0-9
A
B
C
D
E
F
G
H
I
J
K
L
M
N
O
P
Q
R
S
T
U
V
W
X
Y
Z

Balance sheet

Lĩnh vực :

Bảng cân đối kế toán

 

Định nghĩa

 

Bảng cân đối kế toán trong tiếng Anh là Balance sheet. Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ tài sản hiện có và nguồn vốn để hình thành các tài sản của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.

 

Các thuật ngữ liên quan

 

Báo cáo tài chính phản ánh tổng hợp các số liệu tài chính quan trọng của doanh nghiệp trong một giai đoạn nhất định. 

 

Theo chế độ tài chính hiện hành, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm:

 

- Bảng cân đối kế toán

 

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

 

- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

 

- Bản thuyết minh báo cáo tài chính

 

Bản chất

 

Bảng cân đối kế toán phản ánh số liệu về giá trị toàn bộ các tài sản và nguồn vốn hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Vì vậy, người ta coi bảng cân đối kế toán như một bức ảnh chụp nhanh toàn bộ nguồn lực tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm, thường là cuối năm, cuối quí hoặc cuối tháng.

 

Kết cấu

 

Bảng cân đối kế toán được chia làm hai phần tài sản và nguồn vốn theo nguyên tắc cân đối: 

 

Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn.

 

Hình thức trình bày của bảng cân đối kế toán như sau:

 

Screenshot (87)

Hình thức Bảng cân đối kế toán. Nguồn: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính

 

Phần tài sản: Các tài sản được sắp xếp theo trật tự tính thanh khoản giảm dần. Theo đó, những tài sản có tính thanh khoản cao được sắp xếp ở vị trí đầu bảng và giảm dần khi di chuyển xuống dưới.

 

Phần nguồn vốn được sắp xếp theo tính cấp bách về yêu cầu hoàn trả. Do vậy, các nguồn vốn được sắp xếp theo trật tự từ nguồn vốn nợ đến nguồn vốn chủ sở hữu. Nguồn vốn nợ bao gồm nguồn vốn chiếm dụng và nguồn vốn vay (gọi chung là nợ phải trả). Nguồn vốn nợ xếp theo trật tự lần lượt là: Các khoản nợ ngắn hạn, các khoản nợ trung và dài hạn. 

 

Nội dung

 

Tất cả các tài sản đều phải được tài trợ bằng một nguồn tài trợ nào đó như vốn nợ hay vốn chủ sở hữu. Mỗi phần đều có ý nghĩa về mặt kinh tế và pháp lí riêng.

 

Đối với phần tài sản

 

- Về mặt pháp lí: Phần tài sản phản ánh giá trị của toàn bộ tài sản hiện có tại thời điểm lập báo cáo, thuộc quyền quản lí và sử dụng của doanh nghiệp. 

 

- Về mặt kinh tế: Các số liệu ở phần tài sản phải ánh qui mô và kết cấu các loại vốn, tài sản của doanh nghiệp hiện có tại thời điểm lập báo cáo tồn tại dưới hình thái vật chất hay phi vật chất như vốn bằng tiền, các khoản phải thu, hàng tồn kho, tài sản cố định...Thông qua đó, có thể đánh giá một cách tổng quát qui mô vốn và mức độ phân bổ sử dụng vốn của doanh nghiệp.

 

Đối với phần nguồn vốn

 

- Về mặt pháp lí: Phần nguồn vốn phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo. Qua đó cho biết doanh nghiệp có trách nhiệm pháp lí phải trả đối với khoản nợ là bao nhiêu và các chủ nợ biết được giới hạn trách nhiệm của chủ sở hữu đối với các khoản nợ của doanh nghiệp.

 

- Về mặt kinh tế: Số liệu ở phần nguồn vốn thể hiện qui mô và cơ cấu các nguồn vốn được đầu tư và huy động vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Thông qua đó có thể đánh giá một cách khái quát mức độ tự chủ về tài chính và khả năng rủi ro tài chính của doanh nghiệp.

 

Việc nắm vững khía cạnh pháp lí và kinh tế của các số liệu trên bảng cân đối kế toán giúp hiểu được ý nghĩa của các hệ số tài chính của doanh nghiệp.

 

Hạn chế của Bảng cân đối kế toán

 

- Bảng cân đối kế toán phản ánh giá trị sổ sách của các tài sản, được lập theo nguyên tắc giá gốc (giá phí lịch sử); vì vậy khó có sự ăn khớp giữa giá trị tài sản theo sổ sách với giá trị tài sản trên thị trường.

 

- Bảng cân đối kế toán chỉ phản ánh số liệu tại thời điểm lập báo cáo tài chính (đầu kì, cuối kì), vì vậy nếu chỉ dựa vào số liệu trên Bảng cân đối kế toán sẽ khó đánh giá sự vận động của các loại tài sản và nguồn vốn trong cả thời kì hay giai đoạn.

 

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính)

 

Nguồn: https://vietnambiz.vn