Coaching
Huấn luyện
Coaching (huấn luyện) là hoạt động đào tạo nhằm mục đích cải thiện hiệu suất cá nhân cũng như đội nhóm. Trong đó, người coach đóng vai trò hỗ trợ người được coach (coachee) tự học tập và phát triển bản thân. Liên đoàn Huấn luyện quốc tế (ICF) định nghĩa đây là quá trình hợp tác giữa đôi bên nhằm kích thích tư duy và sáng tạo, truyền cảm hứng để coachee phát huy tối đa tiềm năng cá nhân và nghề nghiệp.
Một cách tổng quát, coaching là quá trình cho phép cá nhân hoặc đội nhóm suy niệm và nhận thức được họ là ai, điều gì quan trọng đối với họ, điểm mạnh của bản thân, những khó khăn đang gặp phải, các giải pháp hiện có và điều cần làm để hiện thực hóa các thay đổi họ mong muốn trong công việc hoặc cuộc sống.
Một người coach giỏi luôn tin tưởng rằng mỗi cá nhân luôn có khả năng tự tìm ra câu trả lời cho vấn đề của riêng họ – miễn là họ nhận được sự trợ giúp tương ứng.
“Huấn luyện (coaching) là quá trình khai mở tiềm năng và tối đa hóa hiệu suất của coachee. Mục đích chính không phải là dạy, nhưng giúp cá nhân người coach tự học hỏi và phát triển chính mình” – John Whitmore, trong Huấn luyện gia tăng Hiệu suất (Coaching for Performance)
Nguồn gốc của coaching
Coaching (huấn luyện) vốn là thuật ngữ được sử dụng trong thể thao. Mỗi vận động viên hàng đầu đều cần đến một huấn luyện viên. Trong nhiều năm gần đây, hoạt động này đã và đang trở nên phổ biến trong mọi lĩnh vực kinh doanh và cuộc sống.
Ấn phẩm đầu tiên về coaching được viết bởi Timothy Gallwey và xuất bản năm 1974 với tên gọi “The Inner Game of Tennis“. Trong đó, Gallwey đã mô tả các nguyên tắc làm việc của huấn luyện viên thể thao với các giáo viên của mình và cách những nguyên tắc này có thể được ứng dụng từ thể thao sang các lĩnh vực khác của cuộc sống.
Theo Timothy Gallwey, trở ngại lớn nhất ngăn cản người ta thành công xuất phát từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Ông cho rằng câu trả lời cho những vấn đề hiện tại trong công việc và cuộc sống đều có thể tìm thấy trong chính mỗi chúng ta. Điều quan trọng là ta phải thay đổi tư duy và cách nhìn nhận sự việc. Đó chính là lúc người coach (huấn luyện viên) phát huy vai trò của mình.
Những nghiên cứu củ a Gallwey được tiếp nối bởi đồng môn của ông là John Whitmore. Năm 1979, Whitmore phổ biến các nguyên tắc của “Trò chơi bên trong” (Inner game) ở Anh Quốc. Vào cuối những năm 1980, ông đã phát triển mô hình GROW (Mục tiêu, Thực tế, Tùy chọn, Cái gì). Năm 1992, ông xuất bản tác phẩm “Coaching for Performance” – cuốn sách này về sau đã trở thành tiêu chuẩn của ngành coaching. Vì những đóng góp của mình, John Whitmore được xem là cha đẻ của coaching hiện đại.
Từ giữa thập niên 1990, các tổ chức quốc tế đầu tiên về huấn luyện bắt đầu được thành lập như: Hiệp hội Huấn luyện viên (Association for Coaching) và Liên đoàn Huấn luyện viên Quốc tế (International Federation Coach). Các tổ chức này đã có những đóng góp quý báu trong việc xây dựng các tiêu chuẩn đào tạo coaching.
Theo: https://vncmd.com
Tham khảo bài viết đầy đủ tại đây: https://vncmd.com/chuyen-de/coaching-mentoring/coaching/