Cách sử dụng đồng trong ao nuôi thủy sản nước ngọt
Tổng quan
Đồng đã được sử dụng từ lâu như một phương pháp hóa học trong các ao nuôi thủy sản nước ngọt cũng như các hoạt động có liên quan đến thủy sản khác. Vấn đề là có một ranh giới mỏng manh ngăn cách giữa hàm lượng xử lý hiệu quả và việc dùng quá liều có thể gây chết thủy sản nuôi. Bài viết này cung cấp thông tin, kiến thức về cách sử dụng đồng trong nuôi trồng thủy sản: khi nào nên sử dụng, cách sử dụng và một số lưu ý cần thực hiện trước khi sử dụng.
Đồng được sử dụng với hai mục đích chính và cực kỳ hiệu quả trong nuôi thủy sản nước ngọt là kiểm soát (diệt) tảo lam và vài loại tảo khác có ảnh hưởng đến mùi vị thịt cá cũng như loại bỏ ngoại ký sinh trùng ký sinh trên cá.
Đồng có nhiều dạng khác nhau, nhưng loại được dùng nhiều nhất trong hoạt động nuôi trồng thủy sản đồng sulfate ở dạng tinh thể hoặc bột vì giá rẻ và dễ dàng hòa tan trong nước. Đôi khi người nuôi cũng dùng đồng ở dạng lỏng.
Tính toán liều lượng sử dụng và cách sử dụng
Thông thường, người nuôi thường dùng đồng sulfate trong ao nuôi của mình dựa trên kinh nghiệm hoặc hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Tuy nhiên, để sử dụng đồng hiệu quả, dù ở bất cứ dạng hợp chất nào của đồng thì người nuôi luôn cần phải đo tổng độ kiềm của nước ao nuôi trước. Lý do phải đo độ kiềm trước khi dùng đồng sulfate là vì độc tính của đồng đối với động vật thủy sản sẽ tăng lên khi kiềm thấp.
Công thức để tính hàm lượng đồng sulfate cần dùng ở mức độ an toàn được áp dụng là: Tổng độ kiềm (tính bằng ppm, tức mg/lit) chia cho 100. Thí dụ, người nuôi đo tổng độ kiềm đạt được là 120 ppm thì liều dùng đồng sulfate là 120/100 = 1,2 ppm, tức là 1,2 mg đồng sulfate/1 lit nước (tương đương 1,2 kg đồng sulfate cho 1.000 mét khối nước)
Nếu tổng độ kiềm nhỏ hơn 50 ppm, không nên xử lý bằng đồng vì nguy cơ gây chết cá cao. Nếu tổng độ kiềm trên 250 ppm, không sử dụng quá 2,5 ppm đồng sunfat.
Đồng sufate nặng hơn nước, do đó khi sử dụng, cần phải hòa tan hoàn toàn trong nước (tốt nhất là nước sạch không chứa hữu cơ lơ lững) trước khi tiến hành đánh vào ao nuôi. Nếu không hòa tan trước mà đánh trực tiếp vào ao thì chúng sẽ nhanh chóng chìm xuống đáy ao, kết hợp với bùn, kết tủa ở đáy ao và hoàn tàn rất khó hòa tan trở lại. Khi đánh vào ao nuôi, người nuôi cũng cần lưu ý tạt càng đều càng tốt trên khắp mặt ao hoặc cần có hệ thống sục khí để phân bố chúng tốt hơn. Đồng sulfate rất dễ tan trong nước, và vì khả năng dễ gây kết tủa với hữu cơ vì vậy, người nuôi càng pha loãng khi hòa tan càng tốt trước khi đưa xuống ao.
Việc hòa tan sản phẩm đồng trước khi sử dụng cũng nên được áp dụng ngay trong trường hợp sản phẩm ở dạng lỏng. Tương tư như vậy, nếu một sản phẩm thương mại dùng trong nuôi trồng thủy sản có đồng là một thành phần trong sản phẩm (nhưng chưa chắc là thành phần chính) thì cũng cần lắc đều sản phẩm trước khi sử dụng.
Các lưu ý
Khi xử lý tảo bằng đồng sulfate, oxy hòa tan sẽ giảm. Nếu hàm lượng oxy xuống thấp, tôm cá có thể chết ngạt. Việc này càng dễ xảy ra hơn nếu mật độ tảo trong ao quá dày. Chính vì vậy, cách tốt nhất là nên chia nhỏ liều lượng xử lý ra, có thể sử dụng liên tiếp 2 – 3 ngày, luôn có biệp pháp sục khí khi sử dụng và phải theo dõi sức khỏe cá, tôm thường xuyên lúc sử dụng.
Đồng cũng độc với các động vật không xương sống khác – chẳng hạn như ốc – và hầu hết các động vật phù du khác trong ao như luân trùng, giáp xác (tôm cua), copepod, moina, ….vì vậy cũng cần chú ý khi sử dụng, đặc biệt là đối với các ao nuôi có sử dụng các động vật không xương sống tự nhiên như là nguồn cung cấp thức ăn cho vật nuôi chính.
Với các bể cá cảnh, đôi khi đồng sulfate cũng được dùng để trị ký sinh trùng. Mặc dù các bể cá cảnh gần như không có chất hữu cơ gây kết tủa làm giảm hiệu quả sử dụng, nhưng cũng nên đo tổng độ kiềm rồi tính toán lượng dùng vì đó là công thức tốt nhất và an toàn nhất. Chính vì không có hữu cơ trong bể, cho nên đồng có thể tồn tại lâu hơn nước và có thể gây độc cho cá cảnh nếu phơi nhiễm đồng kéo dài, vì vậy tốt nhất nên thay nước mới cho bể cá sau 4 – 8 giờ sử dụng.
Nguồn: https://edis.ifas.ufl.edu/
Biên dịch bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận – VPAS JSC
- Bacillus velezensis cho tôm thẻ chân trắng
- Chất kích thích miễn dịch cho tôm có thực sự hiệu quả không?
- Isoquinoline alkaloids tăng cường hệ thống miễn dịch của tôm thẻ chân trắng
- (5) Danh mục dược thảo ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản
- (4) Danh mục dược thảo ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản
- (3) Danh mục dược thảo ứng dụng trong thủy sản
- (2) Danh mục dược thảo ứng dụng trong thủy sản
- (1) Danh mục dược thảo ứng dụng trong thủy sản