn 8,3 không phải là điều kiện lý tưởng cho quá trình này. pH từ 7.8 – 8.2 là điều kiện tốt nhất để kích thích chúng bước vào chu trình tăng trưởng một khi đã sẵn sàng mọi thứ. pH quá cao có thể giết chết chúng vì tính độc NH3 sẽ tăng rất cao.
 

 

Lột xác trong ao nuôi

 

Trong ao nuôi – đặc biệt đối với ao nuôi mật độ cao từ 60 con tôm/m2 trở lên – có thể tạo ra bất lợi sau đó cho môi trường nếu người nuôi không chú ý. Khi lột xác đồng loạt, khoáng chất trong môi trường giảm đột ngột. Nhưng khoáng chất lại là yếu tố không thể thiếu cho tảo. Vì thế, nếu ao nuôi có tảo dày, nguy cơ tảo tàn đột ngột từ 1 – 3 ngày sau khi lột đồng loạt sẽ làm môi trường nuôi trở nên xấu đi nhanh chóng và có thể làm tôm nhiễm bệnh nguy hiểm do vi khuẩn.

 

Tôm lột xác đồng loạt – hoặc với tỷ lệ cao - thường vào lúc trăng tròn hoặc thủy triều cao. Thật không may, đó cũng là thời gian dễ nhiễm bệnh EMS nhất.

 

Biết được chu kỳ lột xác của tôm (tùy theo tuổi tôm) sẽ giúp người nuôi dự báo được trước tình hình để có những phòng bị cần thiết.

 

Tôm trước khi lột thường có cơ thịt chắc, vỏ nhợt nhạt, nhưng chắc chắn, vỏ cũng giòn hơn bình thường chứ không day. Khi tôm lột xác nhiều, người nuôi sẽ thấy bọt nước kéo thành hàng dài khi quạt nước, nước ao cũng nhớt hơn và có nhiều váng bọt kéo sợi. Với mật độ nuôi cao, người nuôi sẽ nhìn thấy vỏ tôm mới lột trôi nổi nhiều trong ao.




 

Nguồn: Dr. Boonyarat Pratumchart, Department of Aquatic Science, Faculty of Science, Burapha University and Dr. Chalor Limsuwan, Aquaculture Business Research Centre, Kasetsart University, Thailand.

 

Khoáng chất – yếu tố không thể thiếu trong quá trình lột xác của tôm
 

 

Khoáng chất cần cho tôm trong suốt quá trình sống và phát triển. Nhu cầu khoáng chất của tôm, cách chế tạo, sử dụng nó cũng là một nghệ thuật thực sự. Người nuôi không thể đơn giản mua một hai loại khoáng chất là có thể giúp tôm của mình tốt được. Các sản phẩm thương mại thường được phối chế đầy đủ các loại khoáng cần thiết và cân bằng cho tôm, dĩ nhiên chúng phải là sản phẩm đến từ những nhà cung cấp hàng đầu, uy tín và người nuôi cũng cần nhìn thấy rõ hiệu quả thực sự của chúng khi ứng dụng vào ao.

 

Có hai loại khoáng chất cần thiết cho quá trình sống và phát triển của tôm: Khoáng đa lượng và và vi lượng. Khoáng thường được cung cấp cho người nuôi sử dụng dưới 2 dạng. Một là các khoáng chất được cung cấp dưới dạng các hợp chất như MgSO4, CaCl2, MgCl2 hoặc vôi …. Được đóng trong bao bì 5kg, 10 kg hoặc 20 – 25kg (vôi) và được sử dụng trực tiếp vào nước. Sản phẩm thứ hai bao gồm các nuyên tố vi lượng và khoáng chất thiết yếu bao gồm Fe, Mn, Cu, Zn, I, Co, ….. đóng trong một gói 1 kg hoặc chai 1 lit dùng để trộn với thức ăn. Khoáng dạng lỏng giúp người nuôi dễ trộn và tôm dễ hấp thu hơn.

 

Để có kiến thức đầy đủ về khoáng chất không hề dễ dàng. Mặc dù vậy, người nuôi có thể hình dung được tầm quan trọng của nó bằng cách ghi nhớ bảng sau đây:
 

 

Bảng những ảnh hưởng khi thiếu khoáng chất chất lượng trong nuôi tôm

 



 

Khoáng chất đơn giản nhất và luôn sẵn sàng để có thể dùng là muối NaCl (muối ăn), dĩ nhiên nó không cung cấp đầy đủ các loại khoáng thiết yếu, nhưng nó có thể giải quyết nhất định được một số vấn đề. Đó là “khoáng chất” tinh khiết, ở dạng tinh thể (nên tôm rất dễ hấp thu), bên cạnh đó tính chất điện giải của nó cũng giúp tôm cải thiện sức khỏe sau lột rất tốt. Liều sử dụng thông thường là 20 g muối/100 ml nước/1 kg thức ăn. Muối ăn cũng có thể dùng “đánh’’ xuống nước để cung cấp điện giải nhanh chóng cho tôm, nó đặc biệt hữu dụng trong ao nuôi có hàm lượng khí độc cao. Muối ăn không làm giảm hàm lượng khí độc nhưng có thể hạn chế độc tính và giúp tôm tăng cao khả năng đề kháng.

 

 

 

Tôm thường lột xác vào ban đêm vì lúc đó pH xuống thấp, do vậy khoáng nên được cung cấp vào lúc mà tôm cần chúng nhất. Việc cung cấp khoáng chất đúng lúc cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ cứng vỏ sau lột và nhanh chóng giúp chúng tránh xa các mối hiểm nguy dễ dàng hơn.

 

Với các ao nuôi có mật độ cao hơn 100 con tôm/m3 nước, việc kiểm tra và cân bằng tỷ lệ Ca/Mg/K. Tỷ lệ tham khảo có thể là 40/15/13 (thí dụ: tỷ lệ Ca/Mg/K là 400 ppm/150 ppm/130 ppm ở độ mặn 10 phần ngàn, độ mặn thấp hơn thì hàm lượng phải cao hơn).

 

Để giúp tôm tích lũy tốt khoáng chất và môi trường có đầy đủ khoáng, sẵn sàng cho chúng một cuộc thay đổi thuận lợi, bên cạnh việc bổ sung khoáng vào môi trường sống của tôm, người nuôi cũng cần phải chú ý bổ sung khoáng chất vào khẩu phần ăn trước và sau chu kỳ lột của chúng ít nhất 01 tuần.

 

Các loại khoáng vi lượng bổ sung trong khẩu phần ăn sẽ làm tôm có đầy đủ năng lượng để thay vỏ, tích lũy khoáng chất vào lớp võ cũ đầy đủ để tái sử dụng chúng tạo ra lớp vỏ sơ cấp vững chắc hơn và rút ngắn được rất nhiều thời gian yếu ớt sau lột xác.

 

Vi khuẩn gây bệnh – kẻ thù số một của tôm trong điều kiện nuôi công nghiệp

 

Vi khuẩn gây bệnh – như đã nói ở trên – luôn có mặt trong ao tôm cho ăn thức ăn công nghiệp. Chúng luôn sẵn sàng để tấn công tôm nuôi, vấn đề càng trầm trọng hơn nếu như người nuôi không có biện pháp kiểm soát chúng tốt bằng cách dùng chế phẩm sinh học chất lượng cao và định kỳ cho ao nuôi của mình.

 

Ngày nay ngay cả vi khuẩn cũng có thể gây chết tôm cấp tính và không thể “cứu” được bầy tôm dễ dàng. Điển hình nhất là vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp.

 

Nếu bầy tôm lột xác và nhiễm khuẩn thì râu, mắt và vảy râu, vảy đuôi thường có màu đỏ sậm, tôm cũng có thể lờ đờ, ăn yếu và dễ nhiễm các bệnh khác.

 

Vì phải trốn tránh “kẻ thù” là đồng loại mạnh khỏe khác hoặc địch hại trong ao (nếu có), những con tôm lột cũng có thể phải “di cư” đến vùng an toàn hơn, và những “vùng an toàn” đó lại là nơi đầy vi khuẩn, chất hữu cơ và thậm chí cả khí độc.

 

Thật may mắn là công nghệ sinh học ứng dụng cho ngành chăn nuôi đã phát triển vượt bậc để có thể giúp người nuôi giải quyết phần nào vấn đề trên. Tuy nhiên, cũng như khoáng chất, chế phẩm sinh học cũng cần phải có chất lượng thực sự, không bị nhiễm tạp và sử dụng đúng cách.

 

Một sản phẩm sinh học kém chất lượng có thể đánh lừa người nuôi về sự an tâm rằng chúng được sử dụng hàng ngày và sẽ mang đến sự an toàn cho ao nuôi. Nhưng, khi tôm lột xác, vi khuẩn gây bệnh có thể tấn công ồ ạt và làm tôm lập tức nhiễm bệnh với cường độ rất cao và người nuôi có thể mất mùa nhanh chóng.

 

Các tốt nhất là người nuôi nên dùng thêm chế phẩm sinh học ngay khi dùng khoáng để có thể hạn chế sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh. Điều này càng cực kỳ có ích đối với những ao nuôi không dùng chế phẩm sinh học thường xuyên và định kỳ trong ao nuôi của mình.

 

Như đã nói ở trên, khi lột xác tôm cũng làm mới dạ dày của nó và trở nên sạch khuẩn, tuy nhiên vì môi trường nuôi cũng luôn hiện diện nhiều vi khuẩn gây bệnh. Chính vì thế, cũng như cách bổ sung khoáng chất cho tôm trong khẩu phần ăn trước vào khi lột xác một tuần cũng cần thiết thực hiện với “men tiêu hóa”.

 

 

Liều lượng sử dụng “men tiêu hóa” trong trường hợp này cần được tăng gấp đôi và cho ăn nhiều cữ cùng với khoáng chất trong nhiều ngày liền để đảm bảo dạ dày và ruột tôm không bị xâm lăng nhanh chóng bởi khi khuẩn có hại.

 

Người nuôi cũng có thể dùng các sản phẩm thương mại có tác dụng diệt khuẩn trong đường ruột hoặc dạ dày tôm sau khi lột trước khi dùng “men tiêu hóa”. Giải pháp này càng phát huy tác dụng cao hơn nhiều trong điều kiện nuôi mật độ cao hiện nay.

 

 

Giải pháp dùng kháng sinh không được khuyến khích trong trường hợp này vì kháng sinh thì để dùng chữa bệnh chứ không phải phòng bệnh. Ngoài ra, kháng sinh cũng góp phần làm cho vi khuẩn gây bệnh gia tăng khả năng đề kháng cao hơn và các biện pháp chữ trị cho tôm nếu chúng bị bệnh sau này trở nên vô hiệu.

 

Đục cơ, dị hình hoặc vỏ tôm không trong bóng sau khi lột xác
 

Trong trường hợp thấy tôm bị dị hình, nguyên nhân có thể là do thiếu các vitamin thiết yếu. Nếu điều này xảy ra, hãy bổ sung chúng vào khẩu phần thức ăn.



Đục cơ sau lột xác và vỏ tôm kém trong bóng, tôm kém khỏe mạnh cũng do tôm thiếu vitamin thiết yếu và chất điện giải mặc dù người nuôi đã bổ sung khoáng chất đầy đủ. Hãy dùng vitamin để giải quyết vấn đề đó.

 

Bài viết được thực hiện bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận - VPAS JSC