Ao nuôi tôm lót bạt đáy
Các ao được xây dựng trên đất có chứa pyrit sắt (đất phèn tiềm tàng hoặc đất phèn hoạt động) có độ pH thấp, gây khó khăn cho việc nuôi tôm. Ao có đáy là đất cát không giữ nước tốt. Đất hữu cơ thì khó đắp nền ổn định và phải cung cấp nhiều ôxy khi nuôi (vì sự phân hủy hữu cơ ở nền đáy ao). Do là vùng đất trũng nên các ao nuôi tôm được xây dựng ở những khu vực này gặp khó khăn trong việc thoát nước và phơi ao sau khi thu hoạch. Đáy ao không khô hoàn toàn, sau khi nuôi tôm một vài vụ, đáy ao trở nên xấu đi và điều này có thể làm tôm căng thẳng dẫn đến dễ bùng phát dịch bệnh.
Giải pháp lọt bạt đáy cho các ao nuôi tôm có kết cấu đất như vậy mang lại hiệu quả về chi phí. Vật liệu nhựa đã được sử dụng từ lâu trong các hồ chứa, đập và ao cho mục đích nông nghiệp. Nhưng chỉ vài năm gần đây, công nghệ này mới được ứng dụng rộng rãi vào nuôi trồng thủy sản.
Vật liệu nhựa thích hợp để lót ao nuôi tôm là HDPE (polyethylene mật độ cao) và poly vinyl clorua (PVC). Vì cả HDPE và PVC đều kết hợp các chất chống tia cực tím, hai vật liệu này có thể chống lại sự hư hỏng bởi tia UV, vì vậy mà các loại bạt này có thể sử dụng trong nhiều năm. Những vật liệu này mềm dẻo và thể dễ dàng dán lại với nhau trong quá trình lắp đặt. Độ dày khuyến nghị cho lớp lót ao nuôi tôm ít nhất là 0,75 mm, và nhiều nhà cung cấp lớp lót HDPE và PVC đảm bảo sử dụng sản phẩm của họ trong điều kiện bình thường từ 5 đến 10 năm.
Thuận lợi
Việc sử dụng nhựa để lót đáy và bờ bao ao nuôi thủy sản giúp ngăn cản sự tiếp xúc với đất phèn, tránh độ pH thấp trong nước và đáy ao, những vấn đề thường gặp khi nuôi tôm trong mùa mưa.
Chất lượng nước ao nuôi được quản lý dễ dàng hơn vì không có tác động tiêu cực nào đến chất lượng nước ao nuôi khi tiếp xúc với đất đáy và đất đắp bờ. Lớp lót ngăn chặn hiệu quả sự tương tác giữa đất và nước và ngăn chặn xì phèn vào ao nuôi, ngăn chặn sự nhiễm mặn của các khu vực lân cận và kiểm soát nước thấm vào ao ở những nơi có mực nước ngầm cao.
Ao lót bạt rút giúp ngắn thời gian làm sạch và chuẩn bị ao, chỉ cần bốn đến tám ngày để hoàn thành quy trình so với 30 đến 45 ngày đối với quy trình làm sạch ao đất thông thường và phơi khô ao. Do đó, có thể tăng số vụ nuôi trong năm, qua đó tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích trong năm. Ngoài ra, việc thu hoạch cũng hiệu quả hơn trong mùa mưa vì ao có lót bạt vẫn có thể được làm sạch. Việc cải tạo ao sau mỗi vụ cũng không cần đến các máy móc lớn như máy hút bùn,…
Trong suốt thời gian nuôi, chất rắn lơ lửng và các chất thải khác có thể dễ dàng được loại bỏ nhờ dòng chảy qua các cống thoát nước (thường ở trung tâm ao), hoặc siphone loại bỏ dễ dàng hơn, do đó sẽ ít chất hữu cơ tích tụ trong ao hơn.
Lớp lót ngăn chặn sự xói mòn của bờ ao do sóng, gió và các dòng nước do máy sục khí tạo ra, giúp giảm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa ao. Và các ao lót bạt nói chung có thể được sục khí mạnh hơn, hỗ trợ mật độ thả cao hơn, mang lại năng suất cao hơn trên cùng đơn vị diện tích.
Bởi vì đáy ao sạch hơn, vào thời điểm thu hoạch sẽ có ít tôm bị bẩn mang (bùn hữu cơ tích tụ) và tôm sạch hơn sẽ có giá tốt hơn.
Nhược điểm
Chi phí đầu tư ban đầu để lót ao khá lớn. Cần có lao động thủ công và/hoặc thiết bị đáng kể để làm sạch và chuẩn bị ao thích hợp trước chu kỳ sản xuất tiếp theo. Việc sử dụng các thiết bị nặng để làm sạch ao sau khi thu hoạch bị hạn chế do nguy cơ làm hỏng lớp bạt.
Khó gây màu hơn trong ao lót bạt trước khi thả giống. Trong khi nuôi, sự tích tụ của phốt pho dễ làm tảo bùng phát, gây ra tình trạng thiếu oxy vào ban đêm và làm tảo tàn đột ngột.
Yêu cầu trước khi lắp đạt bạo ao nuôi
Để ao được lót bạt đúng cách, phải chuẩn bị đáy ao kỹ lưỡng sao cho đất mịn và được nén chặt, phải loại bỏ gốc, rể cây, vật sắc nhọn… . Nếu sử dụng cống trung tâm, nó phải được thiết kế và lắp đặt đúng cách.
Các tấm bạt phải được lót dọc theo bề mặt nhẵn của đáy ao và bờ, đồng thời phải cố định trên mặt bờ bằng cách chôn các mép trong bờ theo rãnh 50 cm. Đối với ao có đáy thấp hơn mực nước bên ngoài hoặc ao được xây dựng ở nơi mực nước ngầm gần bề mặt đất, có thể cần một số ống thông hơi để nước từ dưới lớp bạt thoát ra ngoài, đồng thời ngăn bong bóng hình thành và lớp lót nhựa không bị phồng lên.
Nếu có thể - như trong trường hợp ao mới được xây dựng - hình dạng ao nên được thiết kế để giảm thiểu số lượng các tấm lót nhựa cần được kết nối, vì các khớp nối là phần yếu nhất của lớp bạt. Tại các nơi nối bạt, cần phải có khoảng nối từ 12 - 15 cm để chúng có thể kết nối với nhau một cách chặt chẽ và lâu bền. Đặc biệt chú ý đến khu vực cống thoát nước trung tâm và cổng dẫn nước, vì lớp nhựa lót có thể tiếp xúc với các loại vật liệu khác và dẫn đến các mối nối yếu hơn.
Quan điểm
Các ao lót bạt, nếu được lắp đặt và quản lý đúng cách sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất của các ao nuôi tôm, cho phép tạo ra nhiều chu kỳ sản xuất hơn mỗi năm do giảm thời gian nghỉ giữa các chu kỳ, tỷ lệ sục khí cơ học và mật độ thả cao hơn. Chi phí vốn cho việc lót bạt ao có thể rất đáng kể, do đó, nên phân tích tính khả thi kỹ lưỡng khi xem xét mô hình sản xuất này.
Nguồn: https://www.aquaculturealliance.org
Dịch bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận – VPAS JSC