Chuyển carbonic vào đại dương làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu?

Chuyển carbonic vào đại dương làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu?

Ý tưởng chuyển carbonic (khí CO2) vào đại dương để làm giảm tốc độ ấm lên toàn cầu được đưa ra sau nhiều tháng cân nhắc giữa các nhà khoa học hàng đầu của Hoa Kỳ, họ kết luận rằng những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải, ngay cả khi thành công cũng “có thể vẫn chưa đủ để ổn định khí hậu”.

Các phương pháp tiềm năng bao gồm kích thích sự phát triển của thực vật nhiều hơn trong cũng như xung quanh các đại dương và điều khiển các dòng hải lưu để “đem” CO2 sâu vào lòng nước.

 

Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ (NASEM) được viết một cách thận trọng và chỉ ra rằng nghiên cứu về giảm thiểu CO2 bằng cách đưa nó vào đại dương chỉ mới bắt đầu gần đây và cần phải “có nhiều hiểu biết hơn” cũng như cân nhắc các khả năng xung đột về pháp lý.

 

Đại dương bao phủ 70% Trái đất, chúng đã loại bỏ và lưu trữ “một phần đáng kể” CO2 được thải ra thông qua việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động khác của con người.

 

Thực vật hấp thụ CO2 rồi bị ăn bởi các sinh vật nhỏ bé gọi là động vật phù du. Trong quá trình này, carbon dần dần chìm vào nước và nền đáy cùng sinh vật phù du và những loài cá ăn chúng, xuống các vùng nước sâu hơn của đại dương, nơi CO2 được cho là vẫn tồn tại trong ít nhất một thế kỷ.

 

Có nhiều cách tiếp cận có thể giúp đưa CO2 vào đại dương, chẳng hạn như kích thích tảo chìm xuống nước, hoặc nuôi trồng rong biển trên quy mô lớn, nhưng tất cả đều cần thêm sự nghiên cứu và hiểu biết sâu rộng hơn.

 

Các đại dương lưu trữ “lượng carbon nhiều hơn 50 lần so với khí quyển”, vì vậy các cách khác nhau để hướng đến việc lưu trữ CO2 vẫn đang được xem xét.

 

Một cách tiếp cận khác là khuyến khích hình thành các hệ thống rừng ven biển như rừng ngập mặn, đầm lầy muối và cỏ biển, giống như trồng rừng trong đất liền để loại bỏ CO2 khỏi không khí.

 

Tham khảo: https://www.scientificamerican.com