Net Worth
Giá trị ròng
Khái niệm
Giá trị ròng là thước đo sự giàu có của một thực thể, người hoặc công ty, cũng như các ngành và các quốc gia.
Có thể hiểu đơn giản, giá trị ròng được định nghĩa là chênh lệch giữa tài sản và nợ phải trả. Đây là số liệu quan trọng để đánh giá sức khỏe tài chính của một công ty và nó cung cấp một bức tranh khái quát về tình hình tài chính hiện tại của công ty đó.
Giá trị ròng được tính bằng cách lấy tài sản trừ đi tất cả các khoản nợ. Tài sản là bất cứ thứ gì thuộc sở hữu và có giá trị tiền tệ, còn nợ phải trả là những nghĩa vụ làm suy yếu nguồn lực.
Giá trị ròng dương có nghĩa là tài sản vượt quá nợ phải trả, còn giá trị ròng âm là nợ phải trả vượt quá tài sản. Giá trị ròng dương và tăng lên cho thấy sức khỏe tài chính tốt. Ngược lại, giá trị ròng giảm có thể báo hiệu sự sụt giảm tài sản liên quan đến nợ phải trả.
Cách tốt nhất để cải thiện giá trị ròng là giảm nợ trong khi tài sản không thay đổi hoặc tăng; hoặc tăng tài sản trong khi nợ phải trả không thay đổi hoặc giảm.
Giá trị ròng trong kinh doanh
Trong kinh doanh, giá trị ròng còn được gọi là giá trị sổ sách hoặc vốn cổ đông. Bảng cân đối kế toán còn được gọi là sao kê giá trị ròng. Giá trị vốn cổ phần của công ty bằng với chênh lệch giữa giá trị của tổng tài sản và tổng nợ phải trả.
Lưu ý: các giá trị trên bảng cân đối kế toán của công ty nêu ra chi phí hoặc giá trị sổ sách trong quá khứ, chứ không phải giá trị thị trường hiện tại.
Người cho vay xem xét giá trị ròng của một doanh nghiệp để xác định xem nó có tài chính lành mạnh hay không. Nếu tổng nợ phải trả vượt quá tổng tài sản, chủ nợ có thể không quá tin tưởng vào khả năng trả nợ của công ty.
Một công ty có lợi nhuận ổn định sẽ có giá trị ròng hoặc giá trị sổ sách tăng miễn là các khoản thu nhập này không bị phân phối đầy đủ cho các cổ đông dưới dạng cổ tức. Đối với một công ty đại chúng, giá trị sổ sách tăng lên thường sẽ đi kèm với việc tăng giá trị cổ phiếu của công ty.
Giá trị ròng trong tài chính cá nhân
Giá trị ròng của một cá nhân chỉ đơn giản là giá trị còn lại sau khi lấy tài sản trừ đi các khoản nợ. Các khoản nợ có thể là các khoản thế chấp, số dư thẻ tín dụng, khoản vay sinh viên hoặc khoản vay mua ô tô,... Tài sản của cá nhân có thể là séc và số dư tài khoản tiết kiệm, giá trị chứng khoán (cổ phiếu hoặc trái phiếu), giá trị bất động sản, giá trị thị trường của ô tô,...
Nói cách khác, bất cứ thứ gì còn sót lại sau khi bán toàn bộ tài sản và trả toàn bộ khoản nợ cá nhân thì là giá trị ròng. Lưu ý mọi giá trị và chi phí chỉ tính ở thời điểm hiện tại.
Ví dụ về giá trị ròng
Một cặp vợ chồng có các tài sản sau: căn hộ chính trị giá 250.000 đô la, danh mục đầu tư có giá trị thị trường 100.000 đô la, ô tô và các tài sản khác trị giá 25.000 đô la. Nợ phải trả là số dư thế chấp chưa thanh toán 100.000 đô la và khoản vay mua ô tô là 10.000 đô la.
Như vậy, giá trị ròng của cặp vợ chồng là:
($ 250.000 + $ 100.000 + $ 25.000) - ($ 100.000 + $ 10.000) = $ 265.000
Giả sử rằng 5 năm sau, tình hình tài chính của cặp vợ chồng thay đổi: giá trị căn hộ là 225.000 đô la, danh mục đầu tư là 120.000 đô la, tiền tiết kiệm 20.000 đô la, ô tô và tài sản khác là 15.000 đô la; dư nợ vay thế chấp 80.000 đô la và khoản vay mua xe là 0 đô la (do đã trả hết).
Giá trị ròng của 5 năm sau sẽ là:
($ 225.000 + $ 120.000 + $ 20.000 + $ 15.000) - $ 80.000 = $ 300.000.
Nói cách khác, giá trị ròng của cặp vợ chồng đã tăng thêm 35.000 đô la mặc dù giá trị nhà ở và ô tô của họ giảm đi. Sự tăng lên của giá trị ròng là do sự hư hao giá trị nhà ở được bù đắp nhiều hơn bằng cách tăng các tài sản khác (danh mục đầu tư, tiền tiết kiệm), cũng như giảm được khoản nợ phải trả.
(Theo Investopedia)
Nguồn: https://vietnambiz.vn