Biofloc làm giảm thức ăn, chi phí lọc nước trong hệ thống ương tôm tuần hoàn
Các hệ thống ương nằm gần trang trại cung cấp khả năng an toàn sinh học cao hơn, cũng như kéo dài thời gian vụ mùa trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Hệ thống biofloc
Trong những nỗ lực không ngừng để làm cho các hệ thống ương hoạt động hiệu quả hơn và rẻ hơn, việc sử dụng floc vi khuẩn dị dưỡng (biofloc) đã được xem xét thực hiện. Biofloc là sự tăng sinh khối vi khuẩn có lợi phát triển trong nước bằng cách bổ sung nguồn cacbon làm chất dinh dưỡng.
Sử dụng nitơ trong chất thải do tôm tạo ra và carbon bổ sung, sinh khối mang lại hai lợi ích chính: loại bỏ chất thải nitơ trong nước và là nguồn thức ăn cho tôm. Biofloc tạo thêm màu nâu cho nước bể.
Trong hệ thống tuần hoàn, việc sử dụng biofloc để kiểm soát amoniac là một cách để giảm kích thước của hệ thống lọc. Các loại bộ lọc sinh học khác nhau được sử dụng trong các hệ thống tuần hoàn mang đến diện tích bề mặt lớn cho vi khuẩn bám vào và phát triển. Nếu vi khuẩn được phát triển trong chính bể nuôi, kích thước của bộ lọc có thể được giảm xuống. Do đó, việc xây dựng và vận hành hệ thống ương sẽ ít tốn kém hơn nhiều.
Thử nghiệm Biofloc
Thử nghiệm ương bằng phương pháp biofloc để xác định xem các hệ thống ương tuần hoàn có làm giảm chi phí thức ăn và chi phí lọc hay không đã được thực hiện. Khoảng 60.000 và 90.000 con F. indicus (tôm he Ấn Độ) có trọng lượng ban đầu 16,5 mg được thả trong hai bể với liều lượng tương ứng là 12.000 và 18.000 con mỗi mét khối. Khoảng 55.000 con tôm sú P. monodon trọng lượng 15,5 mg đã được thả vào bể thứ ba với mật độ 11.000 con/mét khối.
Đối với tất cả các bể, tổng mức nitơ amoniac được giữ ở mức dưới 0,3 ppm, mức nitrit là 0 - 1,0 ppm. Nồng độ oxy hòa tan là 4-5 ppm. Nhiệt độ nước được duy trì ở mức 27,5-30,0 độ C.
Tôm trong cả ba bể được cho ăn 8 lần/ngày trong giai đoạn thử nghiệm bằng thức ăn ban đầu của trang trại. Probiotic có chứa các loài Bacillus được thêm vào nước bể cùng với mật đường ở mức 50% trọng lượng thức ăn cho đến khi đạt được màu nước nâu do sự tăng trưởng của vi khuẩn có lợi. Màu nước này được duy trì bằng cách điều chỉnh lượng mật đường bổ sung hàng ngày và điều chỉnh tốc độ dòng chảy của hệ thống tuần hoàn.
Với biofloc, F. indicus đạt được hệ số chuyển đổi thức ăn từ 0,68 đến 0,89, và giá trị này của P. monodon giảm xuống mức 1,25.
Hiệu suất của tôm trong các bể ương được trình bày trong bảng bên dưới:
Tỷ lệ hoại tử phụ bộ và nhiễm ciliate (nguyên sinh động vật, protozoa) tăng lên gấp nhiều lần khi chỉ số đĩa Secchi dưới 40 cm. Đĩa Secchi là một công cụ tiêu chuẩn được sử dụng để đo độ trong của nước một cách trực quan.
Độ dày của biofloc đã được điều chỉnh phù hợp để nằm trong khoảng đĩa Secchi từ 50-60 cm bằng cách điều chỉnh tốc độ dòng chảy tuần hoàn cũng như kiểm soát việc bổ sung mật đường. Tốc độ dòng chảy hàng ngày đã tăng 600 đến 800 phần trăm khi sinh khối và hàm lượng thức ăn tăng lên trong quá trình thử nghiệm. Mật đường bổ sung nằm trong khoảng 30 đến 50 phần trăm trọng lượng thức ăn viên.
Thức ăn viên đầu vào ít hơn khi áp dụng biofloc trong hệ thống ướng. Đối với F. indicus, FCR thấp hơn phản ánh mức giảm thức ăn đầu vào trung bình gần 50,0%. Ở tôm sú P. monodon, lượng thức ăn giảm 37,5%.
F. indicus tăng từ 16,5 đến 220,0 mg ở cả hai mật độ, trong khi P. monodon tăng từ 15,5 đến 125,0 mg. Sinh khối tôm được duy trì bằng biofloc cao hơn gấp đôi so với trong cùng hệ thống ương không có biofloc. Bằng cách duy trì sinh khối lớn hơn trong hệ thống ương, có thể giảm hơn 50% chi phí cơ sở hạ tầng liên quan đến hệ thống lọc. Chi phí cho thức ăn cũng sẽ được giảm đáng kể.
Theo https://www.globalseafood.org