DDT, nhựa, dầu, chất thải và hóa chất nguy hiểm khác đang gây ô nhiễm đại dương

DDT, nhựa, dầu, chất thải và hóa chất nguy hiểm khác đang gây ô nhiễm đại dương

Gần đây các nhà khoa học đã phát hiện ra mức độ ô nhiễm DDT độc hại xảy ra sâu trong đại dương ngoài khơi Los Angeles, California lớn hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây

Gần đây các nhà khoa học đã phát hiện ra mức độ ô nhiễm DDT độc hại xảy ra sâu trong đại dương ngoài khơi Los Angeles, California lớn hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, với ước tính mới là hàng trăm nghìn thùng và tài liệu cho thấy nhiều thùng đã xuống cấp và rò rỉ. Hàng trăm nghìn thùng nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn hơn cả San Francisco và sâu hơn nửa dặm. Các nhà khoa học đã tìm thấy DDT, một chất gây ung thư được biết đến ở người, tích tụ trong cá heo Nam California, và gây ung thư cho sư tử biển California.

 

DDT là Dichloro-Diphenyl-Trichloroethane là một chất hữu cơ cao phân tử tổng hợp, có chứa clo, ở dạng bột có màu trắng, mùi đặc trưng, không tan trong nước. DDT đã từng được sử dụng như là một loại thuốc kỳ diệu để diệt trừ côn trùng gây hại, là giải pháp đơn giản và rẻ để tiêu diệt rất hiệu quả sâu hại mùa màng góp phần nâng cao năng suất và diệt nhiều côn trùng gây dịch cho người như chấy, rận, muỗi…

 

Oceana kêu gọi Chính quyền Biden phối hợp với bang California mời các chuyên gia của mình đến khảo sát toàn bộ khu vực và đánh giá mức độ ô nhiễm cũng như tình hình thực tế. Một kế hoạch hành động toàn diện để giảm thiểu và làm sạch phải được phát triển, tài trợ và thực hiện. Điều này phải được ưu tiên để đảm bảo rằng vùng biển Nam California của chúng ta có thể không có các chất gây ô nhiễm này, nhằm để bảo vệ sinh vật biển và sức khỏe cộng đồng. Các bên có những hành động không thể chấp nhận được này phải chịu trách nhiệm, vì hành động của họ sẽ tiếp tục gây hại cho động vật hoang dã đại dương và có khả năng là con người trong nhiều năm tới.

 

Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã ngừng sử dụng DDT vào năm 1972, để đối phó với những tác động xấu đến môi trường của nó.

 

Các chiến dịch của Oceana nhằm bảo vệ sức khỏe và sự phong phú của các đại dương trên thế giới bằng cách ngăn chặn các nguồn ô nhiễm đại dương hàng đầu hiện nay, như nhựa, dầu và chất thải từ khai thác mỏ.

 

Cách Oceana vận động để bảo vệ đại dương của chúng ta khỏi những mối đe dọa này

 

Dừng khủng hoảng ô nhiễm nhựa đại dương

 

Các đại dương phải đối mặt với một mối đe dọa lớn và ngày càng tăng từ thứ mà bạn gặp phải hàng ngày: nhựa. Ước tính có khoảng 33 tỷ pound nhựa (01 pound gần bằng khoảng 0,5 kg) đổ vào đại dương mỗi năm - con số này gần tương đương với việc đổ hai xe rác đầy nhựa xuống đại dương mỗi phút.

 

Ô nhiễm nhựa đại dương đe dọa khả năng tồn tại của các hệ sinh thái biển quan trọng, và nhựa không bao giờ biến mất. Thay vào đó, chúng phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn, hoạt động như nam châm hút các chất ô nhiễm có hại. Khi bị cá ăn, một số vi nhựa chứa đầy hóa chất đó có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn và xâm nhập cả vào cá mà chúng ta ăn.

 

Các chiến dịch của Oceana ở 9 quốc gia và Liên minh Châu Âu nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương có ý nghĩa bằng cách giảm sản xuất và tái sử dụng nhựa vứt bỏ.

 

Các nhóm của chúng tôi đã giúp giành được các chính sách giảm ô nhiễm nhựa cấp quốc gia ở Belize và Peru, cũng như ở các bang của Hoa Kỳ bao gồm New York, Virginia và Washington, và chúng tôi tiếp tục vận động để có các chính sách bổ sung nhằm giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng này.

 

Oceana cũng kêu gọi các công ty như Amazon và các lĩnh vực như ngành đồ uống không cồn giảm việc sử dụng đồ nhựa bỏ đi và mang đến cho khách hàng sự lựa chọn không dùng đồ nhựa.

 

Tìm hiểu thêm và cách bạn có thể hỗ trợ chiến dịch của Oceana nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa tại đây.

 

Xem video về ô nhiễm nhựa đại dương gây ảnh hưởng thương tâm đến các sinh vật đại dương của Oceana tại đây.

 

Ngăn ngừa việc mở rộng khoan dầu

 

Việc khoan dầu khí ngoài khơi đe dọa sinh vật biển, các cộng đồng ven biển và chính sức khỏe của hành tinh chúng ta. Dầu có thể tồn tại trong môi trường rất lâu sau khi bị tràn và được cấu tạo bởi các hợp chất độc hại bao gồm kim loại vết và hydrocacbon thơm đa vòng, nhiều chất trong số đó có thể gây ung thư. Việc đốt các nhiên liệu hóa thạch, như dầu và khí đốt, cũng là nguồn ô nhiễm carbon hàng đầu, gây ra biến đổi khí hậu và axit hóa đại dương.

 

Thảm họa tràn dầu BP Deepwater Horizon năm 2010 cho thấy sự nguy hiểm của việc khoan dầu ngoài khơi. 200 triệu gallons dầu tràn vào vịnh Mexico trong 87 ngày làm ảnh hưởng đến các sinh vật đại dương, kinh tế và kế sinh nhai trong khu vực và dầu lan rộng 1.300 dặm.

 

Nhóm của Oceana ở Belize đã thành công khi đã tác động dẫn đến lệnh cấm khai thác và khoan dầu ngoài khơi trong toàn bộ vùng biển Belizean, bảo vệ rạn san hô Mesoamerican - rạn san hô lớn thứ hai trên thế giới - và sinh kế của các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch. Oceana tiếp tục bảo vệ lệnh cấm khoan và chiến dịch khôi phục sự phong phú của lãnh thổ đại dương của Belize.

 

Tại Hoa Kỳ, chiến dịch vận động của Oceana đã giúp Shell từ bỏ kế hoạch khoan ở Bắc Băng Dương của Hoa Kỳ vào năm 2015, nhằm bảo vệ hệ sinh thái độc đáo này và sinh vật biển của nó. Chiến dịch của chúng tôi cũng thuyết phục Tổng thống Obama không mở rộng hoạt động khoan ngoài khơi, và ngăn cản Tổng thống Trump tiến tới với hoạt động khoan mới. Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của mình, Trump đã đặt thời hạn 10 năm cho việc khoan dầu ở bốn bang phía đông nam - Florida, Georgia, Nam Carolina và Bắc Carolina. Vào tháng 1 năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã tạm dừng mọi hoạt động cho thuê dầu khí ngoài khơi của liên bang, sau khi Oceana vận động cấp cơ sở để bảo vệ tất cả các vùng biển của Hoa Kỳ khỏi việc mở rộng hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi.

 

Oceana tiếp tục vận động bảo vệ vĩnh viễn các vùng biển của Hoa Kỳ khỏi hoạt động khoan mở rộng. Việc ngừng cho thuê mới đối với dầu khí ngoài khơi - nếu được thực hiện vĩnh viễn - có thể ngăn chặn phát thải hơn 19 tỷ tấn khí nhà kính và khắc phục thiệt hại hơn 720 tỷ USD cho con người, tài sản và môi trường.

 

Ngừng thải quặng đuôi độc hại

 

Trong khai thác mỏ, một khi đá được lấy lên từ đất, nó sẽ được nghiền thành các hạt rất mịn, thường được tinh chế bằng cách sử dụng hóa chất, để tách vật liệu có giá trị, như đồng hoặc coban, khỏi chất thải. Quá trình này tạo ra một sản phẩm phụ từ bùn thải độc hại được gọi là “mine tailings” (quặng đuôi, đuôi quặng hay quặng cuối - không có giá trị về kinh tế và bị thải bỏ trong quá trình khai thác khoáng sản, quặng đuôi cũng khác với đất đá thải hoặc vật liệu phủ trên mỏ quặng, chúng bị di dời trong quá trình khai thác khoáng sản mà không được xử lý), quặng đuôi chứa các chất như asen và thủy ngân đe dọa sức khỏe con người và động vật hoang dã.

 

Chất thải của mỏ đổ ra đại dương có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái tại các bãi thải, bóp nghẹt môi trường sống dưới đáy biển và giảm đa dạng sinh học, cũng như gây thiệt hại cho sức khỏe con người do ăn phải hải sản ô nhiễm. Quặng đuôi có thể di chuyển hàng trăm dặm theo dòng chảy và gây nguy hại cho hệ sinh thái.

 

Chile là một trong số ít các quốc gia vẫn xảy ra tình trạng đổ chất thải của mỏ xuống đại dương. Trong hơn 40 năm, Compañía Minera del Pacífico (CAP) ở xã Huasco, vùng Atacama của Chile đã đổ chất thải mỏ của mình xuống đại dương, gây ra thiệt hại không thể phục hồi cho hệ sinh thái và gây nguy hiểm cho cuộc sống và sinh kế của cộng đồng địa phương.

 

CAP phải ngừng việc đổ rác ra biển vào năm 2022 nếu không sẽ phải đối mặt với các hậu quả pháp lý, sau khi Oceana vận động thành công. Không có công ty nào khác ở Chile hiện đang đổ chất thải của mỏ xuống đại dương.

 

Oceana tiếp tục vận động đòi hỏi quy định của chính phủ để cấm xử lý hợp pháp chất thải quặng đuôi trên biển và ngăn cản các công ty khai thác khác trong tương lai tham gia vào hoạt động này.

 

Theo https://oceana.org/

 

Lược dịch bởi Ngọc Hân Mai – VPAS JSC