Enzyme – Bước đột phá quan trọng nâng cao năng suất nuôi trồng và phòng chống các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa thủy sản nuôi

Enzyme – Bước đột phá quan trọng nâng cao năng suất nuôi trồng và phòng chống các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa thủy sản nuôi

Tóm tắt : Động vật thủy sản thường thiếu một số enzyme tiêu hóa quan trọng trong giai đoạn còn nhỏ hoặc trong suốt chu kỳ nuôi.

Tóm tắt : Động vật thủy sản thường thiếu một số enzyme tiêu hóa quan trọng trong giai đoạn còn nhỏ hoặc trong suốt chu kỳ nuôi. Bổ sung enzyme hàng ngày vào thức ăn tôm cá là một trong những tiến bộ về dinh dưỡng cho động vật thủy sản trong vài năm qua.

 

Việc bổ sung thêm enzyme vào khẩu phần ăn hàng ngày nhằm hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố kháng dinh dưỡng có trong thức ăn; cải thiện khả năng sử dụng các acid amin, năng lượng; giảm thiểu độc tố trong cơ thể động vật, giảm ô nhiễm môi trường…, kết quả là sẽ cải thiện được thành tích nuôi thông qua việc rút ngắn thời gian nuôi, giảm các bệnh về đường ruột và giảm FCR.

 

Các chất kháng dinh dưỡng trong thức ăn thủy sản và ảnh hưởng của chúng đến hệ tiêu hóa

 

Cùng với sự phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản toàn cầu, áp lực về sự thiếu hụt nguồn bột cá (nguyên liệu chính trong thức ăn thủy sản) ngày càng tăng đã thúc đẩy sự tiến bộ của ngành sản xuất thức ăn cho động vật thủy sản nuôi. Nhiều thành phần dinh dưỡng khác bột cá đã được thay thế hoặc thêm vào trong các công thức chế biến thức ăn thủy sản. Bột đậu nành là một lựa chọn thay thế hoàn hảo, hàm lượng thấp nhất của bột đậu nành trong thức ăn là 25% và có thể thay thế 100% như trong thức ăn cá rô phi.

 

Bên cạnh đó, trong thức ăn cũng chứa nhiều chất phụ gia khác nhau như chất kết dính, chất chống oxy hóa, chất kháng nấm, chất tạo mùi, sắc tố, …

 

Thật không may là mặc dù giải quyết được các áp lực chi phí cho bột cá tăng cao trong thức ăn, nhưng các chất thay thế và một số chất phụ gia lại chứa nhiều “yếu tố kháng dinh dưỡng” (Tiếng anh: Antinutritional factors – viết tắt ANF). Các chất kháng dinh dưỡng này có thể gây hại cho vật nuôi chẳng hạn như cản trở quá trình tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu dưỡng chất gây nên tình trạng chậm lớn, làm đông tế bào máu, phá hủy tế bào gan tụy, ức chế hoạt động của men tiêu hóa, giảm tính ngon miệng của thức ăn, ức chế vitamin, và tạo ra các độc tố có hại cho quá trình sinh trưởng và tỷ lệ sống của vật nuôi.

 

Xử lý vấn đề này bằng cách gia nhiệt hoặc thủy phân các nguyên liệu thức ăn có chứa các chất kháng dinh dưỡng là giải pháp hữu hiệu, tuy nhiên nó không đồng nghĩa với việc làm “biến mất” hoàn toàn các chất kháng dinh dưỡng này trong thức ăn thành phẩm.

 

Vì sao phải bổ sung enzyme vào khấu phần ăn hàng ngày của động vật thủy sản?

 

Enzyme cũng được ví như là nguồn “nhiên liệu” cho quá trình tiêu hóa trong cơ thể động vật nói chung. Cách đơn giản nhất để nghĩ về enzyme là chúng ta hãy hình dung chúng như một “đội quân” sống trong cơ thể, tham gia “xử lý” tất cả các dạng thực phẩm đưa vào cơ thể hàng ngày và chuyển hóa chúng thành năng lượng và chất dinh dưỡng.

 

Mỗi một loại hợp chất có trong thức ăn sẽ có một loại enzyme riêng biệt cần thiết cho quá trình phân giải hợp chất đó trở thành dạng đơn giản hơn để cơ thể hấp thu và tăng trưởng. Chẳng hạn để phân hủy protein, enzyme protease sẽ tham gia vào quá trình, để phân hủy chất xơ cellular có trong tinh bột thì enzyme cellulase sẽ làm nhiệm vụ của nó…

 

Cơ thể động vật thủy sản có thể tự sản sinh enzyme quan trọng để tiêu hóa thức ăn, bên cạnh đó hệ vi sinh vật hữu ích trong đường ruột cũng tiết enzyme để tham gia vào quá trình tiêu hóa.

 

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong thành phần thức ăn ngày nay có nhiều chất khó tiêu hóa, thậm chí cản trở quá trình tiêu hóa, do đó hàm lượng và loại enzyme nội tại cơ thể động vật thủy sản không đủ để đáp ứng quá trình phân hủy này dẫn đến các bệnh và rắc rối khác liên quan đến hệ tiêu hóa. Động vật thủy sản có thể nhiễm các bệnh phân trắng, tổn thương các thụ thể hấp thu dinh dưỡng, đi phân sống và gây ô nhiễm môi trường.

 

Chẳng hạn như đối với tôm cá, phospho phytate là một chất kháng dinh dưỡng (có trong thành phần nguyên liệu thức ăn và có nguồn gốc từ thực vật). Nếu không có enzyme Phytase (loại enzyme mà động vật thủy sản không thể tự sản sinh được) giải phóng phospho thành dạng dễ hấp thu thì phospho sẽ bị thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm hữu cơ, tạo điều kiện cho tảo lam phát triển, phát sáng nước, làm mất cân bằng phospho trong cơ thể và làm tôm cá kém hấp thu, chậm lớn.

 

Chính vì những lý do trên, ngày nay việc bổ sung enzyme từ bên ngoài vào hệ tiêu hóa của động vật thủy sản ngày càng trở nên thiết yếu. Chính vì sự đang dạng về các thành phần thức ăn khác nhau mà enzyme bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày cũng cần phải đa dạng chủng loại và điều quan trọng nhất là các enzyme bổ sung vào cơ thể phải loại enzyme “còn hoạt lực”. Vì bản chất enzyme là một protein, do đó chúng cũng có khả năng bị biến tính (mất tác dụng), điều này giống như việc chúng ta cử một đội quân ốm yếu, thiếu sức chiến đấu chi viện cho chiến trường. Việc tạo ra các “enzyme nhân tạo” để bổ sung vào hệ tiêu hóa vì thế mà cũng cần có công nghệ hoàn chỉnh đến từ những tập đoàn hàng đầu thế giới.

 

Tại sao nên kết hợp cả Probiotic (vi sinh vật sống) và Enzyme?

 

Vì vi sinh vật hữu ích trong đường ruột sản sinh ra enzyme hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa, nên nhiều người nuôi nghĩ rằng chỉ cần bổ sung enzyme là đủ vì enzyme có tác dụng ngay lập tức ngay khi đưa chúng vào khẩu phần ăn, trong khi vi sinh vật cần phải có thời gian thích nghi để gia tăng quần thể và sau đó mới có thể cung cấp đủ enzyme cho quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, suy nghĩ này không hoàn toàn đúng đắn. Để tạo nên tác dụng toàn diện và vượt trội thì cần bổ sung cả Enzymes và Probiotics (vinh sinh vật hữu ích) bởi giữa chúng có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ.

 

Enzyme sẽ giúp thức ăn được cắt nhỏ và phân rã thành dạng nhũ tương dễ hấp thu vào máu. Probiotics giúp đường ruột khỏe mạnh và khi đường ruột khỏe mạnh thì đương nhiên việc hấp thu diễn ra suôn sẻ hơn. Nếu thiếu enzyme, thức ăn không được tiêu hóa, thành ruột không hấp thu được, thức ăn sẽ ứ đọng trong ruột, sinh ra các chất độc tiêu diệt các vi khuẩn có ích trong ruột. Hoặc ngược lại, khi đường ruột mất cân bằng sinh học, thiếu các chủng vi khuẩn có lợi, cũng gây nên hiện tượng giảm tiết một số loại enzyme gây cản trở tiêu hóa…Ngoài ra, trong khi việc bổ sung enzyme chỉ có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, thì việc bổ sung vi sinh vật hữu ích còn có thêm những tác dụng tích cực khác.

 

Ngoài ra, một số enzymes có thể hoạt động tốt trong những môi trường khác biệt trong khi một số vi sinh vật lại bị hạn chế môi trường sống hoặc bị cạnh tranh hốc liệt bởi các vi sinh vật gây hại khác hiện diện trong ống tiêu hóa.

 

Bảng so sánh dưới đây giữa probiotics và enzyme ứng dụng cho nuôi tôm sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn.

 

Zalo

 

Enzyme và kháng sinh trong nuôi cá tôm

 

Mặc dù kháng sinh là chất bị cấm hoặc hạn chế sử dụng trong nuôi thủy sản, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, người nuôi vẫn dùng để điều trị bệnh tôm cá trong trường hợp bất khả kháng. Khi bệnh EMS bùng phát, thậm chí một số người nuôi đã nuôi tôm với qui trình kháng sinh định kỳ, mặc dù họ biết rằng đấy là một giải pháp không mang tính bền vững. Tương tự như vậy với người nuôi cá, kháng sinh đôi khi vẫn được dùng để chữa bệnh gan thận mũ và một số bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn khác.

 

Sử dụng kháng sinh gây ảnh hưởng đến xuất khẩu, tuy nhiên trước khi ảnh hưởng này xảy ra thì nội tại thủy sản nuôi cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe của chúng. Kháng sinh tiêu diệt hoàn toàn hệ vi sinh vật hữu ích trong hệ tiêu hóa, làm mất cân bằng enzyme và làm suy giảm hệ thống miễn dịch cơ thể. Thông thường, khi hệ sinh vật hữu ích bị tiêu diệt, hệ tiêu hóa lập tức có vấn đề, tôm cá giảm hấp thu, tổn hại hệ tiêu hóa có thể dẫn đến mãn tính (hư hại vĩnh viễn khả năng hấp thu) làm tôm cá chậm lớn và tạo điều kiện cho vi sinh vật có hại phát trở lại nhanh hơn trong đường ruột.

 

Vì thế sử dụng kháng sinh cần có hiểu biết rõ về chúng và cho ăn đúng liều lượng. Tuy vậy, ngay khi cho ăn kháng sinh, việc mất cân bằng và thiếu hụt enzyme tiêu hóa xảy ra ngay lập tức. Trong trường hợp này, giải pháp bổ sung enzyme ngoại sinh từ bên ngoài là giải pháp hết sức cần thiết để duy trì hấp thu dưỡng chất và tốc độ tăng trưởng của vật nuôi.

 

Các trường hợp nên dùng Enzyme trong nuôi tôm cá

 

Về cơ bản, enzyme nên được bổ sung hàng ngày, ít nhất một cữ/ngày trong quá trình nuôi cá tôm để hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa như phân trắng, đường ruột đứt khúc, sình bụng ở cá …

 

Tôm có đường ruột ngắn, và quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh cho nên việc bổ sung enzyme càng trở nên cần thiết hơn. Bên cạnh đó, khi nhiệt độ tăng cao, tôm ăn nhanh và bài tiết rất nhanh dẫn đến các dưỡng chất trong thức ăn không được phân giải hoàn toàn để hấp thu.

 

Động vật thủy sản thường thiếu một số enzyme tiêu hóa quan trọng trong giai đoạn còn nhỏ hoặc trong suốt chu kỳ nuôi, cho nên enzyme cũng cần thiết trong giai đoạn này.

 

Một số trường hợp cần bổ sung enzyme (đối với qui trình nuôi không dùng enzyme thường xuyên) hoặc tăng liều sử dụng:

 

- Giai đoạn còn nhỏ.

- Đường ruột đứt khúc, lỏng lẻo.

- Kém ăn, giảm ăn, tiêu hóa kém.

- Giai đoạn sử dụng kháng sinh trong chu trình nuôi

- Giai đoạn sau khi hết bệnh

- Chậm lớn

- Điều kiện môi trường bất lợi.

- Nuôi mật độ cao (hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường)

- Phòng ngừa bệnh gan (hỗ trợ và giảm tải cho hệ thống gan tụy trong quá trình tiêu hóa).

- Vùng xung quanh bị dịch bệnh (nhằm hỗ trợ tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch).

 

Bài viết được thực hiện bởi: KS. NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN - VPAS JSC