Kỹ thuật ương Raceway giúp gia tăng tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của tôm
Tôm chân trắng là đối tượng nuôi quan trọng của nghề nuôi trồng thủy sản hiện nay, tuy nhiên trong vài năm qua người nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh – đặc biệt là EMS – tỷ lệ sống thấp và tốc độ tăng trưởng chậm. Nhiều giải pháp kỹ thuật được người nuôi áp dụng và để khắc phục vấn đề trên. Một trong những giải pháp quan trọng mà gần đây người nuôi thỉnh thoảng vẫn áp dụng là ương tôm một thời gian ngắn trước khi thả ra môi trường ao nuôi tôm thịt. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều thành công cũng như đúc kết được một mô hình hoàn chỉnh nhất cho vấn đề này.
Ương tôm với mật độ cao trong hệ thống ương Raceway trước khi thả ra ao nuôi là một giải pháp đúng đắn và đã được thực hiện từ cách nay hơn 14 năm, khi mà con giống tôm chưa được cải thiện các tính trạng di truyền như hiện nay, kỹ thuật nuôi còn nhiều hạn chế.
Bằng bài lược dịch bên dưới, tôi muốn trình bày cho người nuôi thấy kỹ thuật ương sơ khai từ cách nay nhiều năm như là một tài liệu tham khảo. Mặc dù kết quả cho thấy tỷ lệ sống còn thấp, mật độ thả thưa, thời gian nuôi kéo dài ….so với kết quả ngày nay nhưng người nuôi cần nhìn vào những mặt tích cực của mô hình này chẳng hạn như tỷ lệ sống được tăng lên, tốc độ tăng trưởng tốt, năng suất cao, thời gian nuôi ngắn, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn…. Mô hình ương Raceway ngày nay đã được cải thiện rất nhiều và đã khá hoàn chỉnh, chúng tôi sẽ trình bày nó trong một bài báo cáo khác hoàn chỉnh hơn, qua đó hy vọng có thể giúp người nuôi thêm một giải pháp kỹ thuật đặc thù cho giai đoạn khó khăn hiện nay.
BÀI LƯỢC DỊCH - GIA TĂNG TỶ LỆ SỐNG VÀ NĂNG SUẤT TÔM NUÔI BẰNG KỸ THUẬT ƯƠNG RACEWAY
Tóm tắt: Sử dụng hệ thống ương thâm canh tôm trong điều kiện an toàn sinh học là công cụ quản lý bệnh đốm trắng quan trọng. Trong bài này, chúng tôi sẽ mô tả việc sử dụng hệ thống ương raceway tôm thẻ chân trắng ở Ecuador.
Hầu hết số liệu được trình bày trong bài viết này dựa trên kết quả của hơn 40 chu kỳ ương thâm canh theo mô hình Raceway tại trại sản xuất giống Semacua Complex ở Salinas, Ecuador. Một số số liệu bổ sung được lấy từ kết quả thực nghiệm và sản xuất thực tiễn tại trang trại Pesquera Industrial Bravito S.A. gần Machala, Ecuador
Hệ thống Raceway
Hệ thống bao gồm 12 bể xi măng có lót bạt HDPE và được đặt hoàn toàn trong nhà. Mỗi bể 120 m3 có kích thước 30 x 3.35 x 1,2 m. Hệ thống cung cấp khí được đảm nhiệm bởi hai máy thổi khí với tổng công suất 25 hp. Mỗi hệ thống Raceway bao gồm ống cấp nước mặn và nước ngọt, ống xả, hệ thống cung cấp khí.
Hình 1: Công nân đang kiểm tra tôm trong hệ thống Raceway
Quản lý hệ thống Raceway
Quản lý hệ thống Raceway bao gồm quản lý khử trùng bằng chlorine, cấy tảo, kiểm soát thức ăn và chất lượng nước, quản lý sức khỏe tôm và tốc độ tăng trưởng. Nước biển được cấp vào hệ thống và được khử trùng bằng chlorine với hàm lượng 10 – 15 ppm, sau đó khử chlorine dư sau 24 giờ bằng Sodium thiosulphate. Nước trong hệ thống ương Raceway được duy trì suốt thời gian ương và không thay nước. Ngoài ra, nước dự phòng cũng được chuẩn bị bằng cách khử trùng chlorine để cấp thêm vào hệ thống do hao hụt qua bay hơi hoặc mất đi trong quá trình lọc tuần hoàn qua cát.
24 giờ trước khi thả giống vào hệ thống Raceway, NaNO3, NaH2PO4, Na2SiO3, và Sequestrine (một dạng sản phẩm gây màu nước) với hàm lượng 2.0, 0.2, 0.5, và 1.0 ppm theo trình tự sẽ được bổ sung vào hệ thống, tảo Chaetoceros muelleri hoặc C.gracilis được cấy vào hệ thống với mật độ ban đầu là 4 x 104 tế bào tảo/ml. Artemia sinh khối và thức ăn nhân tạo chuyên dùng (Zeigler PL Ready Reserve và Rangen số 0 dạng mảnh) cũng được cho vào hệ thống Raceway trước khi thả giống.
Hình 2: Toàn cảnh một hệ thống Raceway tại Ecuador
Thả giống và cho ăn
Tôm giống PL 7 – 15 được thả vào hệ thống Raceway với mật độ từ 20 – 80 con/lit. Tôm giống được kiểm tra bệnh đốm trắng bằng kỹ thuật PCR từ 2 - 3 ngày trước đó. Tôm có kết quả dương tính với đốm trắng (tức đã bị nhiễm bệnh đốm trắng) và tôm có kết quả âm tính với đốm trắng được thả riêng biệt vào các hệ thống Raceway khác nhau. Thức ăn nhân tạo được cho ăn cứ mỗi 4 giờ một lần. Tỷ lệ cho ăn giảm dần từ 25% đến 12,5% tổng trọng lượng thân theo thời gian ương cho đến khi thu hoạch.
Tốc độ tăng trưởng của tôm được kiểm tra 3 ngày/lần và lượng thức ăn được điều chỉnh tùy theo tốc độ tăng trưởng. Oxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm và sức khỏe tôm được kiểm tra hàng ngày, Trong khi đó các chỉ số TAN (tổng đạm amon), NO2, NO3 được kiểm tra mỗi 3 – 5 ngày/lần.
Chu kỳ ương của mỗi hệ thống kéo dài từ 14 – 16 ngày. Tỷ lệ sống của tôm được đánh giá lúc thu hoạch sau khi kết thúc chu kỳ bằng phương pháp đo thể tích (volummetric method) và trọng lượng (weight method).
Hệ thống ương tại trang trại Bravito
Tại trang trại Bravito, việc ương tôm được tiến hành trong các bể ương 50 m3 có lót bạt HDPE và có kích thước 15 x 3,5 x 1.12 m. Không giống như tại trại giống Sectima Complex, hệ thống ương của Bravito thay 40% nước hàng ngày bằng cách sử dụng nước lọc qua hệ thống lưới lọc liên hoàn có kích thước mắt lưới giảm dần từ 500 – 100 micron vào bể lắng có dung tích 25 m3.
Tôm được cho ăn Artemia sinh khối làm giàu DHA, astaxanthin và dầu gan cá tuyết sau khi thả giống. Thức ăn nhân tạo Zeigler PL Ready Reserve số 0 và số 1 cũng được sử dụng trong hệ thống ương này từ 18 – 24 giờ sau khi thả.
Tôm giống thả trong hệ hống Raceway bao gồm tôm không mang mầm bệnh đốm trắng và có nhiễm đốm trắng với mật độ 30 – 50 con/lit. Thời gian ương dao động trong khoảng từ 12 – 30 ngày.
Chất lượng nước
Trong tuần lễ đầu tiên sau khi thả giống, chỉ cần một lượng nước tối thiểu tuần hoàn để duy trì chất lượng nước trong hệ thống. Nước sử dụng hàng ngày giảm từ 300% đến còn ít hơn 1%/ngày. Tuần hoàn và lọc nước chỉ được bắt đầu sau 07 – 08 ngày. Trong suốt quá trình ương không có bất kỳ hoạt chất nào được cho ăn bổ sung nhằm mục đích kiểm soát bùng phát bệnh.
Mặc dù hàm lượng ammonia và nitrite trong hệ thống ương thỉnh thoảng được phát hiện ở mức gây chết cho tôm nhưng tôm vẫn tăng trưởng và đạt tỷ lệ sống cao.
Tỷ lệ sống và tăng trưởng
Tỷ lệ sống trung bình là 69% được xác định bằng phương pháp ước lượng thể tích và 80,5% bằng phương pháp kiểm tra trọng lượng. Đánh giá tỷ lệ sống bằng phương pháp trọng lượng sẽ cho kết quả chính xác hơn phương pháp thể tích.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của tôm trong hệ thống ương Raceway bị ảnh hưởng bởi mật độ thả cao nhưng kết quả đều cho thấy tôm tăng trưởng gấp 2 lần sau mỗi đợt kiểm tra cách nhau 3 – 4 ngày trong suốt chu kỳ ương. Ngoài ra, sau 10 – 12 ngày ương, tốc độ tăng trưởng của tôm tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng này tương đương với tôm trong hệ thống ương Raceway tại trang trại Bravito.
Ở mật độ thả cao hơn 70 con/lit cho thấy kết quả kém hơn, tôm yếu và tỷ lệ chết tăng cao trong vài trường hợp.
Những ao thả tôm giống từ hệ thống ương Raceway có tỷ lệ sống cao hơn 16% so với thả trực tiếp vào ao nuôi không qua ương. Bảng 1 cho thấy số liệu tổng hợp của tôm giống trong ao nuôi có nguồn gốc từ các hệ thống ương Raceway trong khi bảng 2 là số liệu của tôm thả trực tiếp.
Bảng 1 – Kết quả ao nuôi thương phẩm từ trang trại Bravito ở Ecuador cho thấy lợi ích của việc thả tôm giống từ hệ thống ương Raceway
Bảng 2 – Kết quả ao nuôi thương phẩm tại trang trại Bravito ở Ecuador đối với trường hợp thả giống trực tiếp không qua ương Raceway cho thấy những ảnh hưởng nhất định đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống.
Kết luận
Ao nuôi được thả giống từ những hệ thống ương Raceway có tỷ lệ sống và tỷ lệ tăng trưởng cao trong vùng bị nhiễm bệnh đốm trắng tại Ecuador, tỷ lệ sống trung bình đạt 21% trong mùa lạnh – là mùa có tần suất lưu hành bệnh cao – và được kỳ vọng cao hơn khi thời tiết ấm áp hơn.
Tỷ lệ sống càng tăng cao hơn trong những hệ thống Raceway có kèm theo các biện pháp kiểm soát bệnh (như chọn giống chất lượng cao và áp dụng an toàn sinh học). Amonia và nitrie hình thành trong Raceway có thể kiểm soát và tránh được bằng cách giảm mật độ ương xuống dưới 10 con/lit. Ở mật độ ương cao hơn 40 con/lit, việc kiểm soát bùng phát tảo, gia tăng hàm lượng amonia, nitrit trở nên khó kiểm soát hơn. Các công việc cần nghiên cứu thực hành thêm sau này là làm sao kiểm soát tảo và kiểm soát chất lượng nước ở mật độ ương cao hơn.
Tác giả:
Tzachi Samocha, Ph.D., Shrimp Mariculture Research Facility, Corpus Christi, Texas, USA
Jorge Cordova, Farm Owner, Belere S.A., Machala, Ecuador
Todd Blacher, Special Project Manager, Empagran, Guayaquil, Ecuador
Alex de Wind, Production Manager, Pesquera Industrial Bravito S.A., Machala, Ecuador
Nguồn: Raceway Nursery Production Increases Shrimp Survival and Yields in Ecuador - The Advocate - Tháng 12/2000
Người dịch: KS NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN - VPAS JSC